Tính đến 7h sáng 29/3 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã có 30.471 trường hợp tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Mỹ đang là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất, trong khi Italy dẫn đầu về số ca tử vong khi vượt ngưỡng 10.000.
Châu Mỹ
Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 16.403 ca Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 120.529. Với con số này, Mỹ đã bỏ xa hai nước đứng sau là Italy và Trung Quốc. Số ca tử vong ở Mỹ cũng tăng 312 ca, lên 2.008. Các số liệu trên cho thấy Mỹ đã ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 tăng cao kỷ lục.
Thành phố New York hiện là nơi có nhiều ca tử vong nhất với 517 trường hợp. Trong khi đó, tính trên phạm toàn bộ “tâm dịch” của nước Mỹ là bang New York, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 là 52.318 trường hợp, trong đó có 728 ca tử vong.
Chính quyền bang New York đang lên kế hoạch xây dựng 4 bệnh viện dã chiến để ứng phó với dịch bệnh. Thống đốc bang này – ông Andrew Cuomo – dự đoán dịch sẽ lên đến đỉnh điểm trong vòng 21 ngày tới và các trường học trên toàn bang sẽ đóng cửa ít nhất là đến ngày 15/4. Thống đốc Coumo cũng thông báo lùi thời điểm cuộc bầu cử sơ bộ từ ngày 28/4 sang ngày 23/6. Ông Cuomo cũng cho biết đã yêu cầu các hãng dược bắt đầu chuyển thuốc men miễn phí tới các hộ gia đình.
Điểm nóng thứ hai của Mỹ về dịch Covid-19 là bang New Jersey đã ghi nhận 11.124 ca mắc Covid-19, trong đó 140 ca tử vong. Bang California ở bờ Tây nước Mỹ cũng đã ghi nhận 4.950 ca nhiễm bệnh, trong đó có 104 ca tử vong.
Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc biện pháp cách ly bắt buộc đối với các bang New York, New Jersey và Connecticut nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Ngoài ra, Tổng thống Trump đã thông qua tuyên bố về tình trạng thảm họa đối với bang Michigan sau khi thảo luận với Thống đốc bang này Gretchen Whitmer.
Như vậy, Michigan là bang tiếp theo trong danh sách các bang và vùng lãnh thổ ông Trump tuyên bố về tình trạng thảm họa trong tuần này gồm các bang Massachusetts, Missouri, Maryland, Illinois, New Jersey, North Carolina, Texas, Florida và các vùng lãnh thổ Guam, Puerto Rico.
Châu Âu
Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, vượt ngưỡng 10.000 người. Số ca tử vong vì nhiễm virus ở Italy là 10.032 sau khi tăng thêm 889 ca ngày trước đó. Số ca nhiễm virus ở Italy là 92.472.
Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, từ ngày 28/3, Italy áp dụng quy định mới đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước này. Theo đó, những người nhập cảnh bằng đường không, đường sắt, đường biển, đường bộ đều phải cung cấp cho người điều hành phương tiện các thông tin về lý do di chuyển, địa chỉ nơi ở đồng thời cũng là nơi người nhập cảnh sẽ phải cách ly bắt buộc đủ 14 ngày, số điện thoại cá nhân để nhận các thông tin trong thời gian cách ly.
Đấu trường La Mã không một bóng người giữa tâm dịch Covid-19. (Nguồn: AFP) |
Người nhập cảnh vào Italy, kể cả những người không có các triệu chứng nhiễm bệnh, đều phải có trách nhiệm liên hệ ngay với cơ quan chức năng địa phương và chịu sự giám sát tình trạng sức khỏe của cơ quan y tế. Hành khách khi lên các phương tiện phải được đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang và đảm bảo khoảng cách an toàn ít nhất 1 mét.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha cũng đang diễn biến rất nghiêm trọng. Tính tới 7h sáng ngày 29/3, nước này đã có thêm 688 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 5.826. Số ca nhiễm virus tăng thêm 6.750, nâng tổng số ca nhiễm lên 72.469, xếp sau Mỹ và Tây Ban Nha nếu không kể Trung Quốc. Hiện Tây Ban Nha là quốc gia có số trường hợp tử vong do mắc Covid-19 cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Italy.
Số ca nhiễm virus ở Tây Ban Nha gia tăng sau khi nước này tăng đáng kể số lượng người được xét nghiệm. Thủ đô Madrid tiếp tục là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Các số liệu trên được đưa ra vào thời điểm đánh dấu tròn 2 tuần kể từ khi Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc chưa từng có nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến ít nhất là ngày 11/4 tới.
Sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh – Giáo sư Chris Whitty – ngày 28/3 cũng cho biết ông đã xuất hiện những triệu chứng nhẹ của bệnh Covid-19 và đang tự cách ly.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách vùng Scotland – ông Alister Jack – cùng ngày cũng quyết định tương tự sau khi có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Johnson khẳng định ông sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ thông qua hình thức trực tuyến trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà số 10 phố Downing.
Tính tới 7h ngày 29/3, tổng số ca tử vong do mắc Covid-19 tại Anh đã lên đến 1.019 người trong tổng số 17.089 ca được xác định dương tính với virus gây bệnh. Khoảng 6.200 bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện tại Vương quốc Anh.
Nước Nga lần đầu tiên ghi nhận có trên 200 ca nhiễm trong một ngày. Tính đến 7h sáng 29/3, Nga đã ghi nhận thêm 228 trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2 tại 26 tỉnh thành, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 1.264. Trong số 228 ca nhiễm mới, có tới 114 ca ở thủ đô Moscow.
Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, Chính phủ Nga đã quyết định đóng cửa đường biên giới kể từ ngày 30/3; tất cả các địa điểm nghỉ dưỡng công cộng của nước này sẽ đình chỉ hoạt động cho đến ngày 1/6; tất cả các quán cà phê và nhà hàng trên cả nước cũng phải đóng cửa trong một tuần, từ ngày 28/3 đến ngày 5/4.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng, Nga đã phải đóng cửa biên giới từ ngày 30/3. (Nguồn: AP) |
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành khuyến nghị người dân hạn chế đi lại, kể cả đi du lịch và nghỉ dưỡng.
Cơ quan y tế Hy Lạp đã ghi nhận thêm 95 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 28/3, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của nước này lên 1.061 trường hợp kể từ khi ghi nhận ca đầu tiên từ hôm 26/2. Đại diện Bộ y tế Hy Lạp Sotiris Tsiodras cho biết, đến nay đã có 32 ca tử vong do Covid-19.
Hy Lạp cũng đã ban bố một lệnh giới nghiêm có hiệu lực đến đầu tháng 4, hạn chế việc đi lại của người dân trừ vài trường hợp ngoại lệ. Nước này cũng đã đóng cửa biên giới với Italy, Tây Ban Nha và các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhằm khống chế sự lây lan của SARS-CoV-2.
Nam Á
Mạng Dawn dẫn số liệu của Chính phủ Pakistan cho hay hiện nước này đang dẫn đầu khu vực Nam Á về số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, với 1.495 trường hợp (trong đó có 7 ca nguy kịch) tính đến tối 28/3, sau khi ghi nhận thêm 130 bệnh nhân mới.
Cũng theo nguồn tin, số ca tử vong do Covid-19 tại Pakistan là 12 trường hợp. Trường hợp bệnh nhân đầu tiên xuất hiện ở nước này vào ngày 26/2. Nguyên nhân khiến số ca nhiễm ở Pakistan gia tăng mạnh được cho là do chính quyền quản lý yếu kém những người hành hương tại trung tâm cách ly Taftan và việc người dân không chịu tuân thủ các hướng dẫn về giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở Ấn Độ ngày càng gia tăng khi số người nhiễm tính đến sáng ngày 29/3 đã lên 987, 24 ca tử vong, dư luận bắt đầu quan tâm đến hệ thống y tế yếu kém của nước này cũng như tình trạng thiếu hụt máy thở mà Ấn Độ có thể phải đối mặt.
Mạng Livemint ngày 28/3 đưa tin, theo các ước tính của Đại học Johns Hopkins, Trung tâm nghiên cứu biến động dịch bệnh, kinh tế và chính sách (CDDEP) và Đại học Princeton (Mỹ), nhu cầu về máy thở ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên 1 triệu chiếc vào tháng 7/2020, trong khi số lượng máy sẵn có chỉ từ 30.000 – 50.000 chiếc. Suy đoán theo mức độ lây lan, thì đến tháng 7 tới hơn 400 triệu người Ấn Độ có khả năng bị mắc bệnh. Vào lúc cao điểm, có thể sẽ có từ 700.000 đến 1,2 triệu người cần chăm sóc tại khu điều trị tích cực (ICU).
Trung Đông – châu Phi
Ngày 28/3, Qatar đã ghi nhận ca đầu tiên tử vong do Covid-19 là một công dân Bangladesh – và thêm 28 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của nước này lên 590 trường hợp. Theo hãng thông tấn nhà nước QNA, công dân 57 tuổi này trước đó đã có bệnh lý mãn tính.
Một quan chức Bộ Y tế Iran ngày 28/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 139 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở quốc gia Trung Đông này lên 2.517 người. Quan chức trên cũng cho hay tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Iran hiện tăng lên thành 35.408 người.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28/3 cho biết cơ sở hạ tầng y tế của Iran tốt và sẵn sàng đối phó với nguy cơ bùng phát các ca nhiễm virus. Iran là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch Covid-19.
Bộ Y tế Israel cho hay số ca nhiễmCovid-19 tại nước này đã lên tới 3.460 người, sau khi có thêm 425 người được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến nay, Covid-19 đã cướp đi mạng sống của 12 người tại Israel.
Bộ Y tế Israel cho hay số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại nước này đã lên tới 3.460 người. (Nguồn: Getty Images) |
Để ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ Israel đã cho đóng cửa tất cả trường học, cấm tụ tập quá 10 người cả trong phòng kín cũng như ngoài trời. Tất cả các cửa hàng cũng phải đóng cửa từ ngày 15/3, ngoại trừ các siêu thị, nhà thuốc, trạm xăng và ngân hàng. Bên cạnh đó, Israel cũng cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài, trừ những người có giấy phép cư trú tại nước này.
Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch Covid-19 của Algeria cho biết, tính đến chiều 28/3 (giờ địa phương), cơ quan này đã ghi nhận thêm 45 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong cả nước lên 454 người và 29 ca tử vong.
Hiện Algeria đang đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch Covid-19, đồng thời để tránh lây lan dịch bệnh, chính quyền đã yêu cầu tất cả mọi người phải ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Ngày 28/3, truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn thông báo của Bộ Y tế cho hay, đã có thêm 6 trường hợp tử vong do Covid-19 và ghi nhận thêm 40 ca nhiễm chủng mới của virus SARS-CoV-2. Như vậy, tính đến nay tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở Ai Cập đã lên đến 576 người, trong đó có 36 ca tử vong.
Trước đó, Bộ Y tế Ai Cập cho biết đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tại nhà đối với những người từ nước ngoài trở về lên thành 28 ngày thay vì 14 ngày. Quyết định này cũng được áp dụng đối với những người trở về từ các cuộc hành hương ở Saudi Arabia.