Diễn biến COVID-19 tới 6h ngày 11/10: Trên thế giới số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 37,4 triệu ca

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 335.000 ca bệnh COVID-19 và trên 4.800 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 37,4 triệu ca, trong đó trên 1,07 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (74.535 ca), Mỹ (trên 47.000 ca) và Pháp (26.896 ca). 

Ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua là Ấn Độ, Mỹ và Brazil: 921 ca ở Ấn Độ, 597 ca ở Mỹ và 506 ca ở Brazil.

Châu Mỹ

10 bang tại Mỹ ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 18/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính tới sáng 11/10 (giờ Việt Nam), Mỹ có tổng cộng trên 7,9 triệu ca mắc và trên 219.000 ca tử vong.

Trước đó, số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ ngày 9/10 (giờ Mỹ) ở mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây, với hơn 58.000 ca ở khu vực miền Trung – Tây. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp khu vực này ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục.

Trong đó có các bang bang miền Trung – Tây như Indiana, Minnesota, Missouri và Ohio. Các bang Wisconsin và Illinois ghi nhận trên 3.000 ca mắc mới ngày thứ 2 liên tiếp, cũng là lần đầu tiên có 2 ngày liên tiếp ở mức cao như vậy.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ ngày 13/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Các bang miền Tây như Montana, New Mexico và Wyoming ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất, tương tự Oklahoma và Tây Virginia. Trong tháng 10 này có 19 bang đã ghi nhận mức tăng kỷ lục.

Ngày 9/10, có 7 bang thông báo số bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở mức cao nhất, gồm bang Arkansas, Kansas, Missouri, Montana, North Dakota, Oklahoma và Wisconsin. Tại miền Trung – Tây, số ca nhập viện lên gần 9.000, liên tiếp ở mức cao nhất từ hôm 5/10. Trên cả nước Mỹ, hiện có hơn 34.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tị bệnh viện, tăng 18% trong 2 tuần qua.

Mặc dù số ca tử vong do COVID-19 trên toàn quốc có xu hướng giảm bớt, song trung bình mỗi ngày dịch bệnh cướp đi tính mạng của 700 người tại Mỹ.

Canada siết chặt các biện pháp hạn chế tại các “điểm nóng” 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Toronto, Canada ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN

Ontario – tỉnh đông dân nhất Canada – vừa thông báo sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với ba “điểm nóng” là Toronto, Ottawa và khu vực Peel.

Trong số các biện pháp hạn chế mới, có việc đóng cửa các quán ăn phục vụ trong nhà, các quán bar, phòng tập thể thao, sòng bạc và rạp chiếu phim. Chính quyền Ontario cũng đề nghị người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ 12h1′ ngày 10/10 và kéo dài ít nhất 28 ngày. Các trường học và các địa điểm tôn giáo vẫn mở cửa. Việc tụ tập ở không gian ngoài trời được giới hạn ở mức 25 người.

Tỉnh Ontario đã ghi nhận 939 ca nhiễm mới tron ngày 9/10 – là mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Đáng chú ý là số ca nhiễm mới đã tăng trong 7 tuần liên tiếp, đặc biệt tăng mạnh ở Ottawa.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Toronto, Canada ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN

Còn tại tỉnh Quebec, Thủ hiến Francois Legault đã quyết định nâng cảnh báo dịch bệnh tại hầu hết các thành phố nhằm dọc sông St. Lawrence lên mức cao nhất. Từ giữa tuần sau, việc đeo khẩu trang sẽ trở thành quy định bắt buộc tại các trường trung học thuộc các khu vực bị ảnh hưởng. Thủ hiến Francois Legault đã kêu gọi người dân Quebec tránh tiếp xúc trong dịp lễ Tạ ơn cuối tuần này, khi trong 8 ngày qua thì có 7 ngày Quebec ghi nhận số ca nhiễm mới vượt quá 1.000 ca.

Số liệu cập nhật trên trang web của Chính phủ Canada cho thấy số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 180.142 ca, trong đó 9.608 ca tử vong. 

Theo các mô hình dịch bệnh của Bộ Y tế Canada, đại dịch COVID-19 sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu người dân không hạn chế tiếp xúc. Theo các mô hình này, đến ngày 17/10, số ca mắc COVID-19 tại Canada sẽ dao động trong khoảng 188.150 – 197.830 ca, với khoảng 9.690 – 9.800 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, nếu người dân giảm tần suất tiếp xúc từ 25-35%, đại dịch tại hầu hết các địa phương của Canada sẽ được kiểm soát.

Châu Á

Số ca mắc tại Ấn Độ vượt ngưỡng 7 triệu người

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm tại Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/10, Ấn Độ đã phát hiện thêm 74.535 ca mắc bệnh COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân trên cả nước lên trên 7 triệu ca, trong đó có 108.371 trường hợp tử vong. Số ca tử vong theo ngày tại Ấn Độ tiếp tục ở dưới mức 1.000 người trong ngày thứ 8 liên tiếp.

Ấn Độ đang chứng kiến tốc độ lây nhiễm virus SARS CoV-2 chậm hơn kể từ giữa tháng 9, khi số ca nhiễm theo ngày đạt mức kỷ lục 97.894 trường hợp. Tính đến thời điểm này của tháng 10, số ca COVID-19 mới trung bình tại Ấn Độ chỉ ở mức hơn 70.000 ca/ngày, trong khi tỷ lệ phục hồi đã vượt ngưỡng 85%.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo hoạt động tụ tập đông người trong các lễ hội lớn vào cuối tháng này và tháng 11 có nguy cơ khiến virus lan mạnh. Theo Tiến sĩ Randeep Guleria, một chuyên gia y tế của chính phủ, Ấn Độ phải nỗ lực để đảm bảo rằng trong những tháng mùa Đông và trong mùa lễ hội, các ca nhiễm COVID-19 không tăng đột biến. Các chuyên gia đánh giá hệ thống y tế mong manh của Ấn Độ đã được củng cố trong những tháng gần đây, nhưng vẫn có thể bị áp đảo nếu số ca nhiễm tăng mạnh.         

Trung Quốc ghi nhận 15 ca nhiễm nhập cảnh

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 30/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/10, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc ghi nhận thêm 15 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua. Toàn bộ các ca nhiễm mới đều là người từ nước ngoài trở về và không có thêm ca tử vong mới nào. 

Theo NHC, trong số các ca nhập cảnh mới có 5 ca ở Tứ Xuyên, 3 ca ở Thiểm Tây, Thiên Tân, Liêu Ninh và Thượng Hải mỗi nơi ghi nhận 2 ca và tỉnh Quảng Đông 1 ca. Như vậy, tính đến ngày 9/10, Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 85.536 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong. 80.696 bệnh nhân đã khỏi bệnh và 206 bệnh nhân đang được điều trị. 

Trong khi đó, tính đến ngày 9/10, Đặc khu hành chính Hong Kong ghi nhận tổng cộng 5.169 ca mắc COVID-19, trong đó có 105 ca tử vong. Đặc khu hành chính Macao có 46 ca nhiễm trong khi vùng lãnh thổ Đài Loan ghi nhận 527 ca nhiễm, trong đó có 7 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân được xuất viện sau khi phục  hồi ở Hong Kong là 4.906 người, ở Macao là 46 người và ở Đài Loan là 488 người

Ba ngày Hàn Quốc có số ca nhiễm mới ở mức hai con số 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26/8. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 10/10 là ngày thứ 3 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày dưới 100 ca, song giới chức nước này vẫn cảnh giác khi người dân Hàn Quốc đang trải qua kỳ nghỉ Lễ Hangul – ngày kỷ niệm bảng chữ cái Hàn Quốc ra đời (từ ngày 9-11/10).

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA), Hàn Quốc ghi nhận 72 ca nhiễm mới (gồm 61 ca lây nhiễm trong nước và 11 ca nhập cảnh) và 2 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 10/10, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay lên 24.548 ca và 430 ca tử vong.

Iran sẽ xử phạt nặng các vi phạm quy định phòng dịch 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 10/10 thông báo nước này sẽ xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về y tế tại thủ đô Tehran, trong bối cảnh số ca nhiễm mới hằng ngày dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong tuần này ở mức cao nhất.

Phát biểu tại một cuộc họp hằng tuần của nhóm phản ứng nhanh chống dịch viêm COVID-19, Tổng thống Rouhani nêu rõ trước đây Iran không áp dụng xử phạt trong việc thực thi quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nhiều biện pháp y tế phòng dịch khác, song từ nay sẽ áp dụng phạt tại thủ đô Tehran đối với các hành vi vi phạm. Cảnh sát, lực lượng bán quân sự Basij và các thanh tra y tế sẽ có thẩm quyền áp đặt hình phạt, và những người vi phạm quy định sẽ phải nộp tiền phạt vào một tài khoản ngân hàng của Bộ Y tế trong vòng 2 tuần. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 29/9. Ảnh: THX/TTXVN

Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt bao gồm không thực hiện cách ly khi bị bệnh và không đeo khẩu trang ở nơi công cộng hoặc không yêu cầu khách hàng của mình thực hiện quy định này. Mức phạt từ 500.000 rial (1,60 USD) đối với việc không đeo khẩu trang, 10 triệu rial (32,80 USD) đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định y tế.

Các mức phạt trên là khoản tiền không nhỏ đối với người dân Iran, trong bối cảnh nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái sâu kể từ khi Washington tái áp đặt các trừng phạt kinh tế đối với nước này năm 2018. Mức lương tháng tối thiểu ở Iran chỉ khoảng 18 triệu rial.

Số ca tử vong theo ngày vì COVID-19 tại Iran đã lên đến con số kỷ lục 239 ca hôm 7/10 vừa qua. Số ca nhiễm mới theo ngày cũng ở mức cao nhất 4.392 ca ngày 8/10. Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 28.000 người ở Iran trong số hơn 492.300 người mắc bệnh. Chính quyền thủ đô Tehran đã đóng cửa hầu hết các điểm công cộng và hủy các sự kiện công cộng trong 1 tuần qua nhằm kiềm chế dịch lây lan. Các biện pháp này đã được gia hạn đến ngày 14/10.

Châu Âu

Số ca nhiễm mới tại Nga, Ba Lan cao nhất từ khi dịch bùng phát

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga, ngày 17/5. Ảnh: AFP/ TTXVN

Làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới đang trở lại châu Âu, khi nhiều nước ở khu vực này trong vài ngày gần đây liên tục công bố số ca mắc mới tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3 vừa qua. 

Nga ngày 10/10 ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày cao nhất, với 12.846 ca, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 1.285.084 ca. Trong 24 giờ qua, tại Nga cũng có thêm 197 ca tử vong do COVID-19, theo đó dịch bệnh COVID-19 đã cướp đi sinh mạng tổng cộng 22.545 người tại nước này.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Zakopane, Ba Lan ngày 4/10. Ảnh: PAP/TTXVN

Do số ca nhiễm hàng ngày tăng mạnh, thủ đô Moskva bắt đầu kiểm tra hộ chiếu của những khán giả đến các nhà hát Sovremennik, Lenkom, Romen và một loạt địa điểm khác. Theo quy định mới, những người trên 65 tuổi và các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính sẽ không được phép vào các nhà hát này. 

Tuy nhiên, chính quyền thủ đô Moskva vẫn chưa đưa ra tín hiệu về quyết định áp đặt các biện pháp cách ly ngặt nghèo như trước đây do lo ngại những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế. Moskva đứng đầu về số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, trong bối cảnh số ca bệnh ở nước này đang ở ngưỡng tương đương thời kỳ đỉnh trong làn sóng COVID-19 thứ nhất. 

Cùng ngày, Ba Lan thông báo 24 giờ qua nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao chưa từng thấy, với 5.300 ca. Hiện Ba Lan đã siết chặt các biện pháp phòng dịch như bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường. Đến nay, Ba Lan có tổng cộng 121.638 ca mắc với 2.972 ca tử vong do COVID-19. 

Số ca tử vong hằng ngày tại Ukraine lần đầu tiên vượt 100 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine ngày 30/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine ngày 10/10 thông báo trong 24 giờ qua tại nước này có thêm 108 ca tử vong do COVID-19, đánh dấu lần đầu tiên số ca tử vong hằng ngày vượt con số 100. Đến nay, Ukraine đã ghi nhận tổng cộng 256.266 ca mắc COVID-19, bao gồm 4.887 ca tử vong. 

Trước đó, Chính phủ Ukraine cho biết nước này sẽ mở thêm nhiều bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng xấu đi hiện nay. Ukraine cũng đang cân nhắc tăng cường các biện pháp phong tỏa sau khi nới lỏng các biện pháp này hồi tháng 6 để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Trong quý II/2020, kinh tế Ukraine đã giảm 11,4%. 

Đức có thêm 4.721 ca nhiễm mới

Số liệu báo cáo của Viện Robert Koch (RKI) của Đức ngày 10/10 cho thấy số ca mắc mới trong 24 giờ qua tại nước này là 4.721 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 319.381 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng tăng 15 ca so với ngày trước đó, lên tổng cộng 9.604 ca. 

Italy lo sợ làn sóng dịch bệnh thứ hai

Chú thích ảnh
Sinh viên đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Rome, Italy ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Italy đang lo sợ xảy ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tương tự như ở Anh, Pháp và Tây Ban Nha khi nước này có trên 5.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. 

Theo Bộ Y tế Italy, ngày 9/10, nước này ghi nhận thêm 5.372 ca nhiễm mới, tăng gần 1.000 ca so với một ngày trước đó, và là mức cao nhất kể từ giữa tháng 4 đến nay. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn so với từ 12.000-19.000 ca trong 24 giờ qua ở Anh, Pháp và Tây Ban Nha. 

Cố vấn của chính phủ Italy trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Walter Ricciardi cảnh báo số ca nhiễm mới tại nước này có thể tăng cao như tại 3 nước nói trên khi mùa Đông đến và mùa cúm xảy ra vào thời điểm giao mùa giữa mùa Đông và mùa Xuân. Ông cho biết số ca mắc COVID-19 ở Italy có thể lên tới 16.000 ca/ngày, gây áp lực rất lớn cho hệ thống y tế trong nước.

CH Séc cân nhắc phong tỏa do số ca nhiễm tăng nhanh nhất châu Âu

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Praha, CH Séc ngày 18/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 tại CH Séc tiếp tục diễn biến rất nghiêm trọng. Bộ Y tế CH Séc cho biết nước này đã ghi nhận thêm 8.618 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 9/10, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 109.374 ca, trong đó 905 ca tử vong. Nếu so sánh, nước Ba Lan láng giềng đã ghi nhận 5.300 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cũng là mức cao nhất ở nước này.

Số liệu của Trung tâm Ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh châu Âu ngày 9/10 cho thấy CH Séc có số ca nhiễm tính trên 100.000 dân tăng nhanh nhất ở châu Âu.   

Phát biểu trước báo giới ngày 9/10, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis nhấn mạnh tình hình dịch tại nước này đang rất nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi người dân không nên xem nhẹ mối đe dọa dịch bệnh và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng Babis tuyên bố không loại trừ khả năng chính phủ sẽ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc để khống chế làn sóng thứ hai của dịch. Tuy nhiên, ông đảm bảo chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong trường hợp phong tỏa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Roman Prymula cảnh báo số ca nhiễm tăng nhanh ảnh hưởng tới năng lực đáp ứng của các bệnh viện cũng như các nhân viên y tế. Hiện Chính phủ Séc đang kêu gọi các sinh viên y khoa tham gia hỗ trợ tại những nơi cần thiết.

Anh cân nhắc siết chặt phòng dịch tại xứ England

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 lên xe cứu thương tại London, Anh ngày 20/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson dự kiến sẽ thông báo một hệ thống phong tỏa gồm 3 bước vào tuần tới, trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm tăng nhanh đặc biệt ở Bắc England. Trưởng nhóm cố vấn chiến lược của Thủ tướng, ông Edward Lister đã viết thư gửi các nghị sĩ đại diện cho vùng Bắc England cảnh báo rằng “nhiều khả năng” vùng này sẽ phải áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn. Thư nêu rõ: “Chính phủ sẽ thảo luận một loạt biện pháp với các lãnh đạo địa phương”.

Hiện các vùng Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland áp dụng các hệ thống y tế riêng biệt, do chính quyền vùng đưa ra. Vùng England dự kiến đưa ra hệ thống gồm 3 cấp trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm đã tăng trở lại từ tháng 9. Theo đó, mức cao nhất là mức 3 sẽ quy định nhiều hạn chế hơn hiện nay, như áp dụng giới nghiêm đối với các hộp đêm, đóng cửa các cơ sở đón khách như nhà hàng, khách sạn… Mọi tiếp xúc xã hội ngoài người thân trong gia đình sẽ không được phép, kể cả diễn ra ngoài trời.

Đến nay, trên 42.000 người đã tử vong vì COVID-19 tại Anh, mức cao nhất châu Âu. Lo ngại ngày càng gia tăng về làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ gây tử vong cao hơn, kèm theo tác động kinh tế và xã hội. 

Thùy Dương/Báo Tin tức