Diễn biến COVID-19 tới 6h ngày 9/10: Thế giới tới nay đã vượt 36,7 triệu ca, trong đó trên 1,06 triệu ca tử vong

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 332.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 36,7 triệu ca, trong đó trên 1,06 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (70.818 ca), Mỹ (trên 49.000 ca) và Brazil (26.087 ca). 

Đây cũng là ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: 1.000 ca ở Ấn Độ, 828 ca ở Mỹ và 653 ca ở Brazil. 

Châu Mỹ

Tổng thống Donald Trump trở lại Phòng Bầu dục

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump trên ban công Nhà Trắng sau khi trở về từ Viện Quân y Walter Reed, nơi ông được điều trị COVID-19 ngày 5/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau 6 ngày có kết quả dương tính với COVID-19, Tổng thống Trump đã trở lại Phòng Bầu dục ngày 7/10.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Brian Morgenstern, Tổng thống Trump đã nghe báo cáo vắn tắn về các cuộc đàm phán gói kích thích kinh tế và tình hình cơn bão Delta đang hướng về bờ biển Vịnh Mexico. Sau đó, Tổng thống Trump đã đăng tải trên Twitter cho biết ông đã thảo luận với thống đốc các bang Texas và Louisiana về tình hình bão.

Đây là lần đầu tiên ông Trump xuất hiện tại Phòng Bầu dục kể từ khi trở lại Nhà Trắng ngày 5/10 sau 3 ngày nhập viện sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS CoV-2 gây bệnh COVID-19 tuần trước.   

Bác sĩ của Nhà Trắng – ông Sean Conley ngày 7/10 thông báo tình hình sức khỏe của Tổng thống Trump cho biết ông Trump không còn triệu chứng của COVID-19 trong 24 giờ qua và không bị sốt trong hơn 4 ngày.

Brazil vượt 5 triệu ca bệnh

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Brazil đã vượt quá 5 triệu người, số ca tử vong cũng đang tăng gần lên mức 150.000 ca. Hiện Brazil đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) về số ca tử vong do COVID-19

Theo Bộ Y tế Brazil, dù số ca nhiễm mới theo ngày tại Brazil đã giảm kể từ thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 7 vừa qua, các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo rằng nước này đang không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội và có nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai khi trở lại cuộc sống bình thường quá nhanh. 

Nhà dịch tễ học Roberto Medronho thuộc Đại học Liên bang Rio de Janeiro cảnh báo rằng số ca nhiễm mới có thể tăng cao hơn nữa nếu việc xét nghiệm được tiến hành rộng rãi hơn. Đặc biệt, qua mùa Đông tới, thời tiết nóng lên, người dân Brazil sẽ đổ về các bãi biển, quán bar và nhà hàng mà không thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Argentina ghi nhận số ca nhiễm mới cao

Bộ Y tế Argentina cho biết nước này đã ghi nhận 15.454 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước Nam Mỹ này lên 856.369 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thuộc hàng cao tại Argentina. Số ca tử vong đã tăng thêm 484 ca lên 22.710 ca. Buenos Aires, tỉnh lớn nhất tại Argentina, đã ghi nhận tổng cộng 451.286 ca nhiễm và là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất tại quốc gia Nam Mỹ này. 

Số ca mắc mới ở Canada tăng vọt

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở British Columbia, Canada ngày 24/9. Ảnh: THX/TTXVN

Tại khu vực Bắc Mỹ, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã tăng vọt lên 2.052 ca/ngày trong 7 ngày qua. Con số trên cao gấp gần 10 lần so với ngày có ít ca nhiễm nhất ở Canada trong tháng 7.

Cũng theo bà Tam, số ca nhiễm mới tuần trước ở Canada đã tăng tới 40% so với tuần trước đó. Phần lớn số ca nhiễm mới là ở Quebec và Ontario – hai tỉnh bang hiện đang chiếm khoảng 80% số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc. Đáng chú ý, số người phải nhập viện để điều trị tiếp tục tăng ở hai tỉnh đông dân nhất Canada này. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan đã xuất hiện khi số ca nhiễm mới tại Quebec đã giảm từ mức trên 1.000 ca/ngày trong 5 ngày liên tiếp xuống 900 ca. Theo bà Tam, sự gia tăng về số lượng và chủng loại các dụng cụ xét nghiệm là một nhân tố tích cực, cho phép các cơ quan y tế xác định và nhanh chóng cách ly các ca nhiễm mới.

Thành phố Montreal đang phải xử lý 130 ổ dịch kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát. Chính quyền thành phố đang lo ngại xu hướng gia tăng các ca nhiễm trong nhóm người từ 65 tuổi trở lên. Bà Mylène Drouin, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng của thành phố cho biết mặc dù các ổ dịch phần lớn có quy mô nhỏ nhưng cũng cho thấy tình trạng lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. Theo bà Drouin, có tới 336 trường học ghi nhận ít nhất 1 ca mắc COVID-19. 

Montreal – một trong những địa điểm áp dụng cảnh báo đỏ tại tỉnh bang Quebec – hiện trung bình có khoảng 300 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Tới sáng 9/10, Canada đã ghi nhận tổng cộng 175.449 ca nhiễm và 9.556 ca tử vong do COVID-19.

Châu Âu

Nhiều nước có số ca mắc tăng vọt

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Zagreb, Croatia ngày 30/9. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức y tế Croatia cho biết nước này ghi nhận 542 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca mắc lên 18.989 ca, trong đó 310 ca tử vong.

Ngày 8/10, Nga thông báo 11.493 ca mắc mới COVID-19, gần bằng số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất ghi nhận vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 5 vừa qua (với 11.656 ca vào ngày 11/5), nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.260.112 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 17/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Nga cũng cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận 191 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 22.056 ca. 

Cùng ngày 8/10, Ba Lan ghi nhận 4.280 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất theo ngày từ trước đến nay tại nước này, và 76 ca tử vong. 

Tại Slovakia, Thủ tướng nước này Igor Matovic thông báo số ca mắc mới theo ngày đã tăng lên 1.037 ca, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Matovic kêu gọi người dân hết sức thận trọng. Chính phủ Slovakia đã triển khai các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời áp đặt tình trạng khẩn cấp từ ngày 1/10.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine ngày 30/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov ngày 8/10 cảnh báo hệ thống y tế nước này có thể sụp đổ trước sự tăng vọt của các ca nhiễm mới và số người nhập viện do dịch COVID-19. Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Stepanov cho biết Ukraine ghi nhận 5.397 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca nhiễm lên 244.734 ca. Số ca tử vong cũng tăng 93 ca, nâng tổng số người chết do COVID-19 tại Ukraine lên 4.690 ca. 

Số ca mắc mới tại Ukraine tăng đột biến vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 với mức trên 4.000 ca mỗi ngày khiến chính phủ phải gia hạn các biện pháp hạn chế đến cuối tháng này. Ukraine đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 3 nhưng đã nới lỏng vào tháng 5. Bộ trưởng Stepanov cho biết chính phủ sẽ xem xét các biện pháp nhằm cùng lúc bảo vệ nền kinh tế và người dân.

Bộ Y tế Bulgaria ngày 8/10 cũng ghi nhận mức tăng theo ngày cao nhất với 437 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 22.743 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tại Bulgaria cũng tăng lên 873 ca sau khi có thêm 11 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Hiện tổng số bệnh nhân đã được chữa khỏi tại Bulgaria là 15.448 người. Bulgaria ghi nhận trường hợp COVID-19 đầu tiên vào ngày 8/3. 

Tại Áo, số ca nhiễm mới theo ngày ghi nhận ngày 8/10 đã vượt qua mức cao nhất được thông báo hồi tháng 3, thời điểm đỉnh dịch trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Theo báo Kronen Zeitung, số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua tại Áo là hơn 1.200 ca, vượt mức 1.050 ca ghi nhận ngày 26/3.

Anh cân nhắc áp đặt bổ sung các biện pháp hạn chế

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 lên xe cứu thương tại London, Anh ngày 20/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Anh đang cân nhắc áp đặt bổ sung các biện pháp hạn chế đối với các khu vực ở phía Bắc England khi làn sóng thứ hai của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng tại đây. 

Phát biểu ngày 8/10, Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick cho biết virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh chóng, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và ở một số thành phố khác như Nottingham. Trước thực tế đáng lo ngại này, Chính phủ Anh đang xem xét để đưa ra các biện pháp phù hợp và nhất quán hơn đối với các khu vực này. 

Hiện Anh ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày ở mức khoảng 14.000 ca/ngày và hàng triệu người đang sống với các quy định phòng dịch khác nhau. 

Italy siết chặt kiểm dịch đối với du khách nước ngoài   

Chú thích ảnh
Học sinh tham gia khóa học tại một trường học ở Milan, Italy ngày 7/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Italy, ông Roberto Speranza cho biết nước này sẽ quy định bắt buộc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với những người nhập cảnh từ Anh, Hà Lan, Bỉ và CH Séc, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về tình trạng gia tăng các ca mắc mới COVID-19 trên toàn châu Âu.  

Trên trang Facebook, Bộ trưởng Speranza viết: “Số ca nhiễm ngày càng tăng trên toàn châu Âu, ở Italy cũng vậy. Tôi đã ký lệnh quy định những người đến từ Anh, Hà Lan, Bỉ và Cộng hòa Séc bắt buộc phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2”.

Đức cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại Berlin, Đức ngày 4/8 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Đức đã cảnh báo về nguy cơ dịch COVID-19 lây lan không thể kiểm soát vào mùa Thu và mùa Đông trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày gia tăng một cách đáng lo ngại.

Phát biểu trong cuộc họp báo sáng 8/10 ở Berlin, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nhấn mạnh số ca nhiễm mới đang gia tăng trở lại, trong đó số người trẻ tuổi bị nhiễm cao, tuy nhiên số ca tử vong và các ca được chăm sóc đặc biệt vẫn ở mức thấp. Theo số liệu cập nhật sáng cùng ngày của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm mới ở Đức đã tăng trên 4.000 ca, mức tăng cao nhất theo ngày kể từ giữa tháng 4.

 

Châu Á

 

Làn sóng lây nhiễm tại Ấn Độ đang dịu bớt 

Chú thích ảnh
Người thân bọc thi thể bệnh nhân COVID-19 trước khi chôn cất tại một nghĩa trang ở New Delhi, Ấn Độ ngày 10/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết nước này đã ghi nhận thêm 70.818 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 106.554 trường hợp tử vong, tăng 1.000 ca so với một ngày trước.  

Theo giới chuyên gia, căn cứ vào diễn biến số ca dương tính và phục hồi trong thời gian qua, làn sóng lây nhiễm tại Ấn Độ dường như đang có xu hướng dịu bớt. Số ca nhiễm theo ngày (tính trung bình của giai đoạn 7 ngày) tại Ấn Độ đạt 93.617 ca vào ngày 16/9, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong 3 tuần kể từ đó, số ca nhiễm theo ngày đã giảm xuống, vào ngày 7/10 là 74.623 ca và ngày 8/10 là 78.524 ca. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo trong bối cảnh mùa lễ hội tại Ấn Độ sắp đến gần, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ có thể tăng cao trở lại.

Dự kiến, trong ngày 8/10, Thủ tướng Narendra Modi sẽ phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm vận động người dân có những hành vi phù hợp với các quy định về phòng chống COVID-19 trước thềm mùa lễ hội và trong bối cảnh Ấn Độ đang tiếp tục mở cửa trở lại nền kinh tế.

Số ca mắc mới tại Hàn Quốc giảm trở lại mức 2 con số

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 8/10, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm trở lại mức dưới 100 ca. Tuy nhiên, giới chức y tế vẫn lo ngại nguy cơ gia tăng các ca mắc mới sau kỳ nghỉ lễ Trung Thu kéo dài vừa qua. 

Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) cho thấy, ngày 8/10 Hàn Quốc ghi nhận thêm 69 ca mắc mới COVID-19 (bao gồm 60 ca lây nhiễm trong nước), nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 24.422 ca. Số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở Hàn Quốc ở mức dưới 100 ca trong 6 ngày liên tiếp kể từ ngày 2/10 vừa qua, song đã tăng trở lại mức 3 con số vào ngày 7/10, với 114 ca. Theo KCDA, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 427 ca. Tỷ lệ tử vong hiện là 1,75%.  

Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo số ca mắc COVID-19 tại nước này có nguy cơ gia tăng sau kỳ nghỉ lễ Trung Thu kéo dài từ ngày 30/9 đến ngày 4/10 vừa qua. Sau kỳ nghỉ này, người dân Hàn Quốc chuẩn bị có thêm kỳ nghỉ Lễ Hangul – ngày kỷ niệm bảng chữ cái Hàn Quốc ra đời (từ ngày 9-11/10).

Trước đó, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã quy định một “giai đoạn đặc biệt” kéo dài hai tuần, từ ngày 30/9-11/10, để hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Trung Quốc tiếp tục không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng

Chú thích ảnh
Người dân tham quan Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 1/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày 8/10, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19 trong ngày 7/10, toàn bộ đều là ca nhập cảnh, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng hay ca tử vong mới nào.

Theo NHC, trong số các ca nhập cảnh mới có 5 ca ở  thành phố Thượng Hải, 3 ca ở Tứ Xuyên, trong khi các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến và Sơn Tây mỗi nơi ghi nhận 1 ca.

Như vậy, tính đến hết ngày 7/10, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong, 80.666 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi khỏi bệnh.

Australia

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Picton, Australia, ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất của nước này ngày 8/10 đã ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng cao nhất theo ngày kể từ ngày 2/9 vừa qua với 17 ca nhiễm mới. Các ca nhiễm mới này có nguy cơ gây trì hoãn việc mở cửa lại ranh giới giữa NSW và Queensland.

Tuần trước, Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk tuyên bố sẽ mở lại ranh giới với bang NSW vào ngày 1/11, nhưng chỉ khi nào bang này qua 28 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới mà chính quyền không thể truy vết.

Trong khi đó, bang Victoria, tâm dịch trong làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Australia, ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Australia đã ghi nhận tổng cộng hơn 27.000 ca nhiễm mới và hơn 900 ca tử vong do COVID-19.

Thùy Dương/Báo Tin tức