Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 675.000 ca bệnh COVID-19 và 15.194 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 92,6 triệu ca, trong đó trên 1,98 triệu ca tử vong.
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (13/1) có thêm một ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.521 trường hợp.
Hôm nay,, Việt Nam sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ hai vắc xin Nanocovax liều thấp nhất – 25mcg cho ba tình nguyện viên nhóm một. Trước đó, nhóm này là ba người đầu tiên của Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 vào ngày 17/12/2020.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.555.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.369/1.521 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 11 ca; số ca âm tính lần hai là 13 ca, số ca âm tính lần ba là 11 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 195.000 ca), Brazil (60.899 ca) và Anh (47.525 ca). Nhiều nước khác tiếp tục ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc COVID-19 mới.
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (3.422 ca), Anh (1.564 ca) và Mexico (1.314 ca). Ngoài ra, còn hai nước ghi nhận trên 1.000 ca tử vong mới: Brazil (1.238 ca), Đức (1.201 ca)
Hungary là nước mới nhất phát hiện các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu ở Anh mới đây. Tổng Y sĩ Cecilia Muller ngày 13/1 cho biết rằng các bác sĩ đã tìm thấy biến thể của SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân COVID-19.
Trong ngày 13/1, Philippines và Sri Lanka cũng thông báo ghi nhận các ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Bộ Y tế và Trung tâm Gen Quốc gia Philippines chính thức xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể này là một người Philippines từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về nước hôm 7/1. Còn ca nhiễm được ghi nhận tại Sri Lanka là một người Anh mới nhập cảnh.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh hồi giữa tháng 12/2020, đến nay đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể tương tự được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 20 nước và vùng lãnh thổ. Cả hai biến thể này được xác định có khả năng lây nhiễm cao. Trên thực tế, số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày tại Anh và Nam Phi tăng đột biến trong thời gian gần đây. WHO cũng lưu ý biến thể mới thứ 3 của SARS-CoV-2 phát hiện tại Nhật Bản có thể tác động đến khả năng lây lan và phản ứng miễn dịch. Những ca nhiễm biến thể này tại Nhật là 4 du khách trở về từ Brazil. Các nghiên cứu ở Brazil cũng cho thấy sự xuất hiện của một biến thể mới, có vẻ là đã phát triển độc lập với biến thể được phát hiện tại Nhật Bản. WHO cho rằng cần nghiên cứu kỹ về tác động của các biến thể này đến sức khỏe cộng đồng.
Theo WHO, virus SARS-CoV-2 càng lây lan càng có nhiều cơ hội biến đổi. Điều này có nghĩa là lây lan càng nhiều thì SARS-CoV-2 càng có khả năng có thêm nhiều biến thể. Do đó điều quan trọng hiện nay là tăng cường khả năng chẩn đoán và sắp xếp một cách hệ thống chủng virus này.
Châu Á
Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp
Ngày 13/1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 ra 7 tỉnh khác, gồm tỉnh Aichi, Tochigi và Gifu ở miền Trung, Osaka, Hyogo và Kyoto ở phía Tây, và Fukuoka ở phía Nam.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lan rộng khắp cả nước và số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã vượt ngưỡng 300.000 ca. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, số ca nhiễm mới đặc biệt tăng cao ở 7 địa phương mới được áp dụng tình trạng khẩn cấp.
Việc số ca nhiễm mới liên tục tăng đã khiến hệ thống y tế ở nhiều tỉnh, thành ở Nhật Bản rơi vào tình trạng căng thẳng, trong đó riêng tại Osaka, tỷ lệ sử dụng giường bệnh của các bệnh nhân COVID-19 đã lên tới 70%. Trong bối cảnh đó, chính quyền các tỉnh Osaka, Hyogo, Kyoto, Aichi, Tochigi và Gifu đã đề nghị chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, tỉnh Fukuoka vẫn chưa đưa ra đề nghị như vậy.
Lý giải về quyết định trên của Chính phủ, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, nói rõ quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp của chính phủ được đưa ra không dựa trên đề nghị của các địa phương mà dựa trên cơ sở liệu có đủ giường bệnh cho các bệnh nhân COVID-19 hay không.
Hàn Quốc để ngỏ khả năng nới lỏng hạn chế phòng dịch
Nhiều khả năng chính phủ Hàn Quốc sẽ điều chỉnh mức độ giãn cách xã hội từ tuần sau do những biện pháp phòng dịch cứng rắn triền miên đang khiến cuộc sống người dân, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh của tiểu thương, hộ kinh doanh, gặp nhiều khó khăn, thêm vào đó là số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu giảm dần.
Kể từ ngày 8/12 năm ngoái, Hàn Quốc đã áp dụng lệnh giãn cách xã hội mức 2,5 đối với thủ đô Seoul và địa phương lân cận; mức 2 đối với các địa phương còn lại; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng dịch tăng cường dịp cuối năm như lệnh cấm tụ tập trên 5 người cho đến ngày 17/1/2021.
Trước tiên, Chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ gỡ bỏ lệnh cấm tụ tập trên 5 người và duy trì mức độ giãn cách xã hội như hiện hành.
Trong thời gian qua, nhiều người dân than phiền do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng xuất phát từ lệnh cấm tụ tập kéo dài. Do đó, cơ quan phòng dịch đang cân nhắc về phương án phù hợp, vừa giúp người dân mở cửa hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo tuân thủ phòng dịch. Tuy nhiên, do xu hướng số ca nhiễm mới giảm chậm trong tuần qua, cơ quan phòng dịch đang xem xét khả năng gỡ bỏ lệnh hạn chế tụ tập lần lượt theo từng ngành nghề kinh doanh.
Indonesia ghi nhận số ca mắc và tử vong cao nhất theo ngày
Ngày 13/1, Indonesia thông báo ghi nhận 11.278 ca mắc mới và 306 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Như vậy, cho tới nay, Indonesia đã có 858.043 ca mắc và 24.951 trường hợp tử vong. Hiện Indonesia là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.
Sáng 13/1, Indonesia đã khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 toàn quốc miễn phí với mục tiêu cung cấp vaccine cho 181,5 triệu người tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này.
Trong một sự kiện được phát sóng trực tiếp, Tổng thống Indonesia Joko Widodo là người đầu tiên được tiêm vaccine CoronaVac do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất và được Indonesia cấp phép sử dụng khẩn cấp hôm 11/1. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết gần 1,5 triệu nhân viên y tế sẽ được tiêm vaccine trong tháng 2, tiếp đó các công chức và người dân sẽ được tiêm chủng trong vòng 15 tháng. Ông cùng toàn bộ thành viên nội các và đại diện các tổ chức tôn giáo cũng được tiêm chủng trong ngày 13/1.
Chiến dịch tiêm chủng trên được tiến hành chỉ hai ngày sau khi Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) chính thức cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine của công ty Sinovac. Hôm 12/1, Indonesia đã tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 gồm 15 triệu liều từ công ty Sinovac Biotech. Trước đó, quốc gia này đã tiếp nhận 1,2 triệu liều vào ngày 6/12 và thêm 1,8 triệu liều khác vào ngày 31/12.
Malaysia tái áp đặt lệnh phong tỏa
Ông Noor Hisham, một quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này buộc phải tái ban bố Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 13-26/1 tại nhiều địa phương do Lệnh hạn chế di chuyển có điều kiện (CMCO) không thể mang lại hiệu quả mong muốn.
Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 13/1, Tiến sỹ Noor Hisham cho biết Malaysia thực hiện CMCO từ ngày 14/10/2020, nhưng không mang lại hiệu quả, nên phải áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn. MCO sẽ được thực hiện trong 2 tuần (13-26/1) và dài nhất là trong 4 tuần. Ông Noor Hisham cũng thẳng thắn thừa nhận trong 2 tuần đầu thực hiện MCO, Malaysia có thể sẽ không thể giảm được số ca nhiễm mới hằng ngày mà chỉ hi vọng tránh được khả năng số ca mắc mới trong ngày tiếp tục tăng cao.
Sau 4 tuần thực hiện MCO, Malaysia hi vọng có thể giảm số ca nhiễm mới theo ngày xuống dưới 1.000 ca hoặc dưới 500 ca và tới tháng 5, nước này có thể một lần nữa làm phẳng đường cong trên biểu đồ chống dịch COVID-19.
Trong ngày 13/1, Malaysia ghi nhận 2.985 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm cộng động, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 144.518 ca.
Số ca mắc mới trong ngày tại UAE cao nhất vùng Vịnh
Tại Trung Đông, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tiếp tục vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày trong tuần này. Bộ Y tế UAE ngày 13/1 thông báo nước này đã ghi nhận 3.362 ca mắc mới. Đây là mức cao nhất trong vùng Vịnh khi mà 5 quốc gia khác cùng khu vực này chỉ ghi nhận dưới ngưỡng 500 ca/ngày.
Các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ gần như hoàn toàn tại UAE, song các biện pháp giãn cách xã hôi và phòng dịch vẫn có hiệu lực. Trước tình hình này, Chính phủ UAE đã thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng và nước này chỉ đứng sau Israel về tỷ lệ tiêm chủng. UAE đặt ra mục tiêu tiêm vaccine cho hơn một nửa trong số gần 9 triệu người dân nước này trong quý I/2021.
Châu Âu Quốc hội Đan Mạch ngừng một số hoạt động
Truyền thông Đan Mạch ngày 13/1 đưa tin do COVID-19, Quốc hội nước này sẽ ngừng một số hoạt động, trong đó có việc thảo luận một số dự luật mới.
Quốc hội Đan Mạch sẽ ngừng hoạt động trong khoảng 1 tháng. Hiện Đan Mạch ghi nhận ngày càng nhiều số ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh. Trước tình hình trên, Đan Mạch quyết định hạn chế nhập cảnh từ tất cả các quốc gia từ ngày 9/1 và khuyến cáo người dân không đi ra nước ngoài.
Ba Lan hy vọng có thể dỡ bỏ hạn chế vào cuối quý I
Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Tadeusz Koscinski bày tỏ hy vọng nước này có thể dỡ bỏ một số hạn chế, vốn được áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, vào cuối quý I.
Tháng trước, Ba Lan đã yêu cầu các khách sạn, khu trượt tuyết và nhiều cửa hàng phải đóng cửa nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19. Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Ba Lan hiện khá ổn định sau khi tăng mạnh vào mùa Thu. Tuy nhiên, Bộ Y tế Ba Lan cho rằng do sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, khiến số ca nhiễm mới ở các nước châu Âu gia tăng, nên nước này cũng đang đứng trước nguy cơ có thể bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3.
Đức chưa thể dỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 13/1 khẳng định đầu tháng 2 tới nước này chưa thể dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm khống chế COVID-19.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Deutschlandfunk, ông Spahn nhấn mạnh cần thiết tiếp tục giảm tiếp xúc để ngăn chặn biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây lan tại nhiều nước châu Âu. Ông khẳng định Đức sẽ không thể nới lỏng tất cả các hạn chế vào ngày 1/2 tới.
Trước đó, báo Bild ngày 12/1 đưa tin Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các biện pháp phong tỏa hiện nay có thể kéo dài cho tới đầu tháng 4.
Đức đã siết chặt phong tỏa toàn quốc hồi tuần trước, đồng thời gia hạn biện pháp này đến cuối tháng 1 này. Theo các quy định mới. người đến từ các nước có số ca mắc COVID-19 ở mức cao hoặc những nước, vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phải tiến hành xét nghiệm.
Anh cân nhắc sử dụng khách sạn để điều trị bệnh nhân
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết nước này có thể sử dụng các khách sạn để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, một phần trong kế hoạch dự phòng tiếp theo. Theo ông, các khách sạn có thể được sử dụng để điều trị những bệnh nhân không cần phải ở bệnh viện song chưa thể về nhà.
Liên quan vấn đề vaccine, Bộ trưởng Matt Hancok cho biết việc các hãng dược phẩm chuyển giao vaccine ngừa COVID-19 cho Anh vẫn đang diễn ra đúng kế hoạch, theo đó có thể đáp ứng các mục tiêu mà chính phủ đề ra.
Tính đến nay, hơn 2,4 triệu người dân Anh, tương đương khoảng 4% dân số, đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Khoảng 400.000 người đã được tiêm mũi thứ 2. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người dân trên 70 tuổi, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, và nhân viên y tế trước ngày 15/2.
Châu Mỹ
Trong 24 giờ qua tính tới 6h sáng 14/1 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận trên 195.000 ca mắc và 3.422 ca tử vong mới, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là trên 23,5 triệu ca và 393.00 ca.
Trước đó một ngày, Mỹ đã ghi nhận số ca tử vong trong vòng một ngày do đại dịch COVID-19 cao chưa từng thấy với gần 4.500 ca. Cụ thể, trong ngày 12/1, Mỹ đã có 4.470 người đã bị dịch bệnh này cướp đi mạng sống. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, số ca tử vong trong vòng một ngày ở nước này vượt ngưỡng 4.000 ca.
Mexico cũng ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất kể từ tháng 10/2020, trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực kiềm chế chuỗi lây lan của dịch COVID-19.
Theo Bloomberg, Mexico ghi nhận 1.314 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong tính theo ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 5/10/2020. Mexico hiện là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 4 thế giới, với 135.682 ca trong tổng số 1.556.028 người mắc COVID-19. Thủ đô Mexico City là một trong những ổ dịch lớn tại nước này, khi số ca phải nhập viện điều trị ngày càng tăng cao.
Viện Vi sinh vật học thuộc trường Đại học San Francisco ở thủ đô Quito (Ecuador) ngày 12/1 xác nhận nước này có thêm 3 ca nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 lần đầu phát hiện tại Anh, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm biến thể mới này lên 4 người. Viện trên cho biết cả 3 trường hợp mới phát hiện đều có liên quan đến ca bệnh đầu tiên được phát hiện trước đó 1 ngày, là một người đàn ông 50 tuổi ở tỉnh Los Rios, trước đó nhập cảnh từ Anh ngày 12/12/2020 và bắt đầu có các triệu chứng mắc COVID-19 từ ngày 3/1.
Ngoài Ecuador, Chile, Colombia và Peru là những nước Nam Mỹ khác cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của chủng mới được phát hiện lần đầu ở Anh. Theo các chuyên gia y tế, biến thể mới này dễ lây lan hơn nhưng ít gây chết người hơn.
Cũng trong ngày 13/1, Canada thông báo đạt thỏa thuận mua thêm 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech, theo đó cho phép tiêm chủng cho hơn 50% dân số nước này trước mùa Hè. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng cho biết đối tác cũng sẽ đẩy nhanh việc bàn giao vaccine cho Canada trong vài tháng tới. Theo ông, từ giữa tháng 4 đến tháng 6/2021, nước này sẽ có đủ vaccine để tiêm cho khoảng 20 triệu người, tương đương hơn 50% dân số đất nước.
Chính phủ Peru cho biết sẽ thanh toán khoảng 26 triệu USD để mua 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Tập đoàn Sinopharm. Đây là một phần trong thỏa thuận với công ty của Trung Quốc nhằm cung cấp 38 triệu liều cho chương trình tiêm chủng toàn quốc tại Peru. Theo số liệu sơ bộ, vaccine ngừa COVID-19 do Sinopharm nghiên cứu và sản xuất có hiệu quả vào khoảng 79,34% và đã được Trung Quốc cấp phép sử dụng hồi cuối tháng 12/2020. Tuần trước Tổng thống Fracisco Sagasti thông báo đạt thỏa thuận với Sinopharm về việc cung cấp lô vaccine đầu tiên trong tháng 1.
Châu Phi
Tunisia thông báo phong tỏa toàn quốc
Bộ trưởng Y tế Tunisia Faouzi Mehdi thông báo chính phủ nước này quyết định áp dụng phong tỏa trên quy mô toàn quốc trong thời gian 4 ngày, từ ngày 14-17/1, cùng với lệnh giới nghiêm từ 16h chiều hôm trước đến 6h giờ sáng hôm sau để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Quyết định này cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động giảng dạy tại tất cả các cấp học và tại các trung tâm đào tạo trong thời gian từ ngày 13-24/1. Ngoài ra, lệnh cấm ăn uống tại chỗ (áp dụng từ ngày 18/1) sẽ được áp dụng đối với các quán cà phê và nhà hàng, khách hành chỉ được phép mua mang đi. Bộ trưởng Mehdi cho biết tình hình y tế trong nước đang ở mức nguy hiểm vì số ca mắc mới mỗi ngày rất cao. Do đó, chính phủ đã quyết định tăng số lượng các xét nghiệm sàng lọc, đặc biệt là các xét nghiệm nhanh.
Malawi tuyên bố tình trạng thiên tai quốc gia
Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera vừa tuyên bố tình trạng thiên tai quốc gia tại tất cả 28 huyện của nước này khi dịch bệnh COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 người và khiến hơn 2.000 người mắc bệnh.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/1. Ông Chakwera kêu gọi cộng đồng quốc tế, các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, lĩnh vực tư nhân hỗ trợ thêm các nguồn lực cần thiết để đối phó với thách thức hiện nay. Nhà lãnh đạo Malawi cũng nêu rõ tuyên bố trên là bước đi đầu tiên tiến tới khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp – vốn phải được Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội thông qua.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ trưởng Giao thông và Các công trình công cộng Sidik Mia và Bộ trưởng Chính quyền địa phương Lingson Berekanyama đều đã tử vong do COVID-19 vào sáng 12/1. Tổng thống Malawi tuyên bố quốc tang trong 3 ngày từ ngày 12 – 14/1, đồng thời chỉ thị treo cờ rủ nhằm tưởng niệm các quan chức chính phủ và người dân đã tử vong do COVID-19.