Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 352.816 ca mắc COVID-19 và 5.525 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên gần 41 triệu người, trong đó có trên 1.128.000 bệnh nhân không qua khỏi. Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 21/10 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 40.992.024 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.128.284 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 30.578.388 người, 9.282.014 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 73.343 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (57.863 ca), Ấn Độ (54.184 ca) và Brazil (22.827 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 825 ca), tiếp theo là Ấn Độ (712 ca) và Brazil (611 ca).
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 381.719 ca tử vong trong tổng số 10.555.141 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 252.192 ca tử vong trên 7.618.300 ca mắc bệnh. Châu Á có 160.898 ca tử vong trong số 9.804.700 ca mắc COVID-19; Trung Đông có hơn 53.900 ca tử vong; châu Phi có hơn 39.900 ca tử vong và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là hơn 1.000 người.
Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 103 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 90 người).
Châu Âu: Nhiều nước ghi nhận ca tử vong cao kỷ lục trong ngày
Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu, khi Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày.
Tại Ukraine, Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 113 ca tử vong – mức cao nhất trong 1 ngày từ trước tới nay. Như vậy, tính đến nay, Ukraine ghi nhận tổng cộng 309.107 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.786 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 75 ca tử vong do mắc COVID-19 – mức cao nhất trong 1 ngày kể từ đầu tháng 5. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tới hơn 2.000 người – tương đương với mức đầu tháng 5 khi nước này áp đặt các lệnh hạn chế nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Hiện tổng cộng đã có 351.413 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.445 trường hợp tử vong.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 16.319 ca mắc COVID-19 – mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch bệnh tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.431.635 trường hợp, trong đó có 24.635 ca tử vong.
Nhiều nước châu Âu đang đẩy nhanh triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm đối phó dịch bệnh và Ireland đã trở thành quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Tại Pháp, bà Brigitte Macron, phu nhân của Tổng thống Emmanuel Macron, sẽ tự cách ly trong 7 ngày sau khi tiếp xúc với một người mắc COVID-19. Bệnh nhân trên đã được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 19/10. Bà Brigitte Macron đã tiếp xúc với người này vào ngày 15/10. Do đó, cơ quan y tế Pháp khuyến cáo bà Brigitte Macron tự cách ly trong thời gian 7 ngày, mặc dù đến nay không xuất hiện triệu chứng bệnh.
Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết nước này sẽ quay trở lại tình trạng phong tỏa sau khi ban hành lệnh “ở nhà” trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, các trường học và cơ sở giáo dục vẫn được phép mở cửa. Các biện pháp mới – sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 6 tuần, kể từ 23h GMT ngày 21/10 (tức 6h00 ngày 22/10 theo giờ Việt Nam) – yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu, trong khi các nhà hàng và quán bar cũng chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà. Ông Martin cho biết biện pháp mới chỉ cho phép những người lao động trong lĩnh vực thiết yếu đi làm và người dân tập thể dục trong bán kính 5 km xung quanh nơi ở, trong khi đó giao thông công cộng chỉ được hoạt động với 25% công suất để phục vụ nhóm người lao động trên.
Bỉ, nơi tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng 100% hồi tuần trước, đã quyết định đóng cửa quán bar và nhà hàng trong 1 tháng, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm.
Trong khi đó, từng là tâm điểm của sự bùng phát dịch COVID-19 tại châu Âu hồi tháng 3, Italy đã nhanh chóng ban hành những biện pháp hạn chế mới nhằm tránh tái diễn kịch bản cũ. Theo đó, các nhà hàng, quán bar buộc phải đóng cửa sớm hơn, và các cơ quan, công ty đẩy mạnh hình thức làm việc từ xa.
Chính phủ Ba Lan quyết định xây dựng một bệnh viện dã chiến tại sân vận động quốc gia nhằm giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế vốn đang quá tải. Hơn 50% diện tích lãnh thổ Ba Lan bị xếp vào “vùng đỏ” COVID-19.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tăng gấp 2 lần hồi tuần trước, Thụy Sĩ đã đưa ra một số biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang tại những điểm công cộng trong nhà, hạn chế sự kiện tụ tập đông người. Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset nhận định làn sóng COVID-19 thứ hai đang hiện hữu, xảy ra sớm hơn với tốc độ lay lan nhanh hơn dự đoán, song nước này đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Châu Á: Iran ghi nhận ngày ca tử vong cao nhất
Tại châu Á, ngày 19/10, Iran ghi nhận tới 337 ca tử vong do COVID-19 – mức tử vong theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 30.712 ca. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm tại Iran cũng tăng lên 534.631 ca sau khi có thêm 4.251 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua.
Iran hiện là quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bộ Y tế Iran cho rằng hậu quả của việc tăng vọt số ca tử vong mới là do người dân không tuân thủ hướng dẫn y tế về phòng dịch và không đeo khẩu trang. Đầu tháng này, Iran bắt đầu tiến hành phạt tiền những người vi phạm quy định phòng dịch tại thủ đô Tehran. Tehran và 4 thành phố lớn của Iran đã được phong tỏa một phần từ cuối ngày 15/10 đến giữa ngày 18/10 nhằm hạn chế người dân đi lại trong những ngày nghỉ lễ. Nhà chức trách Tehran cũng đã yêu cầu đóng cửa hầu hết các địa điểm công cộng từ ngày 3/10.
Ấn Độ: Dịch có xu hướng dịu đi
Trong chiều hướng ngược lại, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đang có chiều hướng lắng dịu. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 46.790 ca mắc COVID-19. Đây là mức lây nhiễm trong 1 ngày thấp nhất trong khoảng 90 ngày qua, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ lên 7,59 triệu người, trong đó có 115.197 trường hợp tử vong. Số ca vẫn còn dương tính tại Ấn Độ tiếp tục ở dưới ngưỡng 800.000 trong ngày thứ 4 liên tiếp và tỷ lệ phục hồi đã tăng lên đến 88,63%.
Những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch, trong đó có Maharashtra, Karnataka, Kerala, Tamil Nadu và Andhra Pradesh, đã chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 sụt giảm mạnh trong một tháng qua. Theo bộ trên, việc đẩy mạnh xét nghiệm toàn diện trên phạm vi cả nước là một trong những nguyên nhân chính giúp làm giảm tỷ lệ xét nghiệm dương tính, qua đó cho thấy tốc độ lây nhiễm dịch bệnh đang được ngăn chặn hiệu quả.
Ngoài ra, chính phủ cũng áp dụng quyết liệt các biện pháp truy vết, theo dõi, điều trị và sử dụng công nghệ để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, với sự phối hợp hiệu quả của các chính quyền bang. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình trạng lây nhiễm ở Ấn Độ có thể sẽ tăng khi mùa lễ hội đang đến gần, với các lễ hội Hindu quan trọng như Durga Puja trong tháng này và và Diwali giữa tháng 11.
Đông Nam Á: Philippines cắt bớt giờ giới nghiêm
Chính phủ Philippines đã cắt ngắn giờ giới nghiêm tại thủ đô Manila và nới lỏng lệnh ở yên tại nhà nhằm mở cửa hơn nữa nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh tại nước này đang có xu hướng giảm nhiệt.
Lệnh giới nghiêm tại hầu hết các vùng của thủ đô từ nay sẽ chỉ từ 0h00 đến 4h00, so với trước là từ 22h00 đến 5h00 sáng hôm sau. Người dân từ 15-65 tuổi sẽ được phép ra khỏi nhà tại các khu vực đang thực hiện cách ly cộng đồng sửa đổi, phần lớn đã được nới lỏng khỏi các hạn chế di chuyển. Trước đó, độ tuổi được phép nới lỏng là 21-60 tuổi. Ở vùng thủ đô, khung độ tuổi ban đầu được điều chỉnh xuống 18-65, và hiện tại tiếp tục được mở rộng hơn.
Những thay đổi trên là nhằm đáp lại yêu cầu từ Nội các Philippines về việc mở cửa hơn nữa cho các hoạt động kinh tế.
Trong ngày 20/10, Philippines ghi nhận 1.640 ca nhiễm mới, chưa bằng một nửa so với Indonesia, trong đó có 17 ca tử vong. Tổng số ca bệnh tại nước này hiện là 360.775 trường hợp, với 310.642 ca đã hồi phục.
Myanmar và Malaysia tiếp tục căng thẳng
Ngày 20/10, Myanmar ghi nhận 1.297 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 38.502 người, trong đó có 945 ca tử vong. Quốc gia đã điều trị thành công cho 18.863 ca bệnh.
Trong khi đó, Malaysia tiếp tục chuỗi ngày liên tiếp ghi nhận ca mắc mới ở mức 800-900 trường hợp. Trong ngày 20/10 nước này báo cáo có 862 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh hiện là 22.225, bao gồm 14.531 ca bình phục.
Ngày 20/10, Viện Vaccine Quốc gia (NVI) của Thái Lan cho biết nước này có thể nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sớm nhất là vào tháng 6/2021, nếu loại vaccine do AstraZeneca phát triển được phê duyệt để triển khai hàng loạt.
Viện trưởng NVI Nakorn Premsri cho biết Tập đoàn Siam Bioscience của Thái Lan đã được hãng dược phẩm AstraZeneca lựa chọn làm đối tác khu vực để sản xuất vaccine cho khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Thái Lan có khả năng sẽ nhận được lô vaccine đầu tiên vào tháng 6 nếu mọi việc diễn ra đúng tiến độ. Tuy nhiên, điều này không bao gồm tất cả lượng vaccine mà Thái Lan cần, nên Bangkok có thể thỏa thuận với các công ty dược phẩm khác để cung cấp vaccine cho ít nhất một nửa dân số.
Tập đoàn Siam Bioscience và AstraZeneca dự kiến sẽ ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ vào cuối tháng tới. Để việc tiêm chủng hàng loạt có hiệu quả, Thái Lan sẽ cần tới 66 triệu liều vaccine cho 33 triệu người. Siam Bioscience cho biết tập đoàn này có khả năng đáp ứng 20% nhu cầu vaccine nói trên.
Trong khi đó, tại khu vực châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong trên khắp châu lục này đã tăng lên lần lượt là 1.644.780 ca và 39.738 ca tính đến chiều 19/10. Số người khỏi bệnh cũng tăng lên 1.356.239 người.
Theo CDC châu Phi, Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Ethiopia và Nigeria là những quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất. Xét về khu vực, khu vực phía Nam châu Phi là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh cả về số ca nhiễm và tử vong, sau đó là khu vực Bắc Phi.
Châu Mỹ: Brazil chấp nhận vaccine COVID-19 của Trung Quốc
Ngày 20/10, Chính phủ Brazil thông báo sẽ sử dụng rộng rãi loại vaccine ngừa COVID-19 do phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc phát triển, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho các tình nguyện viên tại Brazil và dự kiến sẽ được Viện Butantan của Brazil đưa vào sản xuất từ tháng 12 tới.
Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello cho biết, ngay sau khi được Cơ quan Giám sát Dịch tễ Quốc gia cấp giấy phép, loại vaccine này sẽ được đưa vào Hệ thống Y tế duy nhất thông qua chương trình miễn dịch quốc gia. Chính phủ Brazil cũng dự kiến sẽ mua khoảng 46 triệu liệu vaccine mang tên CoronaVac này với tổng giá trị khoảng 427 triệu USD.
Chính phủ Brazil có ý định bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân từ đầu năm 2021. Trước đó, Chính phủ Brazil cũng đã thỏa thuận về hợp đồng cung cấp 100 triệu liều vaccine do công ty AstraZeneca của Anh và trường Đại học Oxford phát triển và sản xuất. Ngoài ra, tại Brazil hiện cũng đang tiến hành thử nghiệm các loại vaccine ngừa COVID-19 của phòng thí nghiệm Johnson & Johnson, cũng như của liên doanh BioNTech của Đức và Wyeth/Pfizer của Mỹ. Chính quyền các bang Bahia và Parana cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác để tiến hành thử nghiệm vaccine Sputnik-V của Nga.
Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Theo số liệu thống kê, đến nay nước này đã ghi nhận 5.273.954ca mắc COVID-19, trong đó 154.837 trường hợp tử vong.
Mỹ: Bà Melanie Trump huỷ sự kiện tranh cử vì “ho kéo dài”
Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham ngày 20/10 cho biết Đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ không xuất hiện cùng với Tổng thống Trump tại một cuôc vận động tranh cử vào ngày 20/10 tại bang Pennsylvania do một “đợt ho kéo dài” sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Bà Grisham nêu rõ: “Đệ nhất phu nhân tiếp tục cảm thấy ổn hơn hàng ngày sau khi khỏi bệnh COVID-19, song vẫn ho kéo dài và với lý do thận trọng, bà sẽ không đến dự cuộc vận động vào ngày hôm nay”.
Trước đó, ngày 14/10, Đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng thông báo đã có xét nghiệm âm tính với COVID-19 sau một thời gian điều trị và tự cách ly tại Nhà Trắng. Con trai của bà và Tổng thống Trump, Barron Trump, 14 tuổi, từng có kết quả dương tính tuy nhiên không có triệu chứng và hiện đã có kết quả âm tính.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau tin tưởng rằng nước này sẽ không phải áp dụng biện pháp phong tỏa trên toàn quốc mặc dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 liên tục tăng trong những tuần qua. Theo ông, người dân Canada hiện đã hiểu hơn về sự cần thiết của việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, vì thế biện pháp phong tỏa chỉ cần áp dụng với các trường hợp cụ thể, để tránh phải đóng cửa toàn bộ nền kinh tế. Canada ngày 19/10 đã ghi nhận 1.742 ca nhiễm mới, trong đó riêng Quebec đã có tới 1.038 ca. Tổng cộng số ca tại nước này đã vượt 201.000 người, trong đó hơn 9.700 ca tử vong.
Theo thống kê của Viện Thông tin y tế Canada, từ khi đại dịch bùng phát đến nay, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi bị ảnh hưởng nặng nề, với hơn 800 ổ dịch. Một thống kê đáng chú ý là hơn 80% số ca tử vong do COVID-19 ở Canada tập trung tại các nhà dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Hiện 7 trong số các điểm nóng tại tỉnh Ontario là các nhà dưỡng lão ở Pickering, Toronto, Brampton và Woodbridge. Canada đã quyết định duy trì các biện pháp hạn chế ở biên giới với Mỹ tới ít nhất là cuối tháng 11 tới, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng tại cả hai nước. Thủ tướng Trudeau nhận định tình hình dịch bệnh tại Mỹ vẫn gây lo ngại, vì thế, Canada cần đảm bảo an toàn cho công dân mình.