Covid-19 tới 6 giờ ngày 31-10: Toàn cầu là 45.855.415 ca, trong đó có 1.192.633 người thiệt mạng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 537.423 trường hợp mắc Covid-19 và 6.906 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 45,8 triệu người.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVD-19 tại Moskva, Nga ngày 28/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Moskva, Nga ngày 28-10-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ ngày 31-10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 45.855.415 ca, trong đó có 1.192.633 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 33.196.549 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 83.154 ca và 11.466.233 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 30-10, thế giới có tới 135 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 91 quốc gia-vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (91.493 ca), Pháp (49.215 ca), Ấn Độ (48.120 ca), Italy (31.084 ca); trong khi đó Mỹ (với 927 ca), Ấn Độ (550 ca), Pháp (545 ca) và Mexico-Brazil (cùng trên 400 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. 

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 9.305.663 ca nhiễm và 235.098 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 8,1 triệu ca nhiễm và 121.681 ca tử vong, và Brazil với trên 5,5 triệu ca nhiễm và 159.477 ca tử vong.

Tại Mỹ, trước tình hình này, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Anthony Fauci, cảnh báo nhiều bang tại Mỹ đang đối mặt với sự gia tăng mạnh số ca mắc mới, đồng thời thúc giục các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là miền Tây và Trung Tây nước Mỹ gồm các bang chiến địa vốn được coi có vai trò quyết định cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Nước Mỹ ngày 30-10 ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19, tăng 1 triệu ca chỉ sau 2 tuần. Kể từ giữa tháng Chín, báo cáo thống kê số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã cho thấy số ca có chiều hướng gia tăng và ngày 29-10 được ghi nhận là ngày có số ca tăng cao kỷ lục với 88.500 ca nhiễm mới. Tình hình đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn ở hầu hết các bang trên nước Mỹ, nhất là ở những bang đã từng là “tâm dịch” mới cách đây vài tháng.

Theo Wall Street Journal, tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc ngày 30-10 với chỉ số công nghiệp Dow Jones khi đóng phiên giao dịch đã xuống mức thấp nhất của tuần và cũng là mức thấp nhất của tháng, kể từ tháng Ba tới nay. Điều này cho thấy các nhà đầu tư lo ngại tình hình dịch bệnh có thể dẫn đến lại đóng cửa nền kinh tế và tiếp tục đe dọa tăng trưởng kinh tế.

Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 tháng vừa qua và các chuyên gia y tế thậm chí còn cho rằng số liệu thống kê như vậy vẫn chưa đầy đủ do những ngày mới xảy ra dịch nhiều nơi chưa có điều kiện tổ chức xét nghiệm diện rộng ngay. Số ca nhập viện ở nhiều bang cũng tăng cao kỷ lục và tổng số ca nhập viện trên toàn nước Mỹ ngày 29-10 là 46.095 ca, tăng 50 % so với 2 tuần trước đó.

Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, ngày 30-10, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã cho phép các du thuyền, tàu du lịch được hoạt động trở lại kể từ ngày 31-10-2020. Chính phủ Mỹ buộc phải để các công ty  hoạt động trở lại với một số điều kiện nhất đinh bởi ngành du lịch nói chung và dịch vụ tàu du lịch, du thuyền nói riêng đã thua lỗ hàng tỷ USD kể từ khi bị chấm dứt hoạt động sau khi đại dịch bùng phát hồi tháng Ba.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tính đến ngày 30-10, số ca mắc Covid-19 đang được điều trị  là 594.386 ca, chiếm 7,35% tổng số ca. Theo số liệu mới nhất, hiện Ấn Độ có tổng cộng 7.373.375 ca bình phục, trong đó 57.386 người đã bình phục và xuất viện trong 24 giờ qua. Tỷ lệ bình phục trên cả nước tăng lên 91,15%.

Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới. Nhiều nước ở châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua. Cụ thể, số ca nhiễm mới tại Nga đã tăng tới 18.283 ca, trong đó có 5.268 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca lên 1.599.976 ca.

Nga cũng có thêm 355 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 27.656 ca. Ukraina cũng ghi nhận cả số ca nhiễm và catử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua cao nhất từ trước đến nay, với lần lượt là 8.312 ca và 173 ca, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đến nay lên 378.729 ca, trong đó 7.041 ca tử vong.

Tình hình cũng tương tự tại Hungary với 3.286 ca nhiễm mới trong khi số bệnh nhân nhập viện cũng tăng từ 3.197 bệnh nhân trong ngày 29-10 lên 3.753 bệnh nhân. Áo ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng lên mức cao chưa từng thấy với 5.627 ca mắc mới, một ngày sau khi ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất với 4.453 ca.  Tính đến cùng ngày, quốc gia Trung Âu này công bố tổng cộng 99.576 ca mắc, trong đó có 1.082 ca tử vong.

Bỉ, hiện là quốc gia có mức độ lây nhiễm vi rút SARS-Cov-2 cao hàng đầu thế giới, tối 30-10, đã quyết định thực hiện các biện pháp “phong tỏa nghiêm ngặt” toàn quốc trong vòng 6 tuần.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã công bố các biện pháp được cho là “cơ may cuối cùng” nhằm làm chậm lại đà lây lan của đại dịch tại đất nước được mệnh danh là “trái tim của châu Âu” này.

Trong buổi họp báo sau phiên họp của Ủy ban Thống nhất về Covid-19, các biện pháp phòng dịch sẽ có hiệu lực kể từ ngày 2-11, bao gồm việc đóng cửa các cửa hàng “không thiết yếu” (các cửa hàng không phải là cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc) và quy định làm việc từ xa là yêu cầu bắt buộc đối với toàn bộ các cơ quan và doanh nghiệp.  

Thủ tướng Alexander De Croo cũng đã thông báo việc hạn chế tiếp khách đối với mỗi gia đình vào mỗi tuần chỉ là một người và kéo dài thời gian nghỉ lễ của học sinh tới ngày 15-11.     

Đề cập về mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tại Bỉ, Thủ tướng Bỉ cho biết : “Nước Bỉ đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Sức ép tại các bệnh viện hiện rất lớn và các y, bác sỹ hàng ngày đang phải dốc hết sức lực để cứu sống các bệnh nhân. Dự kiến từ nay tới giữa tháng 11, sẽ có tới 2.800 bệnh nhân nguy kịch phải điều trị tích cực” (trong khi ở Bỉ chỉ có tối đa 2000 giường hồi sức cấp cứu).

Ở Bỉ, số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện hiện cao hơn so với thời điểm đỉnh dịch của đợt dịch lần 1, hồi đầu mùa Xuân năm nay. Nước Bỉ với dân số 11,5 triệu dân, ngày 30-10 đã ghi nhận tổng cộng 6.187 bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện, trong đó có 1.057 người bệnh nguy kịch phải chăm sóc đặc biệt. Trong tuần trước, Bỉ đã ghi nhận mức lây nhiễm kỷ lục với trên 100.000 ca nhiễm mới (tức trên 15.000 ca nhiễm mới mỗi ngày).

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài tới từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ từ ngày 1-11 tới. Danh sách trên bao gồm Australia, Brunei, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam do đây là những khu vực đã hầu như kiểm soát được dịch Covid-19.

Ông Motegi cho biết Nhật Bản và Việt Nam cũng đã nhất trí khởi động lại các chuyến bay phục vụ mục đích công tác kể từ ngày 1-11. Myanmar và Jordan sẽ được bổ sung vào danh sách các nước và khu vực có công dân bị cấm nhấp cảnh, nâng tổng số nước và khu vực trong danh sách lên 152.

Ngoài ra, những người nước ngoài đi qua bất kỳ quốc gia hay khu vực nào trong danh sách trên trong vòng 14 ngày kể từ khi đi đến Nhật Bản cũng sẽ bị từ chối nhập cảnh. Đặc biệt, Nhật Bản sẽ tiếp tục tạm ngừng thỏa thuận miễn thị thực với các nước khác và hạn chế cấp thị thực mới. Điều này đồng nghĩa với việc trong phần lớn các trường hợp, khách du lịch sẽ không thể tới Nhật Bản.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30-10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.817 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 22.560 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 799 ca bệnh phát sinh và 3 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.093 ca bệnh mới và 20 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 22.560 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 142 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 931.711 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 779.363 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới. Có Việt Nam, Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh Covid-19 nào trong ngày 30-10.

Nhằm tránh tình trạng chậm trễ trong hoạt động tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp, chương trình vaccine COVAX – do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vaccine toàn cầu GAVI cùng chịu trách nhiệm – đang thiết lập một quỹ bồi thường cho các trường hợp gặp rủi ro do tiêm chủng vaccine ngừa bệnh Covid-19 ở 92 nước có thu nhập thấp.

Theo đó, chính phủ các nước này sẽ chỉ phải chi trả rất ít hoặc không phải chi trả cho các yêu cầu bồi thường từ những bệnh nhân nếu phát sinh rủi ro sau khi sử dụng vaccine do COVAX phân phối.

Theo cơ chế bồi thường, các nước sử dụng vaccine do COVAX phân phối sẽ chi trả cho các nhà sản xuất vaccine ít nhất cho đến tháng 7-2022. Nếu phát sinh rủi ro, các nạn nhân sẽ được bồi thường qua cơ chế này của COV, thay vì các hãng bảo hiểm. COVAX cho biết các nhà sản xuất vaccine không sẵn lòng cung cấp vaccine để phân phối ở những nước không bảo đảm trách nhiệm pháp lý cho họ.

Theo Báo Tin tức