Thống kê tình hình Covid-19 ngày 30/7 ở Việt Nam mới nhất
Bộ Y tế vừa công bố thêm 9 ca mắc mới trong đó 8 ca ở Đà Nẵng và 1 ca ở Hà Nội, nâng tổng số ca nhiễm ở Việt Nam lên 459. Phần lớn bệnh nhân mắc mới có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Cụ thể:
BN451, nữ, 36 tuổi, là điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng.
BN452, nam, 52 tuổi, là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
BN453, nữ, 56 tuổi, là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
BN454, nữ, 65 tuổi, là người nhà đi chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
BN455, nữ, 32 tuổi, là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
BN456, nữ, 57 tuổi, ở đường Hải Phòng, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
BN457, nam, 70 tuổi, ở Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
BN458, nữ, 38 tuổi, ở Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng.
BN459, nam, 76 tuổi, ở Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội. Bệnh nhân đi Đà Nẵng khoảng 3 tuần nay. Ngày 21/7, bệnh nhân đến khám, xét nghiệm tại Bệnh viện C Đà Nẵng do tim nhịp nhanh. Ngày 25/7, bệnh nhân ra Hà Nội. Ngày 29/7, bệnh nhân được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu giám sát chủ động những người liên quan đến các khu vực nguy cơ tại Đà Nẵng và có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Tính đến 6h ngày 30/7: Việt Nam có tổng cộng 459 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, 43 ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): tăng vọt lên 81.546 người.
Lộ trình đi lại của nhân viên bán pizza Hà Nội nhiễm Covid-19
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm đã báo cáo lịch trình đi lại của bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ Đà Nẵng về.
Chiều 29/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung.
Tại cuộc họp, UBND quận Nam Từ Liêm đã cáo báo cáo lịch trình đi lại của bệnh nhân N.T.H. Cụ thể, từ ngày 12/7, bệnh nhân ở tại Khách sạn Huỳnh Gia Hưng (địa chỉ 169 đường Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) không đi đâu ra ngoài, ăn uống tại khách sạn.
Đến ngày 13/7, bệnh nhân cùng gia đình đi du lịch Bà Nà Hill đến chiều 13/7, quay trở lại Khách sạn Huỳnh Gia Hưng.
Ngày 14/7, bệnh nhân đi mua đồ tại Chợ Hàn 119 Trần Phú, quận Hải Châu; chiều ngày 14/7, bệnh nhân cùng gia đình đi chơi tại Hội An, Quảng Nam; buổi tối gia đình về khách sạn.
Ngày 15/7, bệnh nhân cùng gia đình ra sân bay trở về Hà Nội (máy bay hạ cánh tại Sân bay quốc tế Nội Bài lúc 12h30 ngày 15/7). Sau đó, đoàn du lịch cùng bệnh nhân đi 2 xe ôtô về nhà tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm (đi xe đặt trước). Chiều ngày 15/7, bệnh nhân đến phòng trọ của bạn tại địa chỉ số 1/59/68 (Mễ Trì Hạ, Mễ Trì, Nam Từ Liêm).
Từ ngày 16/7 đến 24/7, bệnh nhân làm việc tại cửa hàng Pizza 106 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), hàng ngày tiếp xúc với hầu hết nhân viên tại cửa hàng, không đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
Ngày 23/7, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho, mệt nhưng vẫn đi làm và có đến gặp bạn tại địa chỉ số 1/59/68 Mễ Trì Hạ.
Ngày 25/7 đến 28/7, bệnh nhân nghỉ ở nhà, tự cách ly, không tiếp xúc với người khác.
Ngày 28/7, bệnh nhân đi xe taxi của anh trai (là Nguyễn Đình Hiếu) đến khám tại Phòng khám Thái Hà (địa chỉ 178 phố Thái Hà, Đống Đa, có đeo khẩu trang). Kết quả chụp XQ được chẩn đoán có hình ảnh nốt mờ ở phổi và được người nhà tư vấn chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ngày 23/7, bệnh nhân H. có biểu hiện sốt nhẹ (từ 37,5 đến 38,2 độ C); ho kèm theo có đờm, không khó thở. Ngày 28-7 (lúc 14h), bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa Vi-rút Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Kết quả xét nghiệm ngày 29/7 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương cơ sở 2 cho thấy, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Theo kết quả điều tra dịch tễ từ ngày 12 đến 15/7, bệnh nhân cùng gia đình (đi cùng khoảng 29 người) du lịch tại TP Đà Nẵng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết: “Tới thời điểm này chúng tôi đã có thông tin ban đầu về 47 trường hợp F1 của bệnh nhân N.T.H. Các đơn vị chức năng đang tiếp tục rà soát, khoanh vùng và khử khuẩn nơi bệnh nhân H. lưu trú”
Hiện tại, trong số những F1 đã có 4 trường hợp đi cùng đoàn du lịch có triệu chứng sốt, ho, đau tức ngực và đã được chuyển hai bệnh viện Bắc Thăng Long và Đống Đa theo dõi. 43 trường hợp còn lại chuyển sang bệnh viện Công an Thành phố trong chiều 29/7 để cách ly.
Bên cạnh đó, 125 trường hợp F2 cũng tiếp tục được ra soát và làm xét nghiệm nhanh.
87 ca có triệu chứng ho, sốt từ Đà Nẵng về Hà Nội đã được cách ly
CDC Hà Nội cho biết, hiện đang có 87 ca từ Đà Nẵng về có triệu chứng ho sốt, khó thở đã lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn cách ly.
6/87 ca ho, sốt đã có kết quả xét nghiệm âm tính
Chiều 29/7, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, ông Trương Quang Việt – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, trong ngày hôm nay CDC đã nhận được thông báo trên địa bàn thành phố có 1 ca có xét nghiệm dương tính và 1 ca nghi ngờ mắc Covid-19.
Các bệnh nhân khác từ Đà Nẵng về theo thống kê CDC nhận được đến ngày hôm nay là hơn 21.000 ca. Ngày hôm qua có 29 ca có biểu hiện ho, sốt, khó thở, thì đến chiều nay, đã có 87 ca có triệu chứng, đã lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn cách ly tại nhà. Trong đó, có 6 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính, còn lại đang chờ kết quả.
Năng lực xét nghiệm của CDC Hà Nội là 500 mẫu xét nghiệm hàng ngày, số lượng môi trường vận chuyển có 3.600 (bộ lấy mẫu), que lấy họng còn tương đối nhiều, trên 50 nghìn que, bộ kit trên 37 nghìn bộ.
Hiện CDC có 30 nhân lực vừa lấy mẫu vừa chạy máy làm theo ca kíp, số nhân lực này một ngày có thể lấy được 1.000 mẫu. Các quận, huyện, CDC đã đào tạo các nhân viên y tế có thể lấy mẫu được là 214 nhân viên; xã phường có hơn 1.000 nhân viên, tổng số là 1.299 cán bộ có thể lấy được mẫu, số lượng có thể lấy được mẫu trong ngày là 11.700 mẫu.
Với năng lực hiện tại, nếu đủ sinh phẩm, CDC Hà Nội có thể xét nghiệm được 500 đến 700 mẫu một ngày. Nếu bổ sung thêm máy, có thể nâng cấp lên 1.700 đến 2.000 mẫu một ngày.
Ông Trương Quang Việt cho biết, CDC Hà Nội xin kiến nghị Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có thể làm xét nghiệm cho bệnh nhân, với số mẫu 200-300 mẫu một ngày để chia gánh cho các khu vực. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Xanh Pôn cũng có thể làm xét nghiệm Covid-19 với năng lực 300-400 mẫu một ngày.
Như vậy khi nâng cấp xét nghiệm cả CDC và các đơn vị có thể lên đến 2.500-3.000 mẫu một ngày với điều kiện bảo đảm số lượng vật tư, bộ kit.
“Ngày hôm nay, CDC Hà Nội đã thu thập các số liệu, thông báo các trung tâm y tế quận, huyện gửi dự trù. Đến trưa nay, có 5 quận, huyện đi lĩnh các test nhanh để xét nghiệm các trường hợp đi về từ Đà Nẵng”, đại diện CDC thông tin.
Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng, Hà Nội đang ở mức 3 theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng, vì các ca của Hà Nội đều lây thứ phát từ Đà Nẵng, chưa xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng.
Theo ông Quý, Hà Nội đang tiếp tục khẩn trương xác định F1, F2 của ca nhiễm. Trước mắt, thành phố tạm dừng các hoạt động tôn giáo, văn hóa thể thao tập trung đông người cũng như các sự kiện lớn; Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; Sử dụng các biện pháp phòng chống dịch trong cơ quan, đơn vị; khuyến khích họp trực tuyến, nếu họp trực tiếp thì phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Về công tác mua sắm, nâng cao năng lực xét nghiệm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị để CDC tiếp mua 38.000 test còn lại theo kế hoạch; Giao Sở Y tế rà soát tất cả năng lực các cơ sở xét nghiệm nằm trên địa bàn thành phố.;Tiếp tục mua sắm vật tư, hóa chất và đồ bảo hộ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố.
Đối với việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia, ông Quý đề nghị ngành y tế lên phương án cụ thể ở các điểm thi như: giãn cách, đo thân nhiệt… theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch trong bệnh viện để đảm bảo không lây chéo và diễn ra tình trạng như Bệnh viện Bạch Mai hay các Bệnh viện ở Đà Nẵng…
Hà Nội đóng cửa quán bar, test nhanh hơn 21.000 người từ Đà Nẵng về
Chiều 29/7, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 TP đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận huyện, sở ngành để triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị trong địa bàn Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đánh giá, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc Công điện 05 của thành phố về triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19. Hà Nội đã rà soát, sơ bộ phát hiện 21.063 người đi về từ Đà Nẵng.
Với ca bệnh mới phát hiện trên địa bàn, các trường hợp F1, F2 đã khẩn trương được xác định, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. “Các đơn vị đã vào cuộc nhanh, quyết liệt”, Chủ tịch Chung ghi nhận.
Nêu diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới hiện vô cùng phức tạp với nhiều biến thể mới của virus, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng ta không chủ quan, lơi là, mất cảnh giác nhưng cũng không nên quá hoang mang lo lắng. Hôm nay, thành phố ghi nhận 2 ca bệnh mới nhưng đều là đi từ vùng dịch về, thành phố đã quản lý chặt chẽ người nhập cảnh 105 ngày qua”.
Căn cứ vào Chỉ thị 19, Hà Nội ở mức nguy cơ thấp, nhưng Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý, nguy cơ lẫy nhiễm hiện nay rất cao ở diện rộng bởi chủng virus nguy hiểm hơn, lây nhiễm cao hơn, không phụ thuộc vào thời tiết…
Với các địa điểm ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã được Bộ Y tế khuyến cáo, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các quận huyện phải cập nhật các địa điểm này, công khai để người biết, tự dối chiếu so sánh để thông tin đến lực lượng y tế bởi “không ai làm tốt hơn tự mình bảo vệ mình”.
Khẳng định, Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cao, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị khởi động tất cả các ban chỉ đạo phòng dịch từ thôn, tổ dân phố, đảm bảo trực 24/24/7 để kịp thời xử lý thông tin về dịch bệnh. Các đơn vị, cơ quan trên địa bàn phải có nước sát khuẩn, tổ chức rà soát rộng hơn người về từ Đà Nẵng, tất cả trường hợ phải cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm ngay
CDC Hà Nội chuyển ngay 80.000 mẫu test nhanh cho các quận huyện để tổ chức test nhanh Covid-19 đúng quy trình. “Đến thứ 7 này các đơn vị phải hoàn thành test nhanh hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng. Trường hợp nào dương tính thì xét nghiệm khẳng định bằng PCR”, ông Chung nhấn mạnh.
Các trường hợp F1, phải cách ly ngay lập tức, các trường hợp F2, cách ly tại nhà, giám sát y tế hàng ngày; khi có nhu cầu cần xét nghiệm thì các quận huyện phải đáp ứng ngay. “Tính từ hôm nay, nếu chúng ta “canh” tốt sau 14 ngày nữa đến 12/8, nếu kiểm soát tốt sẽ yên tâm”, Chủ tịch UBND TP nói
Đề cập đến việc tổ chức các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến cung cầu, lễ hội , quán bar… trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị tạm dừng hoạt động theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Diễn biến liên quan, Nga sản xuất vaccine COVID-19. Tại cuộc họp do Tổng thống Putin chủ trì hôm 29/7, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova nêu tên 2 loại vaccine được nghiên cứu và phát triển bởi viện nghiên cứu Gamaleya ở Matxcơva và một phòng thí nghiệm ở Siberia
Quá trình sản xuất loại vaccine thứ nhất, do viện Gamaleya nghiên cứu sẽ được triển khai từ tháng 9 trong khi loại còn lại dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 10.
Nga hiện là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới với hơn 828.000 ca bệnh và 13.600 người chết.
Trung Quốc hôm 28/7 ghi nhận 101 ca mắc COVID-19, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4. Trong số các ca bệnh mới có 98 ca lây nhiễm cộng đồng và ba ca nhập cảnh.
89 trên 98 ca nhiễm COVID-19 cộng đồng được báo cáo ở khu tự trị Tân Cương, 8 ca ở tỉnh Liêu Ninh và 1 ca tại Bắc Kinh.
Tính đến ngày 28/7, Trung Quốc có 84.060 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, 4.634 người thiệt mạng.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca thiệt mạng vì COVID-19 tại Mỹ là 150.034 tính đến ngày 29/7.
Hơn 4,3 triệu ca bệnh đã được ghi nhận tại nước này. Trong khi mùa hè đang qua đi, dịch bệnh vẫn lan rộng khắp vành đai nhiệt đới của Mỹ, khu vực trải dài từ bang Florida đến miền Nam California, và ngày càng có xu hướng lan rộng sang các bang miền Trung nước Mỹ.
Trong khi đó, một số ổ dịch từ đầu đợt bùng phát như thành phố New York đang kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh, theo Guardian.