COVID-19 tới 6 giờ sáng 3/10: Toàn cầu là 34.759.779 ca, trong đó có 1.031.721 người thiệt mạng.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 258.993 trường hợp mắc COVID-19 và 4.585 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 34,7 triệu người.

Chú thích ảnh

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 34.759.779 ca, trong đó có 1.031.721 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 25.578.901 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  65.214 ca và 7.816.544 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 30/9, thế giới có tới 135 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 87 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ, nhất là ở các tâm dịch Mỹ, Ấn Độ và Brazil.  

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 2/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 34.568.495 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.029.011 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 25.730.365 người.
 Xét theo khu vực, theo hãng tin AFP (Pháp), châu Âu trong 7 ngày qua là châu lục có tốc độ lây nhiễm virus cao nhất thế giới với 10% so với tuần trước, trong khi Trung Đông tăng thêm 5%, châu Đại Dương 5%, Mỹ và Canada tăng 1% so với tuần trước. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm giảm tại các khu vực khác: châu Phi (-7%), châu Á (-5%), Mỹ Latinh và vùng Caribe (-3%).

Xét về số ca mắc và tử vong, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh với 7,5 triệu ca mắc và 212.861 ca tử vong. Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận ông và phu nhân là bà Melania Trump đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bác sĩ của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ cùng phu nhân trong tình trạng sức khỏe ổn định. Cả hai đang được cách ly tại Nhà Trắng.  Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và phu nhân Karen Pence được xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ấn Độ – tâm dịch châu Á và là nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới sau Mỹ, với tổng số ca mắc lên tới 6.399.329 triệu ca. Theo thông báo từ Bộ Y tế Ấn Độ, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này đã tăng lên 99.773 ca, cao hơn 1.095 ca so với một ngày trước đó. Hiện vẫn còn 942.217 ca bệnh COVID-19 đang điều trị trong khi hơn 5,35 triệu bệnh nhân đã hồi phục. Sau Ấn Độ là Brazil với 4.849.229 ca mắc và 144.767 ca tử vong. 

Philippines – nước có số ca mắc cao nhất tại Đông Nam Á – xác nhận thêm 2.611 ca mắc và 56 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, nước này có tổng số 316.678 ca mắc và số ca tử vong là 5.616 ca. Trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước đang bị tác động xấu do đại dịch, chính quyền Philippines đã mở cửa trở lại đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Boracay tại miền Trung nước này từ ngày 1/10.
 Malaysia thông báo 287 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi nước này bắt đầu truy vết tiếp xúc dịch bệnh.  Như vậy, cho đến nay, Malaysia có tổng cộng 11.771 ca mắc COVID-19, trong đó có 136 ca tử vong.

Indonesia cũng thông báo 4.317 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 295.499. Nước này cũng thông báo thêm 116 ca tử vong, đưa tổng số trường hợp không qua khỏi vì bệnh COVID-19 lên 10.972.

Tại châu Âu, cụ thể là tại Italy, việc đeo khẩu trang cả ngày khi đi ra khỏi nhà tại thủ đô Rome và khu vực Lazio đã trở thành quy định bắt buộc  theo quyết định mới của chính quyền địa phương ngày 2/10,  nhằm ngăn chặn số ca nhiễm gia tăng trở lại.

Italy ngày 1/10 ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới lần đầu tiên kể từ cuối tháng 4. Lazio có phát hiện 265 ca nhiễm mới.

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran thông báo Chính phủ Pháp có thể đặt thủ đô Paris động dịch COVID-19 ở mức cao nhất từ ngày 5/10, đồng thời có thể yêu cầu tất cả quán rượu đóng cửa và áp đặt các hạn chế mới trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tăng trở lại. Điều này sẽ có nghĩa với việc người dân Paris và vùng ngoài ô sẽ phải hạn chế  tương tác xã hội, không có những buổi tập trung gia đình, không có những buổi chơi tối bên ngoài và toàn bộ các quán rượu phải đóng cửa. 5 thành phố khác gồm Lille, Lyon, Grenoble, Toulouse và Saint-Etienne có thể cũng sẽ bị đặt trong tình trạng báo động tối đa vào tuần tới.

Theo Bộ Y tế Pháp, với 63 ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày 1/10, tổng số ca tử vong tại Pháp do dịch bệnh COVID-19 đã lên tới 32.019.

Tại Tây Ban Nha, chính quyền khu vực thủ đô Madrid cho biết trong những giờ tới sẽ công bố sắc lệnh đặt thủ đô Tây Ban Nha và 9 thành phố xung quanh vào diện  đóng cửa một phần và cấm di chuyển không cần thiết đến và đi khỏi thành phố để ngăn chặn sự gia tăng mạnh số ca nhiễm mới COVID-19.

Với tỷ lệ 859 ca nhiễm trên 100.000 dân, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khu vực Madrid là điểm nóng nhất về COVID-19 ở châu Âu.

Với các hạn chế mới, 4,8 triệu người dân tại Madrid và 9 thành phố lân cận sẽ không được di chuyển ra ngoài thành phố. Họ chỉ được phép ra ngoài làm việc, đi học, khám bệnh hoặc mua hàng. Các quán rượu và nhà hàng sẽ phải đóng cửa từ 11h đêm thay vì từ 1 giờ sáng.

Ukraine thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 4.633 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Âu này lên 217.661 ca mắc, trong đó có 4.261 ca tử vong. 

Ba Lan ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày lần đầu tiên vượt 2.000 ca. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.292 ca mắc mới và 27 ca tử vong, theo đó tổng số người mắc và tử vong do dịch bệnh này ở Ba Lan lần lượt là 95.773 và 2.570.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo dịch bệnh đang diễn biến một cách đáng lo ngại tại châu Âu, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) duy trì hợp tác cùng giải quyết tình trạng khẩn cấp này. Theo bà Von der Leyen, EU đang đàm phán thêm với một số công ty nữa để đảm bảo nguồn cung vaccine tiềm năng phòng COVID-19.

Thanh Tuấn