Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 560.055 trường hợp mắc COVID-19 và 8.779 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 58,4 triệu người.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 58.459.050 ca, trong đó có 1.385.635 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 40.436.368 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 16.637.047 ca và 102.262 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 21/11, thế giới có tới 156 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Mỹ tiếp tục là điểm dịch lớn số 1 thế giới.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (157.378 ca), Ấn Độ (44.930 ca) và Italy (34.767 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.415 ca), Mexico (719 ca) và Italy (692 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Mỹ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 với 261.745 ca tử vong trong tổng số 12.435.205 ca mắc. Đứng sau Mỹ trong danh sách các nước chịu tổn thất nhất về người là Brazil với 168.663 ca tử vong trong số 6.020.164 ca mắc COVID-19.
Ấn Độ có 132.795 ca tử vong trong 9.053.919 ca mắc. Mexico có 100.838 ca tử vong trong 1.025.969 ca mắc, và Anh có 54.286 ca tử vong trong 1.473.508 ca mắc. Tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới hiện là Bỉ với 132 ca tử vong trên 100.000 dân, tiếp theo là Peru 108 ca, Tây Ban Nha 91 và Argentina với 81 ca.
Nga tiếp tục trải qua một ngày có số ca tử vong và mắc COVID-19 cao kỷ lục mới, hai ngày sau khi tổng số ca mắc đã vượt mốc 2 triệu ca. Giới chức y tế Nga thông báo có thêm 24.822 ca nhiễm mới và 476 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga lên 2.064.748 và 35.778 trưởng hợp tử vong.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng tình hình đại dịch ở nước này rất căng thẳng. Trong khi đó, người đứng đầu Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga (Rospotrebnadzor), bà Anna Popova đánh giá tình hình dịch COVID-19 rõ ràng đang xấu đi, song không có sự gia tăng bùng nổ ở các địa phương.
Chuyên gia về vệ sinh dịch tễ của Nga nhấn mạnh nếu các biện pháp phòng dịch đã áp dụng tại các thực thể liên bang được người dân thực hiện nghiêm túc và vô điều kiện, Nga sẽ không cần phải thực hiện cách ly hay phong tỏa.
Tại Ba Lan, Bộ Y tế nước này thông báo đã ghi nhận thêm 574 ca tử vong trong 24h qua, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 13.288 ca. Số ca nhiễm mới tại Ba Lan cũng tăng thêm 24.213 trong vòng một ngày qua.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã khuyến cáo người dân không nên đi lại nhiều trong dịp Giáng sinh sắp tới, đồng thời ông cũng thông báo các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 sẽ tiếp tục gia hạn, ngoại trừ một số cửa hàng được mở cửa trở lại.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cảnh báo nước này có nguy cơ rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu người dân không hạn chế tiếp xúc để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Trudeau kêu gọi người dân đảo ngược diễn biến của dịch bệnh bằng cách ở nhà và hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc. Ông nhấn mạnh nếu người dân không hành động ngay lập tức, nhiều thế hệ sau này có thể vẫn phải hứng chịu hậu quả.
Thủ tướng Trudeau cho rằng tác động kinh tế dài hạn khi mức độ lây nhiễm của dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát vượt xa chi phí ngắn hạn của việc đóng cửa các cửa hàng. Ông nhấn mạnh “bảo vệ sức khỏe của người dân là cách tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế”.
Theo mô hình dịch bệnh mới nhất vừa được các cơ quan y tế công cộng công bố, số ca mắc COVID-19 tại Canada hiện vượt xa mức trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất. Nếu người dân Canada tăng tiếp xúc xã hội trong kỳ nghỉ lễ, số ca nhiễm có thể tăng vọt lên 60.000 ca/ngày vào cuối năm – cao gấp 12 lần so với mức hiện tại là khoảng 5.000 ca/ngày, vốn đã gây áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế ở một số khu vực. Còn nếu với cường độ tiếp xúc như hiện nay, giới chức y tế cảnh báo số ca mắc COVID-19 tại Canada có thể tăng lên mức trên 20.000 ca/ngày vào thời điểm cuối tháng 12 tới.
Hiện trung bình mỗi ngày Canada ghi nhận thêm 4.800 ca mắc COVID-19 mới, tăng khoảng 15% so với tuần trước. Nước này đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng và quy mô các ổ dịch trong các cộng đồng và môi trường có nguy cơ cao như các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và cộng đồng thổ dân. Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này hiện có 320.719 ca mắc, trong đó 11.334 ca tử vong.
Tại Mexico, ngày 20/11, giới chức thủ đô Mexico City thông báo hạn chế bán rượu nhằm ngăn chặn việc tổ chức các bữa tiệc và cảnh báo chính quyền có thể phải áp đặt một lệnh phong tỏa khác sau khi số ca tử vong do COVID-19 trên toàn quốc vượt quá 100.000 ca.
Thị trưởng Claudia Sheinbaum cho biết hiện nay Mexico City đang ban hành mức cảnh báo dịch bệnh màu cam. Nếu cảnh báo nâng lên màu đỏ, các hoạt động không thiết yếu tại thành phố có 9 triệu dân này sẽ phải tạm ngừng. Do đó, bà Sheinbaum kêu gọi người dân hợp tác để khống chế dịch bệnh lây lan.
Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mexico đã tăng lên 100.104 ca, cao thứ 4 trên thế giới. Chính phủ Mexico đã áp đặt các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 3 và bắt đầu nới lỏng dần dần để mở cửa trở lại nền kinh tế từ tháng 6 vừa qua.
Chính phủ Iran ngày 21/11 đã khởi động một kế hoạch phân phát tiền mặt trên quy mô lớn cho gần 30 triệu người dân nước này trong 4 tháng tới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo áp đặt quy định hạn chế mới trên phạm vi toàn quốc đối với các hoạt động kinh tế nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết 29,7 triệu người dân sẽ nhận được khoản tiền mặt trực tiếp hàng tháng trị giá 1 triệu rial (tương đương 24 USD theo tỷ giá hối đoái chính thức) cho đến cuối niên lịch hiện tại của nước này vào cuối tháng 3 tới.
Theo Tổng thống Rouhani, hình thức này được áp dụng theo kiểu trợ cấp không hoàn lại và sẽ đi kèm với khoản vay trị giá 10 triệu rial sẽ được giải ngân cho 10 triệu hộ gia đình không có thu nhập cố định hàng tháng.
Kế hoạch giải cứu này, được công bố vào ngày đầu tiên của giai đoạn đóng cửa và hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp cũng như hoạt động đi lại trong thời gian 2 tuần, được triển khai giữa lúc chính phủ Iran cũng đang phải vật lộn nhằm kiềm chế tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trên khắp cả nước. Các cửa hàng và nhà máy sẽ đóng cửa trong thời gian này trong khi việc di chuyển giữa hơn 150 thành phố sẽ bị hạn chế chặt chẽ.
Iran là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 ở Trung Đông. Theo Bộ Y tế Iran, số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở nước này từ cuối tháng 2 đến nay đã vượt quá 840.000 người, trong khi số ca tử vong đã lên trên 44.000 trường hợp.
Tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), ngày 21/11, Trung tâm bảo vệ sức khỏe Đặc khu hành chính Hong Kong công bố số ca mắc bệnh viêm đường hô cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã bật tăng trở lại khi ghi nhận 43 ca mắc mới.
Đây là ngày có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong gần 3 tháng qua, trong đó có 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 21 ca mắc có liên quan đến một số câu lạc bộ khiêu vũ, 13 ca không rõ nguồn lây, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 5.560 trường hợp, với 108 ca tử vong.
Từ ngày 22/11, Hong Kong tiếp tục thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời kêu gọi người dân đi xét nghiệm COVID-19 nếu xuất hiện triệu chứng bệnh nhẹ hoặc nghi ngờ mắc, hủy bỏ các hoạt động ngoài trời không cần thiết vào ngày cuối tuần, cố gắng ở trong nhà và tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.280 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 26.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 1.041 ca bệnh phát sinh và 3 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.434 ca bệnh mới và 27 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 26.034 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 181 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.105.550 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 951.130 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Việt Nam, Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 21/11.