Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc một triệu ca với hơn 52.000 ca tử vong. Người dân tại các nước phương Tây bắt đầu được yêu cầu đeo khẩu trang để ngăn dịch lây lan.
* Bản tin cập nhật lúc 9h40 ngày 3-4
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins của Mỹ, trong số hơn một triệu ca bệnh toàn cầu, Mỹ hiện là nước chiếm nhiều nhất với hơn 240.000 ca. Ý hiện là quốc gia có số ca tử vong cao nhất, tiếp theo là Tây Ban Nha.
Khoảng 700.000 ca trên thế giới có các triệu chứng nhẹ và gần 38.000 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, đến nay đã có hơn 200.000 người bình phục.
Peru hạn chế đi lại theo giới tính
Tổng thống Peru Martin Vizcarra ngày 2-4 công bố biện pháp hạn chế đi lại mới dựa theo giới tính, nhằm hạn chế lây lan COVID-19.
Theo đó, đàn ông được phép ra ngoài vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu trong khi phụ nữ được ra ngoài vào thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy. Không ai được phép ra ngoài vào Chủ Nhật.
Tỉnh Hồ Bắc không ghi nhận ca nhiễm mới
Tỉnh Hồ Bắc – từng là tâm điểm bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc, không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong ngày 2-3 mà chỉ có thêm 4 ca tử vong.
Tính đến hết ngày 2-4, Trung Quốc đại lục có 31 ca nhiễm mới COVID-19, giảm so với 35 ca của ngày 1-4. Có 29 ca trong số đó là ca nhập khẩu, trong khi toàn bộ ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục vào ngày 1-4 là ca nhập khẩu.
Số ca tử vong mới là 4 ca, cũng giảm so với 6 ca của ngày trước đó.
Như vậy trên toàn Trung Quốc có 81.620 ca bệnh COVID-19 và 3.322 ca tử vong.
WHO tiếp tục cảnh báo người trẻ tuổi
Số ca tử vong vì COVID-19 tăng từ 37 lên 50 ca trong 24 giờ qua, theo Bộ Y tế Mexico. Số ca bệnh ở Mexico tăng thêm 132 ca, tổng cộng 1.510 ca trên toàn quốc.
Theo CNN, tại Brazil, số ca bệnh mới trong ngày 2-4 tiếp tục ở mức trên 1.000 ca ngày thứ ba liên tiếp, nâng tổng số ca toàn quốc lên 7.910 ca với 299 ca tử vong.
Ý ghi nhận thêm 760 ca tử vong và 4.668 ca bệnh mới ngày 2-4. Như vậy, Ý đã có gần 14.000 ca tử vong trên hơn 115.000 ca nhiễm virus corona chủng mới.
Ông Hans Kluge, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ngày 2-4 cho biết hơn 95% trường hợp tử vong vì COVID-19 ở châu Âu có độ tuổi trên 60, nhưng những người trẻ tuổi không nên chủ quan.
Ông Hans Kluge chỉ rõ tuổi tác không phải là yếu tố rủi ro duy nhất khiến cho các trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, đã khiến hàng tỷ người bị phong tỏa và làm chao đảo nền kinh tế thế giới. Ông nhấn mạnh: “Quan niệm cho rằng dịch bệnh COVID-19 chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi là thực sự sai lầm. Người trẻ tuổi không phải là trường hợp ngoại lệ”.
COVID-19 hoành hành các viện dưỡng lão Canada, Mỹ
Dịch COVID-19 đã lây lan tới ít nhất 600 viện dưỡng lão trên toàn Canada, gây áp lực lớn đối với các nhân viên chăm sóc y tế đang ở tuyến đầu của đại dịch.Hiện có ít nhất 75 ca tử vong do virus corona chủng mới là cư dân của các cơ sở dưỡng lão ở Canada. Pinecrest Nursing Home ở bang Ontario là một trong những “ổ dịch” với 14 người cao tuổi tử vong.
Thủ hiến bang Quebec, François Legault, đã cảnh báo người dân không đến các viện dưỡng lão vì “đây là vấn đề giữa sống và chết”. Bộ trưởng Y tế bang Ontario, Christine Elliott cho biết bang này có thể chuyển người cao tuổi đến các khách sạn để cách ly với những ca nhiễm ở viện dưỡng lão.
Theo tờ Globe and Mail, số ca COVID-19 ở Canada đã tăng gấp đôi trong một tuần qua, lên hơn 11.100 người, với 130 trường hợp tử vong.
Tại Mỹ, tổng thống Donald Trump cũng yêu cầu các cơ sở dưỡng lão hạn chế người thăm sau khi hơn 140 cơ sở trên toàn quốc có người mắc COVID-19. Ông Trump cũng đề nghị các cơ sở này chia thành các khu vực dành cho người khỏe mạnh và người bệnh.
Các nước phương Tây kêu gọi đeo khẩu trang
Viện Dịch tễ liên bang Đức Robert Koch (RKI) đã chuyển sang ủng hộ việc đeo khẩu trang ngay cả khi không có triệu chứng bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới.Trước đây, RKI chỉ khuyến cáo việc dùng khẩu trang cho những người mắc bệnh.
Tuy nhiên, theo RKI, không phải ai cũng nhận biết được mình đã nhiễm virus hay chưa khiến nhiều người nhiễm bệnh không hề có biểu hiện gì đã vô tình lây lan virus cho người khác. Do vậy, những quy định ứng xử liên quan đến việc ho, hắt hơi, rửa tay và giữ khoảng cách tối thiểu với nhau cũng nên kèm với việc đeo khẩu trang.
Đức đã ghi nhận 962 trường hợp tử vong trên hơn 80.000 ca mắc COVID-19 và hơn 22.000 người đã khỏi bệnh.
Tổng thống Mỹ tối ngày 2-4 (giờ địa phương) cũng khuyên người dân mang khẩu trang hoặc dùng khăn che mặt, cho biết Mỹ sắp đưa ra các hướng dẫn về việc này. Một số quan chức Mỹ cho biết hướng dẫn sẽ kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại các khu vực điểm nóng dịch COVID-19.
Tại New York, thị trưởng Bill de Blasio kêu gọi người dân che mặt khi ra đường hoặc ở gần người khác. Tuy nhiên, ông cho biết người dân không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế mà có thể là khăn hoặc bất cứ gì họ có thể tự tạo ra ở nhà.
Nhà chức trách Đức cho biết họ cũng đang cân nhắc làm điều tương tự. CH Séc, Slovakia và Bosnia cũng đã đưa ra các khuyến cáo nên đeo khẩu trang. Giới chức Slovakia đã làm gương bằng cách đeo khẩu trang khi tham gia các cuộc họp báo.
Chủ tịch Quốc hội Iran mắc COVID-19
Ông Ali Larijani, Chủ tịch Quốc hội Iran, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Theo IRNA, ông Larijani đã được xét nghiệm sau khi có những triệu chứng về hô hấp. Hiện nhà lãnh đạo này đang được cách ly và điều trị.
Cho đến nay, ông Larijani là quan chức cấp cao nhất trong hàng ngũ lãnh đạo của Iran mắc COVID-19.
Nga kéo dài “ngày không làm việc” tới hết tháng 4-2020
Tổng thống Vladimir Putin ngày 2-4 quyết định kéo dài thời hạn “ngày không làm việc” tới 30-4 để ngăn sự lây lan của COVID-19, nhận định tình hình dịch trên thế giới cũng như tại Nga vẫn chưa qua giai đoạn đỉnh điểm.
Ông sẽ trao thêm quyền cho lãnh đạo các địa phương ở Nga để đến cuối tuần này có thể tự quyết định sẽ áp dụng các biện pháp dãn cách xã hội ở mức độ như thế nào tại địa phương của mình.
Trước đó, nhà lãnh đạo Nga ngày 25-3 đã tuyên bố một tuần không làm việc từ ngày 30-3 tới 3-4 mà vẫn được hưởng lương.