Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 353.346 trường hợp mắc COVID-19 và 8.430 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên xấp xỉ 103,9 triệu ca bệnh.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 103.879.547 ca, trong đó có 2.246.215 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 75.336.900 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 26.113.111 ca và 107.943 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 1/2, thế giới có tới 111 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Tại châu Á, Đông Nam Á cũng đang trở thành điểm nóng.
Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.
Tại Mỹ Latinh, Mexico thông báo sân bay quốc tế Bemotp Juarez ở thủ đô Mexico City có kế hoạch mở các cơ sở xét nghiệm COVID-19 cho hành khách nhập cảnh có nhu cầu. Theo đó, sân bay này sẽ phối hợp với các hãng hàng không để thiết lập các phòng xét nghiệm COVID-19 ở bên ngoài các nhà ga.
Các khu vực khác cũng có thể được sử dụng làm nơi xét nghiệm nếu cần thiết. Quyết định trên đã được Cơ quan quản lý y tế Mexico COFEPRIS thông qua trong bối cảnh ngày càng nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Canada và các nước châu Âu, yêu cầu hành khách nhập cảnh bằng đường hàng không phải trình giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tại châu Âu, do dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, một số nước đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Cụ thể, Italy bắt đầu nới lỏng các hạn chế tại 16 trên tổng số 20 vùng của nước này. Trong số các vùng được nới lỏng hạn chế nói trên, Lazio (vùng có thủ đô Rome) và Lombardy (vùng có thành phố Milan), chuyển từ cấp độ nguy hiểm màu “cam” sang “vàng”, căn cứ mức độ lây nhiễm đã giảm bớt. Lâu nay Italy phân loại mức độ nguy hiểm của dịch bệnh ở 3 cấp gồm đỏ là mức nguy hiểm cao nhất, tiếp theo là cam, vàng.
Tại những vùng được nới lỏng hạn chế, các quán bar, café và nhà hàng được phép phục vụ khách tại bàn vào ban ngày. Nhưng kể từ 18h trở đi, khách hàng chỉ được mua mang về. Các bảo tàng ở những vùng này cũng được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Italy vẫn tiếp tục áp dụng lệnh giới nghiêm từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau.
Bên cạnh đó, việc đi lại giữa các vùng vẫn bị cấm. Hiện chỉ còn một vài vùng của Italy đang ở mức “cam”, trong đó có Sicily. Chỉ số lây nhiễm trung bình ở Italy trong khoảng thời gian từ ngày 6 – 19/1 đã giảm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hiện vẫn còn quá sớm để Italy nới lỏng các biện pháp hạn chế do tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn phức tạp.
Còn Hà Lan cũng thông báo tất cả các trường tiểu học tại nước này sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 8/2. Đây là kế hoạch nới lỏng lần đầu tiên kể từ khi nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 trong nhiều tháng qua.
Theo Ủy ban giám sát dịch bệnh, cơ quan tư vấn của chính phủ về đại dịch COVID-19, việc các trường tiểu học hoạt động bình thường trở lại trong điều kiện số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã giảm trong những ngày qua là hợp lý.
Tuy nhiên, các trường phổ thông cơ sở và nhà trẻ vẫn đóng cửa. Trước đó, từ ngày 16/12/2020, chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte chỉ đạo đóng cửa và ngừng mọi hoạt động dạy và học tại các trường tiểu học tại Hà Lan, như một phần trong kế hoạch phong tỏa chống dịch trên cả nước. Ngày 12/1, lệnh phong tỏa này được gia hạn đến hết ngày 9/2.
Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho biết số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh đã chiếm một nửa số ca nhiễm mới ở nước này cho đến ngày 26/1.
Tuần trước, giới chức y tế Hà Lan cho biết số ca nhiễm biến thể chiếm khoảng 1/3 trong tổng số ca nhiễm mới ở nước này. Chính phủ Hà Lan liên tục cảnh báo rằng các biến thể mới có thể gây ra làn sóng dịch bệnh mới ở nước này trong những tuần tới mặc dù kể từ đầu năm đến nay, số ca mắc COVID-19 ở nước này giảm mạnh.
Số ca nhiễm mới tại Hà Lan ngày 1/2 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua, với 3.280 ca. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Hà Lan ghi nhận gần 1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 14.000 ca tử vong.
Tại Ba Lan, các bảo tàng, phòng triển lãm, thư viện và trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa trở lại, trong bối cảnh nước này đang dỡ bỏ một số hạn chế phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết các trường học tiếp tục đóng cửa cho đến ít nhất là tháng 3.
Các quán bar, nhà hàng, khách sạn, hộp đêm và phòng tập gym cũng chưa thể hoạt động trở lại sau ngày 14/2. Chính phủ kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch để tránh nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Tại Trung Đông, Nội các Israel đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc tới ngày 5/2 nhằm hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19. Trước đó, lệnh phong tỏa 36 ngày được áp đặt tại Israel từ ngày 27/12/2020 và dự kiến kết thúc vào ngày 2/1.
Tuy nhiên, giới chức y tế nước này cho rằng do cuộc khủng hoảng y tế chưa có cải thiện, cần kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 5/2 và đây là đợt phong tỏa thứ 3 trên quy mô toàn quốc kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này hồi cuối tháng 2 năm ngoái.
Trong thời gian phong tỏa, người dân không được phép di chuyển quá phạm vi bán kính 1 km tính từ nhà riêng, ngoại trừ những người làm công việc thiết yếu và những người đi tiêm vaccine hoặc mua thực phẩm. Riêng lệnh cấm các chuyến bay quốc tế vẫn có hiệu lực đến ngày 7/2.
Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở châu Á tiếp tục siết chặt biện pháp phòng chống dịch do số ca nhiễm và tử vong vẫn gia tăng. Cụ thể, một loạt bang và vùng lãnh thổ ở Australia đã siết chặt quy định kiểm dịch đối với những người đến từ bang Western Australia sau khi một nhân viên kiểm dịch cách ly ở bang này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn khu vực đô thị Perth, thủ phủ bang Western Australia, cũng như khu vực Peel và South West đã áp dụng lệnh phong tỏa trong 5 ngày, kể từ ngày 31/1. Tất cả những người đến từ 3 khu vực điểm nóng ở Western Australia phải cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn.
Trong khi đó, bang Victoria cấm tất cả những người đến từ các khu vực bị phong tỏa nói trên kể từ đêm 30/1. Những người hiện có mặt ở Queensland và Victoria nhưng đã từng đến 3 khu vực trên sẽ phải tiến hành xét nghiệm và cách ly cho đến khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Còn chính quyền bang New South Wales (NSW) yêu cầu những người đến từ bang Western Australia phải thực hiện nghiêm quy định ở nhà, xét nghiệm COVID-19 và cách ly trong 14 ngày.
Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) có kế hoạch gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần, cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời siết chặt các quy định về xét nghiệm COVID-19.
Như vậy, các biện pháp giãn cách xã hội ở Hong Kong, trong đó có lệnh cấm trên 2 người tụ tập và ăn uống tại nhà hàng sau 18h hằng ngày, sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 17/2 tới. Ngoài ra, tất cả người dân sống ở chung cư sẽ phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc nếu tòa chung cư đó phát hiện một ca nhiễm không thể truy vết nguồn gốc. Các trường học sẽ tiếp tục đóng cửa.
Liên quan tới chương trình tiêm phòng COVID-19, Hàn Quốc quyết định tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho người nước ngoài cư trú dài hạn và tham gia bảo hiểm y tế ở nước này. Thứ tự tiêm phòng cho người nước ngoài cũng áp dụng tương tự như thứ tự tiêm phòng cho người dân Hàn Quốc.
Cụ thể, người nước ngoài là nhân viên y tế và người sống trong các viện dưỡng lão được ưu tiên tiêm trước, tiếp đến là người mắc bệnh lý nền, người cao tuổi. Tuy nhiên, khách du lịch hay người nước ngoài cư trú ngắn hạn, như lao động thời vụ thuộc quản lý của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, sẽ được cơ quan này xem xét có cần thiết tiêm phòng hay không dựa trên nguyên tắc “bảo vệ sức khỏe người dân”.
Australia công bố kế hoạch đến tháng 10 tới tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dân nước này. Để đáp ứng mục tiêu này, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố khoản tài chính 1,9 tỷ AUD (1,4 tỷ USD) hỗ trợ kế hoạch tiêm chủng.
Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) sẽ bàn giao 35,3 triệu liều vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) cho 36 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe từ giữa tháng 2 tới cuối tháng 6 tới. COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) và Liên minh Vaccine toàn cầu (GAVI) đứng đầu.
Trong thông báo của mình, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thuộc WHO cho biết khu vực châu Mỹ cần tiêm chủng cho khoảng 500 triệu người mới có thể kiểm soát đại dịch COVID-19. WHO sẽ hoàn tất việc xem xét đưa vaccine của AstraZeneca vào Quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) trong một vài ngày. Theo PAHO, số lượng vaccine và lịch trình bàn giao vẫn còn tùy thuộc EUL và năng lực sản xuất của sản xuất.
PAHO cũng cho biết trong 36 quốc gia sẽ nhận được vaccine của AstraZeneca, có 4 nước gồm Bolivia, Colombia, El Salvador và Peru cũng sẽ nhận được tổng cộng 377.910 liều vaccine của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) từ giữa tháng 2 tới.
Tuần trước, GAVI cho biết đặt mục tiêu cung cấp 2,3 tỷ vaccine trên toàn thế giới vào cuối năm 2021, trong đó có 1,8 tỷ liều vaccine miễn phí dành cho nước có thu nhập thấp hơn. GAVI dự kiến sẽ công bố chi tiết về việc phân bổ vacine theo từng quốc gia trong ngày 1/2.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 1/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.734 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 45.110 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 10.994 ca COVID-19 và 279 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.089.308 ca và 30.277 ca.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 58 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 2 châu Á về số ca tử vong ngày 1/2.
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công khi nước này ghi nhận tới 4.214 ca bệnh mới, 10 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 3 châu Á trong vòng 24 giờ, chỉ sau Indonesia và Iran.
Myanmar trong 24 giờ qua không công bố biến động về số liệu dịch COVID-19 (theo trang worldometers.info). Như vậy, hết ngày 1/2, Myanmar có tổng cộng 140.145 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 3.131 người không qua khỏi.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Trong 24 giờ quan, Thái Lan ghi nhận 836 ca mắc mới.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 45.119 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 347 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.622.910 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.057.660 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên.
Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 1/2.