Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 288.000 ca bệnh COVID-19 và trên 4.700 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 35 triệu ca, trong đó trên 1,03 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (75.479 ca), Mỹ (trên 46.000 ca) và Brazil (24.602 ca).
Đây cũng là ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: 937 ca ở Ấn Độ, 737 ca ở Mỹ và 556 ca ở Brazil.
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn ở nhiều nước, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga, bà Melita Vujnovich đã nêu một trong những nguyên nhân chính là người dân đã mệt mỏi với các qui định cách ly.
Bà Vujnovic lưu ý rằng virus hiện tác động nhiều hơn đến giới trẻ, vì chính họ thường bỏ qua các biện pháp phòng ngừa và cách ly. Đại diện WHO kêu gọi người dân hợp tác với các cơ quan chức năng để tránh tình trạng đóng cửa quy mô lớn, điều mà theo bà, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý con người.
Châu Mỹ
Ông Joe Biden kêu gọi đeo khẩu trang phòng COVID-19
Cựu Phó Tổng thống Mỹ, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden đã kêu gọi người dân Mỹ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Phát biểu tại Michigan, ông Biden khẳng định: “Đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là một sự cảnh báo mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta rằng phải nghiêm túc về SARS-CoV-2. Virus sẽ không tự động biến mất”. Ông kêu gọi mọi người thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đảm bảo giãn cách xã hội.
Ông Biden đưa ra lời kêu gọi trên sau khi Tổng thống Donald Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Trump đã có các triệu chứng nhẹ của bệnh COVID-19, đã được đưa vào một bệnh viện quân y ở gần Washington và được điều trị bằng thuốc kháng thể. Ngày 2/10, ông đã đeo khẩu trang và tự đi bộ từ Nhà Trắng lên máy bay Marine One để đến bệnh viện.
Trong một thông điệp bằng hình ảnh lần đầu tiên kể từ khi mắc bệnh, ngày 2/10, ông Trump cho biết: “Tôi nghĩ là tôi đang rất khỏe”. Ông cũng cho biết thêm rằng Đệ nhất Phu nhân “rất khỏe mạnh”.
Việc Tổng thống Trump mắc COVID-19 làm dấy lên một số lo ngại về tình trạng của những người đã tiếp xúc với nhà lãnh đạo Mỹ trong những ngày gần đây. Đến nay, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna Romney McDaniel; thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ – Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Mike Lee đã mắc COVID-19. Bên cạnh đó, một trong những trợ lý hàng đầu của tổng thống, bà Hope Hicks, và cựu cố vấn của Tổng thống, bà Kellyanne Conway đã có kết quả dương tính. Bà Conway là trường hợp mới nhất được thông báo nhiễm virus trong số những người thân cận với Tổng thống Trump. Bà đã tham dự các sự kiện ở Nhà Trắng, trong đó có sự kiện ông Trump thông báo bổ nhiệm Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao ngày 26/9.
Nhóm Lincoln Project kêu gọi những người gần đây đã tiếp xúc với ông chủ Nhà Trắng nên kiểm tra COVID-19 và thực hiện cách ly thích hợp.
Canada nới lỏng quy định nhập cảnh đối với người nước ngoài
Bộ trưởng Di trú Canada Marco Mendicino thông báo các lệnh hạn chế của nước này sẽ được nới lỏng để cho phép sinh viên nước ngoài cũng như những người nước ngoài có người yêu là công dân Canada được phép nhập cảnh.
Theo Bộ trưởng Mendicino, lệnh cấm đối với các mục đích nhập cảnh không thiết yếu sẽ được gia hạn trong tuần này cho đến cuối tháng 10, trong bối cảnh số ca mắc bệnh COVID-19 tại Canada vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, chính phủ nước này luôn tìm cách tạo điều kiện cho các cuộc đoàn tụ giữa những người thân.
Ngoài ra, Chính phủ Canada cũng sẽ cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh vì lý do nhân đạo. Sinh viên nước ngoài được chấp nhận vào học tại các trường đại học của Canada cũng sẽ được nhập cảnh từ ngày 20/10. Những trường hợp xin nhập cảnh Canada sẽ phải nộp đơn và chờ phê duyệt để cấp giấy phép, đồng thời sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày khi đến Canada.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng An ninh Công cộng Bill Blair cho rằng việc đóng cửa biên giới Canada – Mỹ đối với những mục đích qua lại không thiết yếu có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng do số các ca nhiễm mới tăng đột biến ở cả hai nước. Thỏa thuận về hạn chế đi lại qua biên giới giữa Ottawa và Washington lần đầu tiên được áp dụng vào tháng 3 vừa qua và sẽ hết hạn vào ngày 21/10 tới. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Blair, lệnh hạn chế này cần được duy trì cho đến khi tình hình dịch COVID-19 ở cả Mỹ và Canada có “thay đổi lớn và bền vững”.
Cảnh báo về làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Colombia
Thị trưởng Bogota – bà Claudia Lopez – cảnh báo làn sóng COVID-19 thứ hai có thể xảy ra tại thủ đô của Colombia trong tháng 11 hoặc tháng 12.
Colombia đã phong tỏa đất nước trong hơn 5 tháng, kể từ tháng 3 vừa qua. Hiện chính phủ nước này thực hiện biện pháp cách ly “có chọn lọc” cho tới cuối tháng 10. Từ đầu tháng trước, người dân cũng đã có thể tới dùng bữa tại các nhà hàng và thực hiện các chuyến bay quốc tế.
Theo đánh giá của bà Lopez, đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2 sẽ ít nghiêm trọng hơn so với trước đó, do người dân đã thích nghi tốt hơn với các biện pháp như bắt buộc sử dụng khẩu trang, tuân thủ giãn các xã hội và rửa tay thường xuyên, trong khi công tác truy vết tiếp xúc và cách ly những người mắc bệnh cũng được triển khai nhuần nhuyễn hơn.
Các mô hình dịch tễ học cũng dự báo rằng Colombia sẽ có đợt bùng phát dịch thứ ba vào cuối quý I năm 2021. Nước này đã ghi nhận 848.147 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 26.556 trường hợp tử vong. Tại thủ đô Bogota, đã có 62,7% số phòng chăm sóc đặc biệt đã được đưa vào sử dụng để điều trị các bệnh nhân COVID-19. Trước đó, trong tháng 7, tỷ lệ này đã vượt quá mức 90%. Theo Viện Y tế quốc gia Colombia, thủ đô Bogota “đóng góp” tới 1/3 số ca mắc COVID-19 trên cả nước.
Argentina tăng cường tầm soát trên cả nước
Chính phủ Argentina cảnh báo số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 đang tăng liên tục tại quốc gia này vì vậy chính phủ sẽ tăng cường tiến hành xét nghiệm tầm soát COVID-19 tại một số khu vực trong cả nước.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Carla Vizzotti cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng liên tục trong số ca mắc và số ca tử vong. Vì lý do này, chúng tôi sẽ tiến hành giai đoạn thứ hai với việc khởi động chương trình Tầm soát Liên bang… để tăng cường phát hiện các trường hợp bệnh và cùng các đội y tế được phân bổ trên khắp đất nước để quản lý các trường hợp đã được xác nhận nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch”.
Trong Chương trình Tầm soát Liên bang, Chính phủ Argentina sẽ cử các đội y tế đến nhiều vùng khác nhau của đất nước, phân phối 800.000 xét nghiệm kháng nguyên và giải ngân 10 tỷ peso để cải thiện cơ sở hạ tầng y tế.
Châu Á
Số ca tử vong tại Ấn Độ vượt 100.000 người
Theo báo cáo của Bộ Y tế Ấn Độ, số ca tử vong tại nước này do COVID-19 đã vượt quá 100.000 người trong ngày 3/10.
Cụ thể, đã có tổng cộng 101.812 người tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này không qua khỏi “lưỡi hái tử thần” COVID-19. Ấn Độ có trên 6,5 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Hiện Ấn Độ là quốc gia có số người tử vong do COVID-19 cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil.
ASEAN ghi nhận trên 709.000 ca
Trong ngày 3/10, 5 quốc gia ASEAN ghi nhận 7.012 ca mắc COVID-19 và 146 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 709.000 ca, trong đó 17.347 người tử vong.
Đứng đầu ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 3/10 vẫn là Indonesia. Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 4.007 ca nhiễm COVID-19 và 83 ca tử vong trong ngày 3/10, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong lên lần lượt là 299.506 ca và 11.055 ca.
Đứng thứ hai về số ca mắc trong ngày 3/10 là Philippines với 2.674 ca, mức tăng theo ngày cao nhất trong 5 ngày qua, và 62 ca tử vong. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã tăng lên 319.330 ca, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, trong đó 5.678 ca tử vong (1/3 trong số này được ghi nhận trong vòng 30 ngày qua).
Trong khi đó, tại Malaysia, hãng thông tấn Bernama cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia đã phải tiến hành phiên họp đặc biệt sau khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay. Theo thống kê, trong ngày 3/10 Malaysia đã ghi nhận 317 ca mắc COVID-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Malaysia là 12.088 người, trong đó phần lớn đã khỏi bệnh, 137 ca tử vong và cả nước chỉ còn 1.540 ca đang điều trị.
Cũng trong ngày 3/10, Singapore thông báo lần đầu tiên nước này chỉ có số ca nhiễm mới ở mức một con số, với 6 trường hợp được ghi nhận, trong đó 4 ca nhập cảnh. Trong những tháng gần đây, số ca nhiễm mới tại Singapore đã giảm mạnh sau khi nước này kiểm soát được các ổ dịch bùng phát tại các khu tập thể của lao động nhập cư.
Châu Âu
Nga: Bệnh nhân Moskva được phát thuốc đặc trị miễn phí
Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin, cho biết các bệnh nhân mắc COVID-19 ở thủ đô sẽ được cấp miễn phí loại thuốc đặc trị COVID-19 mới.
Theo ông Sobyanin, các bác sĩ thủ đô đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong điều trị thành công bệnh nhân COVID-19 tại nhà và Nga cũng đã có thuốc mới đặc trị COVID-19 được đăng ký lưu hành. Vì thế, từ tháng này, thủ đô Moskva có kế hoạch mở rộng chương trình cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân mắc COVID-19. Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Nga, các bệnh nhân ngoại trú sẽ được cấp hai loại thuốc chống virus mới là Areplivir và Coronavir.
Trong một diễn biến khác, Moskva sẽ phạt nặng các doanh nghiệp không cho 1/3 số nhân viên làm việc từ xa. Trước đó, Thị trưởng Sobyanin đã yêu cầu các chủ lao động ở thành phố chuyển ít nhất 30% nhân viên và tất cả các nhân viên trên 65 tuổi hoặc những người mắc bệnh mãn tính sang làm việc từ xa kể từ ngày 5/10, ngoại trừ những người đóng vai trò thiết yếu đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Tính đến sáng 4/10, Nga đã ghi nhận 9.859 ca nhiễm mới tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ ngày 15/5, khi dịch bệnh đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Thủ đô Moskva vẫn là nơi có số ca nhiễm mới cao nhất, với 2.884 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 tại LB Nga tính đến sáng 4/10 là 1.204.502 ca. Tổng số ca tử vong là 21.251 người, sau khi ghi nhận thêm 174 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Ukraine và Ba Lan có số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày
Ukraine ghi nhận 4.661 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 222.322 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất tại Ukraine. Trong khi đó, số ca tử vong trong 24 giờ qua là 92 người, nâng tổng số ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát lên 4.353 người.
Tại Ba Lan, Bộ Y tế nước này cho biết cả nước đã có 2.367 ca nhiễm mới trong ngày 3/10, nâng tổng số ca nhiễm đến nay lên 98.140 người. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Ba Lan có số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao. Trong khi đó, số ca tử vong hiện là 2.604 người.