Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 284.503 trường hợp mắc COVID-19 và 5.582 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 32 triệu người.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 32.054.574 ca, trong đó có 980.351 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 23.635.455 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 62.270 ca và 7.438.768 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 24/9, thế giới có tới 136 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại, nhất là ở các tâm dịch Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (89.688 ca), Mỹ (36.113 ca) và Brazil (29.550 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.152 ca), Mỹ (1.019 ca) và Brazil (818 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 7.134.050 ca nhiễm và 206.500 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 36.113 ca bệnh mới, 1.019 ca tử vong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/9 cho rằng con số hơn 200.000 người tử vong tại Mỹ do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là “điều hổ thẹn”, khẳng định mọi thứ đáng ra còn tồi tệ hơn. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump nói: “Tôi nghĩ đây là một điều đáng xấu hổ. Nếu chúng ta không nỗ lực đúng cách và đúng hướng, con số người chết có thể lên tới 2,5 triệu người”.
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 24/9 cảnh báo số phụ nữ mang thai nhiễm virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Mỹ đang gia tăng mức báo động với tổng số hơn 60.458 người.
Báo cáo công bố cùng ngày của PAHO cung cấp số liệu cho biết, kể từ những báo cáo đầu tiên về dịch COVID-19 tại lục địa này, đã có tới 458 phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai do mắc SARS-Cov-2. Trong đó, Mexico là quốc gia có số thai phụ tử vong do COVID-19 cao nhất tính tới ngày 14/9 với 140 trong số 5.574 trường hợp ở mang thai và sau sinh, tiếp theo đó là Brazil với 135 người tử vong trong 2.256 phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, các quốc gia theo sau Mexico và Brazil về tỷ lệ thai phụ tử vong do dịch bệnh này là Mỹ (44 trường hợp), Colombia (40) và Peru (35).
Trước thực trạng này, PAHO kêu gọi các quốc gia trong khu vực tăng cường nỗ lực để đảm bảo phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế trước sinh. Tổ chức y tế khu vực nhấn mạnh, các kết quả công bố gần đây và các nghiên cứu dựa trên dữ liệu giám sát dịch COVID-19 cho thấy phụ nữ mang thai mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ tiến triển bệnh dạng nặng dẫn tới phải nhập viện hoặc phải ở trong khu vực chăm sóc đặc biệt.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), châu Mỹ chiếm tới 50% trong tổng số 31, 3 triệu người mắc COVID-19 trên toàn thế giới, và tỷ lệ tử vong tại lục địa này chiếm 55% trong tổng số 965.000 trường hợp trên toàn cầu.
Tại châu Á, số ca nhiễm tại Ấn Độ tiếp tục tăng trong ngày 23/9, chỉ một ngày sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng. Theo số liệu của y tế liên bang, trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận 89.688 ca nhiễm mới và 1.152 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Ấn Độ hiện là 5.730.184 ca và 91.173 ca.
Trong khi đó, Trung Quốc đại lục xác nhận thêm 10 ca nhiễm trong ngày 23/9, đều là các ca nhập cảnh. Như vậy, tính đến hết ngày 23/9, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.307 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, tính đến sáng 23/9, số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 110 ca, nâng tổng số bệnh nhân lên 23.216 người. Tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 vẫn là 388 ca.
Các nguồn tin thân cận cho hay Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc nới lỏng các quy định về cấm nhập cảnh, theo đó sẽ cho phép người nước ngoài ở lại nước này trong thời gian 3 tháng hoặc lâu hơn bắt đầu từ tháng 10 tới.
Cụ thể, theo Chính phủ Nhật Bản, mỗi ngày có khoảng 1.000 người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh. Tuy nhiên, khách du lịch nước ngoài vẫn sẽ bị cấm nhập cảnh và chỉ những người nước ngoài có thị thực dài hạn mới được phép tới nước này.
Tại Saudi Arabia, Bộ Nội vụ thông báo nước này sẽ nối lại lễ hành hương umrah đến hai thánh địa Mecca và Medina, sau 7 tháng tạm dừng do dịch COVID-19 bùng phát. Kế hoạch này sẽ được triển khai theo từng giai đoạn.
Tại châu Âu, số ca nhiễm đã vượt 5 triệu người kể từ khi dịch bệnh này khởi phát tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn thống kê chính thức vào lúc 18h giờ Việt Nam ngày 23/9 cho thấy châu Âu có tổng cộng 5.000.421 ca nhiễm và 227.130 ca tử vong do COVID-19.
Đáng chú ý, hơn một nửa số ca nhiễm trong khu vực tập trung tại các “điểm nóng” như Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Anh. Số ca nhiễm tăng lên một phần là do việc tăng cường xét nghiệm tại một số nước, trong đó có Pháp, với hơn 1 triệu xét nghiệm được tiến hành mỗi tuần.
Tại Bỉ, Hội đồng an ninh quốc gia ngày 23/9 đã họp và đưa ra những biện pháp hạn chế dài hạn và chặt chẽ hơn trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang tăng mạnh ở nước này.
Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès đã đặt mục tiêu xét nghiệm 70.000 người/ngày, thay vì khoảng 35.000 người/ngày hiện nay. Một trung tâm tư vấn qua điện thoại sẽ được thành lập để tập trung đầu mối thông tin và giảm tải cho các bác sĩ gia đình. Bệnh nhân cũng được khuyến khích lấy kết quả xét nghiệm trực tiếp trên Internet để giảm tải lượng người đến các cơ sở y tế.
Từ ngày 1/10, người dân Bỉ sẽ không bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời và ở những nơi không đông người. Về tiếp xúc xã hội, mỗi người chỉ nên tiếp xúc gần với tối đa 5 người một tháng. Đối với các sự kiện tư nhân, số lượng người tham dự tối đa là 10 người.
Các sự kiện công cộng chỉ cho phép tối đa 200 người tham gia nếu diễn ra trong nhà và 400 người cho sự kiện ngoài trời. Về du lịch, thời gian cách ly sẽ giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày.
Tại Tây Ban Nha, nhà chức trách cho biết Madrid sẽ mở rộng các biện pháp phong tỏa một phần sang một số khu vực khác để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm. Madrid hiện đang là tâm dịch của loạt ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha.
Tại Hà Lan, Viện Y tế Quốc gia đã ghi nhận thêm 2.357 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 100.597 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tổng số ca tử vong tại Hà Lan hiện là 6.296 ca.
Về tình hình dịch bệnh ở Đức, trong 24 giờ qua nước Đức đã ghi nhận thêm 20 người tử vong vì COVID-19. Đây là mức tăng mạnh nhất về số người chết được ghi nhận hàng ngày trong gần 3 tháng qua.
Theo thống kê, trong ngày 23/9, nước Đức đã ghi nhận thêm trên 1.900 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca hiện mắc COVID-19 lên gần 23.000 người, trong khi tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên gần 277.000 người.
Ngày 23/9, Bộ Ngoại giao Đức cho biết Ngoại trưởng nước này, ông Heiko Maas đã tự cách ly sau khi một trong những nhân viên an ninh của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo nhà virus học nổi tiếng của Đức, tiến sĩ Christian Drosten thuộc Bệnh viện Charité ở Berlin, nước Đức chưa chuẩn bị đầy đủ cho giai đoạn sắp tới của đại dịch. Theo ông, thành công trong khống chế dịch của Đức cho đến nay chỉ là Đức đã phản ứng sớm hơn các nước khác khoảng 4 tuần. Ông khẳng định đại dịch không phải là một hiện tượng khoa học, mà là một thảm họa tự nhiên, đồng thời kêu gọi cần thay đổi để có thể kiểm soát tốt dịch bệnh trong những tháng tới.
Trước thực trạng số ca nhiễm mới dịch COVID-19 gia tăng mạnh ở nhiều nước châu Âu, Chính phủ Đức ngày 23/9 đã cập nhật danh sách các khu vực rủi ro cao với dịch bệnh khi bổ sung thêm các khu vực của 11 nước Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, cho đến nay Đức đã xếp các khu vực của hơn một nửa số quốc gia thành viên EU vào danh sách này.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.
Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Philippines số ca tử vong cũng giảm mạnh trong 48 giờ qua.
Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.
Singapore vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mới mỗi ngày, song tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Malaysi tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận trên 140 ca tử vong trong ngày 23/9, cùng với 3 ca tử vong.
Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại khi ghi nhận tới trên 400 ca bệnh mới trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 15.454 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 201 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 632.353 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 492.976 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Trong khi đó, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 21/93. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Ngày 23/9, công ty Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ thông báo đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với 60.000 người.
Vaccine của J&J chỉ sử dụng duy nhất một mũi tiêm, qua đó giúp đơn giản hóa quá trình phân phối hàng triệu liều vaccine so với các công ty đối thủ hàng đầu hiện nay, khi các sản phẩm vaccine của họ đều cần phải tiêm nhắc lại.
Phát biểu tại họp báo chung với các quan chức của Viện Y tế Quốc gia Mỹ và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Giám đốc Khoa học của J&J, Tiến sĩ Paul Stoffels cho biết kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ có vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Theo ông, J&J sẽ công bố chi tiết nghiên cứu trong giai đoạn thử nghiệm này trên trang chủ công ty. Trong những tuần qua, 3 công ty sản xuất vaccine khác cũng đã công khai các kế hoạch nghiên cứu sau khi có nhiều lời kêu gọi về tăng tính minh bạch trong các cuộc thử nghiệm.
Tiến sĩ Stoffels nêu rõ J&J đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 sau khi ghi nhận các kết quả tích cực trong các giai đoạn thử nghiệm trước tại Mỹ và Bỉ. Công ty dự định sẽ sớm công bố các kết quả này.
Kết quả cho thấy chỉ một mũi tiêm vaccine cũng đã đủ sức bảo vệ trong thời gian dài. Giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của J&J sẽ được triển khai tại 215 khu vực ở Mỹ, Nam Phi, Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Mexico và Peru.
Công ty đang lên kế hoạch sản xuất khoảng 1 tỷ liều vaccine vào năm 2021 và thậm chí là nhiều hơn thế. Mục tiêu của việc thử nghiệm là kiểm tra xem liệu vaccine có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng chỉ với một mũi tiêm hay không.
Dù chưa rõ J&J sẽ được chính quyền Mỹ cấp phép vaccine nhanh đến mức nào, nhưng công ty định sản xuất trước khi được thông qua để có thể đẩy nhanh công tác phân phối. Công tác thử nghiệm sẽ do một Ban Giám sát Dữ liệu và An toàn (DSMB) độc lập đánh giá về độ an toàn và hiệu quả của vaccine.
Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, khẳng định DSMB không bao gồm các nhân viên liên bang, mà là các nhà khoa học và chuyên gia thống kê giàu kinh nghiệm.