Covid-19 đến 6 giờ ngày 11-1, Thế giới ghi nhận thêm 489.190 ca mắc Covid-19 và 8.644 ca tử vong

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 489.190 ca mắc Covid-19 và 8.644 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 51,7 triệu, trong đó có gần 1.278.000 bệnh nhân không qua khỏi

Cử tri Myanmar đeo khẩu trang phòng dịch xếp hàng bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Yangon, ngày 8/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Cử tri Myanmar đeo khẩu trang phòng dịch xếp hàng bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Yangon, ngày 8-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 11-11 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 51.760.475 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, bao gồm 1.277.994 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 36.349.143 người, 14.122.390 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 94.652 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (121.965 ca), Ấn Độ (44.679 ca) và Italy (35.098 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.101 ca), tiếp theo là Pháp (857 ca) và Italy (580 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 245.557 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 10.545.660 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 127.615 ca tử vong trong số 8.635.754 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 162.802 ca tử vong trong số 5.699.005 bệnh nhân.

Phó Tổng thư ký LHQ dương tính với SARS-CoV-2

Người phát ngôn của Tổng thư ký (TTK) LHQ, ông Stephane Dujarric ngày 10-11 cho biết Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách lực lượng gìn giữ hòa bình, ông Jean-Pierre Lacroix đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang tự cách ly ở Lisbon, Bồ Đào Nha sau chuyến thăm Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Trên trang Twitter cá nhân, ông Lacroix chia sẻ: “Tôi muốn cho các bạn biết rằng tôi đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tôi không có triệu chứng và đang cách ly ở Lisbon, làm việc từ xa”.
Ông Lacroix có mặt ở Lisbon để tham dự một hội nghị về hòa bình và an ninh hôm 6-11 vừa qua. Ông đã lên kế hoạch thăm Cộng hòa Dân chủ Congo nhưng chuyến thăm bị hoãn lại.

Kể từ mùa Xuân, một số quan chức đứng đầu các cơ quan của LHQ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, ông Lacroix là quan chức cấp cao đầu tiên của trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) thông báo bị nhiễm Covid-19.

Mỹ: Trên 121.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua

Trong 24 giờ qua tính đến 6h sáng 11-11 (theo giờ VN), nước Mỹ ghi nhận tới 121.965 ca nhiễm mới Covid-19 và 1.225 ca tử vong. Tình hình lây nhiễm tăng vọt báo động ở Mỹ sau cuộc bầu cử 3-11 đang đẩy hệ thống y tế tại nhiều vùng đứng trước nguy cơ quá tải. 

Trong ngày 10-11, Mỹ thông báo thêm một quan chức trong Nhà Trắng cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông David Bossie, 55 tuổi, một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang tự cách ly tại nhà riêng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 8-11 vừa qua. Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cùng Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Ben Carson, cũng như một loạt nhân viên và quan chức Nhà Trắng, cũng đã được xác nhận dương tính với virus SARS-COV-2.

Cùng ngày, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ, bày tỏ hy vọng Tổng thống Trump sẽ không sa thải ông. Ông Trump gần đây cho biết có thể sa thải ông Fauci sau cuộc bầu cử. Tiến sĩ Fauci cũng tin tưởng ứng cử viên vaccine Covid-19 do tập đoàn Pfizer sản xuất có tiềm năng chấm dứt đại dịch. 

Châu Âu mua 300 triệu liều vaccine của Mỹ

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 10-11 thông báo rằng Liên minh châu Âu sẽ cho phép ký hợp đồng mua tới 300 triệu liều vaccine Covid-19 do công ty Mỹ Pfizer và BioNTech phát triển. Ông Von der Leyen cho biết trong một tuyên bố: “Một khi loại vaccine này sẵn sàng, kế hoạch của chúng tôi là triển khai nhanh chóng ở mọi nơi ở Châu Âu… Đây sẽ là hợp đồng thứ tư với một công ty dược để mua vaccine và sẽ còn nhiều hợp đồng nữa. Bởi vì chúng tôi cần một danh mục vaccine đa dạng dựa trên các công nghệ khác nhau”.

Thông báo của Liên minh Châu Âu được đưa ra sau khi người khổng lồ dược phẩm Pfizer thông báo hôm 9-11 rằng kết quả phân tích sớm dữ liệu từ vaccine Covid của họ cho thấy nó có hiệu quả hơn 90% – một hiệu quả tốt hơn nhiều so với mong đợi. “Đây là loại vaccine hứa hẹn nhất cho đến nay. Vaccine an toàn và hiệu quả là cơ hội tốt nhất để chúng ta đánh bại Covid-19 và trở lại cuộc sống bình thường ”, ông Von der Leyen nhấn mạnh.

Nga: Moscow giới hạn ban đêm chặt hơn

Thủ đô Moscow của Nga đang áp dụng bộ quy định hạn chế phòng dịch mới trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới liên tiếp lập kỷ lục.  Các biện pháp sẽ được áp dụng trong 2 tháng, từ 13-11 đến 15-1-2021. Theo đó, các địa điểm giải trí, quán bar, nhà hàng sẽ đóng cửa từ 23h đến 6h sáng hôm sau. Hoạt động giao thực phẩm tận nhà có thể hoạt động 24h-ngày. Sinh viên các trường đại học, trung học sẽ chuyển sang học từ xa. Các địa điểm trong nhà dành cho trẻ em sẽ đóng cử, trong khi các rạp phim, nhà hát chỉ được hoạt động với 25% công suất khán giả.

Anh: 36% người dân do dự tiêm vaccine Covid

Báo cáo công bố ngày 10-11 của Viện Hàn lâm và Cộng đồng Hoàng gia Anh cho thấy, nếu một loại vaccine Covid được lưu hành, 80% dân số cần được chủng ngừa. Tuy nhiên khoảng 27% người Anh cảm thấy không chắc chắn sẽ tiêm vaccine, trong khi 9% cho hay họ ít có khả năng sẽ tiêm phòng.

Ca nhiễm tăng vọt, Italy siết chặt kiểm soát

 Italy thông báo mở rộng biện pháp siết chặt tại vùng Tuscany và 4 khu vực khác nhằm kiềm chế làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại nước này. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11-11. Hồi tuần trước, Chính phủ Italy đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm và phân chia các khu vực theo màu dựa theo mức độ nghiêm trọng của các ổ dịch Covid-19, qua đó ban hành một số hạn chế bổ sung phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng vùng. Theo quy định mới, vùng Tuscany, gồm các thành phố như Florence and Siena, cùng vùng Liguria; Abruzzo; Umbria và vùng miền Nam Basilicata, được phân loại là vùng da cam. Tại những khu vực này, các quán bar, nhà hàng buộc phải đóng cửa, trong khi cửa hàng được phép hoạt động. Người dân chỉ được phép đi lại trong thành phố. Trong khi đó, thành phố Milan và phần lớn khu vực công nghiệp ở phía Bắc Italy được xếp vào vùng đỏ và phải thực hiện  phong tỏa một phần.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Podgorica của Montenegro thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố này trong bối cảnh giới chức y tế nỗ lực kiểm chế sự bùng phát dịch Covid-19 một tuần sau khi nhiều người đến dự lễ tang của một giám mục tại đây. Quy định mới bao gồm lệnh giới nghiệm từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đồng thời cấm người dân tại Podgorica cũng như tại thành phố Cetinje đến thăm hoặc gặp mặt nhau. Nhà hàng, quán bar buộc phải dừng hoạt động. Các biện pháp trên được đưa ra sau khi Montenegro ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh trong những tuần qua, khiến quốc gia vùng Balkan này là một trong những nước có tỷ lệ mắc cao nhất châu Âu. Chỉ trong hai tuần qua, Montengro đã ghi nhận 5.300 ca mắc mới, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình này “đáng báo động”.

Nhiều nước thúc đẩy mua vaccine Covid-19

Nhiều nước đang thúc đẩy các cuộc đàm phán mua các loại vaccine tiềm năng cũng như khuyến khích người dân tham gia tiêm phòng vaccine ngừa bệnh Covid-19.

Truyền thông Đức đưa tin EU đã hoàn tất việc đàm phán hợp đồng mua vaccine với hai công ty dược BioNTech của Đức và Pfizer của Mỹ, sau khi hai hãng này thông báo loại vaccine ngừa Covid-19 của họ cho hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối đang được tiến hành. Theo thỏa thuận, hai hãng này sẽ cung cấp 200 triệu liều vaccine cho châu Âu, trong đó Đức có thể nhận được 100 triệu liều. 

Israel cũng đang trong quá trình đàm phán mua vaccine ngừa Covid-19 của công ty dược phẩm Pfixer (Mỹ) cùng đối tác BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất. Hiện nước này cũng phát triển vaccine ngừa Covid-19 của riêng mình, tuy nhiên, vaccine này mới ở giai đoạn chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng.

Châu Á: Tổng thư ký PLQ qua đời vì Covid-19

Trong ngày 10-11, Văn phòng Tổng thống Palestine thông báo Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán của Palestine, ông Saeb Erekat, đã qua đời ở tuổi 65 vì các biến chứng do mắc Covid-19. Ông Saeb Erekat từng được phẫu thuật cấy ghép phổi tại Mỹ 3 năm trước đây, điều này khiến hệ miễn dịch của ông suy yếu.

Hàn Quốc: Ca nhiễm mới tiếp tục mức 3 con số

Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tiếp tục tăng ở mức 3 con số vào ngày 10-11, khiến giới chức y tế nước này phải cân nhắc tăng mức giãn cách xã hội. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 100 ca nhiễm mới, trong đó 71 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 27.653 ca.

Trước đó, trong các ngày 8-9-11, Hàn Quốc cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới lần lượt là 126 và 143 ca. Ngoài ra, Hàn Quốc còn thông báo có thêm 5 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 485 ca. Hiện Hàn Quốc đang áp đặt cơ chế giãn cách xã hội ở mức 1, mức thấp nhất trong thang gồm 5 cấp độ. Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc lại lo ngại rằng nước này có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng cơ chế giãn cách xã hộ cấp độ 1,5 trên toàn quốc nếu số ca nhiễm mới theo ngày không sớm giảm xuống. Hiện các thành phố Asan và Cheonan ở miền Trung Hàn Quốc đã phải áp đặt cấp độ 1,5.

Nepal xét nghiệm và điều trị miễn phí Covid

Nepal thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân, trong bối cảnh tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Nam Á này đã vượt mốc 200.000 ca. Thông tin trên được đưa ra sau phán quyết hồi tuần trước của Tòa án Tối cao Nepal yêu cầu điều trị miễn phí cho các bệnh nhân Covid-19. Trước khi tòa án đưa ra phán quyết này, Chính phủ Nepal yêu cầu công dân có đủ khả năng tài chính thanh toán chi phí xét nghiệm và điều trị, chính phủ chỉ xét nghiệm và điều trị miễn phí cho các trường hợp khó khăn. Các chuyên gia cho biết nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 ở Nepal đã lựa chọn tự cách ly tại nhà thay vì phải đóng khoản tiền đặt cọc tới 150.000 rupee Nepal (khoảng 1.266 USD) khi nhập viện. Điều này dẫn đến tình trạng ít người đến xét nghiệm hơn và khó truy vết tiếp xúc, từ đó khiến số ca lây nhiễm tăng nhanh. Hiện Nepal ghi nhận hơn 197.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 1.100 ca tử vong.

Thái Lan xác nhận ca Covid-19 liên quan đến Ngoại trưởng Hungary

Ngày 10-11, nhà chức trách Thái Lan xác nhận một quan chức ngoại giao Hungary đã nhiễm Covid-19 sau khi tiếp xúc với Ngoại trưởng Hugapry Peter Szijjarto trong chuyến công du khu vực vào tuần trước. Ông Szijjarto được phát hiện nhiễm Covid-19 sau khi bay từ Campuchia đến Thái Lan hôm 3-11. Bộ Ngoại giao Hungary khẳng định với hãng tin Reuters rằng ông Szijjarto đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 ngay trước khi khởi hành tới châu Á. Xét nghiệm chỉ cho kết quả dương tính sau khi ông tới Bangkok.

Ngày 10-11, Thái Lan ghi nhận 4 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 3.844, trong đó có 3.670 ca đã hồi phục và 60 ca tử vong.

Campuchia: Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân thận trọng

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, đồng thời khẳng định Chính phủ đủ khả năng kiểm soát tình hình. Trong một thông điệp được ghi âm gửi người dân Campuchia tối 9-11, Thủ tướng Hun Sen cho biết trong số hơn 900 người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto ngày 3-11, có 4 người đã có kết quả dương tính với Covid-19. Mặc dù khá nghiêm trọng nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Ông Hun Sen nhấn mạnh người dân, nhất là những người buôn bán ở chợ, vẫn tiếp tục kiếm sống như bình thường cả ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal.

Tính đến ngày 10-11, Campuchia đã xác nhận 300 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 288 ca đã bình phục và không có trường hợp tử vong. 

Malaysia: Vẫn còn hơn 150 ổ dịch 

Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba ngày 10-11 cho biết kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tới nay, Malaysia đã phát hiện tổng cộng 276 ổ dịch, trong đó 151 ổ dịch vẫn đang tồn tại với các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. 

Tính đến hết ngày 10-11, Malaysia phát hiện tổng cộng 42.050 ca mắc Covid-19, trong đó 300 ca tử vong. Bang Sabah là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất cả nước với 20.234 ca, trong đó 147 ca tử vong. Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất hôm 6-11 vừa qua với 1.775 ca, trong khi số ca tử vong theo ngày cao nhất ghi nhận hôm 3-11 với 12 ca.

Indonesia ghi nhận gần 3.800 ca nhiễm mới

Cùng ngày, Lực lượng đặc trách ứng phó với dịch Covid-19 của Indonesia cho biết quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 3.779 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại đây lên 444.348 ca. Ngoài ra, với thêm 72 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Indonesia hiện tăng lên 14.761 ca.

Giới chức Indonesia xác nhận tổng số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tại nước này đều ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại đây.  

Philippines: Ca nhiễm mới tiếp đà giảm

Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 10-11 thông báo có 1.347 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 399.749 ca.   

DOH cũng cho biết tổng số bệnh nhân phục hồi đã tăng lên 361.919 người. Trong khi đó, với thêm 14 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này đã tăng lên 7.661 ca.

Theo thống kê của DOH, Philippines đã xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho hơn 4,77 triệu người tại quốc gia Đông Nam Á có khoảng 110 triệu dân này.

Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP-TTXVN

Trung Quốc bác bỏ vấn đề an toàn vaccine tại Brazil

Công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc cho rằng quyết đinh của Brazil ngừng chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine CoronaVac do họ sản xuất không phải do vấn đề của chính vaccine. “Chúng toi đã liên lạc với đối tác Brazil, Viện Butantan, và người đứng đầu viện này tin rằng sự cố không liên quan gì đến vaccine”, Sinovac đưa ra tuyên bố. 

Sinovac đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 với CoronaVac từ cuối tháng 7, tuyển 130.000 tình nguyện viên. Đây là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và quan trọng nhất trước khi công ty xin cấp phép lưu hành vaccine. 

Quyết định dừng thử nghiệm của Brazil đánh dấu một bước lùi tiềm tàng với một trong những ứng cử viên vaccine Covid hàng đầu của Trung Quốc, và trong bối cảnh công ty Pfizer của Mỹ tuyên bố vaccine Covid do họ sản xuất đã đạt tới trên 90% hiệu quả. 

Theo Báo Tin tức