Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 1/1/2021, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 12.647 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 34.870 người
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (2/1) có thêm 8 ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cánh ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.482 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 18.372.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.337/1.482 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 6 ca, số ca âm tính lần ba là 7 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 3/1 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 84.915.877 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.842.386 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 59.994.635 người, 23.063.799 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.632 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (187.857 ca), Anh (57.725 ca) và Nga (26.301 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.711 ca), tiếp theo là Nga (447 ca) và Anh (445 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 358.233 ca tử vong trong tổng số 20.859.891 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 149.471 ca tử vong trong số 10.324.631 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 195.725 ca tử vong trong số 7.716.405 bệnh nhân.
Châu Âu: Anh lại ghi nhận kỷ lục ca mắc mới
Theo dữ liệu chính thức, nước Anh trong ngày 2/1 đã ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 tiếp tục cao kỷ lục với 57.725 trường hợp và thêm 445 bệnh nhân tử vong. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca bệnh mới ở quốc gia châu Âu này vượt mức 50.000 người.
Trước tình hình hiện nay, Chính phủ Anh đang đứng trước sức ép ngày càng lớn yêu cầu bãi bỏ kế hoạch mở cửa trở lại phần lớn các trường tiểu học ở vùng England. Trong đó, Hiệp hội các hiệu trưởng Quốc gia – liên đoàn hiệu trưởng lớn nhất vùng – đã yêu cầu Chính phủ Anh cung cấp bằng chứng về sự an toàn khi cho phép mở cửa trở lại các trường học, còn Liên minh Giáo dục Quốc gia thông báo với các thành viên của tổ chức rằng họ không phải làm việc trong môi trường không an toàn.
Hồi đầu tuần này, Chính phủ Anh tuyên bố phần lớn các trường tiểu học sẽ mở cửa trở lại theo kế hoạch vào ngày 4/1, trong khi các học sinh trung học sẽ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 11/1 để tham gia các kỳ thi và các đối tượng học sinh còn lại sẽ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 18/1.
Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã bị chỉ trích vì những quyết định đảo ngược thường xuyên trong suốt thời kỳ đại dịch, trong đó có quyết định trì hoãn lệnh phong tỏa trong làn sóng COVID-19 đầu tiên hồi tháng 3/2020 và bãi bỏ cơ chế cho phép lên lớp mà không cần thi.
Trong một diễn biến khác, người phụ trách tiêm chủng của Cơ quan Y tế Công cộng Anh, Tiến sĩ Mary Ramsay khẳng định không đề xuất dùng kết hợp các loại vaccine COVID-19 khác nhau. Tuyên bố của bà Ramsay được đưa ra sau khi bản cập nhật hướng dẫn y tế của chính phủ trong tuần qua nói rằng, việc phối hợp các loại vaccine COVID-19 là một lựa chọn “hợp lý”.
“Chúng tôi không đề xuất dùng lẫn các loại vaccine COVID. Nếu liều đầu tiên của bạn là vaccine Pfizer, bạn không nên dùng vaccine AstraZeneca cho liều thứ hai hoặc ngược lại”, ông Ramsay nói.
Tuy vậy, quan chức này cũng thừa nhận: “Có những trường hợp cực kỳ hiếm gặp khi không có sẵn cùng loại vaccine, hoặc người ta không biết rõ bệnh nhân đã nhận liều đầu tiên của vaccine nào. Chúng ta cần tìm cách tiêm cho họ cùng loại vaccine với liều thứ nhất, nhưng nếu điều đó cũng là không thể, thì tốt hơn là cứ tiêm cho họ một liều thứ hai của vaccine khác còn hơn là không tiêm gì”, bà Mary Ramsay nói.
EU sẵn sàng hỗ trợ mở rộng sản xuất vaccine
Ngày 2/1, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng hỗ trợ các công ty mở rộng sản xuất vaccine phòng COVID-19 để giải tỏa “nút thắt” trong cung ứng.
Hãng tin DPA của Đức dẫn lời bà Kyriakides giải thích bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc đưa vaccine được phê duyệt vào sử dụng là bởi năng lực sản xuất thiếu hụt chứ không phải do kế hoạch của EU. Điểm nghẽn lúc này không phải vì lượng đơn đặt hàng mà là do thiếu năng lực sản xuất trên toàn thế giới. Bà Kyriakides lưu ý rằng Brussels đã cung cấp 100 triệu euro cho BioNTech của Đức, công ty đang hợp tác với tập đoàn dược khổng lồ Pfizer của Mỹ, để giúp xây dựng năng lực sản xuất. Ủy viên EU cho biết khối sẵn sàng làm nhiều hơn nữa, cho Pfizer/BioNTech và các công ty khác có vaccine ứng viên, khi triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Nếu tất cả các vaccine ứng viên được chấp thuận, châu Âu có khả năng sở hữu hơn 2 tỷ liều vaccine để sẵn sàng phục vụ toàn bộ 450 triệu người dân châu Âu và các khu vực lân cận.
Hy Lạp siết chặt hạn chế phòng dịch
Giới chức Hy Lạp thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19, theo đó bắt đầu từ ngày 3/1, các tiệm làm tóc, hiệu sách và các cửa hàng khác sẽ phải đóng cửa sau khi được phép hoạt động phục vụ mùa Giáng sinh. Ngoài ra, lệnh giới nghiêm mới cũng được quy định từ 21 giờ hằng ngày, sớm hơn 1 tiếng so với trước đây.
Pháp kéo dài giới nghiêm ban đêm
Kể từ ngày 2/1, Chính phủ Pháp cũng kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm thêm hai giờ, áp dụng ở 15 tỉnh trên cả nước. Theo đó, lệnh giới nghiêm ban đêm áp dụng ở 15/101 tỉnh ở Pháp sẽ bắt đầu từ lúc 18h hằng ngày, thay vì 20h như quy định trước đây.
Tây Ban Nha cấm nhập cảnh với người đến từ Anh
Tây Ban Nha thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Anh bằng đường hàng không và đường thủy cho đến ngày 19/1. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng đối với công dân Tây Ban Nha và những người có tư cách lưu trú hợp pháp tại nước này.
Hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ Anh đã được Tây Ban Nha áp dụng từ ngày 22/12 và theo dự kiến ban đầu thì sẽ kết thúc vào ngày 5/1 tới. Nhà chức trách Tây Ban Nha cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm soát biên giới vùng lãnh thổ Gibraltar.
Tính đến thứ Hai vừa rồi, Tây Ban Nha ghi nhận tại 6 khu vực có 19 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh. Trong số các trường hợp này có nhiều người mới từ Anh nhập cảnh vào Tây Ban Nha.
Châu Á: Hàn Quốc giãn cách xã hội đến 17/1
Trước tình trạng lây nhiễm có chiều hướng gia tăng, nhiều nước trên thế giới đã buộc phải gia hạn hoặc kéo dài lệnh phong tỏa và các biện pháp chống dịch. Tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc thông báo kéo dài các quy định giãn cách xã hội đang áp dụng hiện nay ở khu vực thủ đô đến ngày 17/1.
Mặc dù số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tính theo ngày đã giảm xuống dưới 900 ca, chủ yếu do số người làm xét nghiệm giảm trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch, lo ngại con số này có thể gia tăng sau kỳ nghỉ lễ, giới chức nước này quyết định kéo dài biện pháp giãn cách xã hội. Hiện Hàn Quốc đang áp dụng cấp độ giãn cách xã hội ở mức 2,5 (mức 3 là cao nhất) đối với khu vực Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm một nửa dân số cả nước. Các khu vực khác được áp dụng mức giãn cách 2.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Choo Mi-ae ngày 2/1 một lần nữa xin lỗi khi để xảy ra vụ lây nhiễm tập thể COVID-19 tại một trung tâm giam giữ ở thủ đô Seoul, đồng thời cho biết sẽ ưu tiên giải quyết tình trạng quá tải tù nhân tại cơ sở này.
Trước đó, bà Choo Mi-ae đã bị chỉ trích vì phản ứng chậm trễ với các ca lây nhiễm COVID-19 tại Trung tâm Giam giữ Dongbu ở Đông Nam Seoul, nơi đã xác nhận 958 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 916 tù nhân.
Nhật Bản: Tokyo đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp
Trong khi đó, tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đang đề nghị chính phủ trung ương một lần nữa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh.
Giới chức y tế Thái Lan ngày 2/1 cũng khuyến nghị cần có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với doanh nghiệp và việc đi lại của người dân ở 28 tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok. Các biện pháp này bao gồm dừng một số hoạt động tập trung đông người có nguy cơ làm virus lây lan, yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa, kêu gọi người dân làm việc từ nhà và tránh ra khỏi địa phương khi không cần thiết.
Ấn Độ sẽ tiêm vaccine COVID miễn phí trên toàn quốc
Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan thông báo nước này sẽ thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 miễn phí trên toàn quốc chứ không chỉ ở riêng thủ đô New Delhi.
Bộ trưởng Vardhan đã tới một bệnh viện ở Delhi để theo dõi quá trình thử nghiệm vaccine trên toàn quốc bắt đầu từ sáng 2/1. Ông kêu gọi người dân không nghe theo các tin đồn liên quan đến hiệu quả và sự an toàn của vaccine ngừa COVID-19.
Chính phủ Ấn Độ mong muốn bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 1 này và dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người trong vòng 6-8 tháng tới.
Australia: Bang New South Wales bắt buộc đeo khẩu trang
Tại Australia, bang đông dân nhất New South Wales (NSW) ngày 2/1 ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang và áp đặt thêm các hạn chế đi lại. Động thái này diễn ra trong bối cảnh NSW có thêm 7 ca mới liên quan đến các cụm lây nhiễm đang gia tăng.
Theo quy định mới sẽ có hiệu lực từ thứ Hai tới, những người không đeo khẩu trang khi vào một số cơ sở trong nhà như các trung tâm mua sắm, các điểm giải trí và trên các phương tiện công cộng có thể bị phạt tới 200 AUD (154 USD). Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian phát biểu với báo giới rằng chính quyền bang coi sức khỏe và sự an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên cũng cần suy nghĩ tới vấn đề phúc lợi xã hội, việc làm và phát triển kinh tế. Do đó, các biện pháp mới là cần thiết để đảm bảo rằng người dân vẫn tiếp tục được làm việc và thúc đẩy kinh tế phát triển, trong khi vẫn ngăn ngừa được virus lây lan.
Đến nay Australia ghi nhận hơn 28.450 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 909 ca tử vong.
Ai Cập xuất hiện 4 biển chủng SARS-CoV-2
Liên quan đến biến thể mới của virus, chuyên gia Ai Cập thông báo nước này đang xuất hiện 4 chủng virus SARS-CoV-2 gây ra những triệu chứng khác nhau. Bệnh viện Qasr al-Ainy thuộc Đại học Tổng hợp Cairo cho biết sốt không còn là triệu chứng cơ bản nhất của người mắc COVID-19, thay vào đó là hiện tượng mệt mỏi và suy nhược cơ thể cùng với các triệu chứng về hô hấp. Ông Salem cho rằng kích thước của virus SARS-CoV-2 là yếu tố quyết định mức độ nghiêm trọng và phức tạp của các triệu chứng. Ông cũng cho biết virus SARS-CoV-2 hiện có khoảng 7 chủng, trong đó chủng cuối cùng gần giống với cúm nhất.
Israel dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người tiêm vaccine
Theo thống kê mới nhất, Israel trở thành quốc gia dẫn đầu trên thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, với tỷ lệ 11,55 người/100 dân. Đứng thứ hai là Bahrain với tỷ lệ 3,49%, tiếp đến là Anh với 1,47%. Mặc dù Mỹ, Trung Quốc và Anh đều đặt mua vaccine với số lượng rất lớn, nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại các nước này vẫn thấp, chỉ đạt 0,84% với Mỹ, 0,31% với Trung Quốc và 1,47% với Anh. Tại rất nhiều quốc gia có tiềm lực tài chính mạnh khác ở châu Âu, tỷ lệ này cũng đạt rất thấp, thậm chí không đáng kể.
Một trong những lý do khiến Israel có thể triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là hệ thống chăm sóc y tế tại nước này khá hoàn hảo, có thể “phủ sóng” tới mọi địa phương, mọi người dân và được số hóa mạnh mẽ. Israel có mạng lưới bệnh viện, trạm y tế và bác sĩ lưu động trên khắp cả nước và chính nhờ sự tập trung này mà nhà nước quản lý được hầu hết hồ sơ y tế của người dân.
Phản ứng sớm cũng là một lý do. Ngay từ khi có thông tin về vaccine COVID-19, Israel đã nhanh chóng đặt hàng từ các hãng dược phẩm lớn trên thế giới để có đủ nguồn vaccine sớm nhất đưa về nước.