Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 627.038 trường hợp mắc COVID-19 và 9.689 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 53,7 triệu người.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 53.702.766 ca, trong đó có 1.308.316 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 217 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 37.470.181 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 109.153 ca và 14.921.344 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 13/11, thế giới có tới 153 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 103 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (161.762 ca), Ấn Độ (45.343 ca) và Italy (40.902 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.239 ca), Pháp (932 ca) và Mexico (626 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Hiện Mỹ đang trải qua làn sóng thứ 3 của dịch bệnh COVID-19 được cho là nghiêm trọng nhất. Trung bình số ca mắc mới ở Mỹ trong 7 ngày gần nhất là hơn 145.000 ca/ngày, hơn 65.000 người nhập viện/ngày và mỗi ngày có hơn 1.000 người tử vong vì COVID-19.
Trước tình hình này, Thống đống bang New York Andrew Cuomo thông báo, từ ngày 13/11, tất cả các quán bar và nhà hàng tại bang này đều sẽ phải đóng cửa từ 22h hằng ngày. Như vậy, tới nay 4 bang tại Mỹ đã yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa sớm hơn thông thường.
Washington Post cho biết hơn 130 nhân viên mật vụ Mỹ đang bị cách ly bởi những nguyên nhân liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra. Theo Washington Post, các nhân viên mật vụ bị cách ly đều đã lây nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc với những người đã xét nghiệm dương tính với chủng virus này.
Xếp sau Mỹ về mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 là Ấn Độ với trên 8,7 triệu ca mắc và 128.758 ca tử vong. Trong khi số ca mắc mới ở Án Độ đã giảm đáng kể từ giai đoạn đỉnh dịch hồi giữa tháng 9, vùng thủ đô 20 triệu dân của nước này lại đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất.
Hiện nhiều bệnh viện tại New Delhi đã không còn giường bệnh chăm sóc đặc biệt. Tiếp sau Ấn Độ là Brazil với 5.783.647 ca mắc và 164.332 ca tử vong, Pháp với 1.898.710 ca mắc và 42.960 ca tử vong, Nga với 1.880.551 ca mắc và 32.443 ca tử vong.
Tại châu Âu, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh gia tăng khó kiểm soát, khiến giới chức phải liên tiếp tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. Ngày 13/11, một loạt quốc gia như Anh, Đức, Áo, Hy Lạp, Nga, Ukraine… ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu dịch.
Riêng tại Anh, số ca tử vong do COVID-19 đã vượt 50.000 ca, cao hơn tất cả các nước khác tại châu Âu, và đứng thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico.
Trong khi đó, số ca nhập viện do COVID-19 tại Pháp đã cao hơn thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 4 vừa qua, trong khi tình hình tại Bồ Đào Nha cũng bị đánh giá là nghiêm trọng hơn trong làn sóng thứ nhất.
Tại Nga, trong cuộc phỏng vấn trên kênh “Rossya 1” tối 13/11, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng tình hình đại dịch COVID-19 ở nước này vẫn rất căng thẳng. Hiện 75% bệnh nhân nhiễm virus corora phải điều trị ngoại trú, 25% nhập viện và điều trị trong bệnh viện. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ngành y tế đang chịu áp lực rất lớn”. Theo ông Murasko, trung bình có từ 18-19% giường bệnh điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona còn trống. Tuy nhiên ở hơn 30 chủ thể, 90% số giường bệnh chuyên biệt này đã lấp đầy.
Tư lệnh ngành y tế Nga cho biết tình trạng quá tải đang diễn ra tại khu vực Siberi và một số vùng ở Viễn Đông. Ông Murashko yêu cầu ngành dược cần theo dõi và đặt mua thuốc COVID-19 kịp thời. Ông nói: “Các dược trình viên cần phải tuân thủ, đặt mua thuốc kịp thời và các nhà sản xuất phải theo dõi và bắt kịp nhu cầu”. Bộ trưởng nói rõ rằng một số loại thuốc điều trị virus corona đã được đưa vào danh sách thuốc quan trọng và nhà nước đảm bảo giảm giá chúng 4 lần. Hiện Nhà nước Nga đã cấp kinh phí cho điều trị ngoại trú.
Tính đến ngày 13/11, LB Nga đã ghi nhận tổng cộng 1.880.551 người nhiễm virus corona tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát 32.443 bệnh nhân đã tử vong, 1.406 903 bệnh nhân hồi phục.
Ngày 13/11 của trang EURACTIV.com cho biết Hà Lan, cùng với Thụy Điển và Romania, đang kêu gọi tăng cường phối hợp và liên lạc giữa các quốc gia thành viên EU trong thời gian khủng hoảng. Việc hối thúc diễn ra trong bối cảnh EU đã phải vật lộn để đối phó với các giai đoạn của đại dịch COVID-19.
Động thái này diễn ra sau khi đợt bùng phát đầu tiên của COVID-19 gây ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên về vật tư y tế thiết yếu và lệnh cấm xuất khẩu thuốc, khiến xuất hiện phê phán về sự thiếu đoàn kết nội khối trong khủng hoảng.
Các quốc gia này đề nghị tăng cường cơ chế một cách dài hơi hơn, cũng như thiết lập chương trình nghị sự và tập trung vào dài hạn, đồng thời rút ra các bài học từ cuộc khủng hoảng hiện tại, để duy trì các tính năng thành công của cơ chế ứng phó khủng hoảng chính trị tổng hợp (IPCR) hiện nay, một công cụ để điều phối phản ứng chính trị đối với các khủng hoảng, bao gồm cả hành động khủng bố.
Hà Lan, Thụy Điển và Romania đã đề xuất thảo luận và phát triển khái niệm về một Cơ chế hội đồng, một cấu trúc cấp cao để hướng dẫn chiến lược và bầu ra một vị trí chủ tịch, cùng với một mạng lưới truyền thông về khủng hoảng có thể đánh giá sâu rộng về tác động của dịch COVID-19 để cung cấp cơ sở dữ liệu phát triển hơn nữa việc quản lý khủng hoảng của EU.
Ủy ban Châu Âu vào thứ Tư (11/11) đã đưa ra một loạt các đề xuất nhằm tăng cường phối hợp ở cấp độ EU trong một cuộc khủng hoảng y tế xuyên biên giới.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở châu Âu đã buộc nhiều nước phải tái áp đặt các hạn chế và hoãn các kế hoạch mở cửa. Anh đã gia hạn thêm 14 ngày quy định cấm đi lại tới Đan Mạch sau khi tuần trước, nước này thông báo đột biến gene của virus SARS-CoV-2 đã lây từ chồn sang người và làm 12 người ở miền Bắc nước này mắc bệnh.
Trong khi đó, Hy Lạp sẽ áp dụng giới nghiêm toàn quốc từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 13/11 tới. Còn tại Slovenia, hoạt động vận tải công cộng bị tạm ngừng và gần như tất cả các cuộc tụ tập công cộng bị cấm trong hai tuần tới. Đức, quốc gia từng ứng phó rất hiệu quả với làn sóng dịch bệnh thứ nhất, hồi tuần trước cũng đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng Một. Tuy nhiên, ngày 13/11, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định hiện nước này chưa cần phải ban bố một lệnh tình trạng khẩn cấp, đồng thời kêu gọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang thảo luận việc cho phép người nước ngoài sở hữu vé xem Đại hội Thể thao Olympic và Paralympic Tokyo 2020 được nhập cảnh khi đáp ứng đủ các điều kiện phòng dịch theo yêu cầu.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh. Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 13/11 cho biết nước này có thêm 191 ca mắc COVID-19, mức cao nhất trong 70 ngày qua.
Con số trên được công bố trong bối cảnh các ca lây nhiễm lẻ tẻ do các cuộc tụ tập gia đình và bạn bè tiếp tục bùng phát trên toàn quốc, buộc các cơ quan y tế nước này phải xem xét siết chặt quy định giãn cách xã hội.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), do bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh tại hơn 200 trường học ở Đặc khu hành chính Hong Kong, chính quyền thành phố đã công bố quyết định cho học sinh tại các trường mẫu giáo và trung tâm giữ trẻ nghỉ học trong 2 tuần từ ngày 14-27/11, không loại trừ sau đó sẽ tiếp tục kéo dài nếu tình hình dịch bệnh không có chiều hướng giảm.
Tính từ ngày 31/10-13/11, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 2.281 người bị mắc COVID-19, tăng gấp 20 lần so với cùng khoảng thời gian này năm ngoái.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.810 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 24.753 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 1.304 ca bệnh phát sinh và 1 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.136 ca bệnh mới và 26 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 24.753 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 162 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.038.011 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 894.594 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Campuchia, Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 13/11.