Ghi nhận đến sáng nay, thế giới đã cán mốc 3,4 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 239.000 ca tử vong. Trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,1 triệu ca nhiễm và hơn 65.000 ca tử vong.
Tính đến 7h sáng nay (2/5), toàn thế giới đã ghi nhận 3,4 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 239.394 người đã tử vong và hơn 1 triệu người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: 16 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (2/5), Việt Nam tiếp tục không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 270.
Đến nay đã có 219 người đã khỏi bệnh, còn 51 người đang điều trị tại 9 cơ sở y tế. Trong đó, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 9 ca, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên là 6 ca.
Về tình trạng sức khoẻ của 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 19,91,161), Tiểu ban Điều trị cho biết, trong đó bệnh nhân số 19 và 161 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh hiện đều không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng.
BN91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO, không tràn dịch màng phổi. Cập nhật đến chiều ngày 1/5, bệnh nhân này hiện đã tiếp tục có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên tiên lượng về trường hợp này còn rất nặng.
Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 16 không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
Tính đến sáng nay, có 30.517 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 244 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 5.540 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 24.733 người.
Trên thế giới: Số ca tử vong tại Anh vượt Tây Ban Nha
Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với hơn 1,1 triệu nhiễm và 65.724 ca tử vong, tăng lần lượt 35.763 và 1.868 ca so với một ngày trước đó.
Nhiều tiểu bang ở Mỹ đã giảm bớt các biện pháp hạn chế vào hôm qua (1/5) ngay cả khi các trường hợ tử vong tăng lên. Trong khi đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ hôm qua đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp thuốc Remdesivir để điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 nặng nhất.
Washington cũng đưa ra cảnh báo tới Bắc Kinh một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với Trung Quốc khi Nhà Trắng cáo buộc chính quyền Trung Quốc về việc công bố dữ liệu virus corona chậm và khiến Mỹ gặp nguy hiểm.
Châu Âu – nơi chiếm tới hơn một nửa số ca tử vong trên toàn cầu (hơn 140.000 người) ghi nhận những dấu hiệu tích cực khi tỉ lệ tử vong đã tăng chậm lại. Một số nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch đang rục rịch mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tây Ban Nha – ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 242.998 ca nhiễm và 24.862 ca tử vong, tăng lần lượt 3.648 và 281 ca trong vòng 24h qua.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 28/4 đã công bố một lộ trình gồm 4 giai đoạn để gỡ bỏ lệnh phong toả và đưa Tây Ban Nha ra khỏi cuộc chiến chống COVID-19. Dự kiến lộ trình này sẽ hoàn tất vào cuối tháng 6/2020.
Trong ngày 1/5, sau khi 5 bệnh nhân cuối cùng được xuất viện, giới chức y tế Tây Ban Nha đã chính thức đóng cửa bệnh viện dã chiến lớn ở thủ đô Madrid.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 1.965 ca nhiễm và 269 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 207.428 và 28.236 ca.
Chính phủ nước này bắt đầu cho phép một số công nhân xây dựng và công nhân tại các nhà máy quay trở lại làm việc từ hôm 27/4. Bắt đầu từ ngày 4/5, người dân sẽ được tập thể dục ngoài trời và thăm người thân nhưng với điều kiện tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Các nhà hàng có thể cung cấp các cửa hàng bán lẻ và bán buôn có thể tiếp tục kinh doanh từ ngày 4/5, các cửa hàng khác cùng với bảo tàng và thư viện sẽ được mở cửa trở lại sau ngày 18/5.
Anh hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với tổng cộng 177.454 ca nhiễm và 27.510 ca tử vong (cao thứ 3 thế giới), tăng lần lượt 6.201 và 739 ca so với một ngày trước đó.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm qua tuyên bố rằng nước này đã đạt được mục tiêu tiến hành 100.000 xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày và cho biết đây là một bước tiến cuối cùng tới việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế ở nước này
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 167.346 ca nhiễm và 24.594 ca tử vong, tăng lần lượt 168 và 218 ca so với một ngày trước đó.
Nước này sẽ được phân chia thành các khu vực màu đỏ hoặc màu xanh khi lệnh phong tỏa được nới lỏng.
Việc phân chia phụ thuộc vào 3 tiêu chí: Thứ 1 là số các trường hợp mắc mới trong 7 ngày, thứ 2 là năng lực của các đơn vị chăm sóc tăng cường ở địa phương, thứ 3 là hiệu quả trong xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc của bệnh nhân ở từng nơi.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu và lớn thứ 6 trên thế giới với 164.077 ca nhiễm và 6.736 ca tử vong; tăng lần lượt 1.068 và 113 ca so với một ngày trước đó.
Chính phủ Đức đã cho phép các cửa hàng và một số doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại vào tuần trước. Nước này đang chuẩn bị mở cửa lại nhà thờ, bảo tàng và sở thú.
Trong vòng 24h qua, Nga – điểm nóng mới ở Châu Âu ghi nhận thêm số ca nhiễm mới tăng kỉ lục thêm 7.933 ca và thêm 96 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 114.431 và 1.169 ca. Tổng thống Putin chiều 28/4 đã quyết định kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp duy trì giãn cách xã hội đến ngày 11/5.
Truyền thông Nga hôm 1/5 đưa tin, Bộ trưởng Vladimir Yakushev và cấp phó của ông, Thứ trưởng Dmitry Volkov đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhanh chóng ký sắc lệnh bổ nhiệm Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov làm người thay thế tạm thời.
Tại Châu Á, Iran hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 95.646 ca nhiễm và 6.091 ca tử vong, tăng lần lượt 1.006 và 63 ca so với một ngày trước đó.
Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.874 ca nhiễm COVID-19 (tăng 12 ca) và 4.633 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 17.101 ca nhiễm (tăng mạnh 932 ca) và 16 ca tử vong (tăng 1 ca). Một dấu hiệu tích cực là số ca nhiễm hàng ngày tại nước này đang có chiều hướng giảm trong những ngày qua.
Chính phủ nước này đã gia hạn kéo dài cách li xã hội tới ngày 1/6. Singapore đã quyết định kéo dài thời gian cách li toàn diện đối với tất cả lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại 43 khu nhà ở thêm 2 tuần, tới ngày 18/5.
Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 10.551 ca nhiễm và 800 ca tử vong (cao nhất khu vực), tăng lần lượt 433 và 8 ca so với một ngày trước đó.
Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 8.772 ca nhiễm và 579 ca tử vong, tăng lần lượt 284 và 11ca so với một ngày trước đó.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 6.071 ca nhiễm (tăng 69 ca), trong đó có 103 ca tử vong. Nhiều doanh nghiệp tại nước này được phép hoạt động trở lại từ 4/5.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ đặc thù tụ tập đông người và tiếp xúc gần như rạp chiếu phim và các chợ Ramadan, chưa được phép mở cửa trở lại.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 6 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.960 ca, trong đó có 54 ca tử vong.