Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận gần 267.000 ca bệnh COVID-19 và trên 4.600 ca tử vong.
Tổng số ca bệnh ở các nước từ đầu đại dịch tới nay đã lên tới gần 29 triệu ca, trong đó trên 923.000 ca tử vong.
Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc và tử vong mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới (94.409 ca mắc và 1.108 ca tử vong). Tiếp đó là Mỹ (trên 33.000 ca mắc và 558 ca tử vong) và Brazil (31.709 ca mắc và 736 ca tử vong).
Châu Á
Trong 24 giờ qua, số bệnh nhân COVID-19 toàn châu Á tăng thêm 124.739 ca lên trên 8,4 triệu bệnh nhân.
Ấn Độ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trong khu vực ngày 12/9. Với 94.409 ca mắc mới, tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ tăng lên hơn 4,75 triệu ca. Hiện Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ có trên 6,6 triệu ca mắc. Tuy nhiên, số ca mắc mới tại Ấn Độ đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, với số ca mắc tăng mạnh khắp các khu vực thành thị cũng như nông thôn tại một số bang lớn và đông dân.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này thông báo số ca nhiễm mới trong ngày tăng đáng báo động – 4.935 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Philippines hiện là 257.863 người. Philippines là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nặng nề nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Philippines có thêm 186 ca tử vong mới do COVID-19, cũng là mức cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 4.292 người. Vùng đô thị Manila đứng đầu 5 khu vực và tỉnh ở Philippines về số ca mắc hàng ngày cao nhất với 2.619 ca. Tiếp đó là tỉnh Cavite, Laguna, Rizal và Negros Occidental.
Bộ trưởng Giao thông Arthur Tugade cho biết chính phủ sẽ nới lỏng quy định giãn cách xã hội trên phương tiện giao thông công cộng từ ngày 14/9 để phục vụ nhiều khách hơn, khi các biện pháp phong tỏa được nới lòng và nền kinh tế mở cửa trở lại. Ông Tugade cho biết thêm là các biện pháp y tế nghiêm ngặt như bắt buộc đeo khẩu trang và tấm che mặt sẽ tiếp tục được thực thi ngay cả khi quy định giãn cách được nới lỏng.
Trong ngày 12/9, Indonesia có 3.806 ca mới. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới trên 3.000 ca. Indonesia cũng ghi nhận 106 ca tử vong trong ngày này.
Tới nay, tổng số ca bệnh ở Indonesia tăng lên 214.746 người. Số trường hợp tử vong do dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này hiện là 8.650 người – cao nhất khu vực.
Châu Mỹ
Tại Bắc Mỹ, tổng số bệnh nhân COVID-19 là trên 7, 9 triệu người, trong đó Mỹ có số bệnh nhân cao nhất khu vực và cũng là cao nhất thế giới – 6,6 triệu người. Tiếp theo là các nước Mexico và Canada với lần lượt 658.299 bệnh nhân (tăng thêm 5.935 ca) và 136.119 ca (tăng thêm 493 ca).
Sau khi Bộ Y tế Canada ghi nhận lần đầu tiên kể từ ngày 15/3 nước này không có ca tử vong nào do COVID-19, trong vòng 24 giờ qua, Canada lại có thêm 7 ca tử vong mới. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Canada là 9.170 ca.
Chính quyền thủ đô La Habana của Cuba thông báo sẽ kéo dài thêm 2 tuần việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 tại thủ đô La Habana do chưa thể hoàn toàn kiểm soát được làn sóng thứ hai của dịch bệnh tại địa phương được xem là tâm chấn của đại dịch tại đảo quốc Caribe này.
Phát biểu trong chương trình truyền hình Mesa Redonda, Tỉnh trưởng La Habana Reinaldo Garcia Zapata cho biết ngoài các biện pháp hạn chế đã được áp dụng từ đầu tháng 9 này, chính quyền thành phố sẽ “tăng cường hơn nữa sự nghiêm ngặt trong việc thực thi”.
Trước đó, ngày 30/8, Chính phủ Cuba thông báo từ ngày 1-15/9 áp dụng một loạt biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại thủ đô La Habana để đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 2 tại địa phương này.
Từ giữa tháng 7, các cơ quan y tế Cuba cho biết gần như không còn ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đảo quốc này bắt đầu ghi nhận sự bùng phát trở lại các ca nhiễm mới trên cả nước.
Theo thống kê của Bộ Y tế Cuba, tới nay quốc gia này đã ghi nhận 4.653 ca mắc COVID-19, trong đó riêng thủ đô La Habana chiếm tới 2.743 trường hợp. Tổng số ca tử vong là 108 người.
Tại Nam Mỹ, tổng số bệnh nhân là trên 7 triệu người (tăng 43.478 người) và 225.000 người đã tử vong, trong đó Brazil có tới trên 4,3 triệu bệnh nhân (tăng 31.709 người). Chính phủ Brazil cho biết nước này ghi nhận thêm 736 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 131.210 ca.
Hiện số ca nhiễm và tử vong tại Brazil ở mức cao nhất tại khu vực Mỹ Latinh. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Brazil ghi nhận tỷ lệ tử vong trung bình theo tuần giảm và có xu hướng giảm cả về số ca nhiễm và tử vong mới ở hầu hết các khu vực trên cả nước.
Tổng thống Jair Bolsonaro cho rằng Brazil “gần như giành chiến thắng” trong cuộc chiến chống đại dịch sau khi chính phủ đã làm mọi thứ có thể nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dịch bệnh, thông qua viện trợ khẩn cấp cho 65 triệu người, hoặc hỗ trợ các công ty nhỏ.
Argentina ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới trong ngày cao thứ hai khu vực – 11.507 ca lên 535.705 bệnh nhân. Sau Brazil, Peru và Colombia hiện là hai nước có số bệnh nhân cao thứ hai và ba tại khu vực Nam Mỹ.
Châu Âu
Theo số liệu mới nhất, số bệnh nhân tại châu lục này hiện là trên 4,01 triệu người, tăng 35.788 người trong 24 giờ qua. Châu lục này có 212.290 người đã tử vong.
Đợt giao hàng đầu tiên này là đợt thử nghiệm và thông qua đợt này, các chuyên gia dự định xây dựng chuỗi cung cấp vaccine cho các chủ thể của LB Nga, cũng như tổ chức tiêm vaccine cho những người dân thuộc nhóm nguy cơ cao.
Nga là nước đầu tiên trên thế giới đăng ký lưu hành vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 hồi tháng 8 vừa qua. Loại vaccine này được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học mang tên Gamaleya phát triển. Ngày 9/9, giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine hàng loạt đã được khởi động ở thủ đô Moskva. Nghiên cứu có sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên được tiêm vaccine miễn phí.
Tây Ban Nha thông báo nước này có thêm 4.708 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số lên 576.697 ca, mức cao nhất tại khu vực Tây Âu hiện nay. Số ca tử vong tại Tây Ban Nha cũng tăng 48 ca, lên tổng số 29.747 ca.
Kể từ khi Tây Ban Nha dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và tiến hành xét nghiệm quy mô lớn từ cuối tháng 6 vừa qua, số ca nhiễm mới tại nước này đã gia tăng trở lại từ mức vài trăm ca lên hàng nghìn ca mỗi ngày.
Pháp ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ nhất với 10.561 ca – là mức tăng cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua, lên tổng số 373.911 bệnh nhân COVID-19, trong đó 30.910 người đã tử vong.
Châu Phi
Tổng số bệnh nhân ở châu Phi là 1,35 triệu người, tăng 7.319 bệnh nhân trong 24 giờ qua.
Nam Phi là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại châu lục với 648.214 bệnh nhân (tăng 1.816 người), trong đó có 15.427 người đã tử vong. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan ở một số nước trong khu vực nhưng nhìn chung đã có dấu hiệu suy giảm.
Trong bối cảnh dịch tiếp tục lây lan, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết gồm nhiều nội dung nhằm khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Nghị quyết được thông qua với sự ủng hộ của 169/193 nước thành viên. Mỹ và Israel bỏ phiếu chống, trong khi Ukraine và Hungary bỏ phiếu trắng.
Nghị quyết xác định hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương và tinh thần đoàn kết là cách thức duy nhất để thế giới ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch COVID-19 hiện nay.
Văn kiện này thừa nhận vai trò lãnh đạo then chốt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng như vai trò nền tảng của hệ thống LHQ như “chất xúc tác” và giúp điều phối phản ứng toàn cầu đối với dịch COVID-19, cũng như các nỗ lực trọng tâm của các quốc gia thành viên.
Nghị quyết ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ về việc thực thi một lệnh ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức, lưu ý quan ngại về tác động của đại dịch đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng do xung đột và những quốc gia có nguy cơ xung đột, đồng thời ủng hộ các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên và tất cả các bên liên quan thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất trong việc ứng phó đại dịch COVID-19, cũng như ngăn chặn, lên tiếng và hành động mạnh mẽ chống tình trạng phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phát ngôn thù hận, bạo lực và phân biệt đối xử.