Cập nhật 7h ngày 26/6: Số ca nhiễm Covid-19 thực tế ở Mỹ có thể cao gấp 10 lần thống kê, kỷ lục nối kỷ lục ở Ấn Độ
TGVN. Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Mỹ và một số điểm nóng tại các châu lục khác, làm gia tăng hoài nghi về khả năng thế giới sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường.
Danh sách 10 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 trên 200.000 tính đến 6h ngày 26/6. (Nguồn: Worldometers) |
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 6h ngày 26/6, toàn cầu ghi nhận 9.690.030 ca nhiễm Covid-19, tăng 169.212 trường hợp trong 24 giờ qua, trong đó có 488.962 ca tử vong, tăng 5.003 trường hợp và 5.250.075 người bình phục.
Ngày 25/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, đại dịch Covid-19 đang diễn biến xấu đi trên toàn cầu với số ca mắc bệnh dự kiến lên tới 10 triệu người, trong khi số ca tử vong chạm mức 500.000 vào tuần tới.
Phát biểu trong một hội nghị trực tuyến với các thành viên Ủy ban Y tế Nghị viện châu Âu, Tổng giám đốc WHO cho biết, ngay khi đại dịch kết thúc, thế giới không nên quay trở lại trạng thái trước đây mà thiết lập một “trạng thái bình thường mới” sẽ hợp lý hơn, xanh hơn và giúp chống biến đổi khí hậu.
Ông Ghebreyesus cũng nhận định, có thể phải mất một năm để sáng chế ra loại vaccine hiệu quả chống lại Covid-19, song chưa có gì chắc chắn rằng các nhà khoa học sẽ tạo ra một loại vaccine như vậy.
Theo người đứng đầu WHO, khi vaccine được điều chế thành công, nó cần trở thành một mặt hàng chung mà tất cả mọi người có thể tiếp cận. Hiện WHO đã có hơn 100 mẫu vaccine tiềm năng, trong đó có một loại đang ở trong giai đoạn phát triển tiến xa nhất.
“Hy vọng sẽ có một loại vaccine, dự kiến chúng ta có thể có trong vòng một năm. Nếu được đẩy nhanh, thậm chí có thể rút ngắn thời gian một vài tháng. Đó là những gì các nhà khoa học nói”, Tổng Giám đốc WHO thông tin.
* Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận 2.499.023 người mắc bệnh, tăng 36.469 trường hợp trong 24 giờ qua, trong đó có 124.858 ca tử vong.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết, các chuyên gia trong Chính phủ tin rằng, hơn 20 triệu công dân Mỹ có thể đã nhiễm Covid-19, gấp gần 10 lần số liệu chính thức, cho thấy nhiều người không biểu hiện triệu chứng đã hoặc đang mắc bệnh.
Ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) dựa trên xét nghiệm huyết thanh dùng để xác định sự tồn tại của kháng thể cho thấy liệu một cá nhân có mắc bệnh hay không. Phát biểu với các phóng viên vào tối 24/6, các quan chức cho hay, ước tính dựa trên số ca nhiễm đã được ghi nhận nhân với tỷ lệ trung bình kháng thể được phát hiện trong số các xét nghiệm huyết thanh.
Con số ước tính được đưa ra khi mà các quan chức chính phủ lưu ý, nhiều ca nhiễm mới được phát hiện ở người trẻ, những người không biểu hiện triệu chứng và có thể không biết mình đã mắc bệnh. Những người này thường tiếp xúc với nhóm dân số dễ bị tổn thương nên cần chủ động xét nghiệm để đảm bảo rằng họ không làm lây lan virus.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng trở lại, ngày càng nhiều bang của Mỹ như Washington, California hay Bắc Carolina… đã đưa ra yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở những nơi công cộng.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott tuyên bố tạm ngừng giai đoạn mở cửa trở lại nền kinh tế của bang nhằm ứng phó với sự gia tăng các ca nhiễm và nhập viện do Covid-19.
* Ấn Độ tiếp tục chào đón ngày mới bằng ‘kỷ lục mới’ với số ca nhiễm trong ngày lần đầu tiên vượt 18.000. Cụ thể, trong 24h qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 18.185 người nhiễm bệnh với 401 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 491.170 trong đó có 15.301 ca tử vong.
* Trong khi đó, châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19 kể từ khi các quốc gia trong khu vực bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Trao đổi với báo giới ngày 25/6, Giám đốc khu vực châu Âu thuộc WHO Hans Kluge cho biết tuần trước, châu lục này đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc Covid-19 hằng tuần lần đầu tiên trong những tháng qua với hơn 20 quốc gia chứng kiến sự tái bùng phát số ca Covid-19.
Ngoài ra, có 30 nước cũng ghi nhận số ca nhiễm mới lũy kế tăng trong 2 tuần qua; tốc độ dịch bệnh lây lan nhanh chóng tại 11 nước trong số này đã khiến tái bùng phát số ca mắc và nếu không có biện pháp ngăn chặn, hệ thống y tế tại châu Âu có nguy cơ lại phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Hiện châu Âu tiếp tục ghi nhận trung bình gần 20.000 ca mắc mới và hơn 700 ca tử vong mới do dịch Covid-19 mỗi ngày.
Hành khách trả lời phỏng vấn báo chí tại sân bay Son Sant Joan, Palma de Mallorca, Tây Ban Nha khi biên giới giữa các quốc gia châu Âu bắt đầu được mở cửa trở lại sau 3 tháng đóng cửa vì dịch Covid-19. (Nguồn: AP) |
* Tại Italy, truyền thông sở tại đưa tin, nước này vừa phát hiện một ổ dịch Covid-19 mới tại một nhà kho của công ty chuyển phát nhanh Bartolini ở thành phố Bologna thuộc miền Trung.
Tổng cộng đã có 46 người nhiễm bênh ở ổ dịch này. Ban lãnh đạo công ty Bartolini đã ra lệnh tạm thời đóng cửa nhà kho này để tiến hành các biện pháp kiểm dịch, đặc biệt là đối với toàn bộ những người đã từng tiếp xúc với các nhân viên nêu trên.
* Trong khi đó, tại Anh, hệ thống truy dấu và xét nghiệm Covid-19 vốn được xem là chìa khóa cho những nỗ lực dỡ bỏ hạn chế xã hội để phòng dịch đang tỏ ra không hiệu quả trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson bắt đầu cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Anh, trong tuần hoạt động thứ 3 của hệ thống này, hệ thống để “mất dấu” tới 1.791 người trong số 6.923 người đã được đưa vào hệ thống theo dõi liên lạc – tương đương 25,9%, trong khi 263 người khác không có thông tin cá nhân chi tiết để có thể liên lạc.
Ông Keith Neal, chuyên gia dịch tễ học thuộc trường Đại học Nottingham cho biết: “Không thể truy dấu tới 1/4 số người đang mắc bệnh – điều này thật đáng ngạc nhiên và cũng đáng lo ngại”.
* Ngày 25/6, Bộ Y tế Ai Cập thông báo ghi nhận thêm 1.569 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên tới 61.130 người. Số ca mắc bệnh ở Ai Cập đang có chiều hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, khi mỗi ngày trung bình đều ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới.
Ngoài ra, có thêm 83 bệnh nhân tử vong do Covid-19 và tính đến nay tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này ở Ai Cập đã lên đến 2.533 người. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng ghi nhận thêm 403 bệnh nhân đã bình phục và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 16.338 người.
Mặc dù số ca mắc Covid-19 vẫn chưa giảm, song Ai Cập vẫn đang xúc tiến kế hoạch từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó có rút bớt thời gian giới nghiêm vào ban đêm. Ngoài ra, kể từ ngày 27/6 tới, Ai Cập sẽ cho phép mở cửa trở lại các nhà hàng, quán cà phê và các câu lạc bộ thể thao với công suất hoạt động tối đa 25% trong giai đoạn đầu nối lại các hoạt động kinh tế – xã hội.