Cập nhật Covid-19 7h ngày 20/8: Toàn thế giới ghi nhận 22.547.652 người nhiễm trong đó có 789.739 ca tử vong

TGVN. Theo Worldometers, tính đến 6h ngày 20/8, toàn thế giới ghi nhận 22.547.652 người nhiễm Covid-19, trong đó có 789.739 ca tử vong và 15.280.567 bệnh nhân bình phục.

cap nhat 7h ngay 208 hon 225 nguoi mac covid 19 toan cau an do tang ky luc so ca nhiem moi thai lan phu nhan dot dich thu 2

Gần 1/4 số ca nhiễm được ghi nhận tại khu vực Bắc Mỹ (với 6.715.140 ca), trong đó, Mỹ có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực cũng như trên toàn cầu, với 5.695.551 người mắc bệnh, trong đó có 176.181 ca tử vong.

Châu Á đứng thứ hai với 5.927.991 ca nhiễm, trong đó có 124.920 ca tử vong. Khu vực Nam Mỹ ghi nhận 5.478.853 ca nhiễm, trong khi con số này của châu Âu là 3.247.396 ca. Số ca nhiễm ở châu Phi đã vượt 1.100.000, trong khi châu Đại Dương có 26.251 ca nhiễm.

* Tại châu ÁẤn Độ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng cộng 2.835.822 ca nhiễm sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục (69.196 ca). Theo Bộ Y tế nước này, hiện tổng số ca tử vong cũng tăng lên 53.994.

Trong những tuần gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường tiến hành xét nghiệm. Tính đến ngày 18/8, nước này đã thực hiện tổng cộng 31.742.782 lượt xét nghiệm, trong đó riêng ngày 18/8 đã tiến hành 801.518 lượt.

Iran là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai khu vực, với 350.279 ca nhiễm, trong khi số ca tử vong đã vượt quá 20.000 ca. Tiếp đó là Saudi Arabia với 302.686 ca nhiễm và 3.506 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, ngày 19/8, Thái Lan đã phát hiện 2 ca nhiễm đầu tiên bên ngoài khu cách ly của nhà nước trong bối cảnh nước này vừa trải qua ngày thứ 86 không ghi nhận bất cứ trường hợp lây nhiễm nào trong nước. Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận 58 ca tử vong.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết, cả 2 bệnh nhân mới được phát hiện này đều đã được nhập viện và khả năng họ có thể lây lan SARS-CoV-2 ra cộng đồng là rất thấp. Tuy nhiên, những người tiếp xúc gần với 2 người này sẽ được xét nghiệm. Theo các nghiên cứu thì virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong cơ thể từ 2 tới 3 tháng sau khi bệnh nhân bị mắc bệnh.

Giới chức y tế Thái Lan cũng khẳng định đây không phải là đợt dịch Covid-19 thứ hai tại nước này, tuy nhiên, Hội đồng An ninh quốc gia đang cân nhắc gia hạn quy định khẩn cấp chống đại dịch thêm một tháng, đến ngày 30/9 tới nhằm thực thi hiệu quả các biện pháp chống dịch.

Cùng ngày, Chính phủ Philippines đã nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận, theo đó cho phép thêm nhiều cơ sở kinh doanh được nối lại hoạt động.

Tổng số ca mắc bệnh tại Philippines hiện là 173.774, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, trong đó, tổng số ca tử vong là 2.795 ca.

Cũng trong ngày 19/8, Indonesia ghi nhận 1.902 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 144.945, trong đó, số ca tử vong tăng lên 6.346 người sau khi có thêm 69 ca mới.

Tại Đông Bắc Á, trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 17 ca nhiễm mới, tất cả đều là các ca nhập cảnh trong khi không có ca tử vong mới. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 84.888 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong, 79.685 bệnh nhân đã xuất viện, 569 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 26 ca bệnh nặng.

Ở Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh (KCDC) cho biết, ngày 19/8 là ngày thứ 6 liên tiếp nước này có hơn 100 ca mắc mới và phần lớn ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm gần một nửa dân số Hàn Quốc. Cũng theo KCDC, không có thêm ca tử vong nào ở Hàn Quốc.

Bắt đầu từ 0h00 ngày 19/8, Chính phủ Hàn Quốc cấm mọi cuộc tụ tập, hoạt động tại các nhà thờ ở thủ đô Seoul, thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, chỉ cho phép các buổi cầu nguyện “không tiếp xúc”.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cùng ngày phải gia hạn đến ngày 18/9 khuyến cáo đặc biệt về đi lại đối với tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, công dân Hàn Quốc tiếp tục được khuyến cáo hủy hoặc hoãn các kế hoạch đi ra nước ngoài.

* Tại châu ÂuNga là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất với 937.321 ca nhiễm sau khi ghi nhận 4.828 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Ngoài ra, với 117 ca tử vong trong ngày 19/8 đã nâng số ca tử vong ở nước này lên 15.989 ca.

Tại nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU), số ca nhiễm cũng tăng mạnh trở lại khi Pháp ghi nhận số hơn 3.000 ca mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi nước này gỡ bỏ lệnh phong tỏa hồi tháng 5 vừa qua. Số bệnh nhân nhập viện cũng gia tăng, với trên 200 bệnh nhân mỗi ngày.

Tình hình đại dịch tại Tây Ban Nha cũng rất đáng lo ngại với 384.270 ca nhiễm, trong đó có 28.670 ca tử vong.

Viện Robert Koch (RKI), cơ quan chính phủ liên bang Đức về phòng và kiểm soát dịch bệnh, đã ghi nhận thêm 1.510 ca bệnh mới, nâng tổng số bệnh nhân tại Đức lên 226.914 ca.

Tương tự tại Bỉ, số ca lây nhiễm tăng vọt kể từ đầu tháng 6, với gần 1.000 ca mỗi ngày. Điều này kéo theo số bệnh nhân phải nhập viện gia tăng. Theo các chuyên gia y tế Bỉ, khác với đợt dịch lần đầu, ở đợt bùng phát dịch lần 2, đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là thanh niên, nên số ca tử vong không cao nhưng nguy cơ lây nhiễm là đáng lo ngại.

Trong khi đó, các nước Đông Âu như Ukraine và Romania cũng ghi nhận trên dưới 1.500 ca nhiễm mới trong ngày 19/8.

* Chuyên gia hàng đầu của Liên hợp quốc về quyền nhà ở Balakrishnan Rajagopal cảnh báo, tình trạng số người bị đuổi khỏi nhà ở đang gia tăng trên toàn cầu.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạt động xã hội và các nhóm cứu trợ ở Mỹ – quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch – đang đấu tranh để hàng triệu người không bị đẩy vào cảnh vô gia cư. Theo Viện Aspen, ước tính hơn 40 triệu người ở Mỹ có nguy cơ bị đuổi khỏi nhà trong những tháng tới.

Chuyên gia của LHQ nêu rõ, quyền có nhà ở là trọng tâm của bất kỳ biện pháp ứng phó nào đối với đại dịch Covid-19, song các vụ đuổi người ra khỏi nhà đang ở và phá dỡ nhà cửa lại đang có xu hướng gia tăng. Ông kêu gọi chính phủ các nước không được để người dân trở thành người vô gia cư trong đại dịch vì họ bị mất việc làm và không trả được tiền thuê nhà hoặc không có tài sản thế chấp.

Tính đến 6h ngày 20/8, Việt Nam có tổng cộng 994 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 654 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 514 ca.

Đến thời điểm này có 533/994 bệnh nhân Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh, 98 ca có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2.

Chính phủ kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone-Truy vết tiếp xúc. Cách cài đặt ứng dụng Bluezone như sau:

Bước 1: Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Truy cập App Store (iOS) hoặc Google Play Store (Android) và tìm phần mềm tên Bluezone, sau đó nhấn tải về và cài đặt vào thiết bị.

Bước 2: Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng truy cập.

Bước 3: Về cơ bản, chỉ cần làm đến đây là các bạn đã có thể nhận được cảnh báo từ Bluezone.

Sau khi được cấp quyền, ứng dụng sẽ tự bật kết nối Bluetooth để ghi nhận lại việc tiếp xúc với những người dùng khác cùng trong cộng đồng Bluezone.

Trong trường hợp một người dùng trong cộng đồng Bluezone dương tính với Covid-19, thông tin của họ sẽ được cập nhật lên hệ thống. Lúc này, ứng dụng trên máy người dùng sẽ tải về các thông tin đó và so sánh với lịch sử tiếp xúc của bạn. Nếu đã từng tiếp xúc với người bệnh đủ lâu (trên 15 phút) và đủ gần (dưới 2 mét), ứng dụng sẽ gửi thông tin cảnh báo nguy cơ mắc Covid tới điện thoại của bạn.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người!