Cập nhật 7h ngày 17/6: Số ca Covid-19 mới ở Brazil ‘nhảy vọt’, kỷ lục ‘ngày chết chóc khủng khiếp’ ở Ấn Độ, Bắc Kinh phải nâng cảnh báo
TGVN. Tính đến 6h ngày 17/6, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận 8.248.070 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, trong đó có 445.140 người tử vong và 4.298.494 bệnh nhân bình phục.
8 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 trên 200.000 tính đến 6h ngày 17/6. (Nguồn: Worldometers) |
Ngày 16/6 ghi nhận số ca nhiễm bệnh mới ở Brazil tăng vọt lên gần 40.000, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia này. Cụ thể, tính đến 6h ngày 17/6, Brazil ghi nhận thêm 37.242 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên 928.798, trong đó, số ca tử vong tăng thêm 1.338 lên 45.456. Brazil hiện đang xếp thứ 2 thế giới về số ca nhiễm bệnh và tử vong sau Mỹ.
Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, sau 2 ngày ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 21.000, ngày 16/6, số người mắc mới lại tăng lên hơn 24.000.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 24.355, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 lên 2.207.305, trong đó có 119.111 ca tử vong, tăng thêm 828 ca trong 24 giờ qua, và 898.791 bệnh nhân bình phục.
Ấn Độ ghi nhận ngày có số ca tử vong do Covid-19 tăng kỷ lục, với 2.006 trường hợp, cao gấp hơn 5 lần con số kỷ lục được thiết lập trước đó và là quốc gia có số người tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 11.135 người nhiễm Covid-19, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 354.161, trong đó có 187.552 người đã bình phục.
* Tại Trung Quốc, Phó Chánh văn phòng Chính quyền Nhân dân thủ đô Bắc Kinh Trần Bội tuyên bố, thành phố này đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 từ Cấp độ III lên Cấp độ II kể từ ngày 16/6.
Theo đó, các trường học trên toàn thành phố Bắc Kinh sẽ bị đóng cửa và các lớp học sẽ chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, trong khi kế hoạch nối lại hoạt động học tập của các sinh viên đại học sẽ bị đình chỉ.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng hối thúc người dân ngừng các hoạt động đi lại “không cần thiết” ra khỏi thành phố và ngày lập tức cấm người dân sinh sống ở những khu vực có mức độ “rủi ro trung bình và cao” rời khỏi địa phương này.
Bà Trấn Bội nhấn mạnh: “Bất cứ người nào rời khỏi Bắc Kinh đều phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính, được thực hiện trong vòng 7 ngày (trước khi chuyến đi)”.
Trước đó, Trung Quốc xác nhận ca bệnh đầu tiên của đợt tái bùng phát dịch ở thủ đô Bắc Kinh vào chiều 11/6, 2 ngày sau khi giới chức thành phố này tuyên bố Bắc Kinh không còn Covid-19 lây nhiễm trong nước, với bệnh nhân cuối cùng bình phục và xuất viện ngày 8/6.
Trong ngày 16/6, Trung Quốc ghi nhận thêm 40 ca mắc Covid-19 mới. Cho đến nay, số ca nhiễm trong đợt bùng phát mới này đã lên tới hơn 100 người, hầu hết ở Bắc Kinh và có liên quan đến tại khu chợ bán buôn Tân Phát Địa và một khu chợ thực phẩm ở quận Hải Điến.
Tin liên quan |
Liên quan vaccine phòng chống Covid-19, Biotec, công ty con của Tập đoàn dược phẩm Sinopharm, cho biết, vaccine do công ty này điều chế và thử nghiệm đã tạo ra kháng thể ở những người tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Vaccine trên do một viện nghiên cứu có trụ sở tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc liên kết với Tập đoàn Sinopharm, điều chế. Kết quả sơ bộ cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine này ở 1.120 người khỏe mạnh cho thấy tất cả những người được tiêm đều tạo ra kháng thể ở mức cao và không có tác dụng phụ. Công ty này đang có kế hoạch tiến hành giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine trên ở người với quy mô lớn tại nước ngoài.
Đến nay, Trung Quốc đã phát triển 5 loại vaccine tiềm năng phòng bệnh Covid-19 và đang tiến hành thử nghiệm ở người. Cuối tuần qua, nhà sản xuất vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc công bố cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine của công ty này cho kết quả ban đầu tích cực và dự kiến sẽ tiến hành giai đoạn 3 thử nghiệm tại Brazil.
* Ngày 16/6, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo châu Mỹ đang nhanh chóng tiến sát mốc 4 triệu người nhiễm SARS-CoV-2, với 2 quốc gia dẫn đầu về số ca bệnh là Mỹ và Brazil với tỷ lệ lần lượt là 54% và 23% tổng số bệnh nhân Covid-19 trên toàn châu lục.
Phát biểu tại một buổi họp báo trực tuyến, Giám đốc PAHO, bà Carissa Etienna cho hay, dịch bệnh vẫn đang “tăng tốc” lây nhiễm tại châu lục và chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Trong đó, Mỹ Latinh hiện vẫn là khu vực đứng đầu “làn sóng” dịch bệnh và dự báo tháng 6 và tháng 7 là những giai đoạn đỉnh điểm của tình trạng lây lan virus SARS-Cov-2 ở một số quốc gia trong khu vực.
Giám đốc PAHO bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các ca bệnh ở khu vực biên giới giữa các quốc gia Mỹ Latinh, chẳng hạn như Costa Rica-Nicaragua, Cộng hòa Dominicana-Haiti, Brazil-Venezuela-Colombia và Peru-Brazil-Colombia.
Đến nay, khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 81.400 người tử vong
* Ngày 16/6, Bộ Y tế Ai Cập đã ghi nhận thêm 1.567 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 47.856 người, trong đó có 1.766 ca tử vong, tăng thêm 94 trường hợp.
Bên cạnh đó, Ai Cập cũng có thêm 401 bệnh nhân Covid-19 bình phục và được phép xuất viện, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 12.730 người.
Tình hình thực tế cho thấy, số ca tử vong do Covid-19 tại Ai Cập liên tục tăng cao trong những ngày vừa qua, bất chấp những nỗ lực của ngành y tế nước này.
Cùng ngày, báo Egypt Today đưa tin, Ai Cập đã ký thỏa thuận tiếp nhận thuốc Avigan của Nhật Bản và hy vọng sẽ nhận được vaccine do trường Đại học Tổng hợp Oxford phát triển. Sau khi tiến hành thử nghiệm đối với 50 bệnh nhân Covid-19 từ tháng 4 vừa qua, Ai Cập dự kiến sẽ tiếp nhận thêm thuốc Avigan để phục vụ công tác điều trị cho những bệnh nhân mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Theo Egypt Today, Đại sứ quán Ai Cập tại Tokyo vừa ký biên bản ghi nhớ về việc Nhật Bản cung cấp miễn phí thuốc Avigan cho quốc gia Bắc Phi này.
|