Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 21/5: toàn thế giới đã có tổng cộng 5.069.071 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 328.749 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 21/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã có tổng cộng 5.069.071 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 328.749 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, một số nước tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang ở New York. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Nga xếp thứ hai sau Mỹ về số ca nhiễm nhưng số ca tử vong của nước này vẫn thấp hơn so với nhiều nước. Brazil đứng thứ ba về số ca nhiễm.

Có 6 nước ghi nhận trên 200.000 bệnh nhân COVID-19, lần lượt là Mỹ, Nga, Brazil, Tây Ban Nha, Anh, Italy.

Về số ca tử vong, Mỹ tiếp tục có nhiều ca tử vong nhất. Tiếp đó là Anh và Italy. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 1.210 ca tử vong, cao nhất thế giới.

Ngày 20/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về số lượng ca COVID-19 gia tăng tại các nước nghèo, trong bối cảnh nhiều nước giàu đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa. Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom nhấn mạnh rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong đợt đại dịch này, đồng thời bày tỏ rất quan ngại về sự gia tăng số ca nhiễm ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.

Nga ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 30/4. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20/5, nhà chức trách Nga thông báo số ca tử vong vì mắc COVID-19 trong 24 giờ qua tại nước này ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 135 trường hợp. Tuy nhiên, số bệnh nhân mắc COVID-19 trong ngày lại ở mức thấp, với 8.764 trường hợp. 

Số liệu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp COVID-19 của LB Nga cho biết tính đến nay đã có 308.705 người mắc COVID-19 tại Nga, trong đó có 2.972 người tử vong. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm bệnh mới trong ngày nhiều nhất. Tính đến nay, thủ đô Moskva đã ghi nhận 152.306 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.726 ca tử vong.

Nga là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất trên tổng số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2

Ngoài Thủ tướng Nga Mikhail Mishutin được công bố khỏi bệnh COVID-19 và đi làm trở lại từ ngày 19/5, một số bộ trưởng cũng đã khỏi bệnh và nhiều thành viên chính phủ khác nhiễm COVID-19 đang có tiến triển tích cực. 

Bộ trưởng Văn hóa Olga Lyubimova đã đi làm trở lại từ ngày 14/5 sau khi kết thúc điều trị bệnh COVID-19. Trước đó, ngày 8/5, Bộ trưởng Xây dựng Vladimir Yakushev và Thứ trưởng Dmitry Volkov đã được xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà sau khi được chữa khỏi bệnh COVID-19 từ đầu tháng 5. Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Sergey Kravtsov tiếp tục được điều trị sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 từ đầu tháng 5.

Tổng thống Mỹ chỉ thị giảm quy định để khôi phục kinh tế 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 19/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/5 đã ký sắc lệnh hành pháp, trong đó chỉ thị các cơ quan liên bang phải cắt giảm các quy định – động thái mà ông cho rằng sẽ giúp nền kinh tế phục hồi sau những tác động của đại dịch COVID-19. 

Theo Tổng thống Trump, sắc lệnh trên yêu cầu các cơ quan xem xét lại hàng trăm quy định không cần thiết và có thể gây cản trở cho sự phục hồi nền kinh tế. Những quy định này có thể sẽ bị đình chỉ trong thời gian nước Mỹ ứng phó với đại dịch COVID-19 hoặc thậm chí bị loại bỏ vĩnh viễn nếu có thể.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng vừa cảnh báo nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ chịu tổn thất lâu dài khi mà lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 ngày càng kéo dài. Phát biểu trước một ủy ban tại Thượng viện, Bộ trưởng Mnuchin cho biết các gia đình và doanh nghiệp Mỹ đang chịu ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa trên toàn quốc, song việc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ cần phải được thực hiện thận trọng. Ngoài ra, Bộ trưởng Mnuchin cho biết Chính phủ Mỹ sẵn sàng mạo hiểm với các quỹ tài chính mà Chính phủ đã đưa ra để giúp nền kinh tế trụ vững trước những tác động chưa từng thấy của đại dịch COVID-19.

Chính phủ Mỹ ngày 19/5 cũng đã quyết định gia hạn hạn chế các hoạt động qua lại không cấp thiết qua đường biên giới giữa nước này với Canada và Mexico nhằm ngăn chặn COVID-19. Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, lệnh đóng cửa đường biên giới sẽ được gia hạn đến ngày 22/6 tới. 

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 94.743 người dân Mỹ và xóa sổ hơn 30 triệu việc làm tại nước này. Tính tới 6 giờ ngày 21/5 (giờ Việt Nam), Mỹ có 1.588.666 ca mắc COVID-19 sau khi ghi nhận 18.083 ca trong 24 giờ qua.

Tây Ban Nha muốn gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seville, Tây Ban Nha ngày 26/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chính phủ Tây Ban Nha đang tìm cách thuyết phục Quốc hội nước này kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 2 tuần, tức đến ngày 7/6 sau khi lệnh khẩn cấp hiện tại sẽ hết hạn ngày 23/5. 

Người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha, bà Maria Montero cho rằng tình trạng khẩn cấp quốc gia cần được kéo dài để đảm bảo thực thi các quy định về hạn chế di chuyển, cũng như bảo vệ thành quả phòng chống dịch COVID-19 mà nước này đạt được trong thời gian qua. Theo kế hoạch, Quốc hội Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu về đề xuất này trong ngày 20/5. Trước đó, Thủ tướng Pedro Sanchez đề xuất gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng. 

Ngày 14/3, Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp, theo đó áp dụng một loạt biện pháp ngặt nghèo hạn chế tự do đi lại và hoạt động kinh doanh trên cả nước để phòng chống virus SARS-CoV-2 lây lan. Từ đó đến nay, quốc gia châu Âu này đã 4 lần gia hạn tình trạng khẩn cấp. 

Tây Ban Nha là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 27.888 ca tử vong trong 279.524 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện số ca nhiễm hàng ngày tại Tây Ban Nha đã giảm còn 110 ca. 

Tình hình tại Trung Mỹ: Mexico có số ca kỷ lục trong ngày

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Mexico City, Mexico ngày 23/4. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc COVID-19 tại quốc gia châu Mỹ này đã lên đến 54.346 người, trong đó có 5.666 ca tử vong, tăng tương ứng 2.713 ca bệnh và 334 ca tử vong trong 24 giờ qua. Con số 2.713 cũng là mức tăng các ca nhiễm mới cao kỷ lục trong một ngày tại Mexico. 

Mặc dù đang trong giai đoạn đỉnh dịch, Chính phủ Mexico đã lên kế hoạch mở cửa lại từng bước nền kinh tế. Bộ Y tế Mexico đã cho phép 324 thành phố thuộc 14/32 bang của nước này quay trở lại tình trạng bình thường mới, sau khi không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng trong vòng 28 ngày qua.

Tại các nước khác trong khu vực, số ca nhiễm bệnh tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 16.905 người, trong đó có 503 ca tử vong.

Chính quyền thành phố Cordoba của Argentina ngày 19/5 đã quyết định áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa sau khi số các ca mắc COVID-19 tăng đột biến trở lại trong những ngày gần đây, với 55 trường hợp chỉ trong 3 ngày.

Các biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng nghiêm ngặt tại Argentina kể từ ngày 20/3 vừa qua, tuy nhiên giới chức một số địa phương đã cho phép nới lỏng sau khi số trường hợp mắc bệnh có chiều hướng giảm. Thành phố Cordoba 1,4 triệu dân nằm cách thủ đô Buenos Aires khoảng 700 km về phía Tây Bắc, đã cho phép nối lại một số hoạt động nhất định như mở cửa các cửa hàng hay hiệu cắt tóc, mở cửa các địa điểm tôn giáo và người dân được phép tiến hành các hoạt động ngoài trời trong dịp cuối tuần. Tuy nhiên, với các quyết định mới trên, chỉ lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng thiết yếu hoặc các nhà máy công nghiệp mới được phép duy trì hoạt động. Việc áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa chỉ được thực hiện tại duy nhất thành phố Cordoba và kéo dài tới ngày 24/5, chứ không áp dụng cho toàn bộ tỉnh cùng tên.

Hiện Argentina ghi nhận 8.809 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 394 ca tử vong. 

Trong khi đó, Tổng thống Colombia Ivan Duque cũng quyết định gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cho tới ngày 31/5. Đây là quyết định gia hạn lần thứ tư được Chính phủ Colombia đưa ra kể từ cuối tháng 3 vừa qua. Bên cạnh đó, tình trạng khẩn cấp về y tế cũng được chính phủ nước này kéo dài tới ngày 31/8 tới. 

Theo các quyết định trên, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh không liên quan đến công tác phòng chống COVID sẽ chỉ có thể nối lại hoạt động khi thời gian giãn cách xã hội kết thúc. Các chuyến bay nội địa và quốc tế cũng chỉ có thể khôi phục sau thời điểm này. Các trường học và đại học tại Colombia sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới tháng 7 tới và những người từ 70 tuổi trở lên được yêu cầu ở yên trong nhà cho tới khi dịch bệnh tạm lắng.

Colombia có gần 17.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó hơn 600 ca tử vong.

Châu Phi: Ai Cập ghi nhận số ca nhiễm tiếp tục tăng kỷ lục

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Giza, Ai Cập ngày 10/5. Ảnh: THX/TTXVN

Ai Cập có 745 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Đây là mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 14.229 người.

Số ca tử vong ở Ai Cập hiện là 680 người, sau khi có 21 ca tử vong trong ngày. Trong khi đó, 302 bệnh nhân đã được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh đến nay tại nước này lên 3.742 người.

Cùng ngày, Thủ tướng Mostafa Madbouly ra sắc lệnh quy định người dân nước này phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và cơ quan nhà nước kể từ ngày 30/5 tới. Bên cạnh đó, Ai Cập sẽ tiếp tục đình chỉ các chuyến bay quốc tế cho đến khi có thông báo tiếp theo. Sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr từ ngày 24-29/5 tới, quốc gia Bắc Phi này sẽ tiếp tục điều chỉnh thời gian giới nghiêm ban đêm, bắt đầu từ 20 giờ tối hôm trước cho tới 6 giờ sáng hôm sau, kéo dài trong 2 tuần.

Chính phủ Algeria thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr. Văn phòng Thủ tướng Algeria ra thông báo nêu rõ: “Trong hai ngày lễ Eid al-Fitr, biện pháp hạn chế sẽ được thắt chặt và sẽ được thực thi từ 13 giờ đến 7 giờ”. Tuyên bố cũng cho biết các phương tiện đi lại trong đó có mô tô, sẽ không được phép hoạt động. Chính phủ kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch cũng như các quy định giữ vệ sinh và giãn cách xã hội. Công dân Algeria phải đeo khẩu trang nếu không sẽ bị phạt.

Liên quan đến lễ hội tôn giáo Eid al-Fitr diễn ra sau tháng lễ Hồi giáo Ramadan, Chính phủ Algeria kêu gọi người dân tránh đến chỗ đông người, thăm và tụ hội gia đình trong kỳ nghỉ lễ này. Tính đến sáng 21/6 (giờ Việt Nam), Algeria ghi nhận 7.542 ca mắc COVID-19 với 568 ca tử vong.

Trong khi đó, Nội các Liban nhất trí kết thúc niên học cho các trường và hủy các kỳ thi chính thức trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng tại nước này. Theo đó, học sinh sẽ không phải tham gia các kỳ thi chính thức, song tiếp tục học trực tuyến cho đến cuối tháng này. Toàn bộ học sinh sẽ được lên lớp với bằng tốt nghiệp do trường nơi các em theo học cấp theo như đề nghị của Bộ trưởng Giáo dục Tarek Majzoub. Liban ghi nhận 961 ca mắc COVID-19 với 26 ca tử vong tính tới nay.

ASEAN: Toàn khối có 1.574 ca mắc trong 24 giờ qua, Indonesia và Singapore chiếm 80%

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Surabaya, Indonesia ngày 20/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính tới hết ngày 20/5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 72.640 ca mắc COVID-19, trong đó 2.283 ca tử vong. Chỉ còn ba nước trong khu vực có số ca mắc hàng ngày cao.

Về số ca mắc trong 24 giờ qua, toàn khối có 5 quốc gia ghi nhận ca mắc mới. Trong đó, Indonesia có số ca mắc mới cao nhất, tiếp đó là Singapore và Philippines. Các nước này đều có số ca mắc ở mức ba con số. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 31 trường hợp mới, còn Thái Lan chỉ có thêm một ca. Năm nước còn lại không có ca mắc nào trong 24 giờ qua.

Về số ca tử vong, toàn khối ghi nhận 26 ca ở hai nước là Indonesia (21 ca) và Philippines (5 ca) trong 24 giờ qua. Các nước còn lại không có ca tử vong nào.

Nhìn chung, ASEAN được đánh giá là phòng chống dịch COVID-19 tương đối tốt so với các khu vực khác trên thế giới.

Hậu quả của COVID-19 với kinh tế các nước

Nhật Bản có thể mất tới hơn 3 triệu việc làm

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch COVID-19 có thể “hô biến” tới 3,01 triệu việc làm tại Nhật Bản trong tài khóa 2020 (đến hết tháng 3/2021) và tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009. Đây là dự báo được Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội vùng Chubu có trụ sở tại Nagoya, miền Trung Nhật Bản, đưa ra ngày 20/5. 

Theo viện trên, trong tình huống xấu nhất, khi tại tới cuối năm nay Nhật Bản mới khống chế được dịch bệnh, nước này có thể chứng kiến số người lao động giảm 4,5% so với năm 2019. 

Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội vùng Chubu đưa ra dự báo này dựa trên giả định lượng du khách tới Nhật Bản không thể phục hồi trong tài khóa 2020. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản trong tháng Ba vừa qua đã tăng lên 2,5% – mức cao nhất trong một năm qua, cho thấy tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới lĩnh vực việc làm. Giới chức Nhật Bản và giới phân tích cho rằng tình hình việc làm có thể còn nghiêm trọng hơn trong những tháng tới. 

Lạm phát tại Anh thấp nhất từ năm 2016    

Chú thích ảnh
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Liverpool, Anh ngày 18/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tháng Tư vừa qua, lạm phát của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016 trong bối cảnh COVID-19 khiến giá dầu toàn cầu lao dốc và các nhà bán lẻ quần áo giảm giá, trong khi những tác động của thuế quan cũng giảm nhẹ.

Số liệu chính thức công bố ngày 20/5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ mức 1,5% trong tháng Ba xuống còn 0,8% trong tháng Tư. Riêng trong tháng Tư, giá tiêu dùng đã giảm 0,2%. Trong khi đó, chỉ số lạm phát lõi cho tất cả các mặt hàng, trừ năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá, vẫn duy trì ở mức 1,5%. 

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát có thể giảm dưới mức 1% trong vài tháng tới. Phó Thống đốc BoE Ben Broadbent cho biết tỷ lệ này thậm chí có thể giảm dưới mức 0 vào khoảng cuối năm nay mặc dù ông không cho rằng điều này sẽ đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn giảm phát kéo dài.

Tăng trưởng thương mại Trung Quốc sẽ không bền vững

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc ngày 17/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Miêu Vu cảnh báo sự phục hồi tốc độ tăng trưởng thương mại của nước này sẽ không ổn định nếu đại dịch COVID-19 không được khống chế. 

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Miêu Vu cho biết mặc dù hoạt động xuất-nhập khẩu từ tháng Một tới tháng Tư, tính theo đồng Nhân dân tệ, đã tăng vừa phải, song nếu đại dịch COVID-19 trên toàn cầu không được kiểm soát hiệu quả, hoạt động xuất-nhập khẩu sẽ “không thể bền vững”. 

Trên thực tế, các công ty Trung Quốc đã phải cắt giảm sản xuất kể từ khi nối lại hoạt động do nhu cầu giảm sau khi chính phủ các nước triển khai lệnh phong tỏa để khống chế đà lây lan của dịch COVID-19. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quan chức này cho rằng Trung Quốc sẽ phải “nhanh chóng kích hoạt nhu cầu nội địa” để bù đắp cho tình hình ảm đạm ở các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ tin tưởng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi trong quý II, và nếu đại dịch được kiểm soát, mọi chuyện sẽ tươi sáng hơn vào nửa cuối năm 2020.

Kinh doanh ảm đạm tại Italy sau thời gian phong tỏa

Chú thích ảnh
Một nhà hàng tại Rome, Italy chuẩn bị mở cửa trở lại ngày 15/5 sau hơn 2 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù bắt đầu khôi phục hoạt động sau thời gian dài phải đóng, thị trường kinh doanh vẫn ảm đạm do nhu cầu của người dân giảm sút, cùng với các quy định về giãn cách xã hội là thực tế đang diễn ra tại nhiều nước. 

Tại Italy, Tổng Liên đoàn Doanh nghiệp và Lao động (Confcommercio) đã công bố báo cáo cho biết sau hai ngày gỡ bỏ lệnh phong tỏa, đã có khoảng 50% – 60% chợ dân sinh trên cả nước hoạt động, trong khi tỷ lệ này tại thủ đô Rome là 100%. Tại một số vùng như Piemonte, Sicily và một phần của vùng Lombardia, các chợ dân sinh vẫn chưa hoạt động trở lại.

Theo Hiệp hội Nông nghiệp Coldiretti, nhu cầu tiêu thụ dịch vụ ăn uống của người dân Italy đã giảm khoảng 80% so với mức trung bình trước đây. Sự sụt giảm này được ghi nhận tại các nhà hàng, quán pizza, quán ăn nhanh. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do một số cơ sở chưa hoạt động trở lại và do lượng khách hàng giảm mạnh. 

Coldiretti đánh giá đây thực sự là một cú đánh vào nền kinh tế Italy. Chi tiêu cho dịch vụ ăn uống chiếm tới 35% tổng mức chi tiêu cho thực phẩm tại Italy với giá trị khoảng 84 tỷ euro/năm. Những khó khăn của ngành dịch vụ ăn uống sẽ kéo theo khó khăn đối với ngành thực phẩm và nông nghiệp tại Italy.

Phụ nữ Mỹ Latinh trong vòng xoáy thất nghiệp 

Chú thích ảnh
Phụ nữ xếp hàng mua thực phẩm tại Bogota, Colombia. Ảnh: americasquarterly

Ở Mỹ Latinh, phụ nữ đang đối mặt nguy cơ thất nghiệp hoặc không thể quay lại làm việc cao hơn nam giới. Đây là cảnh báo được giới chuyên gia đưa ra ngày 19/5 trong hội thảo trực tuyến do viện chính sách Woodrow Wilson Center của Mỹ tổ chức.  

Theo bà Claudia Piras, chuyên gia kinh tế xã hội cao cấp thuộc Ngân hàng Phát triển liên Mỹ, lực lượng lao động nữ chiếm phần đông trong những ngành nghề có nguy cơ cao như bán lẻ, nhà hàng và khách sạn, những nơi họ khó có thể tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội đồng thời tiếp tục làm việc như bình thường. Theo số liệu của Liên hiệp quốc (LHQ), có khoảng 126 triệu phụ nữ Mỹ Latinh làm việc trong các ngành phi chính thức, thường là người giúp việc, lao công hoặc bán hàng rong. 

Theo bà Adriana Quinones, đại diện cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Guatemala, hàng triệu người giúp việc ở Mỹ Latinh nằm trong nhóm dễ tổn thương nhất, những người này không được bảo vệ và thường không có lương cơ bản tối thiểu hoặc được nghỉ ốm có lương. Trong thời kì đại dịch, những người giúp việc thường bị cho thôi việc hoặc làm việc ngoài giờ không công. Ngoài ra theo các chuyên gia, phụ nữ và trẻ em gái phải cáng đáng 70% công việc chăm sóc sức khỏe tại gia không công, và chịu gánh nặng trầm trọng hơn trong thời kì phong tỏa. Mặt khác, vì phải trông con trong lúc các trường học đóng cửa, nhiều phụ nữ sẽ không thể quay lại làm những công việc được trả lương. 

COVID-19 sẽ đẩy 60 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: kashimirobserver

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo dịch COVID-19 có thể đẩy 60 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, xóa bỏ mọi thành quả đạt được trong hơn 3 năm qua.

Theo Chủ tịch Malpass, WB đã cấp tiền cho các chương trình viện trợ tại hơn 100 quốc gia, trong khuôn khổ cam kết chi 160 tỷ USD trong 15 tháng tới. Đây cũng là nơi sinh sống của 70% dân số thế giới. Mặc dù đây là một cột mốc quan trọng, song WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm 5% trong năm nay, trong đó các quốc gia nghèo nhất sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. 

Ước tính khoảng 60 triệu người dân sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực, xóa sạch mọi thành quả đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo suốt 3 năm qua.