Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 30/5: trên toàn cầu là 6.019.984 ca, trong đó có 366.284 người thiệt mạng.

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 30/5: Brazil tăng vọt ca nhiễm và tử vong, Mỹ cắt quan hệ với WHO

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Santo Andre, bang Sao Paulo, Brazil ngày 11/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 30/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 6.019.984 ca, trong đó có 366.284 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 2.655.244 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 53.527 và 2.998.443 ca đang điều trị tích cực.

Xu hướng chung ở nhiều khu vực trên thế giới là dịch đang hạ nhiệt và các biện pháp hạn chế đang được dỡ bỏ, tuy nhiên ở một số quốc gia lại ghi nhận những con số thống kê ca nhiễm virus và tử vong cao nhất trong ngày như Brazil, Nga, Israel, Ai Cập, Nam Phi… “Bóng ma” làn sóng dịch quay trở lại cũng khiến Hàn Quốc phải đóng cửa trên 500 trường học sau khi mở lại được vài ngày.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Atizapan, Mexico, ngày 22/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO

Ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: “Chúng tôi đã nêu chi tiết các cải cách mà tổ chức này cần thực hiện, nhưng họ đã từ chối hành động. Vì họ đã không thực hiện các cải cách được yêu cầu và rất cần thiết, nên hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới”.

Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết Mỹ sẽ chuyển hướng các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ cho WHO sang các nhu cầu y tế công cộng cấp bách khác trên toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh thế giới cần cầu trả lời từ Trung Quốc về virus SARS-CoV-2 và cần sự minh bạch.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/5, tuyên bố chấm dứt quan hệ với WHO. Ảnh: Getty Images

Cùng ngày 29/5, Thống đốc Andrew Cuomo thông báo thành phố New York, một trong những tâm dịch lớn nhất của thế giới, sẽ bắt đầu mở lại các hoạt động vào ngày 8/6, bước đầu tiên tiến tới chấm dứt lệnh phong tỏa đã kéo dài từ cuối tháng Ba tại đây. Tuần vừa qua, thành phố New York vẫn có tới hơn 5.000 người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, mặc dù vậy, đây là con số thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đầu tháng Tư khi mỗi tuần có khoảng 40.000 người dương tính với SARS-CoV-2.

Đại dịch COVID-19 đã khiến thành phố New York rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ khiến giới chức địa phương phải tính tới việc vay hàng tỷ USD để đảm bảo chi phí hoạt động cơ bản. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu thành phố New York vay 7 tỷ USD để trang trải các khoản phải chi, thành phố này sẽ phải trả mỗi năm 500 triệu USD trong vòng 20 năm.

Chú thích ảnh
Một hiệu cắt tóc ở Auburn, California trong ngày đầu tiên mở cửa lại, hôm 27/5. Ảnh: AP 

Trong khi đó, trên toàn nước Mỹ trong 24 giờ qua đã ghi nhận 23.217 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 1.791.678, trong đó có 104.490 ca tử vong (tăng 1.077 trường hợp). Tổng thống Trump ngày 29/5 cho biết nước Mỹ đã thực hiện trên 15 triệu xét nghiệm COVID-19. 

Brazil dẫn đầu thế giới về ca nhiễm trong ngày

Brazil đã trở thành điểm nóng lớn nhất thế giới về số ca nhiễm virus mới. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 26.354 ca COVID-19, nâng tổng số lên 465.166 ca nhiễm, với 1.114 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên 27.878.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Breves, trên đảo Marajo, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp tình hình dịch diễn biến căng thẳng, Tổng thống Jair Bolsonaro ngày 28/5 (theo giờ địa phương) đã kêu gọi mở cửa nền kinh tế, tuyên bố việc đóng cửa các ngành kinh doanh không thiết yếu là một “sự nhục nhã ghê gớm” với đất nước. Phát biểu trước đám đông trong một sự kiện được phát trực tiếp trên Facebook, ông Bolsonaro cho hay ông muốn nền kinh tế “chạy trở lại” sau 70 ngày áp dụng các biện pháp phong toả. Nền kinh tế Brazil được dự báo sẽ sụt giảm 1,5% trong quý 1 năm 2020. Nhiều chuyên gia cho rằng nước này sẽ chịu nhiều “nỗi đau kinh tế” hơn trong quý 2, dự báo sụt giảm 11-12%.

Trong khi nhiều nước trên thế giới đang bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa thể làm điều tương tự. Colombia đã ngừng mọi chuyến bay quốc tế ít nhất cho đến ngày 31/8, đóng mọi cửa khẩu đường bộ và đường sông với các nước láng giềng, trong đó có Brazil. Còn Peru đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 1/7, song cho phép nới lỏng đi lại ở một số nơi. Trong khi đó, tại Mexico, giãn cách xã hội sẽ được dỡ bỏ vào ngày 31/5. Tuy nhiên, chính quyền các bang có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp bổ sung tùy vào diễn biến dịch tại địa phương.

Ngày càng nhiều nước châu Âu dỡ bỏ hạn chế

Chú thích ảnh
Bảo tàng Louvre trong thời kỳ phong toả vì dịch COVID-19. Ảnh: CNN

Pháp mở cửa lại Bảo tàng Louvre từ đầu tháng 7

Viện Bảo tàng Louvre danh tiếng đang chuẩn bị cho sự kiện mở cửa trở lại vào ngày 6/7. Bảo tàng hiện đang lắp đặt một hệ thống mới cho phép khách tham quan trong những điều kiện an ninh tối đa, tuân thủ mọi quy định y tế.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 29/5 thông báo các bảo tàng trên khắp nước Pháp được phép mở cửa lại từ ngày 2/7. 1 hr 33 min ago

Chú thích ảnh
 Người dân dạo trên bãi biển ở Dunkirk, miền Bắc Pháp ngày 16/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp diễn. Ảnh: THX/TTXVN

Thụy Điển sắp mở cửa trở lại trường cấp 3

Ngày 29/5, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết các trường trung học phổ thông ở nước này sẽ mở cửa trở lại vào ngày 15/6 sau khi tạm ngừng công tác giảng dạy từ giữa tháng Ba. Trong khi đó, các trường khác như cao đẳng, dạy nghề và đại học vẫn phải đóng cửa trong một thời gian lâu hơn. 

Mặc dù duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 tái bùng phát, Thụy Điển vẫn lựa chọn cách tiếp cận tự do hơn so với các nước châu Âu khác như cho phép phần lớn các trường học, nhà hàng và cơ sở kinh doanh mở cửa trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tính đến thời điểm hiện tại, Thụy Điển ghi nhận 36.476 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 4.350 ca tử vong. Số ca tử vong do COVID-19 ở Thụy Điển cao gấp nhiều lần so với các nước láng giềng Bắc Âu khác vốn áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Chú thích ảnh
Người dân thư giãn bên sông Saint-Martin ở Paris, Pháp khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, ngày 13/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hy Lạp sẽ đón du khách đến từ 29 nước 

Dự kiến ngày 15/6 tới Hy Lạp sẽ mở cửa đón các du khách đến từ 29 nước trên thế giới, đa số là các nước châu Âu, Đông Á, châu Đại dương. Trong thông báo ngày 29/5, Bộ Du lịch Hy Lạp cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên các du khách và theo dõi chặt chẽ để đưa ra đánh giá về những diễn biến liên quan tới dịch bệnh. Danh sách trên sẽ được cập nhật trước ngày 1/7. 

 

Chú thích ảnh
Nhân viên an ninh kiểm tra các hành khách tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức y tế Bulgaria ngày 29/5 cho biết từ ngày 1/6 tới nước này có thể sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với hầu hết người đến từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Bulgaria cũng đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế nước này đã áp đặt từ tháng 3 vừa qua nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, theo đó cho phép các nhà hàng, quán cà phê, phòng tập gym và rạp hát mở cửa trở lại, cũng như dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa các thành phố. 

Cùng ngày, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã để ngỏ khả năng nới lỏng các quy định giãn cách xã hội từ 2 mét xuống còn 1 mét nếu tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tiếp tục giảm. Trong 14 ngày qua, có tới 13 ngày, số ca mắc mới COVID-19 tại Ireland giảm xuống dưới mức 100. Tuần trước, nước này đã dỡ bỏ một phần quy định người dân phải ở nhà. Theo kế hoạch gồm 5 giai đoạn, trong giai đoạn đầu, các nhà hàng sẽ được mở cửa trở lại vào cuối tháng 6, sau đó là khách sạn vào tháng 7, các quán bar mở lại vào tháng 8.

Chú thích ảnh
Người dân Moskva vẫn phải tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội. Ảnh: Trần Hiếu – Pv TTXVN tại LB Nga

Nga: Số người tử vong cao nhất trong ngày

Ngày 29/5, Nga ghi nhận thêm 232 người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 4.374 người. Đây là ngày có số người tử vong cao nhất từ trước tới nay tại Nga. Cùng ngày, Nga ghi nhận 8.572 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca lên 387.623, trong đó có 159.257 người đã bình phục. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới nhất, với 2.332 trường hợp. Bên cạnh đó, thủ đô Moskva cũng ghi nhận thêm 3.474 bệnh nhân bình phục và 76 trường hợp tử vong. 

Cùng ngày, Bộ Phát triển Kinh tế Nga thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng 4 vừa qua giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.  

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 28/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Belarus thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 902 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 39.858 người. Tính đến nay, Belarus đã ghi nhận 16.660 bệnh nhân hồi phục và 219 người tử vong. Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở Belarus dao động ở mức 900 trường hợp, trong khi số ca tử vong là từ 5-7 ca.

Bộ Y tế Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 429 ca mắc COVID-19 và 10 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, Ukraine ghi nhận tổng số người mắc COVID-19 là 22.811 người, trong đó có 679 ca tử vong và 8.934 người bình phục.

Chú thích ảnh
Lễ an táng nạn nhân tử vong vì COVID-19 tại nghĩa trang ở ngoại Moskva ngày 26/5. Ảnh: AP 

Iran: Số ca nhiễm mới cao nhất trong gần 2 tháng

Ngày 29/5, Iran thông báo đã ghi nhận thêm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức cao nhất trong ngày trong gần 2 tháng qua. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 2.819 ca nhiễm mới, mức trong ngày cao nhất kể từ ngày 2/4, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 146.668 ca, bao gồm 7.677 ca tử vong, tăng 50 trường hợp. 

Iran đang chứng kiến số ca nhiễm mới đang trên đà gia tăng kể từ khi giảm xuống mức gần thấp nhất trong hai tháng vào ngày 2/5. Hiện Chính phủ Iran vẫn đang theo dõi chặt chẽ sự gia tăng các ca nhiễm mới sau khi nước này đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. 

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng tại siêu thị ở Kuwait City, Kuwait, ngày 12/5/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Pakistan nối lại đường bay quốc tế

Pakistan sẽ cho phép các đường bay quốc tế hoạt động trở lại từ ngày hôm nay, 30/5, sau khi đóng cửa không phận với các chuyến bay thương mại từ tháng Ba.

Cho đến nay Pakistan cũng đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp phong toả và nối lại đường bay nội địa trong tháng 5 này bất chấp có sự gia tăng số ca lây nhiễm mới. 

Hàn Quốc: Hơn 500 trường học lại đóng cửa sau vài ngày mở lại

Trên 500 trường học tại Hàn Quốc lại đóng cửa từ ngày 29/5 sau khi các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng trở lại tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận. Cùng ngày Hàn Quốc cũng thông báo hạn chế số lượng học sinh quay trở lại trường tại khu vực Vùng thủ đô. Theo đó, cứ mỗi3 học sinh ở các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại khu vực trung tâm thủ đô Seoul thì chỉ được 1 em đến trường, trong khi 2 học sinh còn lại phải học từ xa. 

Chú thích ảnh
Một trường trung học ở Seoul đóng cửa trong ngày 29/5. Ảnh: Getty Images

Các công viên, phòng trưng bày, bảo tàng, rạp chiếu phim tại Vùng thủ đô Seoul, với gần 52 triệu dân, cũng được đóng cửa với công chúng trong 2 tuần nữa. 

Hôm 28/5, Hàn Quốc đã ghi nhận số lượng ca nhiễm mới cao nhất trong gần 2 tháng qua, tuy nhiên đến 29/5 số ca nhiễm mới giảm xuống còn 58 ca, nâng tổng số ca nhiễm virus SAR-CoV-2 tại Hàn Quốc tới thời điểm này là 11.402 ca. Tính tới ngày 29/5, ổ dịch tại công ty thương mại điện tử Coupang tại Bucheon, phía Tây thủ đô Seoul, đã ghi nhận tổng cộng 96 ca nhiễm.

Chú thích ảnh
 Học sinh tới trường học ở Seoul, Hàn Quốc ngày 27/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Australia cảnh báo nguy cơ cao đợt bùng phát dịch mới

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 29/5 tuyên bố Australia vẫn “đang tiến lên” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Morrison cảnh báo vẫn có nguy cơ cao xảy ra các đợt bùng phát dịch mới có thể xóa sổ toàn bộ tiến bộ của Australia trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại cuộc họp nội các ngày 29/5, Chính phủ Australia đã đưa ra kế hoạch 3 bước, giữ cân bằng giữa việc kiểm soát tốt dịch bệnh và phát triển kinh tế.  Chính phủ đang đặt mục tiêu giữ số ca nhiễm mới hằng ngày dưới 20. Hiện nay Australia thực hiện 30.000 xét nghiệm mỗi ngày, với khoảng 0,05% có kết quả dương tính. Tính đến ngày 29/5 có hơn 7.100 ca mắc COVID-19 tại Australia với 103 ca tử vong và hiện chỉ còn chưa đến 500 ca dương tính với COVID-19.

Nhật Bản: Tokyo nới lỏng giãn cách xã hội

Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike ngày 29/5 cho biết chính quyền thành phố sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 kể từ ngày 1/6 tới.Theo đó, những trường học luyện thi cho học sinh, các trung tâm tập thể dục và các nhà hát kịch sẽ nằm trong số những cơ sở hoạt động được phép mở cửa trở lại theo hình thức nới lỏng dần theo từng giai đoạn. 

Chú thích ảnh
Người dân đi bộ tại quận mua sắm Ginza ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 26/5/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại Philippines, hầu hết các cơ sở kinh doanh tại thủ đô Manila sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 1/6 tới.  Các trung tâm thương mại mở cửa ở mức hạn chế khoảng 2 tuần. Hoạt động vận tải công cộng cũng vận hành trở lại ở mức giới hạn. Tuy nhiên, các trường học, quán bar, hàng ăn và các tiệm làm tóc vẫn tiếp tục phải đóng cửa. Người cao tuổi và trẻ nhỏ vẫn phải ở nhà, trừ khi cần ra ngoài mua các mặt hàng thiết yếu.

Ngày 29/5 Philippines bất ngờ chứng kiến số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tăng cao nhất khu vực, với 1.046 người và 21 ca tử vong. Như vậy tổng số ca COVID-19 tại nước này hiện là 16.634, trong đó có 942 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà tang lễ ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Thái Lan, thời gian giới nghiêm ban đêm được áp đặt tại nước này sẽ được rút ngắn thêm 1 giờ khi nước này bước vào giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, thời gian giới nghiêm mới sẽ từ 23h00 hôm trước đến 3h00 hôm sau, thay vì từ 23h00 đến 4h00 được áp dụng trong giai đoạn 2 nới lỏng. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn sẽ đóng cửa đối với du khách nước ngoài trong giai đoạn 3 do lo ngại về dịch COVID-19 lây lan từ nước ngoài. 

Chú thích ảnh
Biện pháp giãn cách xã hội được tuân thủ tại khu ăn uống của một trung tâm thương mại khi các biện pháp phong tỏa từng bước được nới lỏng. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan

Còn Myanmar đã bãi bỏ quy định cấm tập trung nhóm từ 5 người trở lên theo các điều kiện nhất định. Bên cạnh đó, nước này cũng thông báo dỡ bỏ biện pháp hạn chế đối với 4 trong số 10 quận huyện tại Yangon hiện đang thực hiện lệnh của chính phủ yêu cầu người dân ở nhà. 

WHO ban bố “Lời kêu gọi đoàn kết hành động”

Nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, 30 quốc gia đứng đầu là Costa Rica và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động một sáng kiến nhằm chia sẻ các công cụ phòng chống dịch bệnh như vaccine, thuốc điều trị và thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán. Sáng kiến này nhằm cung cấp cơ chế mua vật tư y tế một cửa đối với các kiến thức khoa học, dữ liệu và sở hữu trí tuệ trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Ngày 29/5, WHO đã ban bố “Lời kêu gọi đoàn kết hành động”, trong đó kêu gọi các bên liên quan tham gia nỗ lực này.

Theo WHO, tham gia sáng kiến chia sẻ các công cụ phòng chống COVID-19 có Argentina, Bangladesh, Barbados, Belize, Brazil, Chile, CH Dominican, Ecuador, Ai Cập, Indonesia, Liban, Luxembourg, Malaysia, Maldives, Mexico, Mozambique, Na Uy, Oman, Pakistan, Palau, Panama, Peru, Bồ Đào Nha, Saint Vincent và Grenadines, Nam Phi, Sudan, Hà Lan, Timor Leste và Uruguay. 

Thu Hằng/Báo Tin tức