Ghi nhận đến sáng nay, tổng số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã gần chạm mốc 2 triệu ca. Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất, đứng sau là Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức, Anh,… Thống đốc New York nói rằng ông từ chối bất kì mệnh lệnh nào của ông Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trước khi tình hình đủ an toàn.
Tính đến 7h sáng nay (15/4), toàn thế giới đã ghi nhận 1,99 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 126.537 người đã tử vong và 478.315 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Tổng số ca nhiễm tăng lên 267
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến 6h sáng nay (15/4), Việt Nam ghi nhận thêm một ca mắc mới, nâng tổng số ca dương tính với COVID-19 lên 267, trong đó 169 người đã khỏi bệnh và 98 người đang điều trị tại 14 cơ sở y tế.
Trong vòng 24h qua, Việt Nam ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 1 người ở ổ dịch Hạ Lôi. Trong tổng số 267 ca bệnh, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,9%), 107 người lây nhiễm thứ phát.
Tính đến sáng nay, có 67.835 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 533 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 12.573 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 54.729 người.
Đến nay đã có 33 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình, Hà Nam, Hà Giang.
Trên thế giới: Hơn 126.000 người tử vong
Tính đến 7h sáng nay (14/4), Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 612.320 ca nhiễm và 25.989 ca tử vong, tăng lần lượt 25.379 và 2.349 ca so với một ngày trước đó.
Đến nay, New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ với hơn 10.600 người tử vong tính đến sáng nay. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 14/4 nói rằng ông từ chối bất kì mệnh lệnh nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trước khi tình hình đủ an toàn.
Nhà Trắng dự kiến sẽ công bố một nhóm thứ ba được giao nhiệm vụ mở cửa lại nền kinh tế, vì các nhà lãnh đạo của các bang đang cùng nhau nói rằng họ sẽ tự đưa ra quyết định, theo hãng tin AFP.
Trong khi đó, Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19, chiếm gần 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Cụ thể, Tây Ban Nha – ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 174.060 ca nhiễm và 18.255 ca tử vong, tăng lần lượt 3.961 và 499 ca trong vòng 24h qua. Số ca nhiễm hàng ngày tại quốc gia này lại có xu hướng tăng sau 4 ngày liên tiếp giảm.
Chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau hai tuần áp dụng trên toàn quốc. Từ ngày 13/4, công nhân làm việc tại các nhà máy và công trường xây dựng ở nước này đã trở lại làm việc sau khi lệnh hạn chế đi lại kéo dài 2 tuần hết hạn.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang ghi nhận dấu hiệu chững lại của số ca nhiễm hàng ngày. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 2.972 ca nhiễm và 602 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 162.488 và 21.067 ca.
Ở quốc gia này, các cửa hàng quần áo trẻ em và nhà sách đã mở cửa trở lại vào hôm qua, nhưng một số chủ cửa hàng vẫn lo sợ và tiếp tục đóng cửa.
Nước này sẽ mở lại một số cửa hàng như hiệu sách và tiệm giặt ủi trên cơ sở thử nghiệm vào hôm nay, mặc dù lệnh phong tỏa toàn quôcs có hiệu lực đến ngày 3/5.
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 143.303 ca nhiễm và 15.729 ca tử vong, tăng lần lượt 6.524 và 762 ca so với một ngày trước đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 132.210 ca nhiễm và 3.495 ca tử vong; tăng lần lượt 2.138 và 602 ca so với một ngày trước đó.
Dự kiến trong hôm nay, Thủ tướng Merkel sẽ có cuộc thảo luận với người đứng đầu các bang ở Đức về tình hình dịch bệnh để quyết định liệu có kéo dài các hanj chế hay không.
Đến sáng nay, Anh – ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 5.252 ca nhiễm COVID-19 và 778 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 93.873 và 12.107 ca.
Văn phòng trách nhiệm Ngân sách (OBR) Anh dự báo, trong quí II/2020, tăng trưởng kinh tế Anh sẽ sụt giảm đến 35%. Tồi tệ hơn, tăng trưởng kinh tế Anh có thể giảm 13% trong năm 2020 nếu lệnh phong tỏa chống dịch bệnh COVID-19 kéo dài 3 tháng.
Tại Châu Á, Trung Quốc đại lục – ổ dịch đầu tiên và là ổ dịch lớn nhất Châu Á ghi nhận tổng cộng 82.249 trường hợp nhiễm COVID-19 (chủ yếu là ca từ nước ngoài) và 3.341 ca tử vong.
Chính phủ nước này vừa phê duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người 2 loại vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm nhằm phòng ngừa dịch COVID-19.
Iran hiện đang là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á với 74.877 ca nhiễm và 4.683 ca tử vong, tăng lần lượt 1.574 và 98 ca so với một ngày trước đó.
Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Philippines hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 5.223 ca nhiễm và 335 ca tử vong, tăng lần lượt 291 và 20 ca.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực ghi nhận tổng cộng 4.987 ca nhiễm và 82 ca tử vong, tăng lần lượt 170 và 5 ca so với một ngày trước đó.
Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 4.839 ca nhiễm và 459 ca tử vong; tăng lần lượt 282 và 60 ca so với một ngày trước đó.
Singapore hôm qua ghi nhận thêm 43 ca nhiễm COVID-19 và 1 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 3.259 và 10 ca. Trái ngược với tốc độ tăng số ca nhiễm hàng ngày, số ca tử vong hàng ngày tại quốc gia này lại có xu hướng tăng rất chậm.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 34 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.613 và 41 ca.
Dịch COVID-19 đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán lần suy thoái kinh tế toàn cầu này sẽ tồi tệ nhất trong một thế kỉ.