Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 442.624 trường hợp mắc COVID-19 và 6.152 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 51,1 triệu người.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 51.194.098 ca, trong đó có 1.268.292 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 216 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 36.014.320 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 93.498 ca và 13.911.486 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 9/11, thế giới có tới 145 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 103 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (98.939 ca), Ấn Độ (37.211 ca), Italy (25.271 ca) và Nga (21.798 ca); trong khi đó Pháp (với 548 ca), Mỹ (486 ca), Iran (458 ca) và Ấn Độ (451 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 10.395.206 ca mắc, trong đó 244.293 trường hợp tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với gần 8,6 triệu người mắc với 127.104 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với trên 5,6 triệu ca mắc và 162.628 ca tử vong.
Riêng trong tuần qua, số bệnh nhân mới tại Mỹ đã tăng tới 36% (tương đương 745.000 người) so với tuần trước đó. Cuối ngày 8/11 (theo giờ Mỹ), Thống đốc bang Utah của nước này, ông Gary Herbert, đã ban bố tình trạng khẩn cấp mới nhằm khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện trong bối cảnh số bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhập viện tăng mạnh.
Thống đốc Herbert nhấn mạnh do tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 “đáng báo động” tại Utah, ông quyết định “ban bố tình trạng khẩn cấp mới kèm một số điều chỉnh quan trọng” trong giải pháp ứng phó tại bang này. Theo đó, toàn bang sẽ phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang cho tới khi có thông báo mới.
Truyền thông Mỹ đưa tin, ngày 9/11, ông Ben Carson – Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trên Twitter, phóng viên Katherine Faulders của ABC News thông báo: “Phó Chánh Văn phòng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Mỹ cho biết ông (Carson) hiện ở trong trạng thái tâm lý tốt và cảm thấy may mắn khi được tiếp cận với phương pháp điều trị hiệu quả, vốn hỗ trợ và đẩy nhanh đáng kể tốc độ phục hồi của ông… Bộ trưởng Carson đã tham gia bữa tiệc trong đêm bầu cử tại Nhà Trắng”.
Đứng thứ 4 thế giới và đứng đầu châu Âu là Nga, với 1.796.132 ca mắc và 30.793 ca tử vong. Ngày 9/11, Nga ghi nhận thêm 21.798 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ. Đây là ngày mà Nga có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại quốc gia này hồi tháng 3/2020.
Cũng tại châu Âu, Viện dịch tễ Robert Koch của Đức ngày 9/11 công bố báo cáo cho biết 24 giờ qua, nước này có thêm 13.363 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này lên 671.868 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Đức cũng đã lên tới 11.352 ca, sau khi ghi nhận thêm 63 trường hợp trong 24 giờ qua.
Một trong những thông tin được quan tâm nhất trong ngày 9/11 là các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Anh) thông báo thử nghiệm thành công giai đoạn ba trên người một loại vaccine phòng COVID-19l, với hiệu quả lên tới hơn 90%, đây cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối đang được tiến hành.
Theo những kết quả sơ bộ, vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ 7 ngày sau khi các tình nguyện viên được cho dùng liều thứ 2 và 28 ngày sau khi dùng liều thứ nhất. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết những kết quả đầu tiên thu được từ quá trình thử nghiệm đã bước đầu chứng minh khả năng ngăn ngừa COVID-19 của vaccine do 2 hãng phát triển.
Ông Bourla cũng cho rằng kết quả trên đánh dấu bước tiến lớn tới mục tiêu cung cấp vaccine COVID-19 cho người dân trên toàn thế giới, mở đường tạo bước ngoặt “rất cần thiết” để chặn đứng cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này.
Cùng ngày, Tập đoàn y tế lớn nhất của Australia CSL cũng thông báo sẽ sản xuất vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford (Anh) phát triển trong bối cảnh loại vaccine này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
CSL dự kiến sẽ sản xuất 30 triệu liều vaccine trên tại nhà máy ở Broadmeadows, phía Bắc thành phố Melbourne. Nếu các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả thành công, những liều vaccine đầu tiên sẽ được cung cấp vào nửa đầu năm 2021, ưu tiên dành cho người già và những thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng cần được tiêm chủng sớm.
Dự kiến, mỗi người dân Australia sẽ cần ít nhất hai liều vaccine để có thể chống lại virus SARS-CoV-2. CSL tiết lộ các bước sản xuất vaccine sẽ bao gồm việc làm tan băng các tế bào vaccine và tái tạo chúng trong các lò phản ứng sinh học.
Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn kêu gọi thế giới tiếp tục duy trì cuộc chiến chống dịch COVID-19, cảnh báo trong khi thế giới dường như đã “mệt mỏi” vì dịch bệnh thì virus SARS-CoV-2 vẫn chưa hề “nản cuộc”.
Phát biểu tại cuộc họp thường niên chính của Hội đồng Y tế thế giới (WHA), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo virus SARS-CoV-2 sẽ mạnh lên khi thế giới yếu đi.
Điểm yếu trước virus không chỉ là sức khỏe yếu mà còn là bất bình đẳng, chia rẽ, phủ nhận cơ sở khoa học, những suy nghĩ chờ đợi sự may mắn và ngoan cố thờ ơ.
Theo ông, virus là thứ không thể đàm phán cùng và cũng không thể nhắm mắt làm ngơ chờ đến lúc dịch bệnh kết thúc. Ông Tedros nhấn mạnh hy vọng duy nhất giúp đẩy lùi dịch bệnh là khoa học, các giải pháp và sự đoàn kết.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.496 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 24.190 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 972 ca bệnh phát sinh và 8 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 598 ca bệnh mới và 17 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 24.193 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 208 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.005.792 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 873.503 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 9/11.
Tại Algeria, ngày 9/11, chính quyền thủ đô Algiers thông báo tái áp đặt các biện pháp cách ly và hạn chế để ngăn ngừa sự lây lan và sự gia tăng số ca nhiễm mới trong cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Trong một thông cáo báo chí được công bố cùng ngày trên trang facebook của mình, chính quyền thủ đô Algiers thông báo điều chỉnh thời gian giới nghiêm trên địa bàn, từ 23h00 đến 05h00 lên từ 20h00 đến 05h00 mỗi ngày trong vòng 15 ngày kể từ ngày 10/11. Ngoài ra, nhiều biện pháp khác cũng được áp đặt gồm đóng cửa tất cả các công viên, khu vui chơi giải trí công cộng, tạm ngưng các hoạt động giao thông đô thị công cộng và cả tư nhân vào các ngày cuối tuần, cấm các hoạt động giao thông đến và đi liên tỉnh thành giữa Algiers với các địa phương khác (trừ một số phương tiện thuộc diện được cấp phép), cấm tất cả các hình thức tụ họp đông người (đám cưới, tiệc tùng, hội họp,…), đóng cửa các khu mua bán xe cũ cũng như các chợ truyền thống…
Theo một quan chức y tế, chính quyền thủ đô Algiers cũng sẽ tăng cường hệ thống giám sát việc tuân thủ các quy trình vệ sinh y tế, đặc biệt là việc tăng cường kiểm soát việc áp dụng các giao thức y tế ở các nhà thờ Hồi giáo, các quán cà phê và nhà hàng cũng như ở các cửa hàng và các các hoạt động thương mại và dịch vụ, việc đóng cửa ngay lập tức các cửa hàng không tôn trọng những các biện pháp.
Trong hơn 2 tuần qua, quốc gia Bắc Phi này đã đối mặt với làn sóng bùng phát dịch bệnh mới, với số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày cao hơn con số kỷ lục được ghi nhận trong tháng 8 và 9 vừa qua.
Tính đến ngày 9/11, Algeria đã ghi nhận 62.693 ca mắc COVID-19 và 2.062 ca tử vong, trong đó nước này đã ghi nhận 642 trường hợp nhiễm mới và 14 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Hiện Algeria xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ngày 9/11 cho biết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến cho 97% trẻ em ở Mỹ Latin và vùng Caribe không được đi học bình thường trong hơn 7 tháng kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở khu vực này.
Học trực tuyến đặc biệt khó khăn đối với nhiều gia đình ở Mỹ Latin và vùng Caribe do không có các công cụ phù hợp như Internet, máy tính, tivi và radio. Điều đó càng khiến khoảng cách giàu nghèo gia tăng hơn nữa.
Trong khi nhiều trường học ở châu Á, châu Âu và châu Phi đang dần mở cửa trở lại, thì vẫn còn một nửa trong số 36 quốc gia ở Mỹ Latin và Caribe đóng cửa trường học. Khoảng 137 triệu trẻ em đang bỏ lỡ cơ hội giáo dục trong điều kiện không có dấu hiệu kết thúc của đại dịch.
Báo cáo của UNICEF cảnh báo hơn 3 triệu học sinh có thể sẽ không bao giờ trở lại trường học. Điều đó sẽ đe dọa tương lai của những người dễ bị tổn thương nhất, đó là trẻ em gái, người khuyết tật trẻ tuổi, người di cư và trẻ em bản địa.
Venezuela cùng với các quốc gia như Mexico, Jamaica, Bolivia và Honduras đang phải đối mặt với sự thụt lùi trong giáo dục. Việc đóng cửa trường học do đại dịch, tình trạng thiếu giáo viên và cắt điện đang khiến nhiều học sinh ở Venezuela phải tiếp tục việc học bên ngoài ngôi trường truyền thống.