Cập nhật 7h ngày 6/6: Toàn cầu trải qua ‘ngày kỷ lục’, Mỹ bất ngờ tăng vọt số người mắc mới Covid-19, WHO khuyến cáo sử dụng khẩu trang
TGVN. Tính đến 6h ngày 6/6, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận thêm 131.851 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trong 24 giờ qua. Đây là con số kỷ lục được ghi nhận từ khi dịch bùng phát.
Biểu đồ tỷ lệ số ca nhiễm Covid-19 thế giới. (Nguồn: Worldometers) |
Cho đến nay, toàn cầu có tổng cộng 6.824.545 người mắc Covid-19, trong đó có 397.351 ca tử vong và 3.312.588 người bình phục và 53.499 bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, nguy kịch.
* Tại tâm dịch lớn nhất thế giới, Mỹ chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua bất ngờ tăng lên hơn 29.000 ca sau hơn nửa tháng chỉ ghi nhận số người mắc bệnh mới trong ngày ở mức dưới 25.000 người.
Cụ thể, số người mắc mới Covid-19 được ghi nhận trong 24 giờ qua là 29.071, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ lên 1.953.122, trong đó có 111.374 ca tử vong, tăng 1.201 ca trong 24 giờ qua và 719.288 người bình phục.
Tuy vậy, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 5/6, Tổng thống Donald Trump đánh giá, nước Mỹ đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19.
“Chúng ta từng có nền kinh tế tuyệt vời nhất trong lịch sử thế giới. Và sức mạnh này sẽ hỗ trợ giúp chúng ta vượt qua được đại dịch kinh khủng này. Tới nay, tôi nghĩ chúng ta đang làm khá tốt khi đưa ra những quyết định chính xác”, ông Trump nói.
Nhận định trên được Tổng thống Trump đưa ra không lâu sau khi Chính phủ Mỹ đón nhận thông tin tích cực. Theo đó, trong tháng Năm, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 2,509 triệu sau khi giảm kỷ lục 20,687 triệu việc trong tháng Tư. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm so với mức 14,7% của tháng trước đó. Số việc làm tăng chủ yếu trong lĩnh vực giải trí và dịch vụ, xây dựng, bán lẻ, giáo dục và chăm sóc y tế.
* Brazil vẫn là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, với số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 5/6 bám đuổi sát nút Mỹ. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận 27.896 người nhiễm bệnh, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 643.766, trong đó có 34.973 ca tử vong, chính thức vượt Italy trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh.
* Tại vùng dịch lớn thứ 3 thế giới, Nga, ghi nhận 449.834 ca nhiễm Covid-19, tăng 8.726 ca trong 24 giờ qua, trong đó có 5.528 người tử vong, tăng 144 trường hợp.
Nga cũng ghi nhận 212.680 bệnh nhân đã bình phục, tuy nhiên còn 2.300 người đang trong tình trạng nặng, nguy kịch.
* Tình hình Covid-19 vẫn đáng lo ngại tại châu Âu.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 5/6, nước này ghi nhận thêm 518 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 234.531 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 33.774 trường hợp (tăng 85 ca). Có 1.886 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 163.781 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 316 ca (giảm 22 ca). Tổng số ca phải nhập viện tại Italy hiện còn 5.301 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại 36.976 người.
Tại Anh, thông báo mới nhất của Bộ Y tế và Chăm sóc sức khỏe cho biết, có 357 người thiệt mạng vì Covid-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì đại dịch lên tới 40.261 trong tổng số 283.311 ca mắc bệnh.
Tại Pháp, Bộ Y tế thông báo số người thiệt mạng đã tăng lên 29.111 người, trong khi số người phải điều trị trong bệnh viện giảm từ 13.101 người xuống còn 12.696 người trong ngày 5/6 trong tổng số 153.055 ca nhiễm bệnh.
* Ngày 5/6, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore đang tăng cường năng lực chế tạo vaccine phòng Covid-19.
Ngoài ra, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng thông báo Singapore hy vọng có thể sớm hoàn tất các hợp đồng phục vụ sản xuất với các hãng nghiên cứu vaccine. “Điều này sẽ giúp các hãng có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất và bảo đảm rằng Singapore có thể cung cấp tiêu chuẩn cao về an toàn cũng như chất lượng cho quá trình sản xuất”.
Về tình hình dịch tại đảo quốc sư tử, tính đến nay, đã ghi nhận tổng cộng 37.183 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 24 ca tử vong.
* Ngày 5/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo về việc đeo khẩu trang trong đại dịch Covid-19, trong đó khuyến khích sử dụng khẩu trang trong những tình huống đông người, tại những khu vực mà dịch Covid-19 lây lan.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: “Chính phủ các nước cần khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở những nơi dịch bệnh lây lan mạnh mẽ và việc thực hiện giãn cách khó khăn, như ở trên các phương tiện công cộng, trong các cửa hàng hoặc trong không gian chật hẹp hay đông người”.
* Ngày 5/6, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho sáng kiến Hợp tác đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm Covid-19 tại khu vực này (PACT), trong bối cảnh tốc độ lây lan của SARS-CoV-2 đang ngày một gia tăng tại châu lục với 1,3 tỷ dân này.
Theo Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong, sáng kiến PACT do Liên minh châu Phi (AU) khởi xướng hiện được xem là phương thức duy nhất để ứng phó với dịch Covid-19 tại Lục địa Đen, đặc biệt khi các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng cao trong thời gian gần đây.
Theo đó, PACT hoạt động theo cơ chế hợp tác giữa CDC châu Phi, các thành viên AU cùng các nhà tài trợ trong việc thu mua, lưu trữ, phân phối các bộ kit xét nghiệm Covid-19, cũng như trong quá trình triển khai xét nghiệm cho hàng chục triệu trường hợp nghi nhiễm. Bên cạnh đó, nguồn lực từ PACT cũng sẽ được sử dụng để huy động khoảng 1 triệu nhân viên y tế cộng đồng trên khắp châu lục.
Cũng trong ngày 5/6, CDC châu Phi cho biết, Quỹ MasterCard Foundation có trụ sở tại Canada vừa cam kết tài trợ 40 triệu USD cho sáng kiến PACT để mua 1 triệu bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 và để huấn luyện cũng như triển khai 10.000 nhân viên y tế cộng đồng.
Trước đó, hôm 4/5, CDC châu Phi cho biết, các nước khu vực này sẽ tiếp nhận tổng cộng 90 triệu bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 6 tháng tới nhằm tăng cường công tác xét nghiệm trên diện rộng tại châu lục.
Trung tâm này cho biết, đến thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Phi đã xét nghiệm cho 3,4 triệu trường hợp, đạt tỷ lệ 1.700 xét nghiệm/1 triệu người, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ 37.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Italy và 30.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Anh.
Tính đến ngày 4/6, châu Phi ghi nhận 163.599 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 4.611 trường hợp tử vong và 70.894 người đã khỏi bệnh.
* Tại Ai Cập, trước bối cảnh dịch bệnh đang tăng nhanh, ngày 5/6, quyền điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Ai Cập Cristina Albertin khẳng định cam kết hỗ trợ quốc gia Bắc Phi vượt qua những thách thức do sự bùng phát của dịch Covid-19.
Trong thông cáo báo chí được đưa ra nhân Ngày Môi trường Thế giới, bà Albertin cho rằng, mục tiêu này có thể đạt được thông qua việc ưu tiên tạo ra môi trường bền vững và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây được coi là một phần của những lĩnh vực ưu tiên và các kế hoạch phục hồi lại của đất nước này.
Theo bà Albertin, vấn đề cốt lõi là nhằm hỗ trợ những nỗ lực quốc gia trong việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Ai Cập; giảm thiểu những rủi ro liên quan đến môi trường; thúc đẩy kinh tế địa phương và duy trì một xã hội xanh hơn.
Trong khi đó cùng ngày, Ai Cập tiếp tục ghi nhận thêm 1.348 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc Covid-19 31.115 người, trong đó có 1,166 ca tử vong, tăng 40 ca trong 24 giờ qua.
Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 402 bệnh nhân khỏi bệnh và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp đã bình phục hoàn toàn lên 8.158 người.
Tại Việt Nam, tính đến 7h ngày 6/6, ghi nhận 329 người mắc Covid-19, trong đó có 307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. 22 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có 13 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên. Tính đến nay, đã 51 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. |