Bão số 9 Molave được nhận định là cơn bão nguy hiểm, khả năng mạnh nhất năm nay với tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.
Bão số 9 đang mạnh cấp 13 giật cấp 15 – sức gió dữ dội này có khả năng tàn phá rất lớn. Trước tình hình nguy hiểm của bão số 9, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia để thông tin chi tiết về tính chất, mức độ của cơn bão này.
Thưa ông, với những dự báo hiện tại, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định như thế nào về bão số 9?– Có thể nói chúng ta đang đối mặt với cơn bão mạnh nhất từ đầu mùa mưa bão năm nay và khả năng mạnh nhất năm nay. Cường độ gió cấp 13, giật cấp 15 chứng tỏ rất mạnh. Về tính chất, đây là cơn bão di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Hầu khắp Biển Đông chịu tác động vừa trực tiếp từ cơn bão, vừa kết hợp với không khí lạnh, gây gió mạnh. Từ đêm nay 27.10, bão số 9 đã trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền. Hệ quả của cơn bão này là nước biển dâng, mưa lũ trên đất liền gây nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất.
Với sức gió mạnh như vậy, thời tiết biển đặc biệt nguy hiểm. Ông có lưu ý gì về thời tiết vùng biển ven bờ, đặc biệt là trên các đảo nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão?
– Với cơn bão số 9, nguy cơ gió mạnh trên biển, mạnh nhất có thể đạt cấp 13 giật cấp 15 gây biển động dữ dội.
Dự báo, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Từ trưa và chiều nay (27.10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Vùng trọng tâm vẫn là cách tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Vậy lượng mưa do ảnh hưởng của bão số 9 được dự báo như thế nào thưa ông, liệu có nguy cơ lũ lụt?
– Về mưa lớn trên đất liền, khả năng ảnh hưởng bão số 9 đối với đất liền thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, bão đổ bộ trực tiếp gây mưa lớn diện rộng cho khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên. Mưa bắt đầu từ đêm 27.10 và kéo dài đến đêm 28.10, lượng phổ biến 200-400 mm.
Giai đoạn 2, hoàn lưu bão suy yếu trên đất liền kết hợp với không khí lạnh tăng cường ngày 28.10 khiến trọng tâm mưa dịch chuyển lên phía bắc. Mưa lớn tiếp diễn tại các tỉnh từ phía nam Nghệ An, trải dọc xuống Quảng Bình đến hết ngày 31.10. Tổng lượng mưa trong 4 ngày tại các tỉnh này lên đến 500-700 mm.
Do mưa lớn, các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên báo động 2 và báo động 3. Nguy cơ ngập lụt diện rộng quay trở lại các tỉnh Trung Bộ.
Ngoài ra, vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét; cảnh báo các sự cố có thể xảy ra trên các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu trong đợt lũ này.
Trân trọng cảm ơn ông!