COVID-19 tới 6 giờ sáng 19/9: Thế giới trên 955.000 ca tử vong trong đó có 955.174 người thiệt mạng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 279.231 trường hợp mắc COVID-19 và 3.804 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên gần 30,6 triệu người.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Santa Tecla, El Salvador. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 30.650.588 ca, trong đó có 955.174 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 22.307.333 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 61.220 ca và 7.388.081 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 18/9, thế giới có tới 132 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 13/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (96.424 ca), Mỹ (44.008 ca) và Brazil (37.740 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.174 ca), Mỹ (857 ca) và Brazil (762 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Ấn Độ đang nổi lên thành tâm dịch mới của thế giới.

Dù vậy, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Chú thích ảnh
Một lớp học ngoài trời phòng lây nhiễm COVID-19 tại Agartala, Ấn Độ, ngày 20/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tâm dịch Ấn Độ ghi nhận thêm 96.424 ca mắc và 1.174 trường hợp tử vong. Kể từ đầu tháng 8, Ấn Độ luôn là quốc gia có số ca nhiễm mới trong 1 ngày cao nhất thế giới.

Giới chuyên gia dự báo với tốc độ lây lan như hiện nay, số ca nhiễm mới tại quốc gia Nam Á này có thể còn cao hơn Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ tương đối thấp, với tỷ lệ tử vong vào khoảng 1,62%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại khu chợ ở Seoul ngày 18/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau hơn một tháng nâng giãn cách xã hội lên mức 2,5, Hàn Quốc vẫn chưa thể đưa số ca mắc mới hằng ngày tại Hàn Quốc giảm xuống dưới mức ba con số.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) ngày 18/9 công bố nước này đã ghi nhận tổng số 22.783 ca mắc COVID-19, tăng 126 ca so với một ngày trước đó, trong đó có 109 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 17 ca nhập cảnh.

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm, kỳ nghỉ Tết Trung Thu cận kề dự báo số lượng người dân di chuyển về quê gia tăng, do vậy Chính phủ Hàn Quốc hiện đang hết sức quan ngại về nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Thủ tướng Chung Sye-kyun đã kêu gọi người dân hạn chế về quê thăm gia đình, họ hàng vào kỳ nghỉ lễ kéo dài sắp tới.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Ben Gurion ở thành phố Tel Aviv, Israel ngày 17/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Do số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày lên tới 4.500 ca, Israel đã lần thứ hai áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ đón Năm mới của người Do Thái – Rosh Hashana. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã khẳng định sự cấp thiết của việc phong tỏa.

Theo quy định mới, người dân Israel chỉ được phép di chuyển trong bán kính 500 m tính từ nhà của họ, ngoại trừ đi xa để mua nhu yếu phẩm hay đi làm. Số nhân viên làm việc tại công sở cũng bị hạn chế.  Tính ngày 18/9, Israel đã ghi nhận tổng cộng 175.256 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.169 ca tử vong, trong khi dân số chỉ khoảng 9 triệu người.

Chú thích ảnh
Lực lượng vũ trang được triển khai nhằm thực thi lệnh phong tỏa nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có chiều hướng diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tại Anh. Theo Bộ trưởng Y tế nước này Matt Hancock cho biết tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên cả nước, theo đó cứ 8 ngày số bệnh nhân nhập viện lại tăng gấp đôi.

Trong khi đó, Pháp và CH Séc lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, Pháp ghi nhận thêm 10.593 ca mắc, còn Séc ghi nhận 3.130 ca mắc mới.

Trước tình hình trên, một số nước châu Âu đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Thị trưởng London (Anh) Sadiq Khan thông báo sự kiện bắn pháo hoa mừng Năm mới – thu hút hàng chục nghìn người mỗi năm, sẽ không được tổ chức vào ngày 31/12 tới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện chính quyền đang tập trung để lên kế hoạch tổ chức một sự kiện mừng Năm mới khác mà người dân có thể cùng tham gia trên truyền hình.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Montpellier, Pháp, ngày 3/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chính quyền thành phố Nice, miền Nam nước Pháp cũng thông báo người dân không được tụ tập quá 10 người tại các địa điểm công cộng và các quán bar sẽ phải đóng cửa từ 00h30′ đến 6h00 (theo giờ địa phương) và việc bán rượu mang đi cũng bị cấm sau 20h00.

Nhà chức trách thành phố này cũng sẽ giảm số lượng người tham gia các sự kiện công cộng lớn từ 5.000 xuống còn 1.000. Thành phố Marseille và Bordeaux cũng ban hành quy định, có hiệu lực từ ngày 21/9, theo đó, siết chặt hơn số người được phép tụ tập trên bãi biến, cũng như thăm thân tại các trại dưỡng lão và tham gia các sự kiện công cộng ngoài trời.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt nhằm phòng ngừa dịch COVID-19 tại Florence, Italy, ngày 4/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin ANSA, báo cáo theo dõi hàng tuần của Viện Y tế cao cấp Italy công bố ngày 18/9 cho biết tình hình dịch COVID-19 ở nước này đang dần trở nên xấu hơn so với khoảng thời gian được kiểm soát khá tốt trước đó. Tuy nhiên, chiều hướng xấu này ở Italy vẫn được kiềm chế tốt hơn so với các nước châu Âu khác.

Viện Y tế cao cấp Italy còn cho hay nguyên nhân dịch COVID-19 lây lan trở lại là do xuất hiện các ổ dịch lớn vốn chủ yếu có liên quan đến các sự kiện giải trí tụ tập đông người và không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.

Các số liệu cho thấy trong ngày 18/9, Italy đã ghi nhận 1.907 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó có 10 ca tử vong. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm ở Italy là 294.932 ca với 35.668 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Praha, CH Séc ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Cộng hòa Séc, trước tình hình số lượng ca mắc mới dịch COVID-19 gia tăng nhanh kỷ lục trong hai tuần gần đây, chính phủ nước này tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ riêng trong ngày thứ Năm (17/9), Cơ quan Dịch tễ Séc đã ghi nhận 3.130 trường hợp dương tính với virus SARS-Cov-2.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Nhật báo Denik ngày 18/9, Thủ tướng Séc Andrej Babiš tuyên bố sẽ tái lập Ban khủng hoảng trung tâm để ứng phó với dịch COVID-19. Thủ tướng Babiš nhấn mạnh chính quyền các địa phương đã kiến nghị khôi phục hoạt động của ban khủng hoảng trung tâm từng được lập ra hồi tháng 3 sau khi dịch bùng phát, do thời gian qua hợp tác giữa các địa phương và Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch không tốt. Ban này sẽ đóng vai trò điều phối thông tin giữa Bộ Y tế và các chính quyền địa phương.

Theo số liệu thống kế, đến nay CH Séc có hơn 45.000 ca mắc COVID-19, trong đó gần 500 trường hợp tử vong và hơn 23.000 người đã được chữa khỏi. Trong đó, chỉ riêng trong 2 ngày 16 và 17/9 có hơn 5.250 ca nhiễm mới.

Chú thích ảnh
 Một nhà hàng vắng khách do dịch COVID-19 tại Athens, Hy Lạp ngày 25/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng để ngỏ khả năng áp đặt thêm các biện pháp hạn chế tại Attica – khu vực bao gồm cả thủ đô Athens.

Các chuyên gia y tế của nước này cũng đề nghị hạn chế thêm số người tụ tập, ngừng các sự kiện văn hóa trong 14 ngày, cùng 1 số biện pháp khác. Chính phủ Ireland quyết định đưa Hy Lạp và Italy – hai điểm đến du lịch nổi tiếng, ra khỏi Danh sách Xanh gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Âu có ít nguy cơ dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc những người đến từ hai nước trên phải thực hiện cách ly trong 14 ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bogor, Tây Java, Indonesia ngày 3/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Liên minh châu ÂU (EU) cũng đã nhất trí mua vaccine tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2 của hai hãng sản xuất dược phẩm lớn Sanofi và GSK trong thỏa thuận tương tự thứ hai nhằm đảm bảo nguồn cung tại thời điểm sắp tới hạn chót gia nhập cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tiếp cận toàn cầu đối với vaccine phòng COVID-19.

Ủy viên phụ trách lĩnh vực y tế của EU, bà Stella Kyriakides, cho biết với thỏa thuận trên, hai nhà sản xuất dược phẩm của Anh và Pháp – liên minh cùng sản xuất một loại vaccine dựa trên việc tái tổ hợp protein mà họ hy vọng có thể được phê chuẩn vào năm 2021 – sẽ cung cấp cho EU 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Đổi lại, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trả trước chi phí sản xuất cho hai hãng trên và chính các quốc gia thành viên EU sẽ mua loại vaccine này của họ.

Trong cuộc họp trực tuyến, các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng ra tuyên bố chung khẳng định sự tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 cho tất cả mọi người dân là chìa khóa để vượt qua đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chú thích ảnh
Phun thuốc diệt trùng virus gây dịch COVID-19 tại Indonesia. Ảnh: AFP

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.687 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 14.480 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác.

Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca bệnh phát sinh trong ngày tại ASEAN giảm không đáng kể trong vòng 1 ngày qua. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.

Hiện nay, tại ASEAN, dịch bệnh về cơ bản đang diễn biến phức tạp và có xu thế nghiêm trọng hơn ở hai quốc gia thành viên là Indonesia và Philippines, khi số ca tử vong tăng mạnh những ngày qua.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch bệnh tại Indonesia. Ảnh: AFP

Singapore và Malaysia vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mới mỗi ngày, song Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Trong khi đó, Malaysia đã ghi nhận ca tử vong mới sau hơn 3 tháng bình yên. Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 14.488 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 172 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 593.237 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 451.761 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 16/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức