COVID-19 tới 6 giờ sáng 22/10: Toàn cầu là 41.422.943 ca, trong đó có 1.134.969 người thiệt mạng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 398.213 trường hợp mắc COVID-19 và 6.121 ca tử vong, tăng mạnh với với 1 ngày trước. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 41,4 triệu người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy, ngày 20/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 41.422.943 ca, trong đó có 1.134.969 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 30.837.613 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 73.952 ca và 9.450.361 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 21/10, thế giới có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 99 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thủ đô Amman, Jordan ngày 4/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (56.000 ca), Mỹ (55.334 ca), Anh (26.688 ca), Pháp (26.676 ca) và Brazil (23.955 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.083 ca), Ấn Độ (703 ca), Mexico (555 ca), Brazil (với 514 ca) và Nga (với 317 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.  

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở hàng loại nước thành viên.

Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 8.576.284 ca nhiễm và 227.267 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 7,7 triệu ca nhiễm và 116.653 ca tử vong, Brazil với trên 5,2 triệu ca nhiễm và 155.402 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy, ngày 17/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Châu Âu là khu vực có nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày qua. Trong đó, Nga đã ghi nhận 15.700 ca nhiễm mới và 317 ca tử vong. Đây là số ca tử vong cao nhất trong một ngày tại Nga kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Tính đến nay, quốc gia 145 triệu dân này ghi nhận 1.447.335 ca nhiễm và 24.952 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết nước này chưa có kế hoạch áp đặt thêm bất kỳ lệnh phong tỏa nào nhằm kiềm chế dịch bệnh dù số ca tử vong mới tăng vọt.

Ukraine thông báo số ca tử vong mới tại nước này đã tăng ở mức cao kỷ lục – 141 ca, lên tổng số 5.927 ca. Ngoài ra, số ca nhiễm mới trong một ngày qua ở nước này cũng tăng ở mức cao nhất – 6.719 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân lên 315.826 người. Ba Lan cũng thông báo có 10.040 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc vượt quá 200.000 ca, khiến hệ thống y tế của quốc gia Đông Âu này bị quá tải.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Warsaw, Ba Lan, ngày 15/10/2020. Ảnh: PAP/TTXVN

Séc ghi nhận thêm 11.984 ca nhiễm mới. Đây là số ca mắc mới COVID-19 cao nhất ở nước này giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nhiều tuần qua. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tại Séc cũng đã tăng hơn 100 ca lên 1.619 ca. Theo hãng tin Reuters (Anh), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Séc Jan Hamacek đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chính phủ Séc đã ra lệnh đóng cửa hầu hết các cửa hàng và dịch vụ, đồng thời tìm cách hạn chế hoạt động đi lại nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Hiện tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới tại Séc là nhanh nhất châu Âu.

Trước tình hình số lượng lây nhiễm mới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại CH Séc, cũng như số ca nhập viện tiếp tục tăng nhanh, Chính phủ Séc đã phải họp khẩn cấp trong ngày 20/10, để đưa ra quyết định ban hành lệnh hạn chế đi lại và kinh doanh dịch vụ. Theo quyết định này, các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực từ 6h00 ngày 22/10 đến ngày 3/11.

Hà Lan – một trong những điểm nóng của làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai – cũng thông báo có thêm hơn 8.500 ca mắc trong 24 giờ qua. Số ca mắc mới tại Hà Lan tiếp tục tăng cao gần 3 tuần sau khi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp “phong tỏa một phần”, trong đó có đóng cửa các quán bar và nhà hàng.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế đo thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bansko, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Hungary, Bộ trưởng Tư pháp Judit Varga cho biết bà đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 với các triệu chứng nhẹ. Bà là thành viên chính phủ đầu tiên mắc bệnh. Số ca mắc tại Hungary đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 8 năm nay. Ngày 10/9, số ca mắc bệnh tại nước này là khoảng 10.000 ca và tính đến ngày 14/10, con số này đã tăng gấp 4 lần lên 40.000 ca.

Bên cạnh đó, các nước Áo, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Slovakia, Litva cũng ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới ở mức cao kỷ lục.

Tại Anh, Bộ trưởng Nhà ở Robert Jenrick cho biết chính phủ nước này cùng các nhà lãnh đạo thành phố Sheffield và hạt Nam Yorkshire đã đạt được đồng thuận cao trong thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn tại khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp báo ở London, Anh ngày 16/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson cũng đã quyết định áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ cao nhất (cấp độ 3) tại vùng Greater Manchester, gồm 2,8 triệu dân, kể từ 23/10, tương tự như tại 2 thành phố Liverpool và Lancashire.

Nhà lãnh đạo Anh cho biết thêm một số thành phố ở phía Bắc vùng England nhiều khả năng cũng sẽ phải vào diện phong tỏa cấp độ 3.

Trong khi đó, Italy áp đặt giới nghiêm cục bộ, từ áp lệnh giới nghiêm đến phong tỏa các đường phố, quảng trường tại các thành phố lớn, nhằm hạn chế tối đa hoạt động về đêm, nhằm ngăn chặn làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại trong những ngày qua tại nước này.

Lombardia và Campania, hai vùng có số lượng ca nhiễm mới nhiều nhất tại Italy, sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ 23 giờ đêm tới 5 giờ sáng, từ 22/10 đối với Lombardia và từ 23/10 đối với Campania.

Trong khi đó, vùng Lazio (nơi có thủ đô Rome) cũng sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ ngày 23/10, trong khoảng thời gian từ 24 giờ đêm tới 5 giờ sáng. Theo đó, mọi hoạt động đi lại trong thời gian giới nghiêm đều bị nghiêm cấm, ngoại trừ các trường hợp đi lại do yêu cầu công việc  hoặc các tình huống cấp thiết khác.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Quảng trường del Duomo ở Milan, Italy ngày 17/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày ở châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) cảnh báo nước này có thể phải hứng chịu một đợt lây nhiễm gia tăng khác vào bất cứ lúc nào do các ca nhiễm lẻ tẻ tại các cơ sở có nguy cơ cao như viện dưỡng lão, cơ sở dạy thêm… vẫn đang xuất hiện trên toàn quốc.

Đặc biệt các ca không rõ nguồn lây nhiễm cùng với các ca nhập cảnh gia tăng từng ngày đang là yếu tố khiến cuộc chiến chống đại dịch của Hàn Quốc gặp khó khăn. Trong bối cảnh học sinh đã quay lại trường học trên phạm vi toàn quốc song vẫn phát sinh các ca lây nhiễm tập thể rải rác khiến các trường học hay cơ sở dạy thêm có nguy cơ trở thành những điểm lây nhiễm tập thể mới.

KCDA đã đề nghị các Sở Giáo dục, chính quyền địa phương các tỉnh thành phố trên cả nước, các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội đồng lòng thực hiện đúng quy tắc phòng dịch tại trường học. Tính đến hết ngày 21/10, Hàn Quốc có tổng cộng 25.424 ca mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế Galilee ở thành phố Nahariya, Israel ngày 24/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại khu vực Trung Đông, Iran thông báo có thêm 5.616 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày kể từ tháng 2 năm nay. Hiện số ca mắc COVID-19 tại Iran đã lên tới 545.286 ca. Ngoài ra, trong 24 giờ qua nước này cũng ghi nhận thêm 312 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do COVID-19 lên 31.346 ca.

Hoạt động kinh doanh chỉ được phép mở cửa đến 22h. Jordan ngày 20/10 đã ghi nhận thêm 2.035 ca mắc mới và 34 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh và tử vong ở nước này lên lần lượt 40.972 người và 414 người.

Chú thích ảnh
Cụ bà Maria được xuất viện sau khi vượt qua căn bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại một bệnh viện ở Guadalajara, thuộc bang Jalisco, miền Tây Mexico ngày 2/10/2020. Ảnh: En24 News/TTXVN

Tại châu Mỹ, giới chức Mexico cũng đẩy mạnh thông điệp kêu gọi người dân tránh các đám đông để ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai trong bối cảnh các lễ hội thường niên sắp tới, trong đó có lễ hội Ngày của những người đã khuất (từ 1-2/11).

Nhà chức trách Mexico cho hay sẽ duy trì lệnh đóng cửa các nghĩa trang, trong khi chính quyền thành phố Mexico City để ngỏ khả năng siết chặt các biện pháp phòng dịch, trong bối cảnh số bệnh nhân nhập viện gia tăng trong những tuần qua sau khi có xu hướng giảm từ cuối tháng 7 vừa qua.

Trong khi đó, tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau khuyến cáo người dân về nguy cơ gia tăng lây lan dịch trong lễ hội Halloween năm nay. Theo đó, ông Trudeau cho biết gia đình ông sẽ không tham gia trò trick-or-treat (tạm dịch: cho quà hay bị quậy phá) trong lễ hội Halloween năm nay, thay vào đó sẽ tổ chức trò “săn” kẹo quanh nhà theo phong cách lễ Phục sinh.

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt cho khách thăm quan phòng lây nhiễm COVID-19 tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.728 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 20.900 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy dấu hiệu “hạ nhiệt” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận trên 730 ca bệnh phát sinh và 6 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.194 ca bệnh mới và 27 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia, ngày 25/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong ngày 21/10, Campuchia và Lào cũng ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 sau một thời gian yên ả.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 20.900 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 216 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 861.277 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 705.646 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 21/10.