Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 291.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.700 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần 112 triệu ca, trong đó trên 2,47 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 48.000 ca), Brazil (29.026 ca) và Pháp (22.046 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.113 ca), Mexico (832 ca) và Brazil (498 ca).
Trong bối cảnh các nước đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết Moskva nhận thấy sự ủng hộ của Áo, Đức, Pháp, và Italy đối với vaccine Sputnik V do nước này phát triển.
Phát biểu trên đài truyền hình Ö1 của Áo, ông Dmitriev nói: “Chúng tôi nhận thấy sự ủng hộ của Áo, Đức, Pháp, Italy. Các chính trị gia ở những nước này nói rằng mọi người nên có quyền lựa chọn vaccine… Mọi người đều đang cố gắng tìm kiếm một loại yếu tố chính trị nào đó liên quan vấn đề vaccine, song đơn giản nó không tồn tại”.
Bên cạnh đó, ông Dmitriev cũng khẳng định rằng Nga đang đàm phán với một số công ty Áo để sản xuất Sputnik V. Ông nói: “Áo có một số công ty tốt nhất trên thế giới về sản xuất dược phẩm. Chúng tôi đang đàm phán với một số công ty Áo. Chúng tôi muốn có quan hệ đối tác với Áo để sản xuất và xuất khẩu vaccine từ Áo sang các nước khác”. Tuy nhiên, ông Dmitriev không tiết lộ tên các doanh nghiệp Áo đang tham gia đàm phán.
Nga đã cấp phép sử dụng Sputnik V hồi tháng 8/2020 và giai đoạn thử nghiệm sau cùng bắt đầu vào tháng 9. Đến tháng 12, Nga triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vaccine Sputnik V trên diện rộng sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine này đạt hiệu quả tới 91,4%. Tính đến nay, hơn 2 triệu người Nga đã được tiêm chủng ít nhất mũi đầu của vaccine Sputnik V.
Hàn Quốc thông báo kế hoạch tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết từ ngày 27/2, nước này sẽ bắt đầu tiêm 117.000 liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho nhân viên y tế đang tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh. Số vaccine này dự kiến sẽ đến Hàn Quốc trong ngày 26/2.
Nước này cũng sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của công ty dược AstraZeneca (Anh) từ ngày 26/2, với những mũi tiêm đầu tiên dành cho nhân viên y tế và bệnh nhân dưới 65 tuổi tại các bệnh viện và cơ sở điều dưỡng.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nêu rõ: “Chính phủ đã chịu trách nhiệm xác minh sự an toàn và hiệu quả của vaccine, nên chúng tôi yêu cầu các bạn tin tưởng và tham gia tiêm chủng vaccine đầy đủ”.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 416 ca mắc COVID-19, trong đó có 391 ca lây nhiễm trong nước.
Israel bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế
Ngày 21/2, Israel mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh tế khi gần 50% dân số nước này đã được tiêm chủng ngừa COVID-19.
Các cửa hàng mở cửa đón khách trong khi các điểm giải trí như phòng tập gym và nhà hát chỉ được phép tiếp nhận những người đã tiêm chủng hoặc những người đã khỏi bệnh được cho là có khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn có hiệu lực. Việc khiêu vũ bị cấm tại các phòng tiệc trong khi giáo đường, nhà thờ Hồi giáo được yêu cầu chỉ tiếp nhận một nửa số tín đồ đến cầu nguyện.
Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế này nằm trong kế hoạch của Chính phủ Israel mở cửa nền kinh tế quy rộng hơn vào tháng tới.
Theo Bộ Y tế Israel, hơn 45% trong tổng số 9 triệu dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ). Việc tiêm phòng 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 đã giảm 95,8% tỉ lệ lây nhiễm ở nước này. Đến nay, Israel ghi nhận trên 750.000 ca mắc COVID-19 và 5.577 ca tử vong.
Ngày 20/2, Bộ Y tế Israel thông báo các dữ liệu gần đây từ chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc cho thấy việc tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Pfizer/BioNTech có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm tới 95,8%.
Israel được đánh giá là một trong những khu vực có tốc độ tiêm phòng COVID-19 nhanh nhất thế giới. Kể từ tháng 12/2020, Israel đã tiêm 1 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech cho 4,25 triệu người trong tổng dân số 9 triệu người của Israel. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy khoảng 2,88 triệu người dân nước này đã được tiêm đủ 2 mũi.
Iran đóng cửa biên giới với Iraq
Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli ngày 20/2 cho biết sẽ đóng cửa biên giới với Iraq do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại tỉnh Khuzestan, miền Tây Nam nước này.
Ông Fazli nêu rõ: “Để kiểm soát dịch COVID-19 tại tỉnh Khuzestan, biên giới với Iraq sẽ đóng cửa và hoạt động đi lại tới tỉnh này đều không được phép”.
Bộ Y tế Iran thông báo có thêm 7.931 ca nhiễm mới và 68 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 1.574.021 ca và 59.483 ca tử vong. Iran ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 19/2/2020.
Trung Quốc có 6 ngày liền không có ca mắc trong cộng đồng
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc không có thêm ca nhiễm mới nào lây lan trong cộng đồng trong ngày 21/2, song có 7 ca nhiễm nhập cảnh. Như vậy, Trung Quốc đã trải qua 6 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo NHC, Trung Quốc đến hết ngày 21/2 ghi nhận tổng cộng 89.831 ca mắc COVID-19 trong đó có 4.636 ca tử vong. 84.772 người bệnh đã phục hồi và được xuất viện.
Nhật Bản tái khởi động thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị
Tập đoàn Fujifilm của Nhật Bản sẽ tái khởi động thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cuộc thử nghiệm mới sẽ có sự tham gia của 270 bệnh nhân. Fujifilm đặt mục tiêu xin phê chuẩn thuốc Avigan vào tháng 10 năm nay. Hiện đại diện của Fujifilm chưa phản hồi về thông tin trên. Trước đó, việc phê chuẩn sử dụng thuốc Avigan trong điều trị COVID-19 tại Nhật Bản đã bị trì hoãn sau khi một hội đồng y tế nước này tháng 12/2020 cho rằng các dữ liệu thử nghiệm không thuyết phục.
Nhật Bản đã phê chuẩn thuốc Avigan – thường được biết dưới cái tên favipiravir, là thuốc trị cúm khẩn cấp. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại khi Avigan gây dị tật bẩm sinh ở các loài vật thí nghiệm và chưa chứng minh được hiệu quả đối với COVID-19.
Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Fujifilm tăng gấp 3 lượng dự trữ quốc gia thuốc Avigan. Hiện Avigan đã được phê chuẩn để điều trị COVID-19 tại Nga, Ấn Độ và Indonesia.
Đông Nam Á thêm 12.620 ca mắc mới
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 21/2, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 12.620 ca mắc COVID-19 và 198 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.353.659 ca, trong đó 50.979 người tử vong.
Ngày 21/2, giới chức Indonesia thông báo đã ghi nhận thêm 7.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 173 ca không qua khỏi.
Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.278.653 ca nhiễm, trong đó có 34.489 người tử vong. Hiện Indonesia là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này có thêm 1.888 ca mắc COVID-19 và 20 người tử vong, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt là 561.169 và 12.088. Tổng cộng 522.843 người đã khỏi bệnh.
Theo Bộ Y tế Philippines, trong 24 giờ qua, đã có thêm 18 người nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh, được cho là có tỷ lệ lây lan nhanh hơn. Trong số 18 người nhiễm biến thể mới, có 13 người Philippines trở về từ nước ngoài và 3 người là cư dân sinh sống ở miền Bắc nước này.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 8 triệu người.
Trong khi đó, Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) xác nhận 92 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2, trong đó có 86 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 25.415 ca nhiễm, trong đó có 83 ca không qua khỏi.
Australia khởi động chiến dịch tiêm phòng COVID-19
Ngày 21/2, Australia chính thức triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên cả nước, với Thủ tướng Australia Scott Morrison là một trong những người đầu tiên được tiêm phòng tại một trung tâm y tế ở thành phố Sydney.
Công dân được chọn tiêm liều vaccine đầu tiên của Pfizer ở Australia là bà Jane Malysiak, 84 tuổi, đang sống tại một viện dưỡng lão. Bà cũng là một trong hai công dân Australia cao tuổi được tiêm chủng trong ngày 21/2, cùng với một số nhân viên chăm sóc người cao tuổi và người tàn tật. Phát biểu với phóng viên sau khi tiêm, Thủ tướng Morrison tuyên bố đây là “ngày lịch sử của đất nước”, mở màn cho chiến dịch tiêm chủng rộng khắp bắt đầu từ ngày 22/2. Thủ tướng nhấn mạnh việc ông cùng với Giám đốc y tế liên bang và một số người dân Australia nằm trong nhóm ưu tiên tiêm phòng đầu tiên để chứng minh việc tiêm chủng là an toàn, quan trọng và cần được bắt đầu từ những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất và làm việc trên tuyến đầu chống dịch.
Giai đoạn một của chiến dịch tiêm phòng COVID-19 miễn phí ở Australia sẽ bắt đầu trên khắp các bang với 1,4 triệu liều vaccine Pfizer dành cho những người đang sinh sống và các nhân viên tại các viện dưỡng lão và chăm sóc người khuyết tật, lực lương bảo vệ biên giới, nhân viên làm nhiệm vụ cách ly và y tế tuyến đầu. Dự kiến ngay trong tuần đầu tiên của chiến dịch, sẽ có khoảng 60.000 người dân Australia được tiêm vaccine. Theo kế hoạch, đến tháng 3 tới, sẽ có 4 triệu người dân Australia được tiêm phòng.
Anh đặt mục tiêu tiêm phòng mũi đầu cho toàn bộ người trưởng thành vào cuối tháng 7
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố toàn bộ những người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 7.
Dự kiến vào ngày 22/2, nhà lãnh đạo Anh sẽ công bố lộ trình nới lỏng lệnh phong tỏa tại vùng England, sau khi đạt mục tiêu tiêm phòng cho 15 triệu người Anh trong nhóm có nguy cơ cao vào giữa tháng 2. Chính phủ Anh nêu rõ mục tiêu hiện giờ là đến ngày 15/4, sẽ tiêm phòng mũi đầu cho toàn bộ những người trên 50 tuổi. Nếu toàn bộ những người trưởng thành được tiêm phòng mũi một vào cuối tháng 7, con số này sẽ vượt xa mục tiêu trước đó mà chính phủ đề ra là vào mùa Thu năm nay.
Sau khi Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 5 thế giới, chính quyền của Thủ tướng Johnson đã nhanh chân hơn nhiều nước phương Tây trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cũng thận trọng cho rằng cần tránh cảm giác tự mãn và chính quyền sẽ dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa tại England.
Cho đến nay, Anh đã tiêm phòng được cho 17,2 triệu người, chiếm hơn 25% trong tổng dân số 67 triệu người, chỉ xếp sau Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về tỷ lệ tiêm phòng.
Ai Cập chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân
Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed ngày 21/2 tuyên bố rằng các công dân nước này sẽ có thể bắt đầu đăng ký tiêm vaccine COVID-19 từ tuần tới. Đây được xem là bước đi tiếp theo trong khuôn khổ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của quốc gia Bắc Phi này.
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, bà Zayed khẳng định, theo kế hoạch tiêm chủng ngừa COVID-19 đã được công bố trước đó của chính phủ, việc tiêm vaccine sẽ được ưu tiên cho người cao tuổi và những người mắc các bệnh mãn tính. Bộ Y tế Ai Cập đã lập một trang web từ đầu năm nay để người dân đăng ký trước việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Những người đăng ký trên trang web này sẽ nhận được tin nhắn thông báo thời gian và địa điểm nhận vaccine. Trước đó, Ai Cập đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 1 vừa qua với việc ưu tiên cho các nhân viên y tế tại những bệnh viện chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng cách sử dụng vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
Ngoài ra, cũng trong buổi họp báo trên, Bộ trưởng Zayed cho biết thêm Ai Cập sẽ nhận được một lô hàng lớn vaccine Sinopharm của Trung Quốc trong vòng vài giờ tới từ Bắc Kinh. Bà Zayed cũng thông báo rằng Ai Cập cũng sẽ nhận được tổng cộng 8,6 triệu liều vaccine do hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển phát triển vào cuối tháng này.
Trước đó hồi tháng 12/2020, Ai Cập đã nhận được lô vaccine đầu tiên gồm 50.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Bắc Kinh đã cam kết sẽ sớm cung cấp cho Cairo khoảng 300.000 liều vaccine Sinopharm. Trong tháng 1, Ai Cập cũng đã nhận được lô vaccine đầu tiên của AstraZeneca từ Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI).
Theo bà Zayed, Ai Cập sẽ nhận được tổng cộng 40 triệu liều vaccine từ GAVI trong cả năm 2021. Bà Zayed cũng thông báo trong buổi họp báo rằng không có tác dụng phụ bất ngờ nào được ghi nhận cho đến nay sau khi những mũi vaccine đầu tiên được tiêm cho các bác sĩ và nhân viên y tế. Bà nói thêm rằng một số nhân viên y tế đang tiếp nhận mũi thứ hai. Bà Zayed cho biết bộ này đã lập các địa điểm tại tất cả 27 tỉnh, thành trên cả nước để công dân đến tiêm vaccine, đồng thời nhấn mạnh rằng bộ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của các công dân sau khi tiêm vaccine.