Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 9/8: Châu Mỹ vượt 10 triệu ca bệnh; nhiều nước thắt chặt phòng dịch
Tính tới 6 giờ sáng 9/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 19,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó riêng số ca bệnh ở châu Mỹ đã là trên 10 triệu.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới có trên 249.000 ca bệnh và trên 5.200 ca tử vong, chủ yếu vẫn tập trung ở ba quốc gia Mỹ, Brazil và Ấn Độ.
Cụ thể là: Mỹ ghi nhận trên 51.000 ca bệnh mới; Brazil có thêm trên 45.000 người mắc COVID-19; số ca mắc mới ở Ấn Độ cũng ở mức trên 65.000 ca.
Ba quốc gia nói trên cùng Mexico ghi nhận số người tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: Mỹ (943 ca), Ấn Độ (875 ca), Mexico (794 ca) và Brazil (775 ca).
Tới nay, tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới là trên 728.000 ca. Trên 12,6 triệu người đã phục hồi.
Châu Mỹ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số ca mắc bệnh tại châu Mỹ đã vượt ngưỡng 10 triệu, chiếm hơn 50% tổng số ca bệnh toàn cầu. Kể từ ngày 9/7, mỗi ngày châu lục này đều ghi nhận trên 100.000 ca mắc và WHO gọi đây là “tâm dịch” mới của thế giới.
Dịch bệnh tiếp tục lây lan tại 20/50 bang ở Mỹ
Dịch COVID-19 đang tiếp tục lây lan tại 20/50 bang của Mỹ, trong đó bang California là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tiếp đến là bang Florida, Texas và New York.
Số liệu tổng hợp của hãng Reuters cho thấy, chỉ trong 9 ngày vừa qua, Mỹ có tới 10.000 ca tử vong.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại ở Mỹ trong bối cảnh còn nhiều bất đồng giữa giới chức và cả người dân nước này về nhiều vấn đề, trong đó có mở lại trường học.
Ngày 7/8, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thông báo hơn 700 học khu ở bang được phép mở cửa lại trường học vào học kỳ mùa thu này, nhưng cần tham khảo ý kiến của các giáo viên, học sinh và phụ huynh. Theo ông Cuomo, các học khu chính có thể lựa chọn hình thức học trực tuyến, học trên lớp hoặc kết hợp cả hai. Học sinh sẽ phải đeo khẩu trang khi đến trường. Các kế hoạch mở cửa trường học an toàn cần được cơ quan y tế bang New York thông qua.
Tại thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết số ngày lên lớp của học sinh sẽ bị giới hạn từ 1-3 ngày/ tuần. Thành phố New York có hệ thống trường công lớn nhất nước Mỹ, với 1.800 trường và 1,1 triệu học sinh.
Trong khi đó, một số bang khác như Florida và Iowa đang yêu cầu các trường học phải dạy đan xen một số buổi trên lớp, trong khi thống đốc các bang Nam Carolina và Missouri khuyến nghị tất cả trường học mở cửa bình thường trở lại
Cuba thắt chặt lại biện pháp phòng dịch ở La Habana
Chính phủ Cuba ngày 8/8 tuyên bố thắt chặt lại các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 tại thủ đô La Habana sau khi ghi nhận các ca nhiễm bệnh tăng cao trở lại trong gần một tuần vừa qua, chủ yếu tại địa phương này và tỉnh tiếp giáp Artemisa.
Bộ trưởng Y tế Jose Angel Portal cảnh báo người dân Cuba đang đối mặt với một đợt bùng phát dịch bệnh mới gây nguy hiểm cho toàn bộ người dân trên cả nước, đồng thời báo động đợt tái bùng phát dịch bệnh này có thể trở nên “không thể kiểm soát” nếu các biện pháp giới hạn không được thực thi nghiêm ngặt.
Quan chức y tế Cuba cho biết đa số các ca nhiễm mới ghi nhận trong những ngày qua đều ở La Habana và tỉnh phía Tây Artemisa, nơi các chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa trở lại các nhà hàng, quán bar, bể bơi, đình chỉ giao thông công cộng và cấm người dân ra tắm biển, cũng như áp dụng một số các biện pháp cách ly bắt buộc.
Theo thông cáo cùng ngày của Bộ Y tế Cuba, chỉ trong 8 ngày qua, nước này ghi nhận 255 ca mắc COVID-19, chiếm tới 90% tổng số ca ghi nhận trong tháng 7. Trong khi đó, số liệu cập nhật cho thấy trong 24 giờ qua, Cuba có thêm 59 bệnh nhân COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 2.888 trường hợp và 88 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại đảo quốc Caribe này.
Châu Á: Tình hình dịch xấu đi tại một số điểm nóng
Tính đến 8/8, tổng số ca bệnh COVID-19 tại Nhật Bản đã tăng lên 47.464 ca, thêm 1.565 ca so với một ngày trước đó.
Con số trên chưa bao gồm 712 ca mắc bệnh trên du thuyền Diamond Princess được cách ly ngoài khơi vịnh Yokohama, gần thủ đô Tokyo, từ những ngày đầu dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Nhật Bản là 1.055, trong đó có 13 ca từ du thuyền Diamond Princess. Hiện Nhật Bản còn khoảng 140 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng, phải dùng máy thở hoặc cần chăm sóc đặc biệt.
Ngày 8/8, thủ đô Tokyo, tâm dịch của Nhật Bản, ghi nhận 429 ca mắc, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới vượt mốc 400 ca. Hiện tổng số ca mắc bệnh tại thủ đô của Nhật Bản là 15.535 ca, cao nhất trong 47 tỉnh trên cả nước.
Khi số ca mắc bệnh tăng trên toàn quốc, Hiệp hội Các thống đốc Nhật Bản đã kêu gọi người dân cẩn trọng cân nhắc kế hoạch trở về quê nhà dịp Lễ hội Obon. Trong cuộc họp trực tuyến, các thống đốc cũng đề nghị chính quyền trung ương tăng trợ cấp cho các địa phương để thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tính tới 6 giờ sáng 9/8 (giờ Việt Nam), Ấn Độ ghi nhận 65.156 ca mắc và 875 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 2.152.020 ca và 43.453 ca. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp số ca mắc mới hằng ngày tại quốc gia Nam Á ở mức trên 50.000. Việc số ca mắc mới tăng mạnh trong những ngày gần đây chủ yếu là do quốc gia này đẩy mạnh công tác xét nghiệm. Tính đến ngày 7/8, quốc gia này thực hiện tổng cộng hơn 23,38 triệu xét nghiệm, riêng trong ngày 7/8 là gần 600.000 xét nghiệm.
Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại Bangladesh cũng đã vượt ngưỡng 255.000 lên mức 255.113 ca sau khi ghi nhận thêm 2.611 ca mắc mới trong ngày 8/8. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này cũng tăng lên 3.365 ca sau khi có thêm 32 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Tỷ lệ tử vong tại Bangladesh hiện là 1,32% trong khi tỷ lệ phục hồi là 57,47%./.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong ngày 7/8, Trung Quốc ghi nhận 31 ca mắc COVID-19, trong đó có 25 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 6 ca “nhập khẩu”. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng đều ở Tân Cương. Đặc khu hành chính Hong Kong thông báo 69 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại vùng này lên vượt ngưỡng 4.000. Trong số các ca mắc mới có 2 ca ngoại nhập và 67 ca lây nhiễm trong cộng đồng (30 ca không rõ nguồn gốc). Hiện Hong Kong có tổng cộng 47 ca tử vong, 1.068 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 45 ca nghiêm trọng và 51 ca nguy kịch.
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines hiện là quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất khu vực với tổng cộng 126.885 ca mắc bệnh, trong đó có 2.209 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận 4.226 ca mắc và 41 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tiếp đến là Indonesia, quốc gia này ghi nhận 2.277 ca mắc bệnh và 65 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh lên lần lượt là 123.503 và 5.658 ca. Dịch đã lan ra toàn bộ 34 tỉnh trên cả nước, trong đó thủ đô Jakarta trong 24 giờ qua ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước, 686 ca.
Malaysia thông báo thêm 7 ca mắc, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên mức 9.070 ca, trong đó có 125 ca tử vong. Trong 7 ca mắc mới thì có 6 ca là người từ nước ngoài đến Malaysia và 1 ca lây nhiễm trong nước.
Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 3 ca nhiễm mới, đều là các ca ngoại nhập, nâng tổng số người mắc bệnh tại nước này lên 246 người. Trong số các ca mắc bệnh tại Campuchia, 215 người đã được chữa khỏi và 31 trường hợp đang được điều trị trong bệnh viện.
Châu Âu
Pháp bắt buộc đeo khẩu trang ở thủ đô Paris
Khẩu trang sẽ là vật dụng bắt buộc tại các khu vực công cộng đông người từ ngày 10/8 ở thủ đô Paris và 4 tỉnh vệ tinh Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis, Val-de-Marne và Val d’Oise.
Trong thông cáo báo chí ngày 8/8, cảnh sát Paris nhấn mạnh rằng tất cả các chỉ số cho thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng trong vùng thủ đô, với gần 400 người được xác nhận mắc COVID-19 mỗi ngày. Tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt cao ở những người 20-30 tuổi.
Trong những ngày gần đây – thời gian cao điểm của kỳ nghỉ hè, khẩu trang đã trở thành bắt buộc ngày càng nhiều tại địa phương của Pháp, nhất là tại các thành phố du lịch nổi tiếng. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 2.288 ca mới mắc COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ cuối tháng 4 vừa qua.
Mới đây, Hội đồng khoa học của chính phủ về COVID-19 cũng cảnh báo Pháp có thể mất kiểm soát dịch bệnh “vào bất cứ lúc nào”.
Các nhà khoa học Pháp cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ 2 có thể quay trở lại nước này vào mùa thu hoặc mùa đông tới khi không có quy định giãn cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong kỳ nghỉ hè này. Họ yêu cầu giới chức Pháp lường trước tất cả mọi kịch bản và chuẩn bị kế hoạch ngăn ngừa dịch bệnh đối với những khu vực đô thị đông dân cư nhất, đồng thời cân nhắc biện pháp phong tỏa địa phương tùy theo tình hình dịch bênh.
Italy thử nghiệm lâm sàng vaccine vào cuối tháng 8
Trong bối cảnh các chuyên gia dự báo về nguy cơ bùng phát trở lại dịch bệnh, các nước đang chạy đua để tìm kiếm vaccine, biện pháp được cho là duy nhất để chấm dứt dịch bệnh COVID-19. Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Lazzaro Spallanzani ở thủ đô Rome của Italy sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine vào cuối tháng 8 tới.
Theo giới chức y tế Italy, đợt thử nghiệm này cần có 90 tình nguyện viên khỏe mạnh và không tham gia các thử nghiệm lâm sàng khác trong vòng 12 tháng qua, đặc biệt là những người ở độ tuổi từ 18-55 hoặc từ 65-85 tuổi. Việc thử nghiệm lâm sàng này được coi là giai đoạn 1 của quá trình nghiên cứu vaccine chống COVID-19, trong đó một loại vaccine tiềm năng được sử dụng cho một nhóm nhỏ người.
Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho rằng một loại vaccine phòng COVID-19 được thông qua có thể chỉ đạt hiệu quả 50-60%, điều này có nghĩa rằng các biện pháp y tế công cộng vẫn rất cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Đức bắt buộc xét nghiệm với người trở về từ các vùng nguy cơ
Bắt đầu từ ngày 8/8, Đức bắt buộc tiến hành xét nghiệm đối với những người trở về từ các nước hoặc vùng có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Trường hợp vi phạm có thể bị phạt tới 25.000 euro.
Theo quy định của giới chức Đức, những người đi nghỉ ở các quốc gia hoặc khu vực hiện nằm trong danh mục khoảng 130 nước và khu vực có rủi ro về COVID-19 theo phân loại của Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) cần tiến hành xét nghiệm ngay khi trở về. Địa điểm xét nghiệm là ngay tại sân bay, các nhà ga chính, trung tâm xe buýt hoặc các bến phà tại địa phương, và được xét nghiệm miễn phí trong vòng 3 ngày ngay tại các điểm đến hoặc sau đó tại các cơ sở ở địa phương.
Trong một số trường hợp, những người này có thể được xét nghiệm tại chính nơi họ đến thăm, song không quá 48 giờ trước khi về Đức và phải tự chi trả số tiền làm xét nghiệm ở nước ngoài. Trong vòng 72 giờ, tất cả các trường hợp trở về cần phải tiến hành xét nghiệm và gửi kết quả xét nghiệm cho giới chức y tế Đức. Những người có kết quả âm tính thì không cần cách ly trong khi các trường hợp dương tính cần tự cách ly 14 ngày.
Việc thực hiện quy định trên trong bối cảnh Đức đã 3 ngày liên tiếp ghi nhận có trên 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tính tới 6 giờ sáng 8/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm ở Đức là 216.878 người.
Châu Phi: Thiếu vật tư xét nghiệm khiến dịch lây lan khó lường
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố số liệu cho thấy số ca mắc COVID-19 tại châu Phi đã ở mức trên 1 triệu ca, trong đó có trên 22.000 ca tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng thiếu vật tư y tế để xét nghiệm COVID-19 ở châu Phi càng khiến dịch bệnh lây lan khó lường ở châu lục có 1,3 tỷ dân này.
Nam Phi là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, với trên 553.000 ca mắc – chiếm hơn 50% tổng số ca mắc ở khu vực. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Nam Phi hiện có số ca mắc COVID-19 cao thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nga.
Cũng theo Đại học Johns Hopkins, trong số 54 quốc gia châu Phi, các quốc gia khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 còn có Ai Cập, Nigeria, Ghana và Algeria.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Matshidiso Moeti, cho rằng số ca mắc COVID-19 ở khu vực này có thể cao hơn do nhiều người vẫn chưa được xét nghiệm. Quan chức này khẳng định WHO sẽ hỗ trợ các nước châu Phi thực hiện xét nghiệm, truy vết, cách ly và điều trị.