Tính đến 7h sáng nay 13/12, thế giới đã vượt 72 triệu ca nhiễm. Mỹ, Mexico phê duyệt vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Peru ngừng thử nghiệm vắc xin của Trung Quốc
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (12/12) có thêm 4 ca mắc là người nhập cảnh. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.395 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 21.001.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.237/1.395 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là ba ca; số ca âm tính lần hai là 7 ca, số ca âm tính lần ba là 12 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 72,05 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,61 triệu người tử vong và 50,44 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%).
Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước châu Âu tiếp tục nghiêm trọng dù đã tăng cường các biện pháp phòng dịch như Ý, Đức,…
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 16,52 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 199.481 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.157 ca, nâng tổng số lên 304.930. Tổng số người phục hồi là hơn 9,62 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 58%). Tình hình dịch bệnh tại Mỹ tiếp tục nghiêm trọng khi số ca mắc mới và tử vong cao vượt tầm kiểm soát.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ hôm qua đã phê duyệt vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech để sử dụng khẩn cấp. Mỹ có kế hoạch phân phối 2,9 triệu liều vắc xin trong vòng 24h, tiếp đó 21 ngày 2,9 triệu liều khác sẽ được tiếp tục bổ sung để người dân tiêm mũi thứ hai, theo The Guardian.
Pfizer có kế hoạch sản xuất 50 triệu liều vắc xin trong năm nay, đủ cho 25 triệu người. Hiện tại các cơ quan quản lý y tế ở Canada, Anh và Bahrain hầu hết đều đã cho phép người trưởng thành sử dụng vắc xin này.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,85 triệu ca nhiễm và 142.994 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 27.182 và 332 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 9,35 triệu người đã khỏi bệnh.
Các ca bệnh đang hoạt dộng liên tục giảm từ tháng 9. Chuyên gia nước này cho biết tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đã ổn định.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 44.282 và 690 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 6,88 triệu và 181.143 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,95 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 87%.
Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil đang có xu hướng tăng trở lại. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Cơ quan giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) thông báo sẽ cho phép sử dụng khẩn cấp bất kì loại vắc xin COVID-19 nào nếu các nhà sản xuất vắc xin yêu cầu.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 28.137 ca mắc và 560 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 2,62 triệu trường hợp, trong đó 46.453 trường hợp tử vong, và hơn 2,08 triệu người hồi phục (đạt 78%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Nga đang tăng dần.
Tất cả các khu vực của Nga sẽ bắt đầu tiêm phòng COVID-19 đại trà vào cuối tuần này, Công ty R-Pharm có trụ sở tại Moscow, sẽ trở thành nhà sản xuất vắc xin Sputnik V hàng đầu của Nga. Mỗi tháng nhà máy này sản xuất tới 10 triệu liều, theo The Moscow Times.
Trung tâm nghiên cứu Gamaleya của Nga sẽ hợp tác với AstraZeneca để tiến hành một thử nghiệm lâm sàng xem việc kết hợp các mũi tiêm của hai bên có tăng cường khả năng miễn dịch đối với COVID-19 hay không.
Mexico đã phê duyệt vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và sẽ tiếp nhận 250.000 liều đầu tiên trong tháng này. Kế hoạch tiêm chủng cũng sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 với các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch là đối tượng ưu tiên, theo Aljazeera.
Tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn đang căng thẳng khi số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng cao kỷ lục trong hai tuần qua.
Tại Peru, số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày đang có xu hướng giảm từ cuối tháng 8. Nước này hôm 11/12 đã ngừng thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 của tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất sau khi một tình nguyện viên gặp vấn đề về thần kinh, theo AFP.
Cuộc thử nghiệm lâm sàng với khoảng 12.000 người đối với vắc xin Sinopharm của Peru vốn dự kiến kết thúc vào tuần này. Nếu thành công, Peru có kế hoạch mua 20 triệu liều, nhưng nước này cần chờ đến giữa năm 2021 mới biết kết quả.
60.000 người trên toàn cầu bao gồm tình nguyện viên ở ở Argentina, Nga và Arab Saudi đã tiêm vắc xin Sinopharm.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.701 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.774 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung Quốc đã gần như kiểm soát được đại dịch nhưng gần đây liên tục ghi nhận các đợt bùng phát cục bộ khiến một số thành phố phải phong toả và xét nghiệm diện rộng.
Nước này tuyên bố sẽ có khoảng 600 triệu liều vắc xin COVID-19 sẵn sàng được đưa ra thị trường trong năm nay, các vắc xin đang thử nghiệm ở giai đoạn cuối, theo South China Morning Post.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 950 ca mắc mới, với 928 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 41.736 ca, trong đó có 578 trường hợp tử vong và 31.493 người đã hồi phục (75%).
Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc đã vượt mức 900 ca do hàng loạt các trường hợp mắc COVID-19 từ các cuộc tụ tập, nhà thờ và bệnh viện ở Seoul, đây là mức tăng cao nhất từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước này.
Giới chức Hàn Quốc cho rằng nước này đang trong tình trạng khẩn cấp, và mức độ lây nhiễm hiện tại dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian, người dân được khuyến nghị ở nhà và hủy bỏ tất cả các cuộc tụ họp trực tiếp.
Bộ Y tế nước này cho biết đã bảo đảm quyền tiếp cận sớm vắc xin COVID-19 do 4 công ty dược phẩm gồm AstraZeneca Inc., Pfizer, Johnson & Johnson’s Janssen và Moderna phát triển cho 34 triệu người. Bộ cũng đã kí một thỏa thuận mua vắc xin cho một triệu người với AstraZeneca.
Cùng ngày, Nhật ghi nhận thêm số ca mắc cao kỷ lục với 3.031 trường hợp. Trong đó Tokyo là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi bắt đầu chứng kiến số trường hợp mắc bệnh tăng mạnh vào giữa tháng 11, theo Japan Times.
Chính phủ nước này vừa đạt được thỏa thuận với hãng dược AstraZeneca của Anh về việc mua 120 triệu liều vắc xin, đủ cho 60 triệu người, theo TTXVN.
Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho khoảng 75 triệu dân trong 8-9 tháng tới.
Vắc xin của các hãng Bio Farma, Astra Zeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer Inc/BioNtech và Sinovac Biotech là 6 loại vắc xin có thể được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng của nước này, theo TTXVN.
Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vắc xin của Sinovac Trung Quốc sản xuất hôm 6/12. Dự kiến vào tháng 1/2021 sẽ có thêm 1,8 triệu liều vắc xin và 15 triệu liều vắc xin nguyên liệu thô để Công ty Biofarma sản xuất.