Cập nhật 7h ngày 27/5: Mỹ chính thức vượt mốc 100.000 ca tử vong, Ấn Độ lập ‘kỷ lục chết chóc’
TGVN. Tính đến 6h ngày 27/5, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận 5.673.692 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 351.505 ca tử vong và 2.424.865 trường hợp bình phục.
Ngày 26/5, Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. (Nguồn: Getty Images) |
* Mỹ vẫn chịu thiệt hại nặng nề nhất về người do Covid-19. Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 17.822 người mắc bệnh và 695 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 1.724.048, trong đó, số người thiệt mạng đã chính thức vượt mốc 100.000 ca, lên 100.500 trường hợp.
* Brazil ghi nhận ngày thứ 2 có số ca tử vong mới do Covid-19 cao hơn Mỹ. Theo đó, trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm 990 người thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong lên 24.512. Số người nhiễm Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn cao thứ 2 thế giới, với 391.222 ca.
* Ngày 26/5, các quan chức của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 26/5 dự báo, khu vực Mỹ Latinh, “tâm chấn” mới của dịch Covid-19, sắp trải qua những tuần lễ cực kỳ khó khăn về diễn biến tình hình dịch bệnh.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Mỹ, đồng thời là người đứng đầu PAHO, bà Carissa Etienne cho biết, WHO đánh giá các quốc gia châu Mỹ là tâm dịch mới của đại dịch Covid-19 và hiện không phải thời điểm để những nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Phó Giám đốc PAHO Jarbas Barbosa cảnh báo, đây không phải là lúc có thể nới lỏng các hạn chế được áp dụng để kiểm soát virus như chính phủ các nước Brazil, Mexico và Peru đang làm khi đây lại là những nước có các ca mắc bệnh nhiều nhất khu vực.
Giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal dự đoán, tình hình dịch bệnh tại Brazil, quốc gia bị tác động nặng nề nhất do dịch bệnh tại khu vực, sẽ chưa thuyên giảm vào tuần tới và vẫn còn cả một chặng đường dài cần vượt qua.
Trong khi đó, tại Chile, Peru, Ecuador và Venezuela cũng liên tiếp gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, dấu hiệu cho thấy sự lây lan của SARS-CoV-2 cũng đang tăng tốc. PAHO dự báo, tại Nam Mỹ chỉ có Bolivia và Paraguay có thể sẽ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ về các ca dương tính với SARS-CoV-2.
Quan chức này cũng khẳng định, phần lớn các nước Nam Mỹ đang không thực hiện đủ các xét nghiệm để phát hiện người bệnh, đồng thời đề nghị tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, vốn là cách duy nhất để có một bức tranh rõ ràng về tình hình.
Đối với trường hợp Mexico, tổ chức y tế khu vực cho rằng, nước này sẽ vẫn còn phải chứng kiến sự gia tăng liên tục các ca mắc Covid-19 và dự báo,tình hình tương tự cũng xảy ra đối với El Salvador, Guatemala và Nicaragua. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Cuba cũng được PAHO dự báo có sự sụt giảm về các ca mắc bệnh.
* Ngày 26/5, Ấn Độ thiết lập kỷ lục mới về số ca tử vong do Covid-19, với 177 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua, con số ca nhất kể từ khi Ấn Độ ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Cho tới nay, Ấn Độ ghi nhận 4.349 người thiệt mạng do Covid-19 trong tổng số 139.511 người nhiễm bệnh.
* Ngày 26/5, tại Indonesia, Chủ tịch Ủy ban X (giám sát các vấn đề giáo dục, thanh niên, thể thao, du lịch, nghệ thuật và văn hóa) thuộc Hạ viện Indonesia, ông Syaiful Huda cho biết, 143 trẻ em đã tử vong do nhiễm SARS-CoV-2.
Dẫn số liệu thống kê của Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI), quan chức trên cho hay, 129 trẻ em đã tử vong với các triệu chứng mắc bệnh, trong khi 14 em khác tử vong và đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Syaiful cũng kêu gọi Chính phủ cẩn trọng với kế hoạch mở lại các trường học do tỷ lệ lây nhiễm virus vẫn còn ở mức cao. Theo ông, việc buộc các trường học mở cửa trở lại vào thời điểm này “sẽ gây nguy hiểm cho học sinh và giáo viên”.
Theo số liệu thống kê chính thức của Chính phủ, Indonesia đã ghi nhậ tổng cộng 23.165 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.418 ca tử vong.
Truyền thông địa phương dẫn lời người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Chính phủ Indonesia Achmad Yurianto cho hay, số ca nhiễm mới nhiều khả năng sẽ tăng mạnh vào tuần tới, dựa vào thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19, do nhiều người vi phạm các quy định về giãn cách trong kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri.
Ông Achmad cho biết, trước lễ Idul Fitri, Lực lượng đặc nhiệm đã yêu cầu người dân tuân theo các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng khi đi thăm gia đình và người thân, như tránh các cuộc tụ họp nơi công cộng, mang khẩu trang khi rời nhà, thường xuyên rửa tay sát trùng và đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, nhiều người đã không tuân thủ các hướng dẫn này.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Tri Wahyono thuộc Đại học Indonesia cho rằng, truyền thống tụ họp gia đình và bắt tay trong lễ Idul Fitri có thể làm suy yếu chính sách giãn cách xã hội của Chính phủ và khiến số lượng người mắc Covid-19 gia tăng đột biến, đặc biệt là tại các vùng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như vùng Đại Jakarta.
Dịch Covid-19 ở Indonesia nhiều khả năng sẽ chưa đạt đỉnh vào đầu tháng 6 và số lượng các ca lây nhiễm có thể vượt 32.000 ca, khác với các dự báo.
* Ngày 26/5, Bộ Y tế Italy Roberto Speranza cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát lần hai tại nước này, cho rằng: “Tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều quan ngại về làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 và những ai chịu trách nhiệm về các quyết định chính trị không thể đánh giá thấp khả năng này, do đó, chúng tôi đã tăng số giường chăm sóc tích cực lên 115%”.
Bộ trưởng Roberto Speranza khẳng định, Italy đã sẵn sàng đối phó với làn sóng thứ 2, đồng thời khuyến cáo người dân sẵn sàng phối hợp với cơ quan y tế, Hội Chữ thập đỏ để tiến hành xét nghiệm huyết thanh, giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu và hiểu rõ hơn về dịch bệnh.
Cùng ngày, Hiệp hội Phổi Italy cảnh báo, người bệnh sau khi mắc Covid-19, phổi có nguy cơ ảnh hưởng ít nhất 6 tháng, trong đó, 30% những người phục hồi sẽ có vấn đề về hô hấp mãn tính. Chủ tịch Hiệp hội Phổi Italy Luca Richeldi cho biết, theo nghiên cứu, bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi điều trị thành công sẽ để lại vết xơ sẹo trên phổi, do đó nguy cơ dẫn đến những bệnh lý mới về đường hô hấp. Do đó, ông Luca Richeldi cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ “trường hợp khẩn cấp về sức khỏe mới” liên quan tới bệnh phổi.
Tính đến ngày 26/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố nước này ghi nhận tổng số 230.555 ca mắc Covid-19, trong đó, số ca tử vong tăng lên 32.955 trường hợp và số ca hồi phục là 144.658 người. Tổng số ca nhập viện với các triệu chứng hiện chỉ có 7.917 người, trong đó số ca điều trị tích cực 521 trường hợp.
* Ngày 26/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo ghi nhận thêm 789 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi phát hiện ca mắc bệnh đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 18.756 người.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân tử vong do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 797 người, sau khi có thêm 14 ca tử vong trong ngày. Bên cạnh đó, có 127 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 5.027 người.
Bất chấp các giải pháp được triển khai nhằm kiềm chế dịch Covid-19, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Ai Cập vẫn tăng mạnh kể từ cuối tháng 3 đến nay.
Hiện Ai Cập đã tăng cường các biện pháp chống dịch Covid-19, đặc biệt trong dịp lễ Eid El-Fitr của người Hồi giáo, vốn bắt đầu từ ngày 24/5, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Ai Cập hiện vẫn áp đặt lệnh giới nghiêm từ 17h chiều cho đến sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 24-29/5. Trong thời gian này, tất cả các cửa hàng, trung tâm mua sắm, công viên cũng như các bãi biển đều đóng cửa hoàn toàn, đồng thời hoạt động đi lại giữa các tỉnh cũng tạm ngừng.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 27/5, đã 41 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, số người nhiễm Covid-19 hiện là 327, trong đó, 187 trường hợp nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, không có nguy cơ lây lan. Số ca được công bố khỏi bệnh tính đên nay là 272, 55 trường hợp còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó, 11 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên. |