Tình Hình COVID-19 tới sáng 8/5 Thế giới có trên 3,8 triệu ca bệnh, trên 264.000 người tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, dịch COVID-19 trong 24 giờ qua đã khiến 84.734 người mắc bệnh và 5.870 người chết trên toàn thế giới

Trong đó, tổng số ca mắc mới ở 3 nước Mỹ, Nga và Brazil đã là gần 39.000 người.

Tính tới 6 giờ sáng 7/5 (giờ Việt Nam), 3 nước ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất là: Mỹ với 18.957 ca, Nga với 10.559 ca và Brazil với 9.094 ca.

Mỹ vẫn là nước có nhiều ca tử vong vì COVID-19 nhất trong 24 giờ qua với 1.805 ca. Tiếp đó là Anh với 649 ca. Các nước còn lại đều ghi nhận dưới 500 ca tử vong.

Tới nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vùng Washington trở thành điểm nóng mới tại Mỹ

 m
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Washington D.C., Mỹ ngày 30/4. 

Mặc dù đã có hơn một tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội, song vùng Washington vẫn trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 tại Mỹ, trong đó những người Mỹ gốc Latinh hoặc gốc Phi là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo số liệu thống kê, Washington và các bang láng giềng như Maryland và Virginia đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vượt quá 50.000 ca và khoảng 2.300 ca tử vong.

Trước đó, đầu tháng 4 vừa qua, Thống đốc bang Maryland Larry Hogan từng dự báo rằng vùng thủ đô sẽ là điểm nóng dịch bệnh tiếp theo, chậm hơn khoảng 2 tuần sau New York. Mặc dù các biện pháp đóng cửa toàn bộ trường học và những doanh nghiệp không thiết yếu cùng lệnh phong tỏa được áp đặt từ cuối tháng 3, nhưng số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong tiếp tục gia tăng tại khu vực này.        

Người đứng đầu dịch vụ y tế công tại hạt Montgomery thuộc bang Maryland giáp với Washington, ông Travis Gayles cho biết: “Chúng tôi đang nằm trong một khu vực có mật độ dân số rất đông. Trong khi đó, chúng tôi vẫn duy trì một số lượng lớn công nhân cần thiết để làm việc và đây là những đối tượng dễ bị lây nhiễm”. Rất nhiều trong số những công nhân ở đây là cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha hoặc gốc Phi và tỷ lệ lây nhiễm cũng như tử vong trong nhóm đối tượng này cao hơn hẳn so với những người da trắng”.

Dù dịch bệnh chưa thuyên giảm ở Mỹ nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, sẽ sớm giải tán nhóm đặc nhiệm chống dịch COVID-19 trong bối cảnh nước này đang hướng đến giai đoạn 2, tập trung vào các biện pháp sau dịch. Kế hoạch trên đã được Tổng thống Trump xác nhận sau khi Phó Tổng thống Mike Pence, người đứng đầu nhóm đặc nhiệm, cho biết Nhà Trắng có thể bắt đầu chuyển giao nhiệm vụ điều phối phản ứng chống dịch của Mỹ sang các cơ quan liên bang vào cuối tháng 5.

Phát biểu trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Arizona, Tổng thống Trump cho biết nhóm đặc nhiệm đã làm việc tốt, nhưng giờ đây cần phải có hình thức khác, an toàn và mở. Có thể một nhóm khác sẽ được thành lập. Ông cũng khẳng định cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Ngoài ra, các chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh truyền nhiễm là Anthony Fauci và Deborah Birx vẫn sẽ duy trì vai trò cố vấn sau khi nhóm đặc nhiệm được giải tán.

Trước đó cùng ngày, Phó Tổng thống Pence cho biết, Tổng thống Trump dự định sẽ chuyển giao quyền quản lý nỗ lực ứng phó dịch COVID-19 vào ngày 25/5 tới.

Nga có trên 10.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp

 ng
 Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Moskva, Nga ngày 2/5/2020.

Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết có khoảng 40% số bệnh nhân mới không có biểu hiện lâm sàng.

Cũng trong vòng 24 giờ qua, Nga đã có 86 ca tử vong, đưa tổng số người tử vong lên 1.537 trường hợp.

Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có đông người nhiễm COVID-19 nhất với 5.858 trường hợp mới, đưa tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thủ đô lên 85.973 người.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/5 cho biết, nước này không nên vội vàng dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19; đồng thời cảnh báo rằng bất cứ hành động vội vàng nào trong việc dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa đều có thể phá hỏng nỗ lực của Moskva cho đến thời điểm này.

Tổng thống Putin cho rằng các thị trưởng sẽ có trách nhiệm quyết định cách thức thực hiện trong các khu vực mà họ quản lý.

Số ca tử vong tại Tây Ban Nha tăng trở lại

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 6/5 thông báo số ca tử vong do mắc COVID-19 trong ngày ở nước này đã tăng trở lại. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha đã ghi nhận 244 ca tử vong, tăng so với mức dưới 200 ca ghi nhận mỗi ngày trong 3 ngày trước.

Tính tới 6 giờ sáng 7/5, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 253.682 người mắc bệnh, trong đó có 25.857 trường hợp tử vong.

Nhờ sự ủng hộ của các đảng đối lập trong đó có đảng trung hữu Ciudadanos và đảng Dân tộc xứ Basque trong ngày 6/5, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez có thể hội đủ số phiếu cần thiết trong quốc hội để thông qua kế hoạch gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp thêm hai tuần.

Lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ hết hạn vào ngày 9/5, cho phép chính phủ kiểm soát việc đi lại của người dân nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Thủ tướng Sanchez khẳng định việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sẽ là một sai lầm không thể tha thứ và nhờ sắc lệnh khẩn cấp, chính phủ đã hỗ trợ hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi các biện pháp phong tỏa. 

Ba quốc gia vùng Baltic tuyên bố mở cửa lại biên giới

Lãnh đạo các nước Latvia, Lítva và Estonia tuyên bố sẽ mở cửa biên giới cho công dân các nước này đi lại. Đây là khu vực đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) mở cửa biên giới để người dân có thể đi lại.

Phát biểu trên trang mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Litsva Saulius Skvernlis nhấn mạnh lãnh đạo ba nước đều nhất trí cho rằng các nước vùng Baltic đã khống chế dịch COVID-19 và đều tin tưởng vào hệ thống y tế của nhau. Do đó, từ ngày 15/5 tới, ba nước trên sẽ dở bỏ mọi hạn chế đi lại đối với công dân. Tuy nhiên, những người từ các nước khác đến ba nước vùng Baltic sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày.

Ủy ban châu Âu (EC) khuyến cáo cần có sự phối hợp trong việc dỡ bở việc kiểm soát biên giới nội địa giữa tất cả quốc gia thành viên. Latvia, Lítva và Estonia – ba đối tác thương mại chính của nhau, cũng đang tiến hành các bước đi thận trọng nhằm mở cửa lại nền kinh tế sau các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch.

Ba quốc gia vùng Baltic đã trở thành thành viên của EU từ năm 2004 và thuộc khu vực tự do đi lại Schengen kể từ năm 2007. Estonia và Lítva đã đóng cửa biên giới đối với những người không phải công dân nước mình trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Bên cạnh đó, cả ba nước đều yêu cầu những người nhập cảnh không vì lý do công việc phải cách ly bắt buộc.

Kể từ khi bùng phát dịch bệnh, Lítva ghi nhận 48 người tử vong, trong khi số ca tử vong tại Latvia và Estonia lần lượt là 17 ca và 55 ca. Số ca COVID-19 mới tại ba nước trên đã giảm dần trong thời gian gần đây.

Nhiều bang ở Đức nới lỏng biện pháp hạn chế

 d
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Jena, Đức ngày 6/4/2020. 

Tính tới 6 giờ sáng 7/5, tổng số ca nhiễm virus và tử vong ở Đức lần lượt là 168.162 ca và 7.275 ca.

Nhiều bang của Đức đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế được ban bố nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Trên thực tế, các biện pháp này đã tỏ ra khá hiệu quả khi số ca nhiễm mới tại Đức trong tuần trước giảm còn khoảng 700 đến 1.600 ca nhiễm mới/ngày, thấp hơn con số 6.000 ca nhiễm mới/ngày vào thời điểm trước.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đều nhiều lần nhấn mạnh các biện pháp hạn chế chỉ có thể được dỡ bỏ nếu tỷ lệ lây nhiễm dưới 1, tức 1 người lây cho 1 người khác. Thực tế, tỷ lệ lây nhiễm ở Đức trong vài ngày qua ở mức 0,7 và 0,8 tùy địa phương.

Nhiều bang của Đức đã nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm từng bước khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân và giảm thiểu những tác động của đại dịch COVID-198 đối với kinh tế nước này. Đức vẫn duy trì kiểm soát biên giới với các nước Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Luxembourg và Thụy Điển cho đến ngày 15/5.

Đức sẽ triển khai các bước đi mới hướng tới việc khôi phục mọi hoạt động thường nhật trong tháng Năm này, theo đó cho phép các cửa hàng và trường học mở cửa trở lại sau nhiều tuần đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Ở thời điểm hiện tại, Đức đã thành công hơn nhiều quốc gia châu Âu khác trong việc khống chế dịch COVID-19 với tỷ lệ lây nhiễm trung bình ở mức 0,74.

Diễn biến dịch COVID-19 tại châu Á

Ngày 6/5, học sinh tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc – tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc, đã quay trở lại trường học. Tuy nhiên, chỉ có những học sinh lớp cuối được quay trở lại trường để tiếp tục học tập, chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp và đại học sắp tới. Các học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở tại Vũ Hán vẫn tiếp tục nghỉ học.

Để chuẩn bị cho việc đón học sinh, ban giám hiệu các trường đã yêu cầu kê bàn cách xa nhau và bố trí các lớp học qui mô nhỏ hơn. Tất cả mọi người vào trường đều phải đi qua các máy quét thân nhiệt và những người có thân nhiệt cao bất thường không được phép vào trường. Các em được yêu cầu đeo khẩu trang và xếp hàng đi qua máy quét thân nhiệt, trong khi các lớp được khử trùng.

Việc cho phép các học sinh lớp cuối cấp đi học trở lại là biện pháp mới nhất trong nỗ lực của chính quyền TP. Vũ Hán từng bước ổn định cuộc sống sau dịch bệnh.

Ở các địa phương khác tại Trung Quốc, nhiều trường học đã mở cửa trở lại hồi tháng Tư. Các thành phố lớn của Trung Quốc đang dần quay trở lại hoạt động bình thường sau khi áp đặt hạn chế đi lại nghiêm ngặt và đóng cửa phần lớn nền kinh tế để kiểm soát dịch COVID-19.

Tại Ấn Độ, chính quyền bang Telangana cùng ngày đã gia hạn lệnh cách ly tới ngày 29/5 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Thủ hiến bang này K Chandrasekhar Rao đã thông báo quyết định trên sau một cuộc họp của ban lãnh đạo kéo dài 7 giờ đồng hồ.

Cũng nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, cũng tại Ấn Độ, Cơ quan Quản lý Công dân của thành phố Mumbai (BMC) đã ra lệnh đóng cửa các đại lý bán rượu và những loại hàng hóa không thiết yếu để hạn chế việc tụ tập đông người tại những địa điểm này. Theo đó, chỉ có các đại lý tạp hóa và dược phẩm được phép hoạt động.

Theo BMC, số ca mắc COVID-19 ở Mumbai đang gia tăng và việc người dân tụ tập đông người như vậy sẽ cản trở công tác kiểm soát dịch bệnh, trong khi người dân không được hưởng những lợi ích của biện pháp cách ly. Tại Mumbai hiện có 9.758 bệnh nhân COVID-19, trong đó 387 người đã tử vong. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới thành phố là 635 ca.

 n
 Người dân đeo khẩu trang khi đi mua sắm tại một tuyến phố ở Tokyo, Nhật Bản ngày 4/5/2020.

Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ đưa ra hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố nước này thực hiện nới lỏng các biện pháp hạn chế để từng bước thúc đẩy hoạt động kinh tế và xã hội. Tại hội nghị lãnh đạo các tỉnh toàn Nhật Bản được tổ chức ngày 5/5, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nishimura Yasutoshi cho rằng, các địa phương cần từng bước nâng cao hoạt động kinh tế và xã hội. Ông cũng nhấn mạnh hiện nay đang là giai đoạn 1 từng bước dỡ bỏ hạn chế và chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn chi tiết về các điều kiện để các địa phương có thể thực hiện nới lỏng các biện pháp hạn chế hiện nay.

Theo đó, từ ngày 7/5, các cơ sở kinh doanh tại 34 tỉnh, thành phố không thuộc diện cảnh báo đặc biệt có thể được dỡ bỏ hạn chế thời gian kinh doanh nếu đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch COVID-19. Các cơ sở giải trí như rạp chiếu phim, khu triển lãm, nhà hát… phải đảm bảo điều kiện không gian ghế ngồi thông thoáng và khoảng cách 2m. Các sự kiện có tối đa 50 người được phép tổ chức; các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng cắt tóc… phải đảm bảo giãn cách; các cửa hàng ăn uống tránh sử dụng các phòng có không gian kín và đông người.

Tại ASEAN, số bệnh nhân nhiễm mới tiếp tục tăng tại nhiều nước. Tại Singapore, Bộ Y tế nước này cho biết tính đến chiều 6/5, nước này ghi nhận thêm 788 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm chủng virus mới này lên 20.198, nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Trong số các ca nhiễm mới có 11 người Singapore, trong khi lao động nhập cư sống trong các khu nhà dành cho lao động nước ngoài chiếm đa số các ca còn lại. Con số lây nhiễm ngoài cộng đồng và số ca nhiễm không rõ nguồn gốc đã và đang giảm dần. Hiện Singapore có 1.513 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện, 18 người tử vong.

Tính từ ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 23/1, sau khoảng 13 tuần Singapore ghi nhận số ca nhiễm lên hơn 10.000 người vào ngày 22/4. Tuy nhiên, chỉ trong hai tuần qua, số bệnh nhân tại nước này đã tăng gấp đôi.

Tại Philippines, tổng số ca nhiễm COVID-19 đã vượt mốc 10.000. Trong thông báo ngày 6/5, Bộ Y tế nước này cho biết 320 ca nhiễm đã đưa tổng số ca nhiễm lên 10.004. Bộ này cũng thông báo 21 trường hợp tử vong, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 658.

Trong khi đó, Malaysia ngày 6/5 thông báo 45 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 6.428. Số ca tử vong tại nước này hiện là 107 người.

Tại Indonesia, số ca nhiễm trong ngày 6/5 là 367 người và 23 ca tử vong. Như vậy, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này hiện là 12.438, trong đó 895 người đã không qua khỏi.

Bộ Y tế Campuchia sáng 6/5 ra thông cáo cho biết trong 24 ngày liên tiếp, Campuchia không phát hiện ca nhiễm COVID-19. Trong tổng cộng 122 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Campuchia, 120 người đã khỏi bệnh và xuất viện.

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở Mỹ Latinh

 m
Chuyển thi thể bệnh tử vong do COVID-19 tại Xochimilco, Mexico, ngày 4/5/2020. 

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ Latinh trong 24 giờ qua, trong khi chính phủ các nước có những động thái khác nhau trong việc ứng phó với đại dịch.

Thông báo của Bộ Y tế Mexico cho biết số ca mắc COVID-19 đã tăng 1.120 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 26.025 người, trong đó có 2.507 ca tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp và sắp bước vào đỉnh dịch, Chính phủ Mexico đã triển khai kế hoạch ứng phó ở cấp độ cao nhất (trong trường hợp đối phó khủng hoảng, thiên tai và đại dịch), bao gồm sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang ở tất cả các cấp. Cơ quan chức năng đang tăng cường các nguồn nhân lực và vật lực để đối phó với bệnh dịch. Chính phủ Mexico kêu gọi các bác sỹ và y tá nghỉ hưu chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và cho phép các cơ quan chức năng ký hợp đồng thuê bác sỹ nước ngoài để bù đắp cho số lượng bác sỹ và y tá thiếu hụt trong nước. Bên cạnh đó, các hợp đồng mua vật tư, thiết bị y tế đang được hoàn tất. Các chuyến hàng y tế đầu tiên từ Trung Quốc và Mỹ đã đến Mexico.

Cơ quan y tế cảnh báo số ca bệnh và tử vong do COVID-19 sẽ tăng mạnh khi bước sang giai đoạn đỉnh dịch. Bên cạnh đó, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này sẽ ở mức cao do trên 70% dân số mắc các bệnh về cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì. Bất chấp tình hình dịch bệnh, Chính phủ Mexico vẫn giữ nguyên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế tại một số bang kiểm soát tốt dịch bệnh từ ngày 17/5 tới, trong khi các bang còn lại sẽ được hoạt động bình thường trở lại từ ngày 1/6.

Liên quan tới đại dịch COVID-19 trong khu vực Trung Mỹ, số ca nhiễm bệnh và tử vong tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 10.637 ca bệnh, trong đó có 324 ca tử vong.

Tại Peru, quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 trong khu vực sau Brazil, Tổng thống Martin Vizcarra xác nhận số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 54.817 người. Dù là một trong những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, nhưng Peru đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng gấp ôi chỉ trong vòng 10 ngày.

Trong khi đó, Colombia thông báo có trên 8.600 ca mắc COVID-19, trong đó có 378 ca tử vong. Tổng thống Ivan Duque ngày 5/5 tuyên bố gia hạn lệnh cách ly bắt buộc thêm hai tuần, tức đến ngày 25/5. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp và một số doanh nghiệp bán lẻ nhất định như các nhà bán ô tô và đồ nội thất, có thể bắt đầu mở cửa trở lại. Colombia áp dụng lệnh cách ly toàn quốc từ ngày 24/3 và kể từ đó đã gia hạn các biện pháp hạn chế 2 lần.

Nhiều nước châu Phi ghi nhận số ca mắc tăng cao

 c
Mẫu khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Algiers, Algeria, ngày 6/4/2020.  

Số liệu thống kê ngày 6/5 cho biết, ngoài Ai Cập và Nam Phi là hai nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Phi, nhiều quốc gia khác trong khu vực như Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal… cũng đang ghi nhận số ca nhiễm tăng đáng kể trong trong nhiều ngày qua.

Cụ thể, tính tới 6 giờ sáng 7/5 (giờ Việt Nam), Algeria ghi nhận 159 ca mắc và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 4.997 người và 476 người tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 9%. Trong 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày Algeria luôn có trên 100 ca nhiễm, thậm chí có ngày gần 200 ca. Điều này cho thấy dịch đang lây lan rộng trong cộng đồng và vẫn chưa lên tới đỉnh. Algeria đã 3 lần gia hạn lệnh phong tỏa và lệnh hiện nay sẽ kéo dài đến hết ngày 14/5. Chính phủ nước này cũng đã tiến hành nhiều biện pháp y tế để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đồng thời đã chữa khỏi cho 2.197 bệnh nhân.

Trong khi đó tại Morocco, Bộ Y tế nước này cho biết có tổng cộng 5.408 ca mắc COVID-19 và 183 người tử vong. So với 24 giờ trước, số bệnh nhân tăng 189 người. Số lượng các ca mắc tăng nhanh theo từng ngày và kéo dài liên tục trong hai tuần qua đã đưa Morocco vượt lên trên Algeria về tổng số ca mắc bệnh và đứng thứ 3 trong số các quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất châu Phi, sau Nam Phi và Ai Cập.

Bên cạnh đó, dù không nằm trong nhóm 10 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất châu Phi nhưng nhiều nước ở khu vực Trung Phi, Tây Phi và Đông Phi cũng đang chứng kiến số ca bệnh tăng cao. Đáng chú ý là trong số này có những nước rất nghèo, đối mặt với xung đột nội bộ hoặc phần tử thánh chiến nên cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ vô cùng khó khăn.

Một quốc gia khác trong khu vực cũng cần nhắc tới là CH Chad, nơi có 170 ca mắc COVID-19 và 17 ca tử vong. Chính phủ Chad đã quyết định phong tỏa thủ đô N’Djamena trong 2 tuần, kể từ ngày 8/5, để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, tất cả các tuyến đường dẫn đến thủ đô N’Djamena sẽ bị chặn và chỉ cho phép các phương tiện vận chuyển hàng hóa và thực phẩm thiết yếu được lưu thông. Ngoài ra, tất cả người dân thủ đô khi ra ngoài đường bắt buộc phải đeo khẩu trang và phải tuân thủ lệnh giới nghiêm vào buổi đêm.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia châu Phi đã áp đặt các biện pháp phòng ngừa cao nhất, bao gồm cả lệnh phong tỏa, lệnh giới nghiêm và các biện pháp y tế. Tuy nhiên, một vài quốc gia như Algeria và Tunisia đã bắt đầu cho nới lỏng một số quy định để kích thích phát triển kinh tế song song với việc chống COVID-19, nhất là trong mùa lễ Ramadan của người Hồi giáo. Tuy nhiên, việc nới lỏng sớm các biện pháp cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch có thể bùng phát ở mức khó kiểm soát ở các quốc gia này.

Theo TTXVN