Cập nhật Covid-19 7h ngày 5/7: tổng số ca nhiễm lên 11.367.655 người trên toàn cầu, trong đó 532.806 người đã tử vong

Cập nhật 7h ngày 5/7: WHO cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 gia tăng kỷ lục trong ngày, Mỹ tiến sát mốc 3 triệu ca nhiễm bệnh

TGVN. Ngày 4/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về sự gia tăng kỷ lục số ca nhiễm Covid-19 trong ngày trên toàn cầu khi thế giới đã có thêm 212. 326 ca nhiễm chỉ trong vòng 24h, đưa tổng số ca  nhiễm  lên 11.367.655 người trên toàn cầu, trong đó 532.806 người đã tử vong, theo thống kê của trang Worldometers.    

cap nhat 7h ngay 57 who ngung thuoc dieu tri covid 19 my co gan 3 trieu ca nhiem benh
Các hành khách đeo khẩu trang ngồi trên xe bus được ngăn cách bởi các vách ngăn bằng nhựa để phòng chống dịch tại thủ đô Manila (Philippines) hôm 3/7. (Nguồn: Reuters)

Tổ chức này cũng tuyên bố sẽ không tiếp tục thử nghiệm thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine và kết hợp thuốc điều trị HIV lopinavir/ritonavir trên các bệnh nhân Covid-19 nhập viện sau khi những loại thuốc này không thể hạn chế được tình trạng tử vong.

Tuyên bố của WHO nêu rõ: “Các kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy hydroxychloroquine và lopinavir/ritonavir hiệu quả rất thấp hoặc không thể làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 nhập viện khi so sánh với tiêu chuẩn chăm sóc. Các điều tra viên thử nghiệm thống nhất sẽ ngừng hoạt động thử nghiệm ngay lập tức”.

Cũng theo WHO, quyết định của cơ quan thuộc Liên hợp quốc này – được đưa ra dựa trên khuyến cáo từ ủy ban chỉ đạo quốc tế của cuộc thử nghiệm – không ảnh hưởng đến những nghiên cứu khác, nơi mà các loại thuốc trên được sử dụng cho những bệnh nhân không phải nhập viện hoặc như một biện pháp phòng bệnh.

Một bộ phận khác trong cuộc thử nghiệm của WHO đang nghiên cứu tác dụng tiềm tàng của thuốc kháng virus Remdesivir do hãng dược phẩm Gilead Sciences của Mỹ sản xuất. 

Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia có số ca nhiếm Covid-19 lớn nhất thế giới và tình hình dịch bệnh vẫn “bỏng rẫy” và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong vòng 24h, tính đến 6h sáng ngày 5/7 (giờ Việt Nam), Mỹ đã có thêm 44.498 ca nhiễm Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm tiến gần đến mốc 3 triệu người, trong đó có 132.313 người tử vong và hơn 1,2 triệu người đã bình phục. 

Ba bang ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày nhiều nhất là Texas (8.258 ca), Arizona (2.695 ca) và đặc biệt là bang Florida (11.458 ca). 

Theo sát Mỹ là Brazil với số ca nhiễm cũng không ngừng gia tăng. Trong vòng 24h 8qua, tính đến sáng ngày 5/7 (giờ Việt Nam), Brazil đã có thêm 35.035 ca nhiễm Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia Nam Mỹ lên 1.578.376 người, trong đó 64.365 người đã tử vong. 

Philippines cũng ghi nhận kỷ lục 7.027 ca nhiễm mới trong tuần này, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên 41.830 người. 

Vùng Catalonia, Đông Bắc Tây Ban Nha sẽ áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 5/7 với hơn 200.000 người, sau khi phát hiện một số cụm dịch mới. “Chúng tôi quyết định phong tỏa khu vực Segria, bởi dữ liệu cho thấy số ca nhiễm Covid-19 tại đây tăng vô cùng đáng kể”, Thủ hiến Catalonia Quim Torra hôm nay phát biểu trong một cuộc họp báo.

Cơ quan y tế địa phương cho biết tính đến ngày 3/7, thành phố Lleida thuộc vùng Segria đã ghi nhận 3.706 ca nhiễm, tăng 155 người so với ngày trước đó.

Cư dân Segria không được phép rời khỏi khu vực từ 12h trưa 4/7, nhưng không bị bắt buộc ở nhà như khi Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc hồi tháng Ba. Việc đi lại do yêu cầu công việc vẫn được chấp nhận, nhưng người lao động ra vào khu vực Segria sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận của cấp trên từ ngày 7/7.

Tây Ban Nha là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với gần 298.000 ca nhiễm và hơn 28.000 người chết. Sau khi phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 14/3, chính phủ Tây Ban Nha bắt đầu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế theo nhiều giai đoạn từ tháng 5.

Cố vấn pháp lý của Tổng thống Iran, bà Leila Joneidi ngày 4/7 cho biết Tehran đã đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (IJC) để kiện Mỹ về những tác động của các lệnh cấm vận đối với cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở quốc gia Trung Đông này.

Nhật báo Tehran Times dẫn phát biểu của bà Joneidi trong chuyến thăm Viện Pasteur ở thủ đô Tehran khẳng định các lệnh trừng phạt liên tiếp của Mỹ nhằm vào Iran trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 là một biểu hiện của biện pháp “phi nhân đạo” và chống lại quyền con người.

Tổng thống Abdelmadjid Tebboune ngày 4/7 cho biết Algeria không loại trừ khả năng thắt chặt lệnh giới nghiêm nếu Ủy ban khoa học theo dõi sự phát triển của đại dịch Covid-19 yêu cầu nhằm ngăn chặn sự gia tăng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 24, Tổng thống Tebboune nói: “Chúng tôi đang thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban khoa học. Nếu Ủy ban thấy cần phải triển khai lệnh giới nghiêm cục bộ, trong một vài thành phố hoặc khu vực, chúng tôi sẽ thực hiện yêu cầu đó”.

Theo Tổng thống Tebboune, ông đang chờ đợi sự cải thiện trước tình trạng tăng mạnh các ca bệnh mới trong thời gian gần đây, và yêu cầu người dân Algeria nghiêm túc tuân thủ những biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tổng thống Tebboune cũng đã yêu cầu các quan chức địa phương và những người có trách nhiệm ngăn chặn các hoạt động tập trung đông người ở những không gian kín.

Liên quan đến việc mở cửa trở lại một phần biên giới quốc gia, Tổng thống Tebboune cho rằng Algeria sẽ triển khai từng bước do lo ngại tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn nữa nếu biện pháp này được triển khai ngay lập tức.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến chiều 4/7 (theo giờ địa phương), Algeria đã ghi nhận tổng cộng 15.500 ca Covid-19, trong đó có 946 người tử vong. Algeria hiện đứng thứ 5 trong số các quốc gia châu Phi có số ca Covid-19 cao nhất, sau Nam Phi, Ai Cập, Nigeria và Ghana.

Bộ Y tế Ai Cập ngày 4/7 đã xác nhận thêm 1.324 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 74.035 người, trong đó có 3.280 ca tử vong. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng có thêm 413 bệnh nhân bình phục hoàn toàn và được phép xuất viện, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 20.103 người.

Theo báo Ahram, trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm bớt, các nhà khoa học Ai Cập đang nỗ lực chạy đua với thời gian để nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19.

Một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia (NRC) đã tìm ra 3 loại nguyên liệu tự nhiên có thể kiềm chế được virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học ở NRC đang chuẩn bị tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với mẫu dược phẩm có thành phần được bào chế từ những nguyên liệu này.

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, song do những lo ngại và gánh nặng về kinh tế, Ai Cập đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ ngày 27/6 vừa qua. Lệnh giới nghiêm vào ban đêm đã được dỡ bỏ, đồng thời nhà chức trách cũng cho phép các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh mở cửa trở lại, trong đó có các nhà hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim.