COVID-19 đến 6h sáng 1/12: Thế giới trên 62,5 triệu, trong đó có trên 1.472.000 bệnh nhân không qua khỏi

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 441.509 ca mắc COVID-19 và 7.529 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 62,5 triệu, trong đó có trên 1.472.000 bệnh nhân không qua khỏi. Các tiểu bang tại Mỹ đang rốt ráo chuẩn bị nhận và phân phối vaccien phòng COVID

Chú thích ảnh
Giáo viên và học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Baghdad, Iraq, ngày 29/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 1/12 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 63.522.879 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.472.688 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục tăng lên 43.915.484 người, 18.133.112 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 105.402 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (125.171 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (31.219 ca) và Ấn Độ (30.664 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 964 ca), tiếp theo là Ấn Độ (472 ca) và Pháp (406 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 274.061 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 13.883.473 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 137.649 ca tử vong trong số 9.462.739 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 173.120 ca tử vong trong số 6.335.878 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 27/11/2020. Ảnh; THX/TTXVN

Mỹ: New York vạch 5 chiến lược mới đối phó COVID

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 30/11 đã công bố 5 chiến lược mới nhằm đối phó với sự lây lan của dịch COVID-19. Ngoài việc sử dụng số liệu về các ca nhập viện làm thước đo chính để kích hoạt việc chỉ định và đóng cửa khu vực, ông Cuomo cũng vạch ra 4 chiến lược bổ sung  gồm: tăng cường xét nghiệm trên toàn bang; chuẩn bị cho việc phân phối vaccine; duy trì trường học mở cửa một cách an toàn; duy trì giới hạn tối đa 10 người tụ tập. Ông Cuomo cho biết, hoạt động phân phối vaccine có thể bắt đầu trong vài tuần tới và ông đang phối hợp với một số thống đốc khác về kế hoạch phân phối. Tuy nhiên, việc phân phối vaccine COVID-19 trên diện rộng sẽ không diễn ra cho đến “cuối mùa Xuân hoặc đầu hè năm 2021”.

Về việc mở cửa trường học, hiện tại chính quyền thành phố New York đã quyết định hủy bỏ yêu cầu các trường tiểu học phải đóng cửa nếu tỷ lệ mắc bệnh vượt quá 3% trong một tuần. Thị trưởng New York Bill de Blasio thông báo thành phố này sẽ mở cửa trở lại các trường tiểu học vào ngày 7/12 tới, với các lớp học trực tiếp cho học sinh có nhu cầu đặc biệt ở mọi lứa tuổi. Các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ở New York sẽ vẫn duy trì học trực tuyến – ngoại trừ những trường hợp có nhu cầu đặc biệt. Học khu New York – nơi có nhiều trường học nhất cả nước – hiện có tỉ lệ mắc COVID-19 ở mức 3,1%. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở bang California, Mỹ ngày 24/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, bang California cũng dự kiến sẽ nhận 327.000 liều vaccine (liều thứ nhất) của Pfizer trong vòng 2 tuần tới, và tiếp đó là liều thứ 2 trong vòng 3 tuần sau – theo Thống đốc Gavin Newsom. Các đề xuất về việc phân phối liều vaccine thứ nhất sẽ được đưa ra ngay trong tuần này. Lực lượng đặc nhiệm bang cũng đang tích cực giải quyết thách thức về bảo quản vaccine ở nhiệt độ siêu lạnh. 

Canada gia hạn hạn chế du lịch tới 21/1/2021

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Chính phủ Canada ngày thông báo sẽ gia hạn áp đặt hạn chế đối với tất cả khách du lịch đến nước này cho đến ngày 21/1 năm tới. Thời hạn áp đặt các hạn chế đối với công dân Mỹ và công dân nước ngoài từ Mỹ tới Canada là ngày 21/12. Theo Bộ trưởng Y tế Canada, quyết định này có thể thay đổi tùy diễn biến dịch bệnh.

Châu Âu: Pháp phần nào kiểm soát được làn sóng dịch

Tại châu Âu, Pháp đã phần nào kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19. Giới chức y tế Pháp ngày 29/11 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 9.784 trường hợp mắc mới, giảm đáng kể so với con số 12.580 bệnh nhân ghi nhận một ngày trước đó. Số ca tử vong cũng giảm ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh tình hình đã được cải thiện ở các cơ sở y tế. Theo số liệu thống kê chính thức, đến nay Pháp đã ghi nhận tổng cộng 2.218.483 ca mắc COVID-19, trong đó tổng số ca tử vong tăng lên 52.325 người sau khi có thêm 198 trường hợp trong 24 giờ qua. Số trường hợp nhập viện và các bệnh nhân phải điều trị tích cực tiếp tục giảm. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Toulouse, Pháp ngày 17/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Croatia dương tính với SARS-CoV-2 

Một người phát ngôn của Thủ tướng Croatia ngày 30/11 xác nhận ông Andrej Plenkovic đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 
Trước đó Thủ tướng Plenkovic đã được cách ly ở nhà riêng vì phu nhân của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi cuối tuần trước. Tuy vậy, xét nghiệm của Thủ tướng Croatia trong thời gian đó đã cho kết quả âm tính. 

Người phát ngôn trên cho hay: “Thủ tướng Plenkovic sẽ tiếp tục cách ly ở nhà trong vòng 10 ngày. Ông hiện cảm thấy khỏe mạnh và ông sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ từ nhà riêng theo mọi khuyến cáo của các bác sĩ và chuyên gia bệnh dịch học”.

Nga thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với loại vaccine thứ 2

Trong khi đó, Nga cũng bắt đầu đưa loại vaccine phòng COVID-19 thứ 2 tại quốc gia này vào thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với người trên 18 tuổi từ ngày 30/11. Hãng tin RIA dẫn nguồn tin từ Cơ quan quản lý y tế Rospotrebnadzo cho biết vaccine EpiVacCorona do viện Vector ở Siberia phát triển và trong tháng này mới được cấp phép đưa vào thử nghiệm với 150 tình nguyện viên trên 60 tuổi và 3.000 tình nguyện viên trên 18 tuổi. Hãng tin TASS cho biết các thử nghiệm sẽ được tiến hành tại Moskva và một số thành phố khác, trong đó có Kazan và Kaliningrad. Hồi đầu tháng này Nga cũng thông báo vaccine phòng COVID-19 có tên gọi Sputnik V do nước này phát triển cho hiệu quả phòng bệnh lên tới 92% trong thử nghiệm lâm sàng.

Chú thích ảnh
 Người dân di chuyển trên đường phố tại Milan, Italy, ngày 20/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Moderna xin cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 tại Mỹ và châu Âu

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ thông báo nộp đơn xin cấp phép đưa vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của công ty vào sử dụng tại Mỹ và châu Âu trong ngày 30/11 sau khi các kết quả thử nghiệm đầy đủ cho thấy vaccine có hiệu quả phòng bệnh lên tới 94,1%.

Trong thông báo, Moderna cho biết công ty sẽ đệ đơn xin cấp phép lên Cơ quan cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) thuộc Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Thông báo cũng nêu rõ Moderna sẽ xin cấp phép “tiếp thị có điều kiện” với Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). Trước đó, Moderna thông báo kết quả đầy đủ thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine COVID-19 của hãng cho hiệu quả 94,1%, không gây nguy cơ nghiêm trọng và tỷ lệ hiệu quả khá đồng đều giữa các nhóm tuổi, chủng tộc, sắc tộc và giới tính. Vaccine của Moderna còn được cho là có tỷ lệ 100% ngăn chặn thành công các ca bệnh nặng. 

Moderna cho biết đang trong lộ trình sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine sẵn sàng bàn giao cho Mỹ vào cuối năm 2020 và đủ để chủng ngừa cho 10 triệu người dân nước này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Vienna, Áo ngày 27/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Italy thông qua gói kích thích kinh tế thứ 4 do dịch COVID-19

Chính phủ Italy ngày 30/11 đã thông qua gói kích thích kinh tế mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Gói cứu trợ kinh tế thứ tư này có trị giá 8 tỷ euro (tương đương 9,6 tỷ USD). Ngoài việc hoãn thời hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp tại những khu vực được coi là bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt, chính phủ Italy cũng cung cấp khoản trợ giúp 1.000 euro một lần cho những người làm việc trong lĩnh vực du lịch, nghệ thuật, thể thao và giải trí, đồng thời dành riêng một khoản cứu trợ cho khu vực tổ chức hội nghị và tăng cường cảnh sát làm nhiệm vụ giám sát các biện pháp chống dịch bệnh.

Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Lệnh phong tỏa được áp đặt với 60 triệu dân đã cơ bản kiểm soát được đợt dịch đầu tiên, nhưng số ca mắc mới đã tăng nhanh trở lại trong những tháng gần đây. Thủ đô Rome đã cố gắng để tránh phải áp dụng một đợt phong tỏa mới sau khi kinh tế đã rơi vào tình trạng gần như tê liệt do tác động của đợt phong tỏa đầu tiên, thay vào đó áp đặt các biện pháp hạn chế theo vùng, cùng với lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Á: Campuchia đối phó ổ lây nhiễm cộng đồng mới

Dịch diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 8 ca mắc COVID-19 trong ổ lây nhiễm cộng đồng được phát hiện hôm 28/11 vừa qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Campuchia lên 323 ca. Những ca mới phát hiện đều là công dân Campuchia sống tại thủ đô Phnom Penh. Như vậy, tổng số ca lây nhiễm liên quan tới ổ dịch lây nhiễm trong cộng đồng phát hiện ngày 28/11 hiện tăng lên 14 trường hợp trong tổng số hơn 3.330 người liên quan đến ổ dịch này.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã trao quyền cho các bộ trưởng quản lý công chức làm việc ở nhà hoặc tại cơ quan; cho phép tạm ngừng hoạt động bất kỳ nhà hàng nào có liên quan đến trường hợp mắc COVID-19; đóng cửa bất kỳ trường học nào trong diện nghi ngờ. Ông Hun Sen cũng thông báo bắt đầu chiến dịch phòng, chống bệnh COVID-19 trong 15 ngày, ra lệnh cấm tất cả các cuộc gặp, hội họp trên 20 người và cấm tổ chức đám cưới trong thời gian từ ngày 1-15/12 tới. Toàn bộ rạp chiếu phim, bảo tàng và nhà hát ở Campuchia tạm thời ngừng hoạt động trong hai tuần để phòng lây nhiễm COVID-19. Toàn bộ các du khách nước ngoài và kể cả công dân Campuchia khi nhập cảnh vào nước này sẽ phải cách ly 14 phòng chống dịch COVID-19 tại một số trung tâm do Bộ Y tế chỉ định, không còn trường hợp ngoại lệ được tự cách ly tại nhà.

Chú thích ảnh
Các học sinh tiến hành sát khuẩn tay nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, trước khi vào lớp ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan ngăn chặn nhập cảnh trái phép lây lan COVID

Trong khi đó, nhà chức trách Thái Lan đã tăng cường an ninh dọc biên giới với Myanmar để ngăn chặn việc nhập cảnh bất hợp pháp, đồng thời tuyên bố sẽ truy tố bất kỳ ai giúp người khác xâm nhập nước này. Động thái trên được đưa ra sau khi một phụ nữ Thái Lan trở về từ Myanmar, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai, ông Prachon Pratsakul, cho biết các quan chức vẫn quyết định mở cửa khẩu tại Cầu Hữu nghị Thái Lan-Myanmar vì việc đóng cửa trạm kiểm soát này sẽ tác động rất lớn đến thương mại xuyên biên giới. Thái Lan sẽ tăng cường an ninh biên giới để ngăn chặn buôn lậu và sẽ yêu cầu các đối tác Myanmar giúp xác định vị trí và hồi hương bất kỳ người Thái nào mà họ phát hiện bị mắc kẹt ở Myanmar.

Trong khi đó, số ca nhiễm tại Indonesia cũng tăng thêm 4.617 trường hợp. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 538.883 ca mắc COVID-19, trong đó có 16.945 trường hợp không qua khỏi. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Philippines, tổng số ca mắc hiện nay là 431.630 người, sau khi ghi nhận thêm 1.773 ca mắc mới trong ngày 30/11. Trong khi đó, tổng số người không qua khỏi là 8.392 người. Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu, do đó, người dân cần tránh đi du lịch hoặc thăm thân tại các tỉnh trong dịp lễ sắp tới.

Chính phủ nước này cho biết khoảng 1,5 triệu người dân sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm liên doanh Anh – Thụy Điển AstraZeneca sản xuất sau khi Manila đạt được một thỏa thuận mua vaccine của hãng này vào đầu tuần trước. Theo đó, thỏa thuận này trị giá 600 triệu peso (12,5 triệu USD) và AstraZeneca sẽ cung cấp cho Philippines 2,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 vào tháng 5 và tháng 6/2021. Dự kiến, một nửa số vaccine này sẽ được tiêm cho những nhân viên ở tuyến đầu chống dịch trong khi số còn lại sẽ dành cho những người làm việc thường xuyên và theo hợp đồng tại các công ty tư nhân. Philippines là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á mà AstraZeneca chọn để thử nghiệm vaccine.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Medan, Bắc Sumatra, Indonesia, ngày 25/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhật Bản: Tháng 11 nhiều ca mắc kỷ lục

Thủ đô Tokyo ghi nhận tháng 11 là tháng có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, với 311 ca nhiễm mới trong ngày 30/11, tổng số ca nhiễm tại thủ đô Tokyo trong tháng 11 đã lên tới 9.857 ca – mức ca nhất từ trước tới nay. Con số này cao hơn mức kỷ lục ghi nhận trong tháng 8 khoảng 1.700 ca. Hiện tổng số người mắc COVID-19 tại thủ đô Tokyo là 40.939 người. Theo nhà chức trách Tokyo, số ca mắc COVID-19 thể nặng cũng đã tăng thêm 3 người trong ngày 30/11, đưa tổng số người mắc bệnh trong tình trạng nặng lên 70 – mức cao nhất kể từ khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do đại dịch hồi cuối tháng 5.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 27/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàn Quốc lo ngại làn sóng thứ ba kéo dài

Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC)  cho biết chỉ trừ đảo Jeju, 16 tỉnh, thành phố ở Hàn Quốc đều ghi nhận các ca mắc mới. Số liệu của KCDC cho thấy trong vòng 24 giờ tính đến sáng 30/11, Hàn Quốc có thêm 438 ca mắc mới, nâng tổng số lên 34.201 ca. Trong số các ca nhiễm mới có 414 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 24 ca nhập cảnh. Số ca tử vong tăng thêm 3 ca, lên tổng số 526 ca. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 1,54%. Chính phủ Hàn Quốc lo ngại nhiều khả năng làn sóng lây nhiễm thứ ba sẽ còn kéo dài. Số ca nhiễm không triệu chứng, tập trung vào giới trẻ, đang gia tăng nên rất khó ngăn chặn được xu hướng lây lan với hệ thống xét nghiệm, truy vết hiện nay.

Ấn Độ thêm tín hiệu tích cực sau khi dịch qua đỉnh

Cùng ngày, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 38.772 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia Nam Á này lên hơn 9,43 triệu ca. Hiện Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, nước này đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi số ca mắc mới theo ngày đã giảm dần sau khi đạt đỉnh hồi tháng 9. Ngày 30/11 là ngày thứ 23 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ dưới mức 50.000 ca.

Chú thích ảnh
Đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tripura, Ấn Độ, ngày 25/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức