TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 8/9, toàn cầu ghi nhận 27.475.333 người nhiễm Covid-19, trong đó có 896.308 trường hợp không qua khỏi và 19.562.676 bệnh nhân bình phục.
* Tại Bắc Mỹ, số ca nhiễm mới trong 24 giờ ghi nhận ở mức 32.137, trong đó có 571 ca tử vong. Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất trong khu vực và trên thế giới với 6.485.228 ca nhiễm, trong đó có 192.279 ca tử vong.
Cả khu vực nói chung và Mỹ nói riêng đều ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong giảm dần trong những ngày vừa qua, đặc biệt, Mỹ có số ca nhiễm mới trong 24 giờ thấp nhất kể từ giữa tháng 6, là một tín hiệu tích cực sau thời gian dài vật lộn với đại dịch.
* Tương tự, trong 24 giờ qua, Nam Mỹ cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực khi số ca nhiễm mới Covid-19 giảm dần, với 27.377 trường hợp mắc mới.
Riêng Brazil, sau gần 4 tháng ‘chìm nổi’ vì dịch, ngày 7/9, ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất với 10.188 trường hợp mắc bệnh, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 lên 4.147.794, trong đó có 126.960 ca tử vong, là vùng dịch lớn thứ 3 thế giới.
Trong khi đó tại Cuba, chính quyền tỉnh Ciego de Avila quyết định đóng cửa trở lại các trường học do phát hiện ổ dịch Covid-19 mới. Theo đó, 75 trong tổng số 90 trường học ở địa phương này khôi phục việc học trực tuyến từ ngày 7/9.
Cuba mới mở cửa trường học trở lại từ ngày 1/9 sau 6 tháng đóng cửa do dịch Covid-19 và hiện vẫn áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô Havana – ổ dịch lớn nhất cả nước. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Cuba vào tháng 3 đến nay, tổng số bệnh nhân ở quốc gia Caribbean đã lên tới 4.352 ca, trong đó có 102 ca tử vong.
* Châu Á hiện là khu vực ghi nhận nhiều số ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới, với 7.857.583 trường hợp mắc bệnh, tăng thêm 100.277 ca so với ngày trước đó; thêm 1.638 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 153.757.
Ấn Độ đang là khu vực chịu thiệt hại lớn nhất khu vực với 4.277.584 ca nhiễm, trong đó có 72.816 ca tử vong. Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ đã giảm so với ngày tăng kỷ lục trước đó, từ 91.723 ca (6/9) xuống 75.022 ca. Tuy nhiên, số ca mắc và tử vong trong ngày vẫn ở mức cao nhất thế giới.
Trong khi đó, ở Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận thêm 62 ca nhiễm mới, cao gấp 10 lần so với ngày trước đó, là ngày có số ca mắc cao nhất kể từ ngày 4/6.
Cục Nhập cư Malaysia đã công bố danh sách 23 quốc gia có công dân bị cấm nhập cảnh nước này kể từ ngày 7/9. Đây là những quốc gia có số người nhiễm vượt quá 150.000.
Với quy định trên, những người có giấy phép cư trú dài hạn tại Malaysia, trong đó có những người thuộc diện “Malaysia – Ngôi nhà thứ hai của tôi” (tức những người đã mua nhà tại Malaysia), chuyên gia, người làm việc dài hạn, người kết hôn với công dân Malaysia và học sinh, sinh viên theo học tại Malaysia, đến từ 23 nước trên đều bị cấm nhập cảnh.
Từ ngày 7/9, Israel áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 19h-5h tại 40 thành phố và thị trấn có số ca mắc Covid-19 gia tăng, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà trong bán kính 500 m, chỉ các cửa hàng thiết yếu mới được phép mở cửa.
Bên cạnh đó, việc tụ tập quá 10 người ở không gian trong nhà và 20 người ở không gian ngoài trời cũng bị cấm. Các trường học tạm thời đóng cửa.
Trong 24 giờ qua, Israel ghi nhận thêm 3.331 ca nhiễm mới, trong đó có 7 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh lên 133.975, trong đó có 1.026 người không qua khỏi.
Tin liên quan |
* Tại châu Âu, 25.863 ca nhiễm mới với 262 trường hợp tử vong đã được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc bệnh tại châu lục này lên 3.830.835 ca, trong đó có 210.279 trường hợp tử vong,
Anh tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao kể từ tháng 5 với 2.948 ca. Hiện tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Anh đã lên tới 41.554, cao nhất châu Âu.
Trong khi đó, giới chức Pháp đã đưa thêm 7 tỉnh có các thành phố lớn như Lille, Strasbourg và Dijon vào danh sách những khu vực báo động cao do dịch Covid-19.
Trong một thông báo, Chính phủ Pháp cho biết, trong số 101 tỉnh và vùng hải ngoại của nước này, có 28 tỉnh hiện bị coi là “vùng đỏ” của dịch Covid-19, theo đó nhà chức trách địa phương có thể áp đặt các biện pháp đặc biệt để giảm số ca mắc mới mỗi ngày.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Pháp ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày 4/9 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, với gần 9.000 ca. Trong khi đó, ngày 5/9 cũng chứng kiến hơn 8.500 ca mới và tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng lên 4,7%.
Ngày 7/9, Pháp phát hiện thêm 4.203 ca mắc Covid-19, giảm so với những ngày trước đó. Như vậy, Pháp hiện có tổng cộng 328.980 ca mắc Covid-19, trong đó có 30.726 ca tử vong.
* Khu vực châu Phi ghi nhận 1.311.821 người nhiễm Covid-19 với 31.573 ca tử vong. Morocco đã phải áp đặt lệnh phong tỏa thành phố Casablance và đóng cửa trường học trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Động thái này diễn ra sau khi các nhà dịch tễ học bày tỏ lo ngại việc bắt đầu niên học mới có thể làm gia tăng số ca nhiễm, trở thành mối đe dọa đối với hệ thống y tế vốn đang “gồng mình” để đối phó với dịch bệnh. Bên cạnh đó, mọi cửa ngõ ra vào các thành phố lớn ở Morocco đều phải đóng cửa từ giữa trưa, việc đi lại chỉ được thực hiện với sự “cấp phép đặc biệt” của giới chức địa phương.
Morocco ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trong những tuần gần đây. Theo giới chức, nguyên nhân là do người dân không tuân thủ các quy định phòng dịch. Đến nay, Morocco ghi nhận 73.780 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.394 ca tử vong.
* Về tình hình vaccine Covid-19, ngày 7/9, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến, các quốc gia thành viên Liên minh châu (EU) sẽ nhận được những liều vaccine Covid-19 đầu tiên vào cuối năm nay.
Phát biểu trước Ủy ban Y tế Cộng đồng thuộc Nghị viện châu Âu, Phó Tổng vụ trưởng về Y tế và An ninh Lương thực của EC, bà Sandra Gallina tuyên bố: “Có lẽ từ nay tới cuối năm, vào tháng 11 hoặc tháng 12, chúng ta bắt đầu nhận được những liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên”.
Cũng theo bà Gallina, vào khoảng giữa tháng 4/2021, vaccine phòng Covid-19 sẽ được cung cấp rộng rãi tại châu Âu.
EC đã đàm phán với các hãng dược phẩm về các hợp đồng cung cấp vaccine ngừa Covid-19. Hợp đồng đầu tiên, giữa EC và tập đoàn AstraZeneca, đã được ký kết với số lượng 300 triệu liều và lựa chọn bổ sung 100 triệu liều. Ngoài ra, EC cũng đã đàm phán xong với các tập đoàn Sanofi-GSK, Johnson & Johnson, CureVac, Moderna và hiện đang đàm phán với BioNtech.
Bà Gallina đánh giá vaccine Covid-19 của AstraZeneca, Moderna và BioNtech sẽ là những loại vaccine đầu tiên được đưa ra thị trường. Các công ty này đã chuyển các thông tin cần thiết về vaccine phòng Covid-19 cho EU, trong đó có cả thông báo về việc tiến hành thương mại hóa vaccine.
Để có được quyền mua vaccine phòng Covid-19, EC đã phải thanh toán trước cho các hãng dược phẩm để chi trả một phần cho các rủi ro về đầu tư và giúp tăng cường khả năng sản xuất vaccine. Tuy nhiên, khi vaccine đã sẵn sàng được cung cấp thì chính các nước thành viên EU sẽ phải mua và quyết định nhóm đối tượng nào sẽ được tiêm phòng đầu tiên.
Tại Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartanto cho biết, Chính phủ dự tính dành 37.000 tỷ Rupiah (2,51 tỷ USD) cho một chương trình phát triển vaccine kéo dài nhiều năm và đã dành 3.700 tỷ Rupiah (251 triệu USD) để thanh toán trước cho hợp đồng mua vaccine Covid-19.
Hiện Chính phủ đang xem xét một số loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng, bao gồm vaccine Merah Putih (Đỏ và Trắng – đặt tên theo màu quốc kỳ Indonesia) đang được Bộ Nghiên cứu và Công nghệ phối hợp với Viện Sinh học Phân tử Eijkman phát triển; vaccine đang được công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma hợp tác với tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển và vaccine do Tập đoàn 42 (G42) của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) phát triển.
Bộ trưởng Airlangga cho hay, Indonesia có kế hoạch mua 30 triệu liều vaccine G42 trong năm nay và 290 triệu liều vaccine Sinovac trong năm tới. Ông cũng cho biết bộ y tế đã chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng, dự kiến bắt đầu vào đầu năm tới.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc Mariangela Simao cho biết, tổ chức này đang làm việc với Bắc Kinh về những yêu cầu cấp phép quốc tế đối với bất cứ loại vaccine ngừa Covid-19 nào của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Phát biểu tại một buổi họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ), bà Simao cho hay: “Văn phòng WHO ở Trung Quốc và trụ sở của WHO đang làm việc với các cơ quan chức năng ở Trung Quốc. Chúng tôi đang tiếp xúc trực tiếp để chia sẻ thông tin và những yêu cầu cấp phép quốc tế đối với vaccine”.
Trước đó, lãnh đạo của Sinovac Biotech Ltd hôm 6/9 tuyên bố khoảng 90% nhân viên của công ty này và gia đình của họ đã được tiêm vaccine thử nghiệm mà Sinovac phát triển theo chương trình sử dụng khẩn cấp của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, tính đến 6h ngày 8/9, đã 6 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Hiện có 1.049 người mắc Covid-19, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551. Việt Nam đã điều trị khỏi cho 854 bệnh nhân trong khi có 35 trường hợp tử vong. Hiện có 66 ca bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần trở lên. Chính phủ kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone-Truy vết tiếp xúc. Cách cài đặt ứng dụng Bluezone như sau: Bước 1: Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Truy cập App Store (iOS) hoặc Google Play Store (Android) và tìm phần mềm tên Bluezone, sau đó nhấn tải về và cài đặt vào thiết bị. Bước 2: Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng truy cập. Bước 3: Về cơ bản, chỉ cần làm đến đây là các bạn đã có thể nhận được cảnh báo từ Bluezone. Sau khi được cấp quyền, ứng dụng sẽ tự bật kết nối Bluetooth để ghi nhận lại việc tiếp xúc với những người dùng khác cùng trong cộng đồng Bluezone. Trong trường hợp một người dùng trong cộng đồng Bluezone dương tính với Covid-19, thông tin của họ sẽ được cập nhật lên hệ thống. Lúc này, ứng dụng trên máy người dùng sẽ tải về các thông tin đó và so sánh với lịch sử tiếp xúc của bạn. Nếu đã từng tiếp xúc với người bệnh đủ lâu (trên 15 phút) và đủ gần (dưới 2 mét), ứng dụng sẽ gửi thông tin cảnh báo nguy cơ mắc Covid tới điện thoại của bạn. Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người! |