Tính đến 7h sáng nay 22/11, thế giới đã vượt 58 triệu ca nhiễm COVID-19. Bang Mỹ áp lệnh giới nghiêm ban đêm. Ca nhiễm tại Hàn Quốc tiếp tục tăng.
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (21/11) có thêm 1 ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh. Như vậy, đã 79 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.306 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.582.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.142/1.306 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 11 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 9 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 22/11, toàn thế giới có tổng cộng hơn 58,46 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,38 triệu người tử vong và 40,44 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%).
Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ và Italy; trong khi đó Mỹ, Mexico và Italy ghi nhận số ca tử vong cao nhất, theo TTXVN.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 12,43 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 158.489 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.419 ca, nâng tổng số lên 261.749. Tổng số người phục hồi là hơn 7,39 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 60%). Số ca mắc COVID-19 mới và nhập viện trên toàn nước Mỹ đang tăng cao.
California áp lệnh giới nghiêm ban đêm đối với 41/58 quận của bang khi số ca nhiễm tăng đáng kể. Theo đó, người dân được yêu cầu ở nhà khi không có việc cần thiết trong khoảng thời gian 22h-5h bắt đầu từ 21/11 tới ít nhất là 21/12, theo AP.
Hôm 17/11, bang Ohio cũng đã đặt lệnh giới nghiêm từ 22h-5h trong 3 tuần đối với hầu hết cư dân.
Tổng thống đắc cử Joe Biden cảnh báo Mỹ vẫn đang ở trong khủng hoảng COVID-19 và “một mùa đông đen tối vẫn ở phía trước”, nhưng ông cho biết sẽ không đóng cửa nền kinh tế khi Mỹ, hay phong toả toàn quốc, theo CNN.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,09 triệu ca nhiễm và 133.263 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 45.295 và 499 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 8,52 triệu người đã khỏi bệnh.
Trong khi số ca mắc mới trên cả nước đã giảm đáng kể từ giữa tháng 9, vùng thủ đô Delhi lại đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất.
New Delhi đang nỗ lực để tăng số giường bệnh chăm sóc đặc biệt, vì lo ngại có nhiều ca bệnh COVID-19 bùng phát trở lại sau lễ hội Diwali.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 32.622 và 354 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 6,05 triệu và 169.016 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,42 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 90%.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Brazil đang giảm dần nhưng vẫn có ngày ghi nhận số ca bệnh tăng đột biến. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Nga, vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới, ghi nhận thêm 24.822 ca mắc và 467 ca tử vong do COVID-19, đây đều là những con số cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước này. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 2,06 triệu trường hợp, trong đó 35.778 trường hợp tử vong, và hơn 1,57 triệu người hồi phục (đạt 76%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.
Hầu hết các trường hợp mới được xác nhận ở Moscow (7.168) và St.Petersburg (2.476).
Petersburg sẽ đóng cửa tất cả các khu ẩm thực và sân trượt băng nằm trong các trung tâm mua sắm, trong khi tất cả các sự kiện thể thao sẽ được tổ chức mà không có khán giả từ ngày 23/11. Ngoài ra, các rạp chiếu phim, nhà hát và phòng hòa nhạc sẽ được phép lấp đầy không quá 25% số chỗ ngồi từ ngày 1/12, theo The Moscow Times.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 16 ca nhiễm mới, trong đó có 7 trường hợp nội địa (5 ở thành phố Thiên Tân, 2 ở Thượng Hải), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.414 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.472 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Sau khi phát hiện các ca nhiễm, nước này bắt đầu xét nghiệm cho hơn 3 triệu dân ở thành phố Thiên Tân và 4.015 người tại một bệnh viện ở Thượng Hải, theo AP.
Vắc xin COVID-19 do Công ty Dược sinh học Zhifei Longcom An Huy phát triển đã bắt đầu bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Như vậy, Trung Quốc hiện có 5 ứng cử viên vắc xin COVID-19 đang thử nghiệm giai đoạn cuối, theo Bloomberg.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 386 ca mắc mới, trong đó có 361 trường hợp trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 30.403 ca, trong đó có 503 trường hợp tử vong và 26.365 người đã hồi phục (88,6%).
Số ca bệnh mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc vượt mốc 300 ngày thứ tư liên tiếp, do các trường hợp nhiễm bệnh lẻ tẻ trên khắp đất nước, gây lo ngại về đợt đại dịch thứ ba., theo Yonhap.
Thành phố Suncheon ở tỉnh Nam Jeolla trở thành khu vực đầu tiên tại Hàn Quốc áp dụng các qui tắc giãn cách xã hội Cấp độ 2 từ ngày 20/11.
Từ hôm qua, quận Hadong ở tỉnh Gyeongsang Nam cũng đã thực hiện giãn cách xã hội Cấp độ 2. KDCA cho biết đang cân nhắc việc nâng cao mức độ hạn chế ở thủ đô Seoul (hiện đang áp dụng Cấp độ 1,5) trong tương lai gần trong bối cảnh khu vực này đang trải qua đợt dịch thứ ba khi mỗi ngày ghi nhận thêm trung bình 175,1 trường hợp mắc COVID-19 trong tuần gần đây.
Hôm 21/11, Nhật Bản thông báo sẽ ngừng chương trình trợ cấp đi lại “Go To Travel” tại những khu vực có số ca mắc COVID-19 tăng cao, trong bối cảnh nước này đang trải qua đợt dịch thứ ba khi số ca nhiễm tăng nhanh trong 1 tháng gần đây, dẫn tới nguy cơ gây quá tải cho các bệnh viện, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Go To Travel là một chương trình du lịch nội địa do chính phủ trợ cấp mà các chuyên gia và nhân viên y tế cho rằng đang làm trầm trọng thêm sự lây lan của virus.