TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 72.639.084 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.618.754 trường hợp tử vong và 50.859.567 bệnh nhân bình phục
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (16/12) không có thêm ca nhiễm. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.405 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 18.378.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.252/1.405 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là ba ca; số ca âm tính lần hai là 6 ca, số ca âm tính lần ba là 6 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên Thế Giới
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 52.234.639 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 20.566.828 ca và 107.267 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 16/12, thế giới có tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 17.348.689 ca và 314.140 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.954.769 ca nhiễm và 144.487c a tử vong và Brazil với 7.040.608 ca nhiễm và 183.735 ca tử vong do COVID-19.
Tại Mỹ, ngày 16/12 ghi nhận một trong những ngày có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất, với trên 3.000 trường hợp. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris kêu gọi người dân Mỹ đeo khẩu trang phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden, đồng thời nhấn mạnh việc các nhà khoa học và các quan chức y tế công cộng cho rằng sẽ có những kết quả thực sự tuyệt vời nếu mọi người đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng và ngoài trời.
Phát biểu trên chương trình của ABC News, bà Harris thông báo kế hoạch 100 ngày phòng chống COVID-19 của chính quyền sắp tới bao gồm việc phân phối 100 triệu liều vaccine và nhiệm vụ đeo khẩu trang trên toàn quốc trong 100 ngày. Tuy nhiên, Harris cho biết chính quyền của ông Biden không áp dụng hình phạt đối với những người không đeo khẩu trang.
Bà Harris cũng kêu gọi tất cả mọi người tuân thủ các quy tắc về việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi được hỏi về việc một số quan chức chính quyền, trong đó bao gồm cả những thành viên của đảng Dân chủ như Thống đốc bang California Gavin Newsom và Thị trưởng San Francisco London Breed đều đang bị chỉ trích gay gắt do không tuân thủ các quy tắc này khi ăn tối ở ngoài. Bà Harris cũng nhắc lại bình luận của ông Biden rằng đại dịch có thể sẽ ngăn cản một lễ nhậm chức diễn ra như truyền thống.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/12 thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo đang tiến hành cách ly sau khi tiếp xúc với một người dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo “đã tiến hành xét nghiệm và có kết quả âm tính”. Tuy nhiên, thông báo cũng nhấn mạnh: “Theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), Ngoại trưởng Pompeo sẽ tiến hành cách ly. Ông ấy cũng đang được theo dõi chặt chẽ bởi nhóm phụ trách y tế của Bộ Ngoại giao Mỹ”.
Cũng theo thông báo, vì một số lý do riêng tư nên không thể công bố danh tính người mà ông Pompeo đã tiếp xúc. Trong khi đó, tờ Washington Post đưa tin Ngoại trưởng Pompeo đã hủy một bài diễn văn dự kiến trong bữa tiệc do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức.
Tại châu Á, Hàn Quốc cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với 1.078 ca trong 24 giờ qua, trong đó 1.054 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 45.442 ca. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hàn Quốc có thêm 12 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 612 người. Do số ca nhiễm mới trong cộng đồng gia tăng đáng báo động, giới chức y tế Hàn Quốc đang xem xét có nên áp đặt các biện pháp hạn chế lây lan ở mức cao nhất hay không.
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo cũng thông báo ghi nhận thêm 678 ca mắc mới, mức tăng trong vòng một ngày cao chưa từng thấy, đưa tổng số ca mắc lên 48.668 ca. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền Tokyo đã quyết định gia hạn yêu cầu các nhà hàng, quán bar, karaoke, các cơ sở bán rượu, bia rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng cho đến ngày 16/1/2021.
Hội đồng thủ đô Tokyo cũng đã thông qua khoản ngân sách bổ sung lần thứ 13 trong tài khóa 2020 lên đến 230 tỷ yen (2,2 tỷ USD) để triển khai các chính sách phòng, chống COVID-19.
Tại châu Âu, nhiều nước đã siết chặt các biện pháp hạn chế trước thềm Giáng sinh. Đức đã đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu và trường học, trong khi phần lớn các khu vực của vùng England (Anh) áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 952 ca tử vong, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca tử vong lên 23.427 ca. Đức cũng có thêm 27.728 ca mắc mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 1.379.238 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh là 64.908 ca, đứng thứ hai tại châu Âu sau Italy.
Số ca nhiễm tại Anh cũng không ngừng tăng, đặc biệt tại thủ đô London sau khi thành phố này áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các quán rượu và nhà hàng sẽ đóng cửa, nhưng các cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động.
Các nước châu Âu khác như Italy, Pháp và Thụy Sĩ cũng đang cân nhắc gia tăng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong các dịp lễ sắp tới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu cũng đã kêu gọi các gia đình đeo khẩu trang trong những cuộc tụ tập gia đình vào dịp lễ Giáng sinh sắp tới sau khi cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể gia tăng hơn nữa vào đầu năm 2021.
Về vấn đề vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 15/12 đã phê duyệt thủ tục cung cấp vaccine ngừa bệnh COVID-19. Bộ Y tế Nga cùng ngày thông báo tất cả các khu vực của Nga đã bắt đầu tiến hành tiêm vaccine.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết sẽ bắt đầu tiêm phòng vaccine của BioNTech/Pfizer ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn và có thể bắt đầu ngay từ Giáng sinh.
Hãng công nghệ sinh học Valneva của Pháp và Áo cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine của hãng này tại Anh, nơi đã đặt hàng ít nhất 60 triệu liều vaccine.
Mỹ cũng đã cấp phép sử dụng bộ xét nghiệm tại nhà virus SARS-CoV-2, có thể cho kết quả trong khoảng 20 phút. Bộ xét nghiệm này sẽ được bán tại các hiệu thuốc.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.436 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên sát 30.980 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt.
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.295 ca bệnh mới, trong 1 ngày qua nước này cũng chứng kiến thêm 7 ca tử vong mới vì COVID-19. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ qua.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.233 ca bệnh mới và 27 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 30.983 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 192 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.353.560 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.168.452 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Trong khi đó, Việt Nam, Timor Leste, Lào, Campuchia và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 16/12.
Chính phủ Malaysia ngày 16/12 đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngừng việc tổ chức bầu cử bổ sung tại hai đơn vị bầu cử Bugaya ở Sabah trên đảo Borneo và Gerik thuộc bang Perak, dự kiến diễn ra vào tháng tới, sau khi số ca nhiễm mới ở nước này không ngừng tăng cao trong những tháng qua. Tháng trước, Chính phủ Malaysia cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại một đơn vị bầu cử thuộc Sabah cũng để ngừng việc tiến hành bầu cử bổ sung như kế hoạch. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Malaysia đã vượt 86.000 ca, trong đó có 422 ca tử vong.
Cùng ngày, Indonesia thông báo ghi nhận thêm 6.725 ca mắc mới và 137 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 636.154 ca và 19.248 ca. Hiện dịch bệnh đã lây lan ra toàn bộ 34 bang của nước này. Cũng trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 1.156 ca mắc mới và 21 ca tử vong. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 452.988 ca mắc, trong đó 8.833 ca tử vong do COVID-19. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền đã hối thúc người dân cảnh giác và tuân thủ nghiêm hướng dẫn y tế trong bối cảnh Giáng sinh và Năm mới đang tới gần.
Trước tình hình đại dịch chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm trên thế giới, nhiều nước đang đặt hy vọng vào vaccine COVID-19. Ngày 16/12, Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IDB) thông báo sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD để hỗ trợ các nước Mỹ Latinh và Caribe trong việc mua và phân phối vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đây sẽ là khoản tín dụng thứ 2 mà thể chế tài chính này dành cho khu vực sau khi đã cam kết 1,2 tỷ USD trong những tháng trước đây.
Chủ tịch IDB Mauricio Claver-Carone cho biết sẽ tiếp tục mở rộng sự hỗ trợ đối với các nước trong khu vực để triển khai các biện pháp y tế phòng chống COVID-19, cũng như điều trị cho các bệnh nhân của đại dịch này.
Ông cũng kêu gọi chính phủ các nước Mỹ Latinh và Caribe tăng cường nỗ lực để chuẩn bị các kế hoạch tiêm chủng quốc gia và cam kết sẽ giúp đỡ để bảo đảm việc triển khai thành công chương trình này trong toàn khu vực.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh khu vực Mỹ Latinh và Caribe tiếp tục chịu những tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm và tử vong tăng liên tục trong thời gian qua. Mặc dù chỉ chiếm 8% dân số toàn thế giới song số lượng người mắc COVID-19 chiếm gần 20% và số ca tử vong chiếm khoảng 30% trên toàn cầu.
Số liệu mới nhất được Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) công bố cho thấy có khoảng 5 triệu ca mới mắc COVID-19 trong tuần qua, chủ yếu tại Mỹ và Canada. Theo PAHO, kể từ khi đại dịch bùng phát, châu Mỹ đã ghi nhận khoảng 31 triệu ca mắc COVID-19 và 787.000 ca thiệt mạng.
Trước đó, các hãng truyền thông đưa tin chương trình COVAX toàn cầu cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh đang phải đối mặt với nguy cơ thất bại “rất cao” do thiếu vốn, nguồn cung, cũng như tính phức tạp trong việc dàn xếp các hợp đồng.
Ngày 16/12, Twitter thông báo rằng người dùng sẽ được yêu cầu xóa bỏ những đoạn tweet mới, có nội dung dẫn đến những thông tin gây hiểu lầm hay sai lệch về các loại vaccine ngừa COVID-19. Đây là một nỗ lực mới của Twitter nhằm mở rộng các quy định của mạng xã hội này về những thông tin không chính xác về virus SARS-CoV-2.
Trong thông báo, Twitter cho biết sẽ yêu cầu người dùng gỡ bỏ những khẳng định không chính xác về các loại vaccine ngừa COVID-19 có nội dung như “để kiểm soát dân số hay những câu chuyện về các thuyết âm mưu liên quan”. Thông báo cũng khẳng định sẽ “mạnh tay” với những tuyên bố theo kiểu đại dịch COVID-19 không có thật hay không nghiêm trọng, cũng như cho rằng vaccine ngừa COVID-19 là không cần thiết. Trong đầu năm 2021, Twitter sẽ bắt đầu dán nhãn hoặc đặt cảnh báo ở những đoạn tweet “có nội dung về các tin đồn vô căn cứ hay những lời khẳng định gây tranh cãi”.
Một người phát ngôn của Twitter cho biết mạng xã hội này sẽ tăng cường phối hợp với các đối tác trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng để xác định thêm xem những nội dung nào về vaccine ngừa COVID-19 cần phải dỡ bỏ.