Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 84.710 trường hợp mắc COVID-19 và 5.101 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên 4.422.147 người. Đại dịch tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới, song nhiều nước lại đối mặt với nguy cơ đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 4.422.147 ca, trong đó có 297.552 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 13/5, Bộ Y tế Lesotho thông báo nước này đã ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, qua đó trở thành quốc gia cuối cùng ở châu Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nguy hiểm này.
Các nước cũng ghi nhận 1.654.819 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 45.932 và 2.469.776 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch “hạ nhiệt” tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2, trừ Mỹ, Brazil và Anh.
Tuy nhiên, bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan và nguy cơ về một đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai, khi các chỉ số về số ca mắc bệnh và tử vong lại tăng cao trở lại ở một vài quốc gia, như Anh hay Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch hồi tháng 12/2019.
Trong 1 ngày qua, thế giới có 4 nước ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 300 ca là Mỹ, Brazil, Anh và Mexico. Mỹ, Nga và Brazil là ba quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới 1 ngày qua.
Xét trên bình diện khu vực, châu Mỹ tiếp tục là điểm dịch có nhiều người mắc COVID-19 nhất, với tổng cộng trên 1.917.620 ca và 114.000 người thiệt mạng; châu Âu có tổng cộng trên 1.696.200 ca mắc bệnh, song đứng đầu thế giới về số ca tử vong với trên 157.300 ca; Mỹ Latinh chứng kiến tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng xấu đi.
Châu Á dù là nơi bùng phát đại dịch (tại Trung Quốc) nhưng tới nay chỉ có 720.802 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 23.200 trường hợp tử vong.
Châu Phi tới ngày 14/5 ghi nhận trên 73.400 ca mắc COVID-19 và 2.491 người thiệt mạng vì dịch bệnh này. Trong khi đó, châu Đại dương là khu vực chịu ảnh hưởng nhẹ nhất, khi mới chỉ có tổng cộng 8.581 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 119 ca tử vong.
Mỹ, tâm dịch của thế giới, đang chứng kiến tình trạng số ca mắc bệnh và tử vong tăng mạnh trở lại sau mấy ngày yên ả.
Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 19.103 ca nhiễm virus SARS-CoV2 và 1.616 ca tử vong, qua đó nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 và tử vong tới thời điểm này lên lần lượt 1.427.739 và 85.041 ca.
Hiện nhiều bang tại Mỹ đang chuẩn bị mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế cộng đồng hạt Los Angeles, bang California (Mỹ), bà Barbara Ferrer, cho biết các quy định giãn cách xã hội tại hạt này, trong đó có thành phố Los Angeles, có thể được gia hạn thực hiện thêm 3 tháng. Bà Ferrer cảnh báo dỡ bỏ các hạn chế quá nhanh có thể dẫn đến tăng số người tử vong và sẽ phải thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt hơn.
Trước đó, ngày 12/5, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã công bố dự luật giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá hơn 3.000 tỷ USD nhằm tài trợ cho các tiểu bang, doanh nghiệp, hỗ trợ thực phẩm, các gia đình và các nhà dịch tễ học hiện đang theo dõi mức độ của đại dịch COVID-19.
Trên bình diện khu vực, nhiều nước châu Mỹ đang đứng trước nguy cơ đại dịch COVID-19 leo thang.
Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng cao nhất trong một ngày, với lần lượt 1.997 và 353 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này vẫn cao nhất châu Mỹ, ở mức hơn 10,2%, do trên 70% dân số có bệnh lý nền về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì.
Tại các nước Trung Mỹ khác, tổng số ca nhiễm tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador cũng đã lên đến trên 13.600 ca, trong đó có trên 416 ca tử vong, tăng tương ứng 398 ca nhiễm và 14 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Tại Mỹ Latinh, trong khi Argentina bắt đầu triển khai kế hoạch dỡ bỏ một số hạn chế, Venezuela lại kéo dài các biện pháp phong tỏa cho đến ngày 24/5. Brazil đang trở thành điểm dịch lớn của khu vực và thế giới. Trong vòng 24 giờ qua, xứ sở Samba ghi nhận tới 11.372 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 745 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 tại Brazil tới nay lên lần lượt 188.974 và 13.149 trường hợp.
Tại Pháp, tính đến 6 giờ sáng 14/5 theo giờ Việt Nam, số ca tử vong do dịch COVID-19 là 27.074 người (tăng 83 ca trong 24 giờ). Hiện Pháp có 21.071 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 524 ca so với hôm trước), trong đó 2.428 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 114 ca). Bên cạnh đó, 58.673 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron và một số bộ trưởng đã họp trực tuyến với các tỉnh trưởng và giám đốc các Cơ quan y tế khu vực, để tổng kết tình hình những ngày đầu tiên dỡ bỏ phong tỏa. Ông Macron khẳng định sẽ liên tục điều chỉnh các biện pháp cần thiết, nhằm đáp ứng tình hình thực tế và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong những ngày và những tuần tới.
Viện nghiên cứu Curie của nước này vừa khởi động một cuộc điều tra về việc có hay không kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2, đối với khoảng 2.500 tình nguyện viên tại vùng thủ đô Ile-de France. Mục tiêu nhằm nghiên cứu sự hiện diện và thời gian tồn tại của kháng thể này trong cơ thể những người có ít hoặc không có triệu chứng của bệnh COVID-19, theo Tiến sĩ Olivier Lantz, chuyên gia về miễn dịch học. Ile-de France nằm trong số 4 vùng có nguy cơ cao, với ước tính 10% đến 15% cư dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tại Italy, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố cho thấy, trong ngày 13/5, quốc gia Nam Âu này ghi nhận 888 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 222.104 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 31.106 trường hợp (tăng 195 ca). Có 3.502 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 112.541 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 893 ca (giảm 59 ca).
Ngày 13/5, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer thông báo trong tuần này, Đức sẽ bắt đầu nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới được áp đặt nhằm khống chế đà lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo ông, các hoạt động kiểm soát biên giới chung mà Đức đã nhất trí với Pháp, Thụy Sĩ và Áo, dự kiến kết thúc vào ngày 15/5, sẽ được gia hạn tới ngày 16/6 song sẽ cố gắng mở cửa trở lại các điểm kiểm soát qua lại nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, ông cảnh báo có thể tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nếu bùng phát một đợt dịch mới.
Chính phủ Áo cũng thông báo nước này và Đức có kế hoạch mở cửa biên giới giữa hai nước vào ngày 15/6 tới, sau 2 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hiện giới chức hai nước đều khẳng định đã kiểm soát được dịch COVID-19 và nằm trong số những nước châu Âu đầu tiên bắt đầu nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Tại Nga, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho biết tính đến hết ngày 13/5, nước này ghi nhận thêm 10.028 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 83 chủ thể liên bang, đưa tổng sống người mắc lên 242.271 trường hợp.
Trong số bệnh nhân nhiễm mới, có 44,5% không có biểu hiện lâm sàng. Trong vòng 24 giờ qua đã có 4.491 người khỏi bệnh, đưa tổng số người hồi phục lên 48.003 trường hợp, và 96 ca tử vong, đưa tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh lên 2.212.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày nhiều nhất song con số đã giảm chút ít với 4.703 trường hợp. Các địa phương khác có nhiều người nhiễm bệnh trong ngày gồm tỉnh Moskva – 962 trường hợp, thành phố St. Petersburg – 435; tỉnh Nizhny Novgorod – 271
Tại châu Á, Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ hai. Ngày 13/5, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo 2 ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau 3 tuần không ghi nhận ca mắc mới.
Đáng chú ý, cả 2 ca này đều không liên quan đến những người ở nước ngoài về. Hiện chính quyền đang nỗ lực truy vết để tìm nguồn lây nhiễm của các ca bệnh mới. Việc phát hiện các ca nhiễm mới làm tăng quan ngại về nguy cơ tái bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng, trong bối cảnh Hong Kong đã mở cửa trở lại các quán bar, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim từ tuần trước.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc ngày 13/5 đã áp đặt những hạn chế mới đối với việc đi lại của người dân nhằm ngăn chặn dịch tái bùng phát, sau khi địa phương này ghi nhận 6 ca mới trong ngày 12/5.
Là thành phố lớn thứ hai thuộc tỉnh Cát Lâm, đồng thời là nơi tiếp giáp Triều Tiên và Nga, Cát Lâm được xem như nơi khởi phát nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới, trong đó thành phố lân cận Thư Lan cùng thuộc tỉnh này cũng đã buộc phải nâng mức độ cảnh báo rủi ro từ “trung bình” lên mức “cao” hồi cuối tuần trước.
Thông báo cùng ngày của Ủy ban Y tế thành phố Cát Lâm cho biết 5 trong số 6 ca nhiễm mới có khả năng liên quan trực tiếp đến một trường hợp được xác nhận ở Thư Lan. Phát biểu tại họp báo ngày 13/5, Phó Thị trưởng Cát Lâm cho biết: “Tình hình dịch hiện tại khá phức tạp và nghiêm trọng, và có nguy cơ rất lớn là virus sẽ lan rộng hơn nữa”.
Trong vòng 24 giờ tính tới sáng 14/5, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận 26 ca nhiễm trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực dập ổ dịch mới phát hiện liên quan tới các quán bar và câu lạc bộ ở Seoul. Đây cũng ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới nhiều hơn số ca hồi phục và vẫn ở mức hai con số, làm gia tăng những lo ngại về khả năng làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện tại quốc gia này.
Trước nguy cơ thủ đô Seoul có thể trở thành ổ dịch thứ hai, sau Daegu, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố bản hướng dẫn, có sửa đổi, cách thức đối phó với đại dịch, áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Sau thủ đô Seoul, tỉnh Gyeongi ngày 12/5 cũng ban hành mệnh lệnh hành chính đóng cửa tất cả các quan bar, vũ trường, câu lạc bộ, các hoạt động vui chơi giải trí đông người trong thời gian hai tuần.
Tới sáng 14/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 62.790 ca mắc bệnh COVID-19 và gần 2.000 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực có ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận ca tử vong vì đại dịch.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 13/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 62.793 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.675 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.989 người dân ở khu vực này, tăng 44 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 19.093 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 689 ca; Philippines và Indonesia cùng ghi nhận số ca tử vong trong ngày là 21 trường hợp.
Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã cho phép các công ty xuất khẩu gạo nối lại hoạt động này bắt đầu từ tuần tới sau hơn một tháng cấm hoạt động trên để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
Quyết định này được đưa ra ngày 13/5 theo yêu cầu của Hiệp hội Lúa gạo Campuchia (CRF) sau khi nước này không phát hiện thêm ca mắc COVID-19 nào trong vòng một tháng qua. Tới sáng 14/5, Campuchia ghi nhận 122 ca mắc COVID-19 và đã có 121 ca khỏi bệnh.
Tại nhiều nước Trung Đông, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/5 xác nhận 1.639 ca mắc COVID-19 và 58 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 143.114 trường hợp và 3.952 người thiệt mạng. Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng triển khai xét nghiệm các du khách nước ngoài, trong bối cảnh quốc gia này đang lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế vào cuối tháng 5.
Ai Cập ngày 13/5 thông báo phát hiện 338 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 10.431 người. Bên cạnh đó, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 556, sau khi có ghi nhận thêm 12 trường hợp tử vong trong ngày.
Tại Iraq, Bộ Y tế nước này thông báo có 119 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 1 ngày qua, đánh dấu mức tăng kỷ lục kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Iraq và nâng tổng số ca mắc bệnh lên 3.032 người.
Cho đến nay, 115 bệnh nhân đã tử vong do COVID-19 tại Iraq, trong khi 1.966 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Giới chức Iraq cho rằng, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên trong những ngày qua là do người dân nước này không tuân thủ triệt để các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời cảnh báo “thảm họa y tế” có thể xảy ra tại thủ đô Baghdad và tỉnh Basra.
Cùng ngày, Saudi Arabia cho biết số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng thêm 1.905 người lên tổng cộng 44.830 trường hợp. Số bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua do COVID-19 cũng tăng 9 trường hợp lên 273 người. Trước đó, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia đã triển khai máy bay để hỗ trợ Bộ Y tế di chuyển những bệnh nhân nặng tới bệnh viện chuyên khoa để điều trị.
Qatar ngày 13/5 cũng xác nhận 1.390 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở đất nước vùng Vịnh này lên 26.539 người. Hầu hết các ca nhiễm bệnh mới tại Qatar đều là lao động nước ngoài, có tiếp xúc với các trường hợp dương tính trước đó. Hiện số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này tại Qatar là 14 trường hợp.
Ngày 13/5, New Zealand đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia, khi chính phủ viện dẫn số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có chiều hướng giảm. Động thái trên diễn ra trước khi New Zealand tiến hành những hạn chế ở Báo động Cấp độ 2, nới lỏng so với đợt phong tỏa đất nước kéo dài một tháng ở Báo động Cấp độ 4, bắt đầu từ cuối tháng 3 vừa qua.
Theo những quy định hạn chế được nới lỏng, các địa điểm bao gồm nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vực vui chơi, phòng tập có thể mở cửa trở lại từ ngày 14/5, các trường học nối lại hoạt động vào ngày 18/5 và quán bar từ ngày 21/5.