Cập nhật Dịch Covid-19 7h ngày 1/7: thế giới ghi nhận tổng cộng 10.564.001 ca nhiễm bệnh trong đó có 513.040 ca tử vong

Cập nhật 7h ngày 1/7: Tròn 1 tuần toàn cầu ghi nhận trên 150.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, WHO lo lắng nhiều khu vực bị ‘nhấn chìm’ 

TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 1/7, thế giới ghi nhận tổng cộng 10.564.001 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 513.040 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 5.782.319.

cap nhat 7h ngay 17 tron 1 tuan toan cau ghi nhan tren 150000 ca nhiem covid 19 moi ngay who lo lang nhieu khu vuc bi nhan chim
Danh sách các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 trên 200.000 tính đến 6h ngày 1/7. (Nguồn: Worldometers)

Ngày 30/6, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Carissa Etienne bày tỏ quan ngại rằng các quốc gia, các bang hay các thành phố nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 có thể sẽ bị “nhấn chìm” bởi những ca nhiễm bệnh mới.

Cũng tại cuộc họp, bà Etienne cho rằng, số người thiệt mạng vì Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh có thể lên tới 438.000 người nếu các biện pháp phòng dịch không được duy trì.

Tính tới ngày 29/6, châu Mỹ đã ghi nhận hơn 5,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 250.000 người thiệt mạng.

Mỹ vẫn đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 với 2.723.959 ca nhiễm bênh, trong đó có 130.077 ca tử vong. Đa số các ca nhiễm mới của Mỹ xuất hiện tại các bang miền Tây và miền Nam.

Nguyên nhân khiến số ca tăng cao trở lại cộng đồng là do tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tình hình dịch bệnh lây lan đã buộc nhiều thống đốc bang phải tái áp đặt các biện pháp như đóng cửa quán bar và nhà hàng, trong đó có bang New Jersey, Arizona và California.

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ở Mỹ có thể lên tới 100.000 trường hợp mỗi ngày nếu như quốc gia này không thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp khác.

* Tại Nam Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới và ghi nhận số ca nhiễm liên tục tăng.

Tính đến ngày nay, Brazil đã ghi nhận tổng cộng 1.402.041 ca nhiễm Covid-19 với 59.594 ca tử vong. WHO cảnh báo quốc gia này vẫn đối mặt thách thức lớn trong kiểm soát dịch bệnh, do đó cần nỗ lực thực thi các biện pháp đồng bộ từ cấp liên bang đến các cấp nhỏ hơn, cũng như tập trung tiếp cận toàn diện để ngăn chặn dịch bệnh.

* Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ mở cửa biên giới với 15 nước, trong đó riêng với Trung Quốc mở cửa nhưng kèm một số điều kiện. Tuy nhiên, thông báo này không áp dụng đối với Mỹ, quốc gia được coi là đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Động thái diễn ra trong bối cảnh những ngày qua, toàn châu Âu chỉ ghi nhận khoảng hơn 12.000 ca nhiễm bệnh mỗi ngày, thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 3,4.

Tại Anh, Chính phủ đã quyết định phong tỏa thành phố Leicester. Tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua tại Leicester là 135 ca/100.000 người, cao nhất cả nước và gấp 3 lần so với thành phố đứng thứ 2. Vì vậy, Bộ Y tế Anh quyết định không triển khai giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo tại thành phố này từ ngày 4/7 tới như áp dụng với các địa phương khác trên cả nước.

* Tại châu Á, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 43 ca nhiễm, trong đó 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 12.800 ca. Số người tử vong do Covid-19 vẫn là 282 người, chủ yếu là người cao tuổi và có bệnh nền từ trước.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, khu vực đô thị Seoul và vùng phụ cận đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời cảnh báo nước này cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 kéo dài.

Trong khi đó, ngày 30/6, giới chức y tế đã thông báo 2 học sinh tiểu học dương tính với SARS-CoV-2 trong đợt lây lan đầu tiên của virus này tại trường học tại Hàn Quốc.

Tại Thái Lan, Chính phủ quyết định sẽ mở lại các trạm kiểm soát biên giới với Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia nhằm nối lại hoạt động vận tải hàng hóa và thương mại xuyên biên giới kể từ ngày 1/7. Tuy nhiên, khách du lịch từ 4 quốc gia láng giềng này vẫn chưa được phép nhập cảnh Thái Lan qua những trạm kiểm soát biên giới trên.

Trong khi đó, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) cho biết lệnh cấm các chuyến bay quốc tế sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1/7, nhưng chỉ một số đối tượng nhất định được phép nhập cảnh.

Tại Indonesia, giới chức y tế cho biết nước này đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 71 người ca, nâng tổng số ca tử vong lên 2.876 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 1.293 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 56.385 người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, kể từ ngày 1-31/7, Lào sẽ tiếp tục ngừng cấp thị thực du lịch, thăm viếng đối với những cá nhân đi từ hoặc quá cảnh các quốc gia có dịch bệnh, ngoại trừ nhân viên ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên viên và lao động cho các dự án quan trọng tại Lào.

Tại Ấn Độ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khi cho phép thêm nhiều chuyến bay nội địa và các chuyến tàu hỏa giữa các bang hoạt động, đồng thời rút ngắn lệnh giới nghiêm ban đêm. Tuy nhiên, một số thành phố đã gia hạn lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan sau khi số ca nhiễm mới theo ngày duy trì ở mức gần 20.000 ca. Tính đến ngày 30/6, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 585.792 ca nhiễm và 17.410 ca tử vong do Covid-19.

* Tại châu Phi, Chính phủ Algeria đã yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện lệnh giới nghiêm theo khu vực để ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan trên diện rộng. 

Tại Ai Cập, Bộ Y tế thông báo phát hiện thêm 1.557 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên tới 68.311. Ngoài ra, đã có thêm 81 bệnh nhân tử vong do Covid-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 2.953. Số ca mắc Covid-19 ở Ai Cập vẫn đang tiếp tục tăng nhanh khi mỗi ngày trung bình đều ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới.

Trước đó, theo báo Daily News Egypt, người đứng đầu Ủy ban khoa học chống dịch Covid-19 thuộc Bộ Y tế, Tiến sĩ Hossam Hosni cho biết, Ai Cập sẽ công bố một loại thuốc điều trị hiệu quả Covid-19 trong vòng 2 tuần tới.

Bên cạnh đó, ông Hosni cho rằng, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập vẫn đang tăng cao và hy vọng sẽ giảm xuống vào giữa tháng 7.