Cập nhật 7h ngày 22/7: Hơn 15 triệu dân toàn cầu dính ‘nọc độc’ Covid-19, số tử vong mới ở Mỹ tăng vọt, ông Trump thúc người dân đeo khẩu trang
TGVN. Tính đến 6h ngày 22/7, toàn cầu ghi nhận 15.078.885 người nhiễm Covid-19 trong đó có 618.684 ca tử vong và 9.101.420 bệnh nhân bình phục.
Ông Trump thay đổi quan điểm về khẩu trang, hối thúc người dân sử dụng. (Nguồn: Getty Images) |
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm bệnh của Mỹ vượt 4 triệu, lên 4.024.308 trường hợp, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngày 21/7 cũng ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất trong 1,5 tháng qua, ở mức 1.058 trường hợp, nâng tổng số người thiệt mạng do Covid-19 lên 144.892.
Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo tình hình đại dịch Covid-19 ở Mỹ có thể “sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chuyển biến tích cực”, đồng thời hối thúc người dân Mỹ đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây lan của virus: “Chúng tôi yêu cầu mọi người, những ai không thể thực hiện giãn cách xã hội, hãy đeo khẩu trang. Dù bạn có thích hay không, đeo khẩu trang sẽ mang tới tác động. Nó sẽ có hiệu quả và chúng ta cần làm những gì có thể”.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, vaccine phòng Covid-19 đang được sản xuất. Tuy nhiên, ông không đưa ra thời điểm cụ thể.
* Ngày 21/7, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cảnh báo sự lây lan của dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm ở châu Mỹ với sự xuất hiện ở các nước ở bờ biển Tây Bắc của châu lục cũng như gia tăng số ca nhiễm tại Bolivia, Ecuador, Colombia và Peru.
Bà Etienne cho biết, một số nước ở khu vực Trung Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất kể từ đầu dịch đến nay. Trong tuần vừa qua, châu Mỹ đã ghi nhận thêm 900.000 ca bệnh mới, trong đó có gần 22.000 trường hợp tử vong và hầu hết tập trung tại 3 nước Brazil, Mexico và Mỹ.
Brazil vẫn là điểm nóng của dịch Covid-19 ở Nam Mỹ và thế giới. Thống kê của Bộ Y tế Brazil công bố ngày 21/7 cho thấy số ca tử vong do Covid-19 đã vượt ngưỡng 80.000 người, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong ngày 21/7, Brazil đã ghi nhận thêm 1.346 ca tử vong. Hiện hơn 2,1 triệu trong tổng dân số 212 triệu người dân Brazil đã mắc bệnh.
Cùng ngày, Brazil thông báo thêm hai thành viên trong nội các của Tổng thống Jair Bolsonaro đã nhiễm SARS-CoV-2, đó là Bộ trưởng Giáo dục Milton Ribeiro và Bộ trưởng phụ trách vấn đề công dân Onyx Lorenzoni.
Một loại vaccine phòng Covid-19 do Trung Quốc sản xuất đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng tại Brazil trong ngày 21/7. Đây là loại vaccine do tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.
Hiện tập đoàn Sinovac Biotech đang phối hợp với một trung tâm nghiên cứu sức khỏe y tế của Brazil để tiến hành thử nghiệm vaccine phòng Covid-19. Nếu thành công, trung tâm này có quyền sản xuất 120 triệu liều vaccine theo thỏa thuận đạt được
Tại Argentina, nước này đã bắt đầu mở lại các hoạt động kinh tế ở vùng thủ đô Buenos Aires, nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mặc dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao.
* Ở châu Âu, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng gấp 3 lần kể từ khi nới lỏng phong tỏa được 3 tuần nay. Nhà chức trách đang nỗ lực kiềm chế tốc độ lây lan ở các ổ dịch mới, chủ yếu tại vùng Catalonia và Aragon.
Đại học Oxford (Anh) cho biết, việc đưa vào sử dụng vaccine phòng Covid-19 mà trường đại học này đang thử nghiệm vào cuối năm nay có thể sẽ trở thành hiện thực.
Theo giáo sư Sarah Gilbert, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 của Đại học Oxford, loại vaccine đang được thử nghiệm đã tạo ra phản ứng miễn dịch trên người trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu, làm tăng hy vọng về việc sử dụng vaccine này vào cuối năm nay, tuy nhiên đây mới chỉ là một khả năng và vẫn chưa thể được khẳng định một cách chắc chắn do những yếu tố như thể hiện hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối, có khả năng sản xuất số lượng lớn và các nhà làm luật cấp phép nhanh chóng.
* Tại khu vực châu Á, số ca nhiễm ở Hàn Quốc, đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Ngày 21/7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết có thêm 45 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 13.816 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới theo ngày đã tăng gần gấp đôi so với 26 ca ghi nhận của một ngày trước đó.
Đây là lần đầu tiên dịch bệnh tại Hàn Quốc có dấu hiệu nóng trở lại sau 28 ngày số ca nhiễm được ghi nhận ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng lao động người nước ngoài nhập cảnh từ Iraq tăng nhanh và một loạt ổ dịch trên các tàu hàng của Nga đang neo đậu ở thành phố cảng Busan (miền Nam Hàn Quốc). Số ca tử vong tại Hàn Quốc vẫn ở mức 296 ca.
Ở Ấn Độ, thủ đô New Delhi đã lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc Covid-19 ở mức dưới 1.000 người trong vòng 7 tuần qua, trong khi có thêm nhiều bang khác áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ấn Độ hiện ghi nhận tổng cộng 1.194.085 ca nhiễm và 28.771 ca tử vong.
Theo kết quả khảo sát do Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Ấn Độ (NCDC) phối hợp với chính quyền thủ đô New Delhi thực hiện, tỷ lệ người dân thủ đô này có kháng thể chống Covid-19 IgG là 23,48%. Ngoài ra còn có một số lớn người dân ở thành phố này bị mắc bệnh mà không có triệu chứng.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, những kết quả nghiên cứu trên đã cho thấy một tỷ lệ lớn người dân vẫn có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Để phòng ngừa, các biện pháp phong tỏa vẫn cần phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt và những quy định như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, vệ sinh tay… cần phải được tuân thủ chặt chẽ.
Cũng trong ngày 21/7, Myanmar đã mở cửa trở lại hơn một nửa số trường trung học của nước này sau gần 2 tháng phải đóng cửa do dịch bệnh.
Tại Philippines, Bộ Y tế cho biết có thêm 1.951 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, theo đó nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 70.764 ca và 1.837 ca. Tổng thống Rodrigo Duterte đã cảnh báo bắt giữ bất kỳ ai không đeo khẩu trang hoặc vi phạm quy định về giãn cách xã hội, sau khi số ca nhiễm và tử vong tăng trở lại kể từ khi lệnh phong tỏa được nới lỏng vào tháng 6.
Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.655 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 89.869 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 81 ca lên 4.320 ca.
Ở Malaysia, nhà chức trách thông báo sẽ tái áp dụng quy định cách ly bắt buộc tại các trung tâm của Chính phủ đối với những người trở về từ nước ngoài, kể từ ngày 24/7 tới. Những người thực hiện cách ly bắt buộc sẽ phải tự chi trả chi phí lưu trú, bất kể là ở khách sạn hay trung tâm cách ly.
Theo Bộ Y tế Malaysia, trong ngày 21/7, nước này đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 8.815 ca. Số ca tử vong vẫn ở nguyên mức 123 ca.