Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 570.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 90 triệu ca, trong đó trên 1,94 triệu ca tử vong.
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (10/1) có thêm một ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.514 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.634.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.361/1.514 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 8 ca, số ca âm tính lần ba là 8 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 182.000 ca), Anh (54.940 ca) và Brazil (29.792 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.533 ca), Mexico (1.135 ca) và Anh (563 ca).
Các con số trên cho thấy bất chấp chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh COVID-19 đang được đẩy mạnh, tình hình dịch bệnh dường như chưa có dấu hiệu cải thiện khi các nước toàn thế giới tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong tăng mạnh.
Châu Âu
Tổng số ca mắc tại Đức gần chạm ngưỡng 2 triệu
Tới 6h sáng 11/1 (giờ Việt Nam), Đức ghi nhận thêm trên 14.000 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên gần 2 triệu ca, trong đó 41.433 ca tử vong.
Trong thông điệp hằng tuần, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng số liệu thống kê trên chưa phản ánh đầy đủ tác động của việc người dân gặp gỡ, giao lưu trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Bà cảnh báo những tuần tới sẽ là “giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch”, khi nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đều trong tình trạng làm việc quá tải.
Đức được xem là một trong số ít quốc gia châu Âu chống dịch hiệu quả trong làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên vào mùa Xuân năm ngoái, song đã bị “hụt hơi” trong việc ứng phó làn sóng dịch thứ hai. Quốc gia với khoảng 83 triệu dân này đã áp đặt thêm các biện pháp chống dịch, theo đó hạn chế các tiếp xúc xã hội và hỗ trợ các bệnh viện ứng phó với sự gia tăng số bệnh nhân nhập viện. Hiện có hơn 5.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bộ phận chăm sóc tích cực trên toàn quốc. Đức đã đóng cửa các trường học và cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, các cơ sở văn hóa và giải trí cho tới ít nhất ngày 31/1 với hy vọng khống chế được đà lây lan của dịch bệnh.
Tương tự các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), Đức đã bắt đầu triển khai tiêm đại trà vaccine phòng COVID-19 của hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) vào cuối tháng 12 năm ngoái. Tới nay đã có hơn 500.000 người được chủng ngừa. Thủ tướng Merkel thừa nhận chiến dịch tiêm phòng vaccine khởi đầu chậm, song sẽ tăng tốc. Chính phủ cam kết sẽ đảm bảo có đủ vaccine cho mọi người tại Đức.
Số ca tử vong tại Bỉ vượt 20.000 ca
Viện Y tế quốc gia Bỉ (Sciensano) thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng đã vượt 20.000 ca trong ngày 10/1, với hơn một nửa số ca tập trung tại các cơ sở dưỡng lão. Tới nay, quốc gia với 11,5 triệu dân này đã ghi nhận tổng cộng 662.694 ca mắc và 20.038 ca tử vong.
Số ca tử vong do COVID-19 tại các cơ sở dưỡng lão ở Bỉ đã lên tới 10.270 ca vào ngày 18/12/2020. Trong làn sóng dịch đầu tiên, Sciensano đã báo cáo hon 250 người tử vong mỗi ngày với mức đỉnh điểm 322 người vào ngày 8/4/2020. Số ca tử vong có chiều hướng giảm vào mùa Hè song sau đó đã bắt đầu tăng trở lại vào tháng 10/2020 với 218 ca tử vong được ghi nhận vào ngày 10/11/2020. Tuần trước, số ca tử vong trung bình được ghi nhận ở mức 58 ca/ngày với khoảng 1.780 ca mắc.
Nga thêm gần 23.000 ca mắc mới
Nga ngày 10/1 thông báo có thêm 22.851 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 4.216 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3.401.954 ca, cao thứ tư thế giới.
Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 456 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa số trường hợp không qua khỏi lên 61.837 trường hợp.
Thụy Điển ban hành luật chống dịch COVID-19
Ngày 10/1, Luật chống dịch COVID-19 vừa được Quốc hội Thụy Điển thông qua chính thức có hiệu lực, theo đó trao cho chính phủ quyền hạn mới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nước.
Luật trên cho phép Chính phủ Thụy Điển đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trung tâm mua sắm hoặc phương tiện giao thông công cộng trong thời gian cách ly. Theo các quan chức Thụy Điển, hiện chính phủ chưa đưa ra quyết định về việc đóng cửa các doanh nghiệp, song có quyền thực hiện việc này vào bất kỳ thời điểm cần thiết nào. Cùng với đó, chính phủ cũng có thể đặt ra giới hạn về số lượng người được phép tụ tập ở một số nơi công cộng. Luật cũng cho phép phạt những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, theo luật mới, chính phủ sẽ không thể áp đặt lệnh giới nghiêm hay cấm đi lại trong nước.
Đạo luật trên được phê chuẩn trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang nỗ lực nhằm làm chậm đà lây lan của làn sóng COVID-19 thứ hai. Trong đợt bùng phát dịch mùa Xuân năm ngoái, Thụy Điển đã gây chú ý vì quan điểm “miễn dịch cộng đồng”, không thực hiện biện pháp cách ly để kiểm soát dịch COVID-19 như những nơi khác ở châu Âu, song quốc gia này đã phải thay đổi thái độ đối với dịch bệnh trên khi những tháng gần đây khi số ca mắc COVID-19 tăng. Theo hiến pháp, Chính phủ Thụy Điển không được phép “đóng cửa” xã hội trong thời bình. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai nghiêm trọng hơn so với dự báo, nước này cũng đã bắt đầu siết chặt các biện pháp kể từ tháng 11/2020 với lệnh cấm tụ tập từ 8 người trở lên. Ngoài ra, từ 7/1, người dân mới bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Châu Mỹ
Số ca mắc và tử vong ở Mỹ và Canada tăng đáng lo ngại
Tính tới 6h sáng 11/1 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm trên 182.000 ca mắ mới và 1.533 ca tử vong mới.
Trước đó, sáng 10/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại Mỹ đã vượt 22 triệu trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng hơn 370.000 người.
Ba bang ghi nhận nhiều ca bệnh nhất cả nước này gồm bang California (2.649.119 ca), tiếp đến là Texas (1.943.625 ca) và Florida (1.464.697 ca). Nhóm ghi nhận hơn 1 triệu ca bệnh còn có các bang New York và Illinois.
Tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất tính cả về số ca bệnh và số ca tử vong, lần lượt chiếm hơn 24% và hơn 19% tổng số toàn thế giới. Tổng số ca bệnh tại Mỹ tăng lên mức 20 triệu ca vào ngày 1/1 vừa qua và kể từ đó tới nay sau mỗi 4 ngày tăng thêm 1 triệu ca. Ngày 7/1, Mỹ trải qua ngày có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất với 4.194 ca trong 24 giờ. Theo mô hình ước tính của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) , đến ngày 30/1/2021, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này có thể dao động trong khoảng từ 405.000 đến 438.000 ca.
Tổng số ca bệnh tại Canada đã lên tới trên 659.000 ca, trong đó gần 17.000 ca tử vong.
Các số liệu thống kê quốc gia cho thấy, trong giai đoạn từ 1-7/1, trung bình Canada ghi nhận 7.672 ca mới/ngày trong khi nhiều khu vực tiếp tục chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao. Số ca nhập viện và tử vong vì dịch bệnh tại Canada cũng tăng. Các dữ liệu thống kê theo địa phương và khu vực chỉ ra trung bình có 4.336 bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện nước này mỗi ngày, trong cùng khoảng thời gian từ 1-7/1.
Trong ngày 9/1, tỉnh Ontario ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước, với 3.442 ca, tiếp đến là tỉnh Quebec với 3.127 ca, cao nhất từng được ghi nhận tại tỉnh này. Chính quyền tỉnh Quebec cũng bắt đầu triển khai lệnh giới nghiêm kéo dài 1 tháng từ 20h tối 9/1, theo đó người dân không ra ngoài sau 20h hằng ngày nếu không thực sự cần thiết, kéo dài tới 5 h sáng hôm sau, người vi phạm có thể sẽ bị phạt từ 1.000-6.000 CAD.
Mexico và Chile ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục
Mexico cũng ghi nhận 16.105 ca mắc mới và 1.135 ca tử vong trong ngày 9/1, đánh dấu ngày có số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay tại Mexico và đây cũng là ngày thứ năm liên tiếp số ca tử vong tại nước này vượt mức 1.000 ca. Hiện Mexico ghi nhận tổng cộng hơn 1,524 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 133.204 ca tử vong. Bộ Y tế Mexico cũng không loại trừ khả năng số ca mắc bệnh và tử vong trên thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê vì năng lực xét nghiệm chưa cao.
Cùng ngày, Bộ Y tế Chile cũng thông báo thêm 4.181 ca mắc mới. Số ca mắc mới tăng đột biến tại các khu vực Tarapaca và Atacama. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cho biết giới chức y tế đặc biệt lo ngại trước tình trạng gia tăng số ca mắc và nguy cơ các dịch vụ chăm sóc y tế sẽ quá tải trong khi các giường chăm sóc đặc biệt (ICU) cũng có thể sẽ hết trong vài ngày tới. Tính đến sáng 11/1, Chile ghi nhận tổng cộng trên 641.000 ca mắc, trong đó có trên 17.000 ca tử vong.
Châu Á
Số ca mắc mới trong ngày tại Trung Quốc tăng hơn gấp đôi
Ngày 10/1, Trung Quốc thông báo thêm 69 ca mắc mới COVID-19, cao hơn gấp đôi con số 33 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Theo Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHC), ngày 9/1, Trung Quốc ghi nhận 21 ca bệnh nhập khẩu và 48 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có tới 46 ca ở tỉnh Hà Bắc. Trong tuần, tỉnh giáp thủ đô Bắc Kinh này đã được đặt vào trạng thái thời chiến nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, có 27 ca mắc bệnh không triệu chứng cũng được ghi nhận tại Trung Quốc trong ngày 9/1 nhưng những trường hợp này không được tính là những ca mắc mới. Tính đến sáng 10/1, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 87.433 ca mắc bệnh, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Ngày 10/1, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo nước này tiếp tục đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Ấn Độ ấn định thời điểm bắt đầu tiêm vaccine
Ấn Độ sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vào ngày 16/1, sau các lễ hội như Lohri, Makar Sankranti, Pongal, Magh Bihu, trong đó dành ưu tiên cho khoảng 30 triệu nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu.
Tuyên bố của Trung tâm báo chí quốc gia Ấn Độ cho biết quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp cấp cao vào chiều 9/1 do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước cũng như công tác chuẩn bị tiêm chủng của các bang và lãnh thổ liên bang.
Chương trình chủng ngừa COVID-19 của Ấn Độ sẽ ưu tiên các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu, ước tính khoảng 30 triệu người, tiếp theo là những người trên 50 tuổi và các nhóm dân số dưới 50 tuổi có bệnh lý nền, khoảng 270 triệu người.
Đến nay, hơn 61.000 người quản lý chương trình, 200.000 nhân viên tiêm chủng và 370.000 thành viên khác trong đội ngũ tiêm chủng đã được tập huấn trong khuôn khổ chương trình đào tạo tiêm chủng ở cấp bang, cấp quận huyện và cấp khu vực.
Ngày 3/1 vừa qua, Tổng cục quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước đối với các vaccine Covishield của đại học Oxford-AstraZeneca (đều thuộc Anh) và Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ). Hiện Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã có 50 triệu liều vaccine được đóng gói sẵn tại nhà máy Pune và 50 triệu liều khác đã sẵn sàng để đóng gói.
Nhật Bản: Nhiều địa phương kiến nghị ban bố tình trạng khẩn cấp
Nhật Bản thông báo đã ghi nhận thêm 7.790 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 283.385. Trong số đó có 827 ca nghiêm trọng và có thêm 59 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản lên 4.035 ca. Đáng chú ý, Nhật Bản có thêm 1.000 ca tử vong chỉ trong 18 ngày từ khi “làn sóng thứ ba” bùng phát, cao gấp nhiều lần so với giai đoạn đầu là 158 ngày.
Riêng ngày 9/1, thủ đô Tokyo đã ghi nhận 2.268 ca nhiễm COVID-19 mới, là ngày thứ ba liên tiếp trên 2.000 ca. Trong đó, số ca nghiêm trọng tiếp tục duy trì mức cao nhất ngày thứ tám liên tiếp với 129 ca. Các tỉnh lân cận Tokyo nằm trong phạm vi tình trạng khẩn cấp đều có số ca nhiễm mới cao kỷ lục, Saitama là 518 ca, Chiba là 477 ca, Kanagawa có 999 ca. Trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm trong cả nước diễn biến phức tạp, lãnh đạo các địa phương như Osaka, Hyogo, Kyoto cùng kiến nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp tại đây.
Các nước Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới
COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi một số nước trong khu vực ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới trong 24 giờ qua.
Ngày 10/1, Indonesia thông báo nước này có thêm 9.640 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 828.026 ca. Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 182 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 24.129 người.
Dịch COVID-19 đã lây lan trên toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận 2.711 ca mắc mới, Tây Java có thêm 1.468 ca mắc, tiếp đến là Trung Java (1.045 ca), Đông Java (1.004 ca) và Nam Sulawesi (585 ca).
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo có 1.906 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 487.690 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 8 ca lên 9.405 ca. Số bệnh nhân đã bình phục hiện là 458.198 người, tăng thêm 8.592 người.
Với dân số khoảng 100 triệu dân, Philippines đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với 6,59 triệu người kể từ khi dịch xuất hiện hồi tháng 1 năm ngoái.
Trong khi đó, Thái Lan đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất với hơn 200 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày, chủ yếu lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 245 ca mắc mới được ghi nhận vào ngày 10/1 có 224 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong khi 21 ca khác liên quan người trở về từ nước ngoài.
Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận 10.298 ca mắc, với 8.157 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2.141 ca nhập cảnh; số ca tử vong vẫn là 67 ca.
Hiện 57 tỉnh của Thái Lan ghi nhận các ca mắc COVD-19. Chính phủ Thái Lan đã thông báo xếp thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác là “vùng đỏ”, tức là vùng áp dụng mức kiểm soát dịch tối đa. Tại các khu vực này, việc đi lại và kinh doanh bị siết chặt, nhân viên công sở được yêu cầu làm việc tại nhà, giờ làm việc phải điều chỉnh, các hoạt động tụ tập đông người bị cấm, đồng thời việc đi lại giữa các tỉnh cũng không được khuyến khích.