Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 28/12: Thế giới đã vượt 81 triệu ca, trong đó trên 1,77 triệu ca tử vong.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 389.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.700 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 81 triệu ca, trong đó trên 1,77 triệu ca tử vong.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (27/12) có thêm một ca nhiễm là người nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.441 trường hợp.  

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 16.799.  

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.303/1.441 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 8 ca; số ca âm tính lần hai là 8 ca, số ca âm tính lần ba là 8 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Delhi, Ấn Độ ngày 19/12. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 112.000 ca), Anh (30.501 ca) và Nga (28.284 ca). 

Tổng số ca mắc của toàn thế giới đã vượt 81 triệu ca, tính tới 6 giờ sáng 28/12 (giờ Việt Nam).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.031 ca), Nga (552 ca) và Đức (345 ca). 

Từ sáng 27/12, nhiều nước Liên minh châu Âu đã đồng loạt khởi động chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 cho những đối tượng ưu tiên.

Châu Á

Israel phong tỏa toàn quốc lần thứ ba

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tel Aviv, Israel ngày 26/12. Ảnh: THX/TTXVN

Từ 17h ngày 27/12 giờ địa phương (22h giờ Việt Nam cùng ngày), Israel bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong năm nay để phòng dịch COVID-19. 

Đợt phong tỏa lần này dự kiến kéo dài ít nhất 2 tuần. Trong thời gian phong tỏa, người dân không được đến nhà người khác, không được đi ra ngoài bán kính 1.000 mét cách nơi sinh sống, ngoại trừ các mục đích như đi tiêm phòng dịch, khám chữa bệnh, tập thể dục cá nhân, đi làm hoặc đi học ở những địa điểm được cấp phép…, với điều kiện tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Mức phạt cho mỗi trường hợp vi phạm là 500 NIS (khoảng 155 USD).

Ngoài ra, các hoạt động công cộng như mua sắm, giải trí cũng sẽ phải tạm ngừng, trừ các cửa hàng phục vụ các mặt hàng thiết yếu. Trường phổ thông sẽ tạm cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 10 nghỉ học. Các cơ quan, doanh nghiệp chỉ được phép nhiều nhất 10 người hoặc không quá 50% tổng số nhân viên đến chỗ làm, trừ một số trường hợp đặc biệt. 

Trước đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel đang trong “thời điểm hệ trọng”, vì vậy người dân cần “tuân thủ đợt phong tỏa ngắn hạn và chặt chẽ” này. Theo ông, với chiến dịch tiêm vaccine khẩn cấp kết hợp với lệnh phong tỏa, Israel sẽ “thanh toán” dịch COVID-19 trong vài tuần và sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới làm được việc này.

Mặc dù đợt phong tỏa lần này được dự đoán sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Israel khoảng 1,5-3 tỷ USD, song Quốc hội Israel vẫn bỏ phiếu thông qua, trong bối cảnh số bệnh nhân COVID-19 trong nước không ngừng tăng. Tính đến ngày 27/12, tại Israel đã có gần 400.000 ca nhiễm, trong đó có 3.210 người tử vong. Trong vòng 24 giờ qua đã có thêm hơn 3.600 ca mắc mới được chính thức ghi nhận.

Hàn Quốc không nâng cấp độ giãn cách xã hội ở khu vực thủ đô    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại trung tâm xét nghiệm tạm thời ở ngoại ô Seoul, Hàn Quốc ngày 26/12. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Chính phủ Hàn Quốc ngày 27/12 đã quyết định không nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao nhất bất chấp số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Nước này chỉ gia hạn quy định giãn cách xã hội hiện tại ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận cho đến ngày 3/1.

Trong những ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở quốc gia này đều ở trên 1.000 ca và mới giảm xuống dưới mức này trong ngày 27/12 (970 ca). Chính phủ Hàn Quốc vẫn đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh mà không nâng cấp độ giãn cách xã hội tại những khu vực trên vì cho rằng quyết định này sẽ “giáng một đòn nặng” lên hàng triệu người buôn bán nhỏ lẻ.

Tại các khu vực khác, mức giãn cách xã hội ở cấp độ 2 sẽ được áp dụng cho đến ngày 3/1. Phát biểu trong cuộc họp liên ngành về ứng phó dịch COVID-19, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun một lần nữa kêu gọi mọi người tiếp tục chung tay và hợp tác thực hiện các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2.

Nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập, Hàn Quốc đã tạm dừng tất cả các chuyến bay từ Anh cho đến ngày 31/12 sau khi quốc gia châu Âu này thông báo biến thể SARS-CoV2 mới được cho là lây lan nhanh hơn nhiều. Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của Anh, biến thể mới được cho là lây truyền nhanh hơn từ 50-70% so với các biến thể khác ở Anh.

Hiện các quan chức Hàn Quốc đang xem xét chủng virus SARS-CoV2 trên thi thể một công dân nước này vừa trở về từ Anh có phải là biến thể mới hay không. Cụ ông ngoài 80 tuổi này đã tự cách ly tại nhà ở Goyang, phía Tây Bắc Seoul, sau khi từ Anh về ngày 13/12. Ông qua đời sáng 26/12 tại một bệnh viện sau khi bị ngừng tim. Các mẫu bệnh phẩm của người này cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày 27/12, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Noh Young-min cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế và người cao tuổi từ tháng 2/2021. Ông Noh đưa ra phát biểu trên trong cuộc thảo luận về chính sách giữa các quan chức phủ tổng thống, chính phủ và đảng cầm quyền tại Quốc hội Hàn Quốc. Ông Noh lưu ý về số lượng, chính phủ đã đảm bảo đủ vaccine để bảo vệ người dân và việc tiêm chủng cho nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ bắt đầu vào tháng 2/2021. Quan chức trên bày tỏ hy vọng Hàn Quốc sẽ đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trong một khung thời gian tương tự hoặc nhanh hơn so với nước ngoài.

Trung Quốc ghi nhận thêm 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/12. Ảnh THX/TTXVN

Ủy ban Y tế Trung Quốc ngày 27/12 thông báo Trung Quốc có 22 ca nhiễm mới, trong đó có 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 10 ca nhập cảnh.

Trong số 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 7 ca tập trung tại tỉnh Liêu Ninh và 5 ca tại thủ đô Bắc Kinh.     

Tính đến ngày 27/12, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 86.955 ca nhiễm, nhưng hiện chỉ còn 334 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị.

Iran mở rộng lệnh giới nghiêm tại 330 thành phố và thị trấn

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi trên đường phố ở Mashhad, Iran ngày 7/11. Ảnh: THX/TTXVN

Iran đã mở rộng lệnh giới nghiêm ban đêm tại 330 thành phố và thị trấn trong nỗ lực nhằm duy trì những kết quả tích cực gần đây trong công tác phòng chống dịch bệnh tại nước này. 

Theo đó, lệnh giới nghiêm đang được áp dụng từ 21h ngày hôm trước đến 4h sáng ngày hôm sau, hiện đang được áp dụng tại 108 thành phố ở “mức cam” tương ứng với tình hình dịch bệnh có nguy cơ trung bình, sẽ được mở rộng sang các thành phố ở “mức vàng” có nguy cơ dịch bệnh thấp hơn. 

Theo Bộ Y tế Iran, trong 24 giờ qua, nước này có 119 ca tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 13/9 và 5.502 ca nhiễm mới, thấp nhất kể từ ngày 22/10. Iran là hiện quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 với 1.200.465 ca nhiễm và 54.693 ca tử vong.

Australia: Người dân Sydney chờ quyết định về sự kiện mừng Năm mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Sydney, Australia ngày 18/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 27/12, Sydney – thành phố đông dân nhất của Australia thuộc bang New South Wales, tiếp tục ghi nhận những ca nhiễm mới trong bối cảnh hơn 250.000 cư dân thành phố đang chờ đợi quyết định của chính phủ nước này về việc tổ chức các sự kiện đón mừng Năm mới. 

Theo báo cáo ngày 27/12, Australia ghi nhận 7 ca nhiễm mới tại bang New South Wales, trong đó có tới 6 ca nhiễm có liên quan trực tiếp đến ổ dịch bùng phát tại bãi biển phía Bắc của Sydney. Do lo ngại ổ dịch có nguy cơ bùng phát tại các bãi biển, Australia từ ngày 23/12 đã siết chặt quy định người dân ở yên trong nhà. 

Trả lời báo giới, Thủ hiến bang Gladys Berejiklian bày tỏ hy vọng sẽ có thông tin cụ thể liên quan Năm mới gửi tới người dân vào ngày mai (28/12) hoặc muộn nhất vào ngày 29/12. 

Do vị trí địa lý, Australia là một trong những nước đón mừng khoảnh khắc đầu tiên của Năm mới, do đó hằng năm tại nước này thường diễn ra sự kiện đếm ngược hết sức sôi động và hoành tráng đón mừng Năm mới. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Chính phủ Australia vẫn chưa đưa ra quyết định có hay không tổ chức các sự kiện trong năm nay, trong khi chỉ còn chưa đầy 4 ngày sẽ bước sang thời khắc chuyển giao sang Năm mới 2021. Nhiều kế hoạch vui chơi của người dân đã đổ bể do chính quyền các bang tập trung vào các biện pháp khống chế dịch bệnh. 

Châu Âu

Áo cảnh báo làn sóng dịch thứ ba ở châu Âu

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Vienna, Áo ngày 27/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ngày 26/12 cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ 3 trên toàn châu Âu trong năm tới với số ca lây nhiễm tăng mạnh và tình hình có thể sẽ trở lại bình thường vào mùa Hè tới.

Phát biểu trên kênh truyền hình ORF, Thủ tướng Kurz nhấn mạnh châu Âu chắc chắn sẽ phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong quý đầu tiên của năm 2021 khi làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát với số ca lây nhiễm tăng mạnh trở lại ở nhiều nước châu Âu. Ông cũng cho rằng khi nhiệt độ tăng cao hơn kết hợp với số ca tiêm chủng rộng rãi hơn, tình hình dịch bệnh có thể bớt căng thẳng và nhiều nước có thể trở lại cuộc sống bình thường vào mùa Hè tới. Với Áo, từ ngày 26/12, Chính phủ Áo đã siết chặt trở lại các quy định về phòng chống COVID-19 sau thời gian nới lỏng ngắn, theo đó người dân chỉ có thể được rời khỏi nơi ở khi có lý do phù hợp. Các quy định hạn chế tiếp xúc và đi lại này sẽ được áp dụng trong 3 tuần, cho tới ít nhất ngày 17/1/2021.

Nhiều nước châu Âu bắt đầu tiêm chủng

Một số nước châu Âu đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm 1 ngày trước khi toàn Liên minh châu Âu (EU) chính thức triển khai chiến dịch ngày 27/12. Hungary, Slovakia và Đức nằm trong số các nước đã triển khai tiêm những mũi vaccine đầu tiên trong ngày 26/12. 

Theo thông báo của Chính phủ Hungary, các bác sĩ và điều dưỡng viên tại một bệnh viện ở Budapest đã được tiêm chủng vaccine do Pfizer/BioNTech hợp tác sản xuất. Việc tiêm vaccine được thực hiện ngay sau khi Hungary nhận được lô vaccine đầu tiên để có thể tiêm phòng cho 4.875 người thuộc diện ưu tiên số một. Tính đến ngày 28/12, Hungary ghi nhận gần 316.060 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 9.047 ca tử vong và đây là một trong số nước có tỷ lệ tử vong cao nhất xét về dân số trong EU.

Tại Slovakia, bác sĩ y khoa và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Vladimir Krcmery là người đầu tiên được tiêm chủng vào tối 26/12. 

Chú thích ảnh
 Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Frankfurt, Đức ngày 16/12. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi tại Đức, cụ bà 101 tuổi Edith Kwoizalla ở thành phố Halberstadt, bang Sachsen-Anhalt, là người đầu tiên ở Đức được tiêm phòng. Việc tiêm phòng ở Đức được thực hiện miễn phí và tự nguyện. Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn, trong những tháng tới sẽ có thêm các loại vaccine được phê chuẩn sử dụng và nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, đến giữa năm 2021, vaccine sẽ được tiêm chủng rộng rãi cho cả những đối tượng ngoài 3 nhóm ưu tiên. Ông cũng cho rằng sau đó, đại dịch sẽ hầu như được kiểm soát tốt. Trong ngày 26/12, các lô vaccine đầu tiên cũng đã được chuyển tới các bang ở Đức trên các xe vận tải có kho lạnh và được cảnh sát hộ tống. 

Sáng 27/12, Italy đã bắt đầu tiến hành tiêm cho các đối tượng ưu tiên sau khi nước này nhận được 9.750 liều vaccine của hai hãng Pfizer/BioNTech. Giáo sư Maria Rosaria Capobianchi, y tá Claudia Alivernini và nhân viên y tế xã hội Omar Altobelli là 3 người đầu tiên ở Italy được tiêm vaccine COVID-19 tại Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Spallanzani ở Rome.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy ngày 7/12. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 27/12 được xem là ngày vaccine tại Italy và châu Âu (V-Day). Viết trên mạng xã hội Twitter nhân ngày này, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết: “Chúng tôi bắt đầu tiêm cho các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị tổn thương nhất và sau đó mở rộng để tiêm chủng cho toàn dân nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và tiêu diệt dứt điểm loại virus này”. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho rằng, “Hôm nay là ngày mà chúng tôi đã chờ đợi từ lâu”. Tuy nhiên, ông cảnh báo, Italy sẽ phải tiếp tục chống chọi với dịch bệnh trong một vài tháng nữa và Italy cần tuân thủ các quy tắc phòng dịch.

Tại Tây Ban Nha, một cụ bà 96 tuổi sống trong viện dưỡng lão Los Olmos tại tỉnh Guadalajara, miền Trung nước này đã trở thành người đầu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Sau đó, một điều dưỡng tại cơ sở này đã trở thành người tiếp theo được tiêm vaccine. 

Viện dưỡng lão Los Olmos được chọn là nơi đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19 do địa điểm này nằm gần một kho của hãng Pfizer, nơi cất giữ những vaccine được vận chuyển từ Bỉ đến Tây Ban Nha vào ngày 26/12 trước khi được phân phối rộng rãi trên toàn quốc. Đến nay, chưa phát hiện ca mắc COVID-19 nào tại viện dưỡng lão trên.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại London, Anh ngày 8/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ Anh sẽ triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Đại học Oxford phát triển từ ngày 4/1/2021 theo những kế hoạch đã được các bộ trưởng trong Nội các lựa chọn. 

Chính phủ Anh hy vọng sẽ tiêm liều vaccine đầu tiên của Đại học Oxford, được cấp phép sản xuất cho công ty dược phẩm AstraZeneca, hoặc sản phẩm của Pfizer cho 2 triệu người trong 2 tuần tới.

Cũng theo báo Sunday Telegraph, vaccine do Đại học Oxford phát triển dự kiến sẽ được các cơ quan quản lý dược phẩm cấp phép lưu hành sau vài ngày tới.

Pháp để ngỏ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa lần 3

Chú thích ảnh
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 16/12. Ảnh: THX/TTXVN

Pháp không loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa cả nước lần thứ 3 nếu số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng. 

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã đưa ra tuyên bố khi trả lời báo Journal du Dimanche ngày 27/12 trên trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại quốc gia châu Âu này đối mặt với đợt bùng phát dịch sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. 

Ông Olivier Veran nhấn mạnh Pháp không loại trừ bất cứ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ người dân nước này. Ông cho biết cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Ở thời điểm hiện tại, Pháp ghi nhận khoảng 15.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Ngày 25/12, Pháp xác nhận ca đầu tiên nhiễm VUI-202012/01 – biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Anh gần đây. 

Sự xuất hiện của VUI-202012/01 đã khiến hơn 50 nước cấm mọi hoạt động đi lại với Anh. Sau lệnh cấm kéo dài 48 giờ, Pháp đã mở cửa biên giới giữa hai nước cho phép công dân của nước này về nhà cũng như tạo điều kiện thông quan hàng hóa tại cửa khẩu giữa hai nước.

Cũng trong ngày 27/12, Pháp đã bắt đầu nhận được những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Pfizer-BioNTech. Đây là loại vaccine sẽ được nước này sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng đại trà.   

Châu Mỹ

Chuyên gia cảnh báo tình hình tồi tệ hơn sau những ngày nghỉ lễ ở Mỹ

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 21/12. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 27/12, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo điều tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 vẫn chưa đến và sẽ đẩy nước Mỹ vào “tình trạng nguy kịch” khi người dân đi du lịch nhiều trong kỳ nghỉ lễ làm tăng sự lây lan của virus SARS-COV-2.

Trả lời phỏng vấn trên CNN, ông Fauci cho biết “tôi có chung mối lo ngại với Tổng thống đắc cử Joe Biden rằng khi chúng ta bước vào các tuần tiếp theo, (tình hình dịch bệnh) thực sự có thể trở nên tồi tệ hơn”.

Trước đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden cảnh báo những ngày tồi tệ nhất của nước Mỹ đang ở phía trước chứ không phải những ngày đã qua.

Cùng với Tiến sĩ Fauci, Tổng Y sĩ của Mỹ Jerome Adams cũng cho biết ông rất lo ngại về nguy cơ gia tăng các ca nhiễm COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ.

Mặc dù trong năm nay, du lịch vào mùa lễ hội đã giảm đáng kể, tuy nhiên các ca lây nhiễm COVID-19 vẫn tăng đáng kể. Sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vào tháng trước, các ca nhiễm COVID-19 ở  Mỹ đã tăng mạnh, với khoảng 200.000 ca nhiễm mới và khoảng 3.000 người chết mỗi ngày.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Canada

Chú thích ảnh

Giới chức y tế tỉnh Ontario – tỉnh đông dân nhất Canada – đã xác nhận một cặp đôi sống ở khu vực Durham là 2 trường hợp đầu tiên tại Canada nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Biến thể mới này được cho là lây lan dễ dàng và nhanh hơn so với phiên bản gốc, nhưng không gây chết người nhiều hơn.

Theo chính quyền Ontario, không có bằng chứng cho thấy các loại vaccine được Bộ Y tế Canada phê duyệt sẽ kém hiệu quả hơn với biến thể mới của virus. Biến thể mới lần đầu tiên được xác định ở Vương quốc Anh nhưng sau đó đã được phát hiện ở một số quốc gia khác như Đan Mạch, Bỉ, Australia và Hà Lan.

Ontario – nơi biện pháp phong tỏa được áp dụng trên toàn tỉnh từ ngày 26/12 – đã phải chứng kiến hơn 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong 12 ngày qua. Trong ngày 26/12, Ontario có thêm 2.142 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo quy định mới, các nhà hàng ở Ontario chỉ được phép phục vụ thức ăn mang về. Chính quyền các tỉnh Ontario, Manitoba và Quebec đã ra lệnh đóng cửa các cửa hàng bán lẻ các sản phẩm không thiết yếu, trong khi các siêu thị và hiệu thuốc phải tuân thủ quy định về giãn cách và bị giới hạn về công suất hoạt động.

Các quy định mới đang ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm trong Ngày lễ tặng quà, buộc người tiêu dùng ở nhiều nơi trên đất nước phải tìm kiếm các giao dịch trực tuyến thay vì xếp hàng và chen chúc trong các cửa hàng.

Canada hiện đã có hơn 552.019 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 14.963 người đã tử vong.

Peru ngăn ngừa nguy cơ bùng phát ổ dịch tại các bờ biển

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Lima, Peru. Ảnh: AFP/TTXVN

Tướng Jorge Angulo – người đứng đầu cảnh sát vùng Lima thông báo giới chức Peru đã ban hành quy định hạn chế người dân nước này tới các bãi biển nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng phát ổ dịch tại đây. 

Tướng Angulo cho biết quy định này nhằm hạn chế việc tập trung đông người tại địa điểm công cộng, qua đó tránh nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2. Các lực lượng vũ trang, cảnh sát và an ninh từ cấp địa phương được huy động tham gia giám sát thực hiện quy định trên. 

Bộ Y tế Peru cảnh báo số ca mắc COVID-19 tại Peru sẽ còn tăng. Báo cáo mới nhất tính đến ngày 28/12 cho thấy Peru ghi nhận tổng cộng 1.006.318 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 37.414 ca tử vong.

Châu Phi

Số bệnh nhân tại Nam Phi vượt quá 1 triệu người

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp tại trường Trung học nữ sinh Pretoria, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng – Pv TTXVN tại Nam Phi

Ngày 27/12, Nam Phi thông báo tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này đã vượt mốc 1 triệu người, sau khi ghi nhận thêm 9.502 trường hợp nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua.

Phát biểu tại buổi họp báo tối cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết tính đến hết ngày 27/12, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 1.004.413 người, trong đó bao gồm 26.735 ca tử vong và 844.874 trường hợp đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Mkhize, tốc độ lay lan virus SARS-CoV-2 tại quốc gia hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 tại châu Phi đã tăng với cấp số nhân trong thời gian gần đây, từ 900,000 ca lên mốc 1 triệu chỉ trong vòng 9 ngày qua và trước đó đã tăng từ 800.000 lên 900.000 trưởng hợp trong vòng 2 tuần.

Ai Cập khẩn trương đối phó với làn sóng thứ hai

Chú thích ảnh
Robot khám bệnh cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Tanta, bắc Cairo, Ai Cập ngày 3/12. Ảnh: THX/TTXVN

Nội các Ai Cập ngày 27/12 đã nhóm họp nhằm thảo luận những diễn biến mới nhất của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như đưa ra một số quy định mới để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh sau khi quốc gia Bắc Phi này ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại những ngày gần đây.

Phát biểu sau cuộc họp, người phát ngôn Nội các Ai Cập Nader Saad cho biết chính phủ nước này quyết định áp dụng mức phạt 50 bảng Ai Cập (3,2 USD) đối với những người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng bắt đầu từ ngày 2/1/2021 tới.

Trên thực tế, Chính phủ Ai Cập từng áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng kể từ ngày 30/5 vừa qua và những người vi phạm sẽ bị phạt tiền lên tới 4.000 bảng Ai Cập (256,4 USD). Tuy nhiên, chính sách này dường như không phát huy hiệu quả, khi rất nhiều người dân Ai Cập không tuân thủ đầy đủ quy định, đặc biệt sau khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này có dấu hiệu giảm bớt trong vài tháng trước.

Bên cạnh đó, theo ông Saad, Ai Cập cũng sẽ hủy các hoạt động đón mừng Năm Mới để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời cấm tụ tập đối với các sự kiện tổ chức trong nhà như tang lễ hay đám cưới. Các lễ hội và sự kiện tập trung đông người khác cũng sẽ tạm dừng cho đến khi có thông báo tiếp theo. Ngoài ra, các nhà hàng và khách sạn chỉ được phép hoạt động 50% công suất, song sẽ bị phạt 4.000 bảng Ai Cập và buộc đóng cửa một tuần nếu phát hiện vi phạm.

Trong cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed thông báo quốc gia này đã chuẩn bị tổng cộng 363 bệnh viện để sẵn sàng đối phó với làn sóng COVID-19 thứ hai, trong đó có 338 bệnh viện có thể tiếp nhận các trường hợp cần cách ly và sàng lọc ca nhiễm bệnh. Hiện thủ đô Cairo đứng đầu cả nước về số ca mắc COVID-19, theo sau là thành phố Alexandria, tỉnh Qaliubiya và tỉnh Giza.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục Đại học Abdel Ghaffar nhận định rằng số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập có thể cao hơn so với con số ghi nhận, đồng thời giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng COVID-19 thứ hai tại quốc gia này sẽ bắt đầu trong tháng 1/2021 và kéo dài đến nửa đầu tháng 2/2021.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng hơn 131.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 7.350 ca tử vong. 

Thùy Dương/Báo Tin tức