Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 383.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.900 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 39 triệu ca, trong đó trên 1,1 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 61.000 ca), Ấn Độ (60.365 ca) và Pháp (30.621 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua là Mỹ (840 ca), Ấn Độ (833 ca) và Brazil (681 ca).
Châu Âu tiếp tục là khu vực đáng lo ngại khi làn sóng dịch bệnh thứ hai hoành hành. Số ca mắc COVID-19 đang tăng vọt tại châu Âu gây ra “mối lo ngại lớn”, song tình hình vẫn khá hơn so với giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng 4 năm nay. Đây là nhận định của Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu – ông Hans Kluge đưa ra ngày 15/10.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Hans Kluge cho biết: “Diễn biến tình hình dịch bệnh tại châu Âu gây ra mối lo ngại lớn. Số ca mắc mới trong ngày tăng, số ca nhập viện cũng tăng lên”. COVID-19 hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 5 với số ca không qua khỏi lên tới trên 1.000 trường hợp /ngày.
Ngày 15/10, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo chính phủ nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chưa sẵn sàng cho cuộc chiến chống đợt lây nhiễm mới của dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch EC, ông Margaritis Schinas cho biết các nước EU hiện ở trong tâm thế chưa sẵn sàng trong khi diễn biến dịch bệnh đang có xu hướng quay trở lại mức độ hồi tháng 3 vừa qua. Ông Schinas hối thúc áp dụng một chiến lược chung để đối phó với giai đoạn mới của đại dịch, cũng như tránh “mâu thuẫn” khi triển khai các biện pháp quốc gia như trong những tháng đầu dịch bệnh xuất hiện tại châu lục.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã phải cách ly vì có tiếp xúc với một người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Châu Âu
Đức ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất
Viện dịch tễ của Đức Robert Koch (RKI) cho biết nước này ghi nhận 7.074 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất ghi nhận trong một ngày tại Đức kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát.
Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức tính đến nay là 348.816 ca, trong khi số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 39 ca lên tổng số 9.810 ca.
So với các nước khác ở châu Âu, cho đến nay tỷ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Đức tương đối thấp, Tuy nhiên, số ca nhiễm mới hằng ngày ở nước này đã tăng mạnh trong những tuần gần đây và Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo nếu chiều hướng dịch bệnh hiện nay vẫn tiếp diễn, số ca nhiễm mới hằng ngày tại Đức có thể lên tới 19.200.
Anh quyết định siết chặt biện pháp phòng dịch tại London
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo từ nửa đêm 16/10, chính phủ sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại thủ đô London và các vùng phụ cận để phòng dịch COVID-19.
Thông báo trước Quốc hội, ông Hancock cho biết thủ đô của nước Anh và các vùng phụ cận sẽ chuyển từ cấp độ 1 (nguy cơ) sang cấp độ 2 (nguy cơ cao) trong hệ thống cảnh báo 3 cấp độ mới của chính phủ. Theo đó, người dân tại các khu vực nguy cơ cao không được phép tụ tập trong không gian kín, ngoại trừ hoạt động bên trong các hộ gia đình. Các trường học và công sở vẫn tiếp tục hoạt động.
Bộ trưởng Hancock cho biết thêm thành phố Manchester đã đến mức chuyển từ mức nguy cơ cao sang rất cao. Tuy nhiên, đại diện Chính phủ đang thảo luận với các lãnh đạo địa phương, do đó, Chính phủ Anh chưa đưa ra quyết định về vấn đề này.
CH Séc chuẩn bị dựng bệnh viện dã chiến
Giới chức CH Séc cho biết nước này sắp dựng một số bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Trả lời hãng thông tấn CTK, Bộ Nội vụ Jan Hamacek nêu rõ từ ngày 17/10 tới, quân đội sẽ bắt đầu dựng bệnh viện dã chiến với 500 giường bệnh trên một bãi đất rộng ở thủ đô Praha. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng nhanh gây áp lực lớn lên các bệnh viện.
Quốc gia 10,7 triệu dân này có tốc độ lây nhiễm COVID-19 nhanh nhất tại châu Âu khi số ca mắc tăng gần gấp đôi chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay lên 139.290 ca.
Bộ Y tế Séc công bố thêm 5.559 ca mắc và 46 ca tử vong trong ngày 15/10.
Nga triển khai mã QR để khống chế dịch
Trong nỗ lực khống chế dịch bệnh COVID-19, chính quyền thủ đô Moskva (Nga) thông báo sẽ triển khai một hệ thống mã QR tại những địa điểm giải trí ban đêm từ ngày 19/10 tới.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin nêu rõ nhân viên và khách hàng tại các quán bar, hộp đêm hoạt động từ nửa đêm đến 6h sẽ phải đăng ký số điện thoại của họ để nhập và quét một mã QR. Việc đăng ký số điện thoại sẽ giúp cơ quan chức năng thông báo cho những người có nguy cơ mắc COVID-19, xác định ca mắc mới và nhanh chóng liên hệ với những người khác cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Nga ghi nhận tổng cộng 1.354.163 ca mắc và là nước có số ca mắc nhiều thứ 4 trên thế giới. Trong đó, tâm dịch Moskva của Nga có 347.946 ca mắc. Trong ngày 15/10, Nga ghi nhận số ca không qua khỏi trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 286 ca tử vong.
Pháp triển khai cảnh sát tăng cường thực thi lệnh giới nghiêm
Ngày 15/10, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết nước này sẽ triển khai 12.000 nhân viên cảnh sát nhằm tăng cường thực thi lệnh giới nghiêm ở nhiều thành phố lớn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/10.
Trước đó, ngày 14/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban hành lệnh giới nghiêm ở Paris, Toulouse, Marseille, Montpellier, Grenoble, Rouen, Lille, Lyon và Saint-Etienne nhằm ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ hai đang hoành hành tại nước này. Lệnh giới nghiêm sẽ ảnh hưởng tới khoảng 20 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số nước này. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt 135 euro.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cam kết hỗ trợ thêm 1 tỉ euro (1,17 tỉ USD) cho các doanh nghiệp hoạt động khó khăn do tác động của lệnh giới nghiêm này.
Theo Bộ trưởng Le Maire, các công ty hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng sẽ được miễn các chi phí xã hội nếu doanh thu của các công ty này giảm hơn 50% do tác động của lệnh giới nghiêm vốn ước tính gây thiệt hại khoảng 1 tỉ euro. Ông cũng cho biết đang yêu cầu các ngân hàng cho các công ty này hoãn trả lãi đối với các khoản cho vay được nhà nước bảo đảm.
Pháp ghi nhận tổng cộng 809.684 ca mắc COVID-19, trong đó có 33.125 ca tử vong.
Hà Lan yêu cầu Đức hỗ trợ trong đối phó với dịch bệnh
Hiệp hội Bệnh viện ở Hà Lan LNAZ cho biết sẽ yêu cầu các bệnh viện ở Đức tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của nước này sau khi số bệnh nhân phải nhập viện ở Hà Lan đã tăng gấp đôi trong tuần qua lên tới 1.526 người.
Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Hiệp hội trên cho biết sẽ lại yêu cầu các bệnh viện ở Đức tiếp nhận bệnh nhân từ Hà Lan. Trong thời gian diễn ra làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên, các bệnh viện ở Hà Lan đã chuyển một số bệnh nhân COVID-19 tới Đức.
Hà Lan đang áp đặt lệnh phong tỏa một phần sau khi trở thành một trong những “điểm nóng” dịch bệnh ở châu Âu do số ca nhiễm mới hầu như mỗi ngày đều tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 và tăng gấp đôi trong vòng 3 tuần qua. Tình hình này đã buộc các bệnh viện phải giảm hoạt động khám chữa bệnh thông thường trong khi một số phòng cấp cứu phải đóng cửa tạm thời để phục vụ bệnh nhân COVID-19.
Chính phủ Hà Lan đã đóng cửa toàn bộ các quán bar, nhà hàng trong ít nhất 4 tuần, bắt đầu từ tối 14/10, hạn chế số quy mô các cuộc tụ tập và yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang trong các không gian công cộng trong nhà.
Châu Á
Ấn Độ ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc chỉ trong 13 ngày
Với 60.365 ca nhiễm COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 7,36 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 112.144 ca tử vong.
Mặc dù số ca nhiễm mới tính theo ngày đã chậm lại, nhưng theo Bộ Y tế Ấn Độ, tốc độ lây nhiễm vẫn cao và nếu tính từ mốc 6 triệu đến mốc 7 triệu ca nhiễm được ghi nhận ngày 11/10 vừa qua có thể thấy rõ chỉ trong vòng 13 ngày quốc gia Nam Á này đã có thêm 1 triệu ca mắc COVID-19.
Sáng 15/10, nhà chức trách nước này thông báo cho phép các rạp chiếu phim, nhà hát được phép mở cửa trở lại sau gần 7 tháng đóng cửa chống dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên khán giả tới rạp xem phim phải đeo khẩu trang.
Indonesia trở thành điểm nóng COVID-19 lớn nhất ASEAN
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại một số nước Đông Nam Á đang phức tạp trở lại. Indonesia đã vượt Philippines trở thành quốc gia ghi nhận số ca mắc cao nhất khu vực.
Bộ Y tế Indonesia ngày 15/10 thông báo đã ghi nhận thêm 4.411 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 349.160 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 112 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 12.268 ca.
Myanmar có thêm 1.026 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 32.251 ca. Số ca tử vong tăng thêm 33 ca, nâng tổng số lên 765 ca.
Malaysia cũng ghi nhận 589 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 18.129 ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên 3 ca, hiện là 170 ca.
Hàn Quốc ghi nhận 110 ca mắc mới
Ủy ban Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh thông báo tính đến 0 giờ ngày 15/10, Hàn Quốc ghi nhận 110 ca mắc mới COVID-19 trong một ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 24.988 ca. Thêm một ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận tại Hàn Quốc, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Bắc Á này lên 439 ca.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông báo của Ủy ban trên cho biết trong 110 ca nhiễm mới nói trên có 95 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca nhập cảnh.
Xét theo khu vực, thủ đô Seoul ghi nhận 22 ca nhiễm mới, 11 ca ở tỉnh Gyeonggi, 6 ca ở thành phố Incheon. Ngoài ra ở Daejeon và Gangwon mỗi nơi ghi nhận 1 ca. Đặc biệt, ổ dịch mới ở cơ sở dưỡng lão tại thành phố miền Nam Busan đã ghi nhận thêm 54 ca lây nhiễm tập thể.
Trong số 15 ca bệnh nhập cảnh, 6 ca được xác nhận trong quá trình kiểm dịch tại sân bay hoặc cảng biển. 9 người còn lại có kết quả xét nghiệm dương tính khi đang tự cách ly.
Châu Mỹ
Gần 85.000 ca tử vong tại Mexico
Bộ Y tế Mexico thông báo có thêm 4.056 ca mắc và 478 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 829.396 ca và 84.898 ca.
Bộ trên cũng cho biết kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát cho tới nay đã có 127.053 nhân viên y tế tại Mexico mắc COVID-19, trong đó ít nhất 1.744 người đã tử vong.
Tổng thống Trump nâng đề xuất gói cứu trợ COVID-19 lên hơn 1.800 tỷ USD
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/10 cho biết ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nâng mức đề xuất gói cứu trợ chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên hơn 1.800 tỷ USD, tuy nhiên hiện vẫn chưa đạt thỏa thuận với đảng Dân chủ.
Theo ông Trump, ông sẽ đồng ý nâng mức đề xuất của đảng Cộng hòa lên cao hơn mức 1.800 tỷ USD mà Nhà Trắng đã nêu để đạt thỏa thuận với đảng Dân chủ, đồng thời bày tỏ hy vọng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ đồng ý chi mạnh hơn. Con số 1.800 tỷ USD đã cao hơn so với đề xuất 1.600 tỷ USD mà đảng Cộng hòa đưa ra trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức đề xuất 2.200 tỷ USD của đảng Dân chủ.
Trả lời phỏng vấn Fox Business Network, ông Trump cho biết có khả năng một gói cứu trợ chống dịch sẽ được thông qua trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11. Ông cũng cho biết sẽ giảm thuế thu nhập nếu đắc cử.
Châu Phi ở “thời điểm then chốt” trong chống dịch COVID-19
Ngày 15/10, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Matshidiso Moeti cảnh báo châu lục này đang đối mặt với “thời điểm then chốt” trong cuộc chiến chống COVID-19 khi các ca bệnh và tử vong gia tăng sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại được nới lỏng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), trong tháng qua, hàng tuần đã có sự gia tăng trung bình khoảng 7% số ca mắc COVID-19 và 8% số ca tử vong trên khắp lục địa này. Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Giám đốc Moeti cho rằng: “Châu lục này đã có xu hướng giảm trong đường cong dịch bệnh trong 3 tháng qua, song sự suy giảm này đã kết thúc”.
Theo CDC châu Phi, mặc dù ban đầu đã có nhiều lo ngại rằng đại dịch COVID-19 sẽ tàn phá khu vực này, song 55 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi (AU) cho đến nay đã ghi nhận khoảng 1,6 triệu trường hợp mắc COVID-19, chỉ chiếm 4,2% tổng số toàn cầu. Châu Phi cũng ghi nhận khoảng 39.000 ca tử vong, chiếm 3,6% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết, nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại trong thời gian dài, vốn là các biện pháp mà họ sẽ khó áp dụng lại để đối phó với sự tái bùng phát của dịch COVID-19. Ông Nkengasong cho rằng: “Chúng ta đang thấy những gì đang diễn ra ở châu Âu khi họ nới lỏng biện pháp phong tỏa, số lượng các trường hợp nhiễm mới đã tăng lên như thế nào và một số quốc gia đang xem xét đợt phong tỏa thứ hai… Chúng tôi không thể cho phép loại virus này làm xói mòn những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong vài tháng qua kể từ khi bắt đầu đại dịch”.
Châu Phi có trên 1,6 triệu ca bệnh, trong đó trên 39.000 ca tử vong.