COVID-19 tới 6 giờ sáng 15/10: Trên toàn cầu là 38.714.755 ca, trong đó có 1.096.065 người thiệt mạng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 365.941 trường hợp mắc COVID-19 và 5.825 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 38,7 triệu người.

Chú thích ảnh
  Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bansko, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 38.714.755 ca, trong đó có 1.096.065 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 29.098.677 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  70.072 ca và 8.520.013 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 14/10, thế giới có tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ. Dịch đang chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước.  

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, gần Moskva, Nga, ngày 9/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (67.988 ca), Mỹ (54.660 ca), Brazil (26.040 ca) và Pháp (22.591 ca); trong khi đó Mỹ (với 896 ca), Ấn Độ (694 ca), Brazil (684 ca) và Mexico (với 475 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 8.145.010 ca nhiễm và 221.769 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 7.305.070 ca nhiễm và 111.311 ca tử vong, và Brazil với 5.140.863 ca nhiễm và 151.747 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Trung tâm quân y Walter Reed ở Bethesda, bang Maryland, nơi ông được điều trị do nhiễm COVID-19, để trở lại Nhà Trắng ngày 5/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 14/10, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump thông báo con trai Barron Trump, 14 tuổi, của bà và Tổng thống Trump từng có xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết người con trai Barron ban đầu có xét nghiệm âm tính với virus SARS-COV-2 ngay sau khi bà Melania và Tổng thống Trump mắc COVID-19 vào đầu tháng này. Sau khi xét nghiệm lại, Barron có kết quả dương tính, tuy nhiên không có triệu chứng. Hiện Barron đã có kết quả âm tính.

Cùng với thông báo trên, Đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng cho biết bà có xét nghiệm âm tính với COVID-19 sau một thời gian điều trị và tự cách ly tại Nhà Trắng.

Ngày 12/10, bác sỹ của Nhà Trắng Sean Conley thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và ông không có khả năng lây cho người khác.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Colmar, Pháp, ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại châu Âu, tình hình dịch có diễn biến phức tạp khi Nga, Ba Lan, Croatia và Slovenia đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày, trong khi nhiều nước phải siết chặt các biện pháp hạn chế.

Ngày 14/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm trong vòng bốn tuần kể từ ngày 17/10, từ 21h đến 6h, tại vùng thủ đô Ile-de-France và 8 thành phố lớn là Lille, Rouen, Saint-Etienne, Toulouse, Lyon, Grenoble, Aix và Montpellier. Tình trạng y tế khẩn cấp cũng được thiết lập lại từ ngày 17/10.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mulhouse, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Paris, trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Macron khẳng định rằng tất cả các rạp hát, nhà hàng, quán bar ở Ile-de-France và 8 thành phố chịu lệnh giới nghiêm sẽ phải đóng cửa lúc 21h.

Tuy nhiên, đây không phải là lệnh cấm đi lại hoàn toàn từ 21h đến 6h, mà là một sự hạn chế tối đa. Các phương tiện công cộng vẫn tiếp tục hoạt động, song những người đi lại trong khoảng thời gian trên phải có giấy chứng nhận về lý do di chuyển, dựa trên mô hình trong thời kỳ phong tỏa quốc gia trước đây. Người vi phạm sẽ bị phạt 135 euro.

Tổng thống Macron cho biết sẽ không đóng cửa các trường học và cửa hàng dịch vụ. Mục tiêu của lệnh giới nghiêm nhằm giảm bớt những tiếp xúc không cần thiết song vẫn phải tiếp tục duy trì đời sống xã hội bằng các biện pháp bảo vệ hữu ích, như đeo khẩu trang tại các trường phổ thông và đại học.

Cùng ngày, bộ Y tế Pháp xác nhận 22.591 trường hợp mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 779.063 người kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tỷ lệ người nhiễm virus trên số người làm xét nghiệm lên tới 12%. Số ca tử vong trong bệnh viện là 104, như vậy 33.037 người đã chết vì COVID-19 tại Pháp. Trong số 1.133 người phải nhập viện trong 24 giờ qua, 193 người được đưa vào phòng hồi sức tích cực.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, gần Moskva, Nga, ngày 9/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Nga, Thị trưởng thành phố Moskva Sergei Sobyanin cho biết chính quyền thủ đô sẽ áp dụng hình thức học trực tuyến cho học sinh lớp 6 đến lớp 11 trong 2 tuần kể từ ngày 19/10 nhằm khống chế dịch COVID-19.

Trong khi đó, CH Séc đã bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế mới phòng chống COVID-19, theo đó tất cả các nhà hàng, quán rượu, câu lạc bộ, phòng tập thể thao, vật lý trị liệu… phải đóng cửa đến ngày 3/11. Cũng theo quy định mới, tất cả các trường học tại Séc, ngoại trừ trường mẫu giáo, sẽ đóng cửa từ ngày 14 – 23/10.

Tại Romania, kể từ ngày 15/10, chính phủ sẽ cấm tất cả các sự kiện trong nhà và ngoài trời do người dân tự tổ chức; yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các địa điểm công cộng tại những thị trấn có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 trung bình trong 2 tuần qua vượt 3 ca/1.000 dân.

Chú thích ảnh
 Người dân di chuyển trên đường phố tại London, Anh, ngày 12/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Vương quốc Anh, chính quyền Bắc Ireland đã yêu cầu đóng cửa các quán rượu và nhà hàng trong 4 tuần trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh. Toàn bộ ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn phải đóng cửa, ngoại trừ các doanh nghiệp bán thực phẩm mang về và cung cấp dịch vụ giao hàng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định ông chưa có chủ trương triển khai lệnh phong tỏa toàn diện ở xứ England bất chấp lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập.

Tại Tây Ban Nha, vùng Catalonia đã yêu cầu đóng cửa các quán rượu và nhà hàng trong 15 ngày kể từ ngày 15/10, hạn chế mở lại cửa hàng và công viên để khống chế dịch. Các nhà hàng sẽ chỉ được phép bán đồ ăn mang về và cung cấp dịch vụ giao hàng. Với gần 900.000 ca mắc và hơn 33.000 ca tử vong, Tây Ban Nha đã trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 tại Tây Âu.

Chú thích ảnh
 Đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại bến xe buýt ở Brussels, Bỉ ngày 29/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte thông báo nước này sẽ thực hiện “phong tỏa một phần” nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19. Theo đó, nhà chức trách sẽ cấm hoạt động bán chất kích thích và rượu bia sau 20h hằng ngày. Các cuộc hội họp trong nhà sẽ chỉ cho phép tối đa 30 người tham dự trong khi các cuộc tụ tập tại những điểm công cộng bị giới hạn không quá 4 người.

Ngày 15/10, tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các bộ trưởng và thủ hiến các bang đã thảo luận và đưa ra các quyết sách ứng phó trước sự lây lan nhanh của đại dịch COVID-19 trong những ngày gần đây.

Các quy định chặt chẽ hơn đã được Chính phủ quyết định như lệnh giới nghiêm, yêu cầu đeo khẩu trang mở rộng và giới hạn số lượng người tham gia lễ kỷ niệm. Cụ thể, tại các điểm nóng dịch COVID-19 với tỷ lệ lây nhiễm 50 người/100.000 dân trong vòng 1 tuần, lệnh giới nghiêm chung sẽ được áp dụng vào lúc 23h đối với ngành kinh doanh ăn uống, các quán bar, nhà hàng và các hộp đêm sẽ phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khu vực có giới hạn lây nhiễm mới 35 ca nhiễm/100.000 dân trong 1 tuần, yêu cầu đeo khẩu trang cũng sẽ được mở rộng, điều này cũng áp dụng đối với những nơi đông người.

Chú thích ảnh
 Các vệ sĩ trong Đội Cận vệ bảo vệ Giáo Hoàng tại Assisi, Italy, ngày 3/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 14/10 dẫn nguồn Bộ Y tế Italy cho biết nước này đã ghi nhận tới 7.332 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua. Đây là mức tăng hàng ngày cao nhất từ trước đến nay và cao hơn nhiều so với con số 5.901 ca trong ngày 13/10.

Số ca tử vong được ghi nhận là 43 trường hợp, cao hơn so với 41 trường hợp của ngày 13/10. Tuy nhiên, số ca tử vong hiện vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm đỉnh dịch vào hồi tháng 3 và tháng 4, khi Italy có ngày phải chứng kiến tới hơn 900 ca tử vong liên quan đến Covid-19.

Trước 14/10, số ca nhiễm hàng ngày cao nhất mà Italy từng ghi nhận là vào ngày 21/3 với 6.557 ca cùng với 793 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Người dân dùng bữa tại nhà hàng ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 21/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Phi, Tunisia đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số vùng nhằm ngăn chặn đà tăng số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đang gây quá tải cho các bệnh viện của nước này.

Cụ thể, 2/3 các chính quyền tỉnh ở Tunisia đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn địa phương. Tại nhiều khu vực trong số này, một số biện pháp phòng ngừa bổ sung cũng đã được triển khai, như đóng cửa các chợ, hạn chế số lượng khách hàng tại các quán cà phê…

Ngày 14/10, Nội các Nam Phi thông báo quyết định gia hạn tình trạng thảm họa quốc gia thêm 1 tháng nhằm tiếp tục duy trì các quy định và biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Tembisa, Ekurhuleni, Nam Phi. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong một thông báo cùng ngày, Nội các Nam Phi cho biết tình trạng thảm họa quốc gia sẽ được kéo dài đến ngày 15/11, trong khi lệnh phong tỏa cấp độ 1 hiện tại cũng sẽ tiếp tục được áp dụng ít nhất đến thời điểm trên.

 

Chú thích ảnh

 

  Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Về tình hình phát triển vaccine, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/10 thông báo Nga đã phê chuẩn vaccine thứ hai ngừa COVID-19. Trước đó, vào tháng 8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19, mang tên Sputnik V.

Theo Bộ Y tế Nga, khoảng 400 bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm vaccine Sputnik V.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 7/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.608 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 19.620 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh.

Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia ngày 25/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi ghi nhận trên 600 ca bệnh phát sinh và 4 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với 888 ca bệnh mới và 39 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 19.629 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 250 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 803.294 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 649.891 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Cùng ngày, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 14/10.

Chú thích ảnh
Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca tử vong trực tiếp hoặc gián tiếp do làn sóng lây nhiễm thứ nhất dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại 21 nước phát triển hồi đầu năm nay có thể vượt trung bình 20% so với thống kê chính thức của chính phủ. Đây là kết quả nghiên cứu, do trường Đại học Hoàng gia London tiến hành, công bố ngày 14/10.

Theo nghiên cứu trên, trong giai đoạn từ giữa tháng 2 đến tháng 5, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận thêm 206.000 ca tử vong so với khi không xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, chỉ có 167.148 trường hợp được xác định là do nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhiều người trong số khoảng 40.000 ca còn lại tử vong do mắc COVID-19 song không được thống kê.

Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do ở giai đoạn đầu, các bệnh viện tại một số nước trong tình trạng quá tải, nên không thể tiến hành xét nghiệm một cách có hệ thống. Nhiều người cũng đã tử vong do dịch COVID-19 gây gián đoạn tới việc chăm sóc sức khỏe như bỏ lỡ phác đồ điều trị bệnh ung thư, hay không được đưa đi cấp cứu kịp thời sau khi bị đột quỵ hoặc tai nạn.

Nghiên cứu cũng cho thấy số ca tử vong do tất cả các nguyên nhân trong giai đoạn nghiên cứu kéo dài 15 tuần đã tăng mạnh ở nhiều nước và khu vực khảo sát. Theo đó, tỷ lệ tử vong cao nhất được ghi nhận tại Tây Ban Nha và xứ England và Wales của Anh, cao hơn 37% so với khi không xảy ra đại dịch. Riêng số người tử vong tại Tây Ban Nha, xứ England, Wales (Anh) và Italy chiếm 3/4 tổng số người tử vong.

Chú thích ảnh
Ảnh: Wall Street Journal

Ngày 14/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua gói tài chính trị giá 12 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển mua và phân phối vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như tiến hành xét nghiệm và điều trị căn bệnh này.

Trong tuyên bố ngày 13/10, WB cho biết kế hoạch tài trợ trên là một phần trong nguồn tài chính cứu trợ trị giá 160 tỷ USD mà Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group – WBG) đã cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển đến tháng 6/2021, nhằm giúp các nước này đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.

Theo Chủ tịch WBG David Malpass, việc tiếp cận với các loại vaccine an toàn và hiệu quả, cũng như tăng cường hệ thống phân phối vaccine có vai trò then chốt trong việc làm thay đổi chiều hướng của đại dịch và giúp các nước hồi phục sau những tác động về kinh tế và tài chính nặng nề. WB cho rằng chương trình hỗ trợ tài chính trên sẽ bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật cho các nước tiếp nhận sẵn sàng triển khai tiêm vaccine.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức