TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay toàn cầu ghi nhận 93.533.471 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca tử vong đã vượt 2 triệu người và 66.812.623 bệnh nhân bình phục.
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (14/1) có thêm một ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.521 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.555.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.369/1.521 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 11 ca; số ca âm tính lần hai là 13 ca, số ca âm tính lần ba là 11 c
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Tính theo khu vực, Bắc Mỹ có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất (27.224.526 ca, trong đó có 574.699 người tử vong) trong khi châu Âu ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (612.762 ca trong tổng số 26.897.440 người mắc bệnh).
Châu Á hiện có hơn 21,8 triệu ca nhiễm, trong đó có 353.324 ca tử vong trong khi Nam Mỹ đã ghi nhận hơn 14,3 triệu ca nhiễm và 383.490 ca tử vong.
* Tại Bắc Mỹ, nước Mỹ chiếm đa số ca nhiễm của khu vực (hơn 23,8 triệu ca), trong đó có 397.767 ca tử vong. Tiếp đến là Mexico đã ghi nhận gần 1,59 triệu ca nhiễm, trong đó có 137.916 ca tử vong.
Giới chức y tế Chile cho biết, nước này vừa phát hiện 15 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc ban đầu từ Anh.
* Tại châu Âu, Nga và Anh đều ghi nhận hơn 3,2 triệu ca nhiễm trong khi Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức đều có hơn 2 triệu ca; Ba Lan và Ukraine cũng ghi nhận hơn 1,1 triệu ca. Anh là nước có nhiều ca tử vong nhất với 86.015 ca, Italy đứng thứ hai với 80.848 ca.
Từ 4 giờ sáng 15/1 (theo giờ địa phương), Anh đã đóng cửa biên giới với hơn 10 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Nam Mỹ cùng với Bồ Đào Nha do lo ngại nguy cơ lây nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil.
Cụ thể, biên giới các nước và vùng lãnh thổ Nam Mỹ bị đóng với Anh gồm Argentina, Brazil, Bolivia, Cape Verde, Chile, Colombia, Ecuador, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Panama, Paraguay, Peru, Suriname, Uruguay và Venezuela.
Tuy nhiên, quyết định này không áp dụng đối với các trường hợp nhập cảnh là công dân Anh và Ireland cũng như vận tải hàng hóa.
Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex thông báo sẽ triển khai thực hiện lệnh giới nghiêm toàn quốc vào 18h hằng ngày, bắt đầu từ ngày 16/1 tới, nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Theo đó, ngoại trừ các dịch vụ khẩn cấp, toàn bộ các cửa hàng và dịch vụ đều phải đóng cửa vào thời gian nói trên.
Theo Thủ tướng Jean Castex, việc áp dụng giới nghiêm từ 18h cho thấy rõ hiệu quả khi tỷ lệ nhiễm tại các địa phương thực hiện biện pháp này thấp hơn từ 2 đến 3 lần so với các nơi khác. Thủ tướng Jean Castex đánh giá so với các nước láng giềng, Pháp đã kiểm soát được dịch bệnh song tình hình vẫn “mong manh”. Ông cảnh báo các bệnh viện vẫn chịu sức ép quá tải.
Thị trưởng thủ đô Moscow của Nga Sergei Sobyanin cho biết, tình hình sẽ cải thiện nhờ tiêm phòng, đồng thời tuyên bố thành phố này có thể quay trở lại cuộc sống bình thường vào khoảng tháng 5.
Chính quyền Moscow cũng đang phát triển một hệ thống nới lỏng hạn chế cho những người đã nhiễm SARS-CoV-2 và có kháng thể.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo, EU đang thúc đẩy phát triển 24 dự án liên quan tới việc thu thập huyết tương của những người được chữa khỏi bệnh Covid-19. Các huyết tương này được sử dụng phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Công tác nghiên cứu này được cơ chế “Công cụ Hỗ trợ Khẩn cấp” của EU (ESI) tài trợ với tổng chi phí 36 triệu Euro. Các dự án sẽ được thực hiện tại 14 quốc gia thành viên EU và tại Vương quốc Anh.
* Tại Nam Mỹ, Brazil có nhiều ca nhiễm nhất với 8,3 triệu trường hợp, trong khi Colombia, Argentina và Peru đã ghi nhận trên 1 triệu ca nhiễm và trên dưới 40.000 ca tử vong.
Từ ngày 15/1, bang Amazonas ở miền Bắc Brazil thực hiện lệnh giới nghiêm từ 19h-6h để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại bang này tiếp tục tăng và các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh và máy thở.
Theo chuyên gia Felipe Naveca nghiên cứu về biến thể của SARS-CoV-2 tại bang Amazonas, biến thể của SARS-CoV-2 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là đáng lo ngại có thể đã lây lan khắp Brazil và có thể phát triển trội hơn tại Amazonas.
* Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên hơn 10,5 triệu ca và nhiều ca tử vong nhất (151.954 ca). Số ca nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt 2,3 triệu trong khi của Iran vượt 1,3 triệu. Iran cũng là nước có nhiều ca tử vong thứ hai châu lục với 56.538 ca.
Ngày 15/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 144 ca mắc mới bệnh Covid-19 trong ngày 14/1, trong đó có 135 ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất trong hơn 10 tháng qua tại Trung Quốc đại lục.
Trong số các ca lây nhiễm mới trong nước, tỉnh Hà Bắc có 90 ca, Hắc Long Giang 43 ca, các tỉnh Quảng Tây và Thiểm Tây mỗi nơi có 1 ca. Như vậy, tính đến hết ngày 14/1, Trung Quốc đại lục đã có tổng cộng 87.988 ca nhiễm, trong đó 4.635 ca tử vong.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ 4 liên tiếp có số ca nhiễm mới theo ngày ở mức 500 ca.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 15/1 ghi nhận 513 ca nhiễm mới, trong đó 484 ca lây nhiễm cộng đồng, giảm nhẹ so với 524 ca ghi nhận ngày 14/1.
Những con số trên cho thấy làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Hàn Quốc đã giảm sau khi trải qua đỉnh dịch. Tổng số ca mắc Covid-19 trên cả nước tính đến nay là 71.241 ca, trong đó có 1.217 ca không qua khỏi, tăng thêm 22 trường hợp trong 24 giờ qua.
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới gia tăng mạnh trong những ngày gần đây đã khiến hệ thống y tế tại nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ quá tải. Hiện tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Tokyo là 80%, Osaka 66%, Fukushima 60% và Gifu 63%.
Riêng tại thành phố Kobe thuộc tỉnh Hyogo, tỷ lệ này lên tới 96% với 154/160 giường đang được sử dụng. Có nhiều ca lây nhiễm trong gia đình (347 trường hợp), tiếp đến là lây nhiễm tại nơi làm việc và các địa điểm ăn uống. Tuy nhiên, lây nhiễm tại nơi làm việc dường như đang có xu hướng tăng lên sau kỳ nghỉ Tết dương lịch vừa qua.
* Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn nhưng cũng đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm và 76.822 ca tử vong. Nam Phi chiếm đa phần trong số này với 1.296.806 ca nhiễm và 35.852 ca tử vong.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết, các quốc gia trong châu lục hiện đang trải qua làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất.
Đề cập biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tìm thấy tại Nam Phi hồi tháng 12/2020, bà Moeti nhấn mạnh, theo kết quả từ các phân tích, đây là biến thể 501Y.V2 có khả năng lây lan nhanh và do đó có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến không chỉ tại Nam Phi mà còn cả khu miền Nam châu Phi. Hiện biến thể này đã được tìm thấy ở Botswana, Zambia và Gambia.
Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi, hiện tổ chức này đang tiếp tục mở rộng việc tìm hiểu sự lây lan của chủng 501Y.V2 tại các nước khác trong khu vực.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi kêu gọi các quốc gia trong châu lục khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị để sẵn sàng phân phối vaccine ngừa Covid-19 sau khi Liên minh châu Phi (AU) thông báo đã đảm bảo được 270 triệu liều.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, người đứng đầu bộ phận thuốc và an toàn thuốc của Viện Paul Erich (Đức) Brigitte Keller-Stanislavsky cho biết, viện này đang kiểm tra để xác minh việc có 10 người tử vong sau khi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Hãng Pfizer/BioNTech.
Phát biểu họp báo, bà Keller-Stanislavsky nói rằng: “Cho đến ngày hôm qua đã có 9 trường hợp tử vong, hiện tại các chuyên gia chờ thêm thông tin từ bang Hạ Saxony về một trường hợp tử vong nữa”.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, chính phủ của ông không có kế hoạch áp dụng “hộ chiếu vaccine” chứng thực một người đã được tiêm phòng, ở cấp liên bang đối với người dân người Canada.