Trong ngày 7-8, Mỹ Latin và Caribe đã trở thành khu vực có số người chết vì COVID-19 cao nhất thế giới với 213.120 trường hợp, cao hơn châu Âu 460 người, theo số liệu của hãng tin AFP tính đến 17h GMT ngày 7-8.
Theo hãng tin AFP, tại Mỹ Latin, khu vực có số ca bệnh lớn nhất với 5,3 triệu người, số người chết tiếp tục tăng. Trong tuần qua, có tới 44% trong tổng số người chết vì COVID-19 của thế giới (18.300 người trong tổng số 41.500 người) là ở khu vực này.
Hơn một nửa số ca bệnh ở Mỹ Latin, khoảng 2,9 triệu người, ở Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này tới sáng nay 8-8 đã có hơn 99.700 người chết theo trang Worldometers.
Toàn thế giới tính tới 6h00 sáng nay 8-8 có hơn 19,5 triệu ca bệnh và hơn 722.000 người chết. Trong khi dịch bệnh bùng trở lại ở một số nơi đã kiểm soát được trước đó, virus corona vẫn tiếp tục lan tới và hoành hành dữ dội hơn tại Ấn Độ và châu Phi.
Số ca bệnh tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong 3 tuần qua, vượt qua con số 2 triệu ca trong ngày hôm qua 7-8 sau khi tăng ghi nhận số ca mới theo ngày tăng kỷ lục hơn 60.000 người.
Ấn Độ là nước thứ ba sau Mỹ và Brazil có số người nhiễm virus corona vượt qua 2 triệu, trong đó đã hơn 42.000 người chết.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã áp đặt một trong những lệnh tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới hồi cuối tháng 3. Theo đó hàng chục triệu lao động nhập cư đã mất việc gần như chỉ sau một đêm.
Nhưng khi nền kinh tế loạng choạng, những lệnh hạn chế phòng dịch cũng đã được dần nới lỏng.
Giới chuyên gia cho rằng số liệu thực về ca nhiễm và người chết ở quốc gia 1,3 tỉ dân chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều vì khó có thể ghi nhận đầy đủ, chính xác.
Mỹ tiếp tục tranh cãi chuyện mở lại trường học
Trong bối cảnh số người chết vì COVID-19 tại Mỹ vượt qua con số 160.000 ngày 7-8 (gần 1/4 tổng số người chết toàn cầu), dư luận nước này đang tranh cãi gay gắt chuyện có nên mở lại trường học trong những tuần tới hay không.
Thống kê thời gian thực của Worldometer tới 6h30 sáng 8-8 cho thấy Mỹ đã có hơn 5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 163.000 người đã chết.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, trong hai tuần qua, số người chết vì corona hiện đang tăng tại 23 bang của Mỹ, số ca nhiễm tăng tại 20 bang. Nhiều ca tử vong mới ghi nhận tại các bang California, Florida và Texas, cũng là ba bang có số ca bệnh cao nhất của Mỹ.
Trong lúc này, giới chức Mỹ, các liên đoàn giáo viên, phụ huynh và học sinh đang tranh luận về việc làm sao để mở cửa lại trường học an toàn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc các bang mở lại các lớp học trực tiếp, song giới chuyên gia y tế cảnh báo những bang có số ca bệnh tăng cần thận trọng.
Các chuyên gia y tế ĐH Washington ngày thứ Năm tuần này (6-8) cảnh báo gần 300.000 người Mỹ có thể chết vì COVID-19 tính tới 1-12 năm nay. Tuy nhiên nếu người Mỹ chú ý thực hiện đeo khẩu trang, con số đáng sợ đó có thể giảm đi 70.000 người.
Ý phê chuẩn gói cứu trợ 25 tỉ euro
Theo hãng tin AFP, chính phủ Ý ngày 7-8 đã phê chuẩn gói cứu trợ tổng giá trị 25 tỉ euro (29 tỉ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch.
Gói cứu trợ gồm hơn 100 điều khoản nhiều nội dung chính sách khác nhau nhằm bảo vệ việc làm, hỗ trợ người lao động và giảm gánh nặng đóng thuế cho người dân và doanh nghiệp.
Trong đó có khoản cứu trợ khẩn cấp hàng tháng cho những gia đình thuộc nhóm dễ tổn thương với mức hỗ trợ từ 400-800 euro, và một khoản 500 triệu euro dành chi trả cho thời gian làm việc ngoài giờ của đội ngũ nhân viên y tế.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho biết Ý vẫn duy trì quy định bắt buộc thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang cho tới ngày 7-9.
Mỹ không đạt được thỏa thuận gói cứu trợ mới
Các cuộc đàm phán cuối cùng về gói cứu trợ COVID-19 mới giữa các quan chức Nhà Trắng và các lãnh đạo đảng Dân chủ đã kết thúc trong ngày 7-8 mà không có kết quả nào.
Theo trang Politico, sau cuộc họp 90 phút với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, ông Chuck Schumer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết họ sẽ yêu cầu Tổng thống Donald Trump vận dụng một số sắc lệnh hành pháp để tháo gỡ những khó khăn kinh tế trong tình thế bế tắc.
Cuộc họp ngày 7-8 tại văn phòng của bà Pelosi đã khép lại hai tuần đàm phán kín giữa các quan chức Nhà Trắng và các lãnh đạo đảng Dân chủ mà không có đột phá.
Trong khi đó hàng triệu người Mỹ vẫn đang thất nghiệp và số ca bệnh cũng như số người chết vì COVID-19 vẫn tiếp tục tăng tại nhiều nơi trên cả nước.
Hai ông Mnuchin về Meadows tuyên bố ngày 7-8 sẽ là thời hạn chót của họ cho việc thỏa thuận. Theo đó giới quan sát nhận định ông Trump có thể sẽ công bố một số sắc lệnh hành pháp tới đây.