COVID-19 tới 6 Cập Nhật giờ sáng 25/7: trên toàn cầu là 15.914.517 ca, trong đó có 641.483 người thiệt mạng.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 25/7: Thế giới gần 16 triệu ca mắc dịch bệnh, Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 272.100 trường hợp mắc COVID-19 và 5.797 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên gần 16 triệu người.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 15.914.517 ca, trong đó có 641.483 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 9.696.491 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  66.232 ca và 5.576.543 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 24/7, thế giới có 161 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Iseyin, bang Oyo, Nigeria, ngày 23/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (74.288 ca), Brazil (53.415 ca) và Ấn Độ (48.892 ca); trong khi Mỹ (1.038 ca), Brazil (1.031 ca) và Ấn Độ (761 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Tại ổ dịch lớn thứ hai thế giới là Brazil, với tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên 2.343.366 người. Trong số này 85.238 người đã tử vong.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại Nam Phi là 48.892 và 13.944 người, nâng tổng số ca mắc tương ứng ở hai nước lên 1.337.022 và 421.996 người. Nga hiện vẫn là nước có số người mắc COVID-19 cao thứ 4 thế giới với 800.849 trường hợp tính đến thời điểm này, tăng 5.811 ca sau 24 giờ.

Chú thích ảnh
  Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở tại Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba.

Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus corona chủng mới này tăng trở lại, Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.

Châu Âu tiếp tục xu thế “hạ nhiệt”, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Châu Mỹ tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia…

Chú thích ảnh
 Các phương tiện xếp hàng tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ, ngày 21/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về cả số ca mắc bệnh lẫn ca tử vong. Tổng số ca nhiễm của Mỹ hiện là 4.241.967 người, tăng 74.288 người so với một ngày trước đó. Trong số này 148.340 người đã tử vong, tăng 991 người. Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh ở nhiều bang, chính quyền thành phố Washington D.C đã quy định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các “điểm nóng” đại dịch.

Thị trưởng Washington D.C Muriel Bowser cho biết quy định trên sẽ có hiệu lực từ thứ Hai tới và chính quyền sẽ đưa ra danh sách những nơi được xếp vào diện điểm nóng đại dịch. Hiện Washington DC đã bắt buộc tất cả các cư dân từ 3 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang khi ra đường. Người vi phạm sẽ bị phạt tới 1.000 USD.

Tuy nhiên, ngày 24/7, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã đưa ra các hướng dẫn mới, với trọng tâm là mở lại trường học vào mùa Thu.

Theo hướng dẫn mới, CDC khuyến nghị các trường học cần cân nhắc mở lại ở theo từng mức độ. Giám đốc CDC Robert Redfield nói: “Hướng dẫn mới có vai trò cực kỳ quan trọng với sức khỏe của cộng đồng. Việc đóng cửa trường học ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống thường ngày của trẻ em và phụ huynh, gây ra những tác động tới sức khỏe các em”.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ, ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hướng dẫn của CDC có nội dung cho rằng “các trường học nên được chuẩn bị cho các trường hợp nhiễm COVID-19 xảy ra trong các cơ sở của mình”, đồng thời cho biết thêm rằng các trường nên được chuẩn bị để phối hợp với các sở y tế địa phương. Nội dung hướng dẫn của CDC cũng nhấn mạnh: “Bằng chứng tốt nhất hiện có chỉ ra rằng COVID-19 có rủi ro tương đối thấp đối với trẻ em trong độ tuổi đến trường”.

Động thái mới nhất của CDC được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực mở cửa trở lại tất cả các trường học trên toàn quốc vào mùa Thu tới. Ngày 8/7 vừa qua, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cắt ngân sách liên bang dành cho các trường học không mở cửa trở lại cho học sinh đến học trực tiếp, cũng như cho rằng việc mở lại trường học sẽ cho phép phụ huynh đi làm lại, đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế.

Chú thích ảnh
 Người dân thư giãn bên bờ sông Danube ở Budapest, Hungary ngày 14/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, ngày 24/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại số ca mắc COVID-19 gia tăng mỗi ngày tại khu vực, đồng thời khuyến cáo các nước ở “Lục địa Già” áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong trường hợp cần thiết.

Trong hai tuần qua, Kyrgyzstan là nước có tình hình dịch bệnh diễn biến tồi tệ nhất tại châu Âu khi trung bình cứ 100.000 người dân lại có 335 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đức trong ngày 24/7 ghi nhận thêm 815 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 6 vừa qua, nâng tổng số ca mắc lên 204.183 người, nâng tổng số ca bệnh lên 204.183 ca. Số ca tử vong cũng tăng 10 ca lên 9.111 ca.

Đáng chú ý, Bỉ thông báo ca tử vong trẻ tuổi nhất ở nước này, mới 3 tuổi, cho thấy không ai có thể miễn nhiễm trước đại dịch. Trong khi đó, một số nước lại đang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm đáng kể như ở Armenia (197 ca/100.000 dân) và Nga (60 ca/100.000 dân). Dù vậy, nếu tính từ ngày 20/5, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn châu Âu vẫn ở mức ổn định, khoảng 20.000 ca/ngày, giảm hơn 2 lần so với lúc đạt đỉnh vào đầu tháng 4.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Argeles-sur-Mer, Pháp ngày 22/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24/7, Nga thông báo nước này có kế hoạch nối lại một số đường bay quốc tế từ ngày 1/8 tới, nhưng cho biết danh sách các điểm đến ban đầu chỉ giới hạn ở các nước Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ yêu cầu hành khách nhập cảnh từ 16 quốc gia, trong đó có Mỹ và Brazil, phải thực hiện xét nghiệm tại sân bay. Những đối tượng phải xét nghiệm là công dân Pháp sống tại những nước trên hoặc công dân các nước này cư trú tại Pháp.

Na Uy cũng có kế hoạch tái áp đặt biện pháp cách ly 10 ngày đối với những hành khách nhập cảnh từ Tây Ban Nha, nhưng nới lỏng các hạn chế đối với thêm nhiều vùng của Thụy Điển. Theo quy định của Na Uy, công dân các nước EU, Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) hoặc khu vực tự do đi lại Schengen mà có ít hơn 20 ca nhiễm/100.000 dân trong hai tuần qua có thể nhập cảnh nước này mà không cần cách ly.

Trước đó một ngày, CH Séc cũng công bố các quy định mới chống dịch COVID-19, theo đó từ đêm 25/7, việc đeo khẩu trang tại các sự kiện tổ chức trong phòng kín có sự tham gia của hơn 100 người sẽ là bắt buộc. Từ ngày 27/7, các sự kiện tổ chức trong nhà sẽ phải hạn chế ở mức tối đa 500 người tham dự. Trong khi đó, Uzbekistan quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến sau ngày 1/8.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại một khu dân cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới.

Cụ thể, trong ngày 23/7, Trung Quốc đại lục có thêm 21 ca mắc COVID-19, trong đó có 15 ca lây nhiễm trong nước. Tính đến hết ngày 23/7, Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 83.750 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.873 bệnh nhân đã phục hồi.

Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng ghi nhận thêm 123 ca mắc, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca bệnh lên 2.372 ca, trong đó có 16 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, với 41 ca mắc mới trong ngày 24/7, nước này hiện có 13.979 ca bệnh, trong khi tổng số ca tử vong là 298 ca.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24/7, một quan chức Hàn Quốc cho biết nước này sẽ bắt đầu cho phép một số lượng hạn chế người hâm mộ tới xem các trận đấu bóng rổ hoặc bóng đá, trong bối cảnh Seoul đang tìm cách khôi phục nhịp sống bình thường.  

Tại Australia, các hạn chế chống dịch cũng đã được áp đặt trở lại tại bang đông dân nhất New South Wales ngày 24/7 trong một nỗ lực nhằm kiểm soát các ổ dịch mới bùng phát tại thành phố Sydney trong vài ngày qua.

Theo quy định mới, các quán cafe, nhà hàng và câu lạc bộ sẽ phải hạn chế nhóm khách tối đa 10 người, với lượng khách tại một quán không quá 300 người. Đám cưới hay các sự kiện của công ty sẽ phải hạn chế ở mức 150 người kèm theo các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội.
Đám tang hoặc nơi làm việc chỉ được phép tối đa 100 người cùng có mặt.

Australia hiện ghi nhận 13.302 ca nhiễm, trong đó có 133 ca tử vong. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tại hai bang đông dân nhất trong những tuần gần đây đã đến mức đáng báo động.

Chú thích ảnh
Người dân Indonesia mưu sinh trong mùa dịch bệnh. Ảnh: AFP

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục xu thế tăng cao cao, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.

Philippines dịch bệnh đã có phần hạ nhiệt khi số ca tử vong/ngày giảm mạnh mấy ngày qua, dù số ca mắc mới vẫn cao thứ hai trong số các nước ASEAN. Ngày 24/7, nước này chỉ có 4 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 6.761 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 104 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 234.503. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 136.258 trường hợp.

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 3/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ở châu Phi, Ghana ngày 23/7 phát hiện thêm 694 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 30.366 ca. Trong khi đó, số ca tử vong giữ nguyên ở 153 ca

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 4.180 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 6.760 người.

Chính quyền Mali đã quyết định mở lại không phận kể từ ngày 25/7 và biên giới trên bộ từ ngày 31/7 sau nhiều tháng phải đóng cửa để ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan.

Tuyên bố của Chính phủ Mali còn cho biết, ngoài việc mở lại không phận và biên giới trên bộ, nước này cũng sẽ khôi phục lại khung giờ làm việc thông thường từ 8h00 – 16h00 hàng ngày. Trước đó, Mali đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ hôm 9/5 sau khoảng 2 tháng áp dụng.

Theo thống kê, Mali – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – đã ghi nhận 2.503 ca mắc COVID-19 khiến 123 người tử vong. Hiện số ca mắc mới hàng ngày ở nước này vẫn thấp, chỉ 9 ca trong ngày 24/7, song tình trạng bất ổn chính trị kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng tốc độ lây nhiễm mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức