Tính đến 6h sáng 19/4 (giờ Việt Nam), dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến trên 2,3 triệu người mắc bệnh toàn thế giới, trong đó gần 160.000 ca tử vong. Số người chết ở châu Âu đã vượt ngưỡng 100.000, còn Mỹ là nước có số ca mắc và tử vong mới trong 24h giờ qua cao nhất thế giới.
Trên 100.000 người châu Âu thiệt mạng vì COVID-19
Tới nay, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 100.000 người tại châu Âu, chiếm khoảng 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Số liệu trên được AFP tổng hợp từ số liệu do chính phủ các nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố.
Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Âu, nhưng số ca điều trị tích cực tại nước này tiếp tục có xu hướng giảm. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 18/4 công bố nước này hiện có 25.007 ca nhập viện với các triệu chứng mắc COVID-19, trong đó số ca phải điều trị tích cực là 2.733, giảm 79 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận thêm 3.491 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này lên 175.925 trường hợp. Trong đó, tổng số ca tử vong là 23.227 trường hợp (tăng 482 ca). Vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Italy, cũng ghi nhận số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm, với 947 trường hợp (giảm 24 ca). Tổng số ca mắc COVID-19 tại vùng này là 65.381 người (tăng 1.246 trường hợp), trong đó số ca tử vong là 12.050 ca (tăng 199 trường hợp).
Các các quan chức Italy khẳng định nước này đã ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh COVID-19 lây lan xuống các vùng nghèo hơn ở phía Nam, những nơi ít chuẩn bị cho đại dịch hơn là vùng giàu có ở phía Bắc. Italy vẫn có chút may mắn khi dịch bùng phát chủ yếu ở những tỉnh giàu có phía Bắc, nơi có hệ thống y tế vững chắc hơn nhiều so với vùng phía Nam. Sáu tuần trước, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cảnh báo nước này có thể chiến thắng dịch bệnh được hay không phụ thuộc vào hiệu quả công tác kiềm chế tại vùng tâm dịch ở phía Bắc. Ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến mạnh dần, Thủ tướng Conte đã sớm quyết định áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, lần đầu tiên được triển khai tại một quốc gia phương Tây trong thời bình.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez cùng ngày thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa trên tòa quốc đến ngày 9/5 tới, trong bối cảnh quốc gia nằm ở Tây Nam châu Âu này là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Đến nay, nước này đã ghi nhận tới 191.726 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 20.043 ca tử vong. Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 14/3 vừa qua. Theo quy định mới, lệnh hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng một chút nhằm cho phép trẻ em có thời gian ra ngoài, bắt đầu từ ngày 27/4 tới.
Một quốc gia châu Âu khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 là Pháp – nước trong ngày 18/4 đã ghi nhận thêm 642 ca tử vong tại các bệnh viện và các bệnh xá trong 24 giờ qua. Con số này thể hiện mức giảm mới trong tổng số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện và trung tâm chăm sóc tích cực. Thông cáo của Bộ Y tế Pháp cho biết, các ca tử vong mới, trong đó có 364 ca tại bệnh viện và 278 ca tại các bệnh xá, nâng tổng số ca tử vong do đại dịch COVID-19 tại nước này lên 19.323 người. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 của nước này là 151.793, trong đó có 35.983 bệnh nhân bình phục và 5.833 đang trong tình trạng nguy kịch.
Anh ghi nhận thêm 5.525 ca mắc mới và 888 ca tử vong vì dịch bệnh. Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã chính thức đề nghị hủy các sự kiện đặc biệt tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của bà dự kiến vào ngày 21/4 tới, cũng như sẽ không có bắn đại bác chào mừng. Thông thường, bắn đại bác chào mừng tại nhiều địa điểm ở thủ đô London là điều không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của Hoàng gia Anh và đây có lẽ là lần đầu tiên trong 68 năm trị vì Nữ hoàng đưa ra yêu cầu này.
Trong khi đó, LB Nga ghi nhận số người nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất trong 24 giờ qua. Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết tính đến hết 18/4, nước này đã ghi nhận thêm 4.785 trường hợp nhiễm COVID-19 tại 79 chủ thể liên bang (con số này một ngày trước đó là 4.070 người), nâng tổng số người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này lên 36.793 người. Cũng trong khoảng thời gian này, Nga ghi nhận thêm 40 người tử vong, nâng tổng số ca tử vong so mắc COVID-19 lên 313 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất với 2.649 trường hợp trong vòng 24 giờ, đưa tổng số người mắc bệnh tại thủ đô lên 20.754 ca (lần đầu tiên vượt mốc 20.000).
Ukraine tiếp tục ghi nhận thêm hơn 400 ca nhiễm SARS-CoV-2. Văn phòng Báo chí Bộ Y tế Ukraine dẫn số liệu của Trung tâm Sức khỏe cộng đồng cho biết Ukraine đã ghi nhận thêm 444 trường hợp nhiễm COVID-19, đưa tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên thành 5.106 ca, trong đó có 133 bệnh nhân tử vong và 275 người khỏi bệnh.
Các quốc gia châu Âu khác như Bỉ và Hà Lan vẫn ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới trong ngày.
Mỹ có số ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới
Theo worldometers.info, tính đến 6h ngày 19/4 (giờ Việt Nam), số ca mắc bệnh COVID-19 ở Mỹ là 735.311 (tăng 25.576 ca) và số tử vong là 38.794 (tăng 1.640 ca). Hai con số tăng này ở Mỹ đều cao nhất thế giới.
Trong đó, bang New York bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 230.579 người nhiễm và 17.131 người tử vong. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 18/4 cho biết 540 người đã tử vong tại bang này trong 24h qua do nhiễm virus, đánh dấu ngày có số ca tử vong thấp nhất trong hơn 2 tuần qua tại bang bờ Đông nước Mỹ này. Phát biểu họp báo thường nhật, ông Cuomo cũng cho hay số ca mắc COVID-19 nhập viện vẫn vào khoảng 2.000 người, mà ông cho là “vẫn quá tải”.
Dù dịch bệnh chưa thực sự được chế ngự một cách vững chắc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố các chuyên gia tin rằng những bang hiện có đủ xét nghiệm virus sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn mở cửa lại nền kinh tế trong giai đoạn một và có thể triển khai giai giai đoạn này nếu như họ muốn.
Truyền thông Mỹ cùng ngày đưa tin làn sóng những người biểu tình yêu cầu mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ đang lan rộng trên nhiều bang, trong khi các quan chức liên bang và địa phương vẫn tiếp tục đưa ra cảnh báo thận trọng nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng trở lại của dịch COVID-19.
Ngày 18/4, Nhà Trắng thông báo trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá cao việc Hàn Quốc bán các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho Mỹ. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Trump cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador ngày 16/4.
Một số quốc gia châu Á ghi nhận diễn biến COVID-19 tích cực
Trong khi đó, dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến tích cực tại Hàn Quốc, Iran, Thái Lan và Malaysia.
Iran, điểm nóng dịch bệnh tại Trung Đông, ngày 18/4 cho biết trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận thêm 73 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân qua đời lên 5.031 người. Đáng lưu ý, đây là con số tử vong trong ngày thấp nhất trong nhiều ngày qua tại Iran, một trong những nước có số bệnh nhân tử vong cao nhất thế giới. Tổng số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này hiện là 80.868 người.
Trong ngày này, Hàn Quốc thông báo thêm 18 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới hàng ngày thấp nhất trong hai tháng qua. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tới nay quốc gia này ghi nhận tổng cộng 10.653 ca mắc bệnh. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 20/2 Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày dưới con số 20. Trong 5 ngày qua, Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày duy trì dưới mức 30.
Thái Lan đã xác nhận thêm 33 ca mắc bệnh, nâng tổng số các ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.733 bệnh nhân. Bộ Y tế Thái Lan cho biết tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1,7%, thấp hơn 4 lần so với tỷ lệ trung bình toàn cầu, trong khi khi tỷ lệ bình phục là 62,5%. Theo đánh giá, tình hình COVID-19 ở Thái Lan đang được cải thiện vì số lượng các ca nhiễm mới đang trong xu hướng giảm và không có các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài tới nhờ các biện pháp hạn chế chuyến bay tới nước này được áp dụng từ đầu tháng Tư.
Malaysia cũng công bố thêm 54 ca nhiễm mới trong ngày 18/4 – mức tăng thấp nhất trong ngày ở nước này kể từ khi chính phủ áp đặt các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ngày 18/3 vừa qua. Số bệnh nhân COVID-19 tại Malaysia hiện là 5.305 người và 88 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận thêm 942 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức tăng hằng ngày cao kỷ lục ở quốc gia Đông Nam Á, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 5.992 người. Đa số các ca nhiễm mới đều là những người sống trong những khu nhà ở dành cho lao động nước ngoài. Giới chức y tế Singapore đang tăng cường xét nghiệm để phát hiện người nhiễm bệnh tại các khu nhà ở dành cho lao động nhập cư. Tới hết ngày 18/4, Singapore ghi nhận 11 ca tử vong vì dịch bệnh.
Indonesia thông báo thêm 325 ca nhiễm mới trong ngày 18/4, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên 6.248 ca. Tổng số ca tử vong cũng tăng lên 535 ca sau khi ghi nhận thêm 15 ca tử vong trong ngày. Từ ngày 17/4, quốc gia này đã vượt qua Philippines và đứng đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm virus. Hiện Indonesia cũng là quốc gia có số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 nhiều thứ 3 ở châu Á, sau tâm dịch Trung Quốc và Iran.
Ngày 18/4, Bộ Y tế Philippines cho biết quốc gia này ghi nhận thêm 10 ca tử vong và 209 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong ở nước này lên tương ứng là 6.087 và 397 ca. Cũng theo bộ trên, tới nay, Philippines đã có 516 bệnh nhân hồi phục, sau khi có thêm 29 ca bệnh được xuất viện trong ngày. Trước đó, do người dân vẫn đổ ra đường phố bất chấp lệnh phong tỏa của chính quyền, ngày 17/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo sẽ áp dụng phong tỏa giống biện pháp thiết quân luật để ngăn chặn việc này.
Chính phủ Afghanistan thông báo ít nhất 20 nhân viên Phủ Tổng thống Ashraf Ghani đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, khiến nhà lãnh đạo 70 tuổi này phải hạn chế hầu hết các cuộc tiếp xúc với nhân viên và chuyển sang hình thức liên lạc kỹ thuật số. Tính đến ngày 18/4, Afghanistan ghi nhận 933 mắc COVID-19 và 30 ca tử vong vì dịch bệnh. Giới chức y tế cảnh báo nếu không nâng cao các biện pháp phòng dịch, quốc gia này có thể sẽ phải đối mặt với một thảm kịch và hàng triệu người dân nước này có thể sẽ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh.
Dù đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh, Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Tổ phụ trách cơ chế phòng chống dịch liên ngành của Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ra thông báo về công tác quản lý sức khỏe và kiểm tra virus SARS-CoV-2 với những người rời khỏi thành phố này. Theo đó, thông báo đưa ra nguyên tắc kiểm tra toàn diện đối với những đối tượng cơ bản và sẵn sàng kiểm tra nếu có yêu cầu đối với những nhóm đối tượng khác trước khi rời Vũ Hán, và phân loại rõ những người đã qua và chưa qua kiểm tra trước khi rời thành phố.
Trong ngày 18/4, Trung Quốc ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 17 ca từ nước ngoài, và không có ca tử vong nào trên cả nước được ghi nhận thêm. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán hồi tháng 12/2019 đến nay, tổng ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc đại lục là 82.719 ca. Hiện còn 1.058 bệnh nhân vẫn đang được điều trị, 77.029 người khỏi bệnh xuất viện và 4.632 người tử vong trong đại dịch này.
Diễn biến dịch COVID-19 tại châu Mỹ
Ngày 18/4, Tổng thổng Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã kêu gọi các bác sỹ và y tá nghỉ hưu chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Bộ Trưởng Y tế Mexico, Jorge Alcocer Varela cho biết mạng lưới y tế nước này thiếu gần 7.000 bác sỹ và trên 23.000 y tá để đối phó với COVID-19.
Do diễn biến dịch bệnh ngày một phức tạp, Chính phủ Mexico đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tháng tới ngày 30/5. Cơ quan y tế dự báo dịch COVID-19 sẽ bước sang cấp độ đại dịch tại nước này trong vòng một tuần tới, đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra từ ngày 8-10/5 tới và có thể kết thúc chu kỳ đầu tiên của dịch, khi 95% các ca bệnh được xác định, vào ngày 25/6. Tính tới 6h sáng 19/4, Mexico đã ghi nhận 6.875 người mắc bệnh, trong đó có 546 ca tử vong.
Cùng ngày, Tổng thống Chile Sebastian Pinera cho biết chính phủ đang chuẩn bị khởi động dần dần các hoạt động kinh tế, sau khi quốc gia này đã phong tỏa được 45 ngày do dịch bệnh. Trong một tuyên bố, Tổng thống Pinera nêu rõ chính phủ đang chuẩn bị mở cửa lại nền kinh tế thông qua việc thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa và các biện pháp y tế nghiêm ngặt hơn.
Cho đến nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận hơn 9.730 ca nhiễm và 126 ca tử vong do COVID-19. Bên cạnh việc áp dụng lệnh phong tỏa, Chính phủ Chile ngày 17/4 đã yêu cầu người bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi các phương tiện công cộng, trong thang máy và các cuộc tụ tập có sự tham gia của hơn 10 người.
Trong bối cảnh kinh tế chịu tác động mạnh của COVID-19, Ngân hàng Phát triển triển liên Mỹ (BID) thông báo sẽ triển khai gói tín dụng trị giá 2,8 tỷ USD cho các quốc gia Trung Mỹ. Nguồn vốn tín dụng trên tập trung vào các biện pháp khẩn cấp y tế, trợ giúp cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nhất bởi bệnh dịch, các doanh nghiệp và người lao động và chính sách tài khóa. Cụ thể, BID đã giải ngân gần 9 triệu USD, có thể mở rộng lên tới 20 triệu USD, cho Chính phủ Panama để mua thiết bị, dịch vụ hợp đồng và nâng cao năng lực đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe ở các khu vực bản địa. Về phần mình, Panama cũng đã đề nghị BID cấp 300 triệu USD tín dụng để trợ giúp các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, và các nhà sản xuất nông nghiệp, và 400 triệu USD để tăng cường hệ thống tài chính công.
Đối với El Salvador, BID đã giải ngân 15,4 triệu USD để mua thiết bị y tế và vệ sinh, như mặt nạ, giường bệnh, khẩu trang và quần áo bảo hộ. Bên cạnh đó, El Salvador đang nghiên cứu xây dựng chương trình khẩn cấp cho sự bền vững tài chính và kinh tế vĩ mô với 250 triệu USD, và phát triển chương trình tăng cường chính sách công và quản lý tài khóa để đối phó với khủng hoảng sức khỏe và kinh tế trị giá 250 triệu USD
Châu Phi: Algeria gia hạn lệnh phong tỏa đến 29/4
Văn phòng Thủ tướng Algeria Abdelaziz Djerad ngày 18/4 thông báo, nước này sẽ gia hạn lệnh phong tỏa hiện nay cũng như tất cả các biện pháp phòng ngừa đi kèm nhằm đối phó với COVID-19 thêm 10 ngày, đồng nghĩa với việc người dân Algeria phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa cho đến ngày 29/4.
Tính đến hết 19/4, Algeria đã ghi nhận thêm 116 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này lên 2.534 người và 367 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua giảm mạnh so với nhiều ngày trước đó, vốn luôn ở mức 2 con số. Hiện Algeria xếp thứ 4 trong nhóm các quốc gia châu Phi có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất, sau Ai Cập, Nam Phi và Maroc, nhưng lại là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất (trên 14%).
Bộ Y tế Nam Phi ngày 18/4 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 251 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên 3.034 trường hợp. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi nước này thông báo trường hợp đầu tiên hôm 5/3.
Trong thông báo cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize dự báo số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ thuận với số người được xét nghiệm. Đến thời điểm hiện tại, nước này đã tiến hành xét nghiệm cho 108.021 trường hợp với năng lực xét nghiệm trung bình khoảng 5.000 người/ngày.
Theo Bộ trưởng Mkhize, cho đến ngày 18/4, Nam Phi ghi nhận 52 ca tử vong do COVID-19.
Trước đó 2 tuần, Nam Phi bắt đầu triển khai một lực lượng liên ngành bao gồm 10.654 nhân viên chuyên thực hiện việc theo dấu những trường hợp có tiếp xúc gần với các ca mắc COVID-19 nhằm đảm bảo tất cả những trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 đều được xét nghiệm.